I. Dấu câu
- Dấu câu là phương tiện ngữ pháp dùng trong chữ viết.
- Dấu câu dùng thích hợp thì bài viết được người đọc hiểu rõ hơn, nhanh hơn. Không dùng dấu câu, có thể gây ra hiểu lầm.
- Có trường hợp vì dùng sai dấu câu mà thành ra sai ngữ pháp, sai nghĩa. Cho nên quy tắc về dấu câu cần được vận dụng nghiêm túc.
- Tuy vậy, cũng có trường hợp vận dụng quy tắc dấu câu cũng ít nhiều có tính chất linh hoạt. Nói chung, đó là khi mà dù không dùng dấu câu, ranh giới cũng đã rõ và không gây ra lầm lẫn.
- Hiện nay, tiếng Việt dùng 11 dấu câu là:
+ dấu chấm (.)
+ dấu hỏi (?)
+ dấu cảm (!)
+ dấu lửng (…)
+ dấu phẩy (,)
+ dấu chấm phẩy (;)
+ dấu hai chấm (:)
+ dấu ngang (–)
+ dấu ngoặc đơn ()
+ dấu ngoặc kép (“ ”)
+ Dấu móc vuông (dấu ngoặc vuông) ([ ])
II. Tác dụng của dấu câu trong tiếng Việt
- Tác dụng của dấu câu trong tiếng Việt là làm rõ trên mặt chữ viết một cấu tạo ngữ pháp, bằng cách chỉ ranh giới giữa các câu, giữa các thành phần của câu đơn, giữa các vế của câu ghép, giữa các yếu tố của ngữ và của liên hợp.
- Nói chung, nó thể hiện ngữ điệu lên trên câu văn, câu thơ. Cho nên, có trường hợp nó không phải chỉ là một phương tiện ngữ pháp, mà còn là phương tiện để biểu thị những sắc thái tế nhị về nghĩa của câu, về tư tưởng, về cả tình cảm, thái độ của người viết.
III. Bài tập minh họa
Bài tập: Phát hiện lỗi về dấu câu và thay vào đó các dấu câu thích hợp:
a. Sao mãi tới giờ anh mới về, mẹ ở nhà chờ anh mãi. Mẹ dặn là: “Anh phải làm xong bài tập trong chiều nay”.
b. Từ xưa trong cuộc sống lao động và sản xuất nhân dân ta có truyền thống yêu thương nhau giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn gian khổ. Vì vậy có câu tục ngữ lá lành đùm lá rách.
c. Mặc dù đã qua bao nhiêu năm tháng. Nhưng tôi vẫn không quên được những kỉ niệm êm đềm thời học sinh.
Phương pháp giải:
- Dựa vào nội dung Dấu câu và tác dụng dấu câu trong tiếng Việt
- Chú ý nghĩa của các câu, mục đích (hỏi, cảm thán, khẳn định,..) để phát hiện lỗi sai và chọn dấu câu thích hợp
Lời giải chi tiết:
a. Sao mãi tới giờ anh mới về? Mẹ ở nhà chờ anh mãi. Mẹ dặn là anh phải làm xong bài tập trong chiều nay.
b. Từ xưa trong cuộc sống lao động và sản xuất, nhân dân ta có truyền thống yêu thương nhau giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, gian khổ. Vì vậy có câu tục ngữ lá "lành đùm lá rách".
c. Mặc dù đã qua bao nhiêu năm tháng, nhưng tôi vẫn không quên được những kỉ niệm êm đềm thời học sinh.