I. Khái niệm văn bản tường trình
- Văn bản tường trình là một loại văn bản thông tin được tổ chức theo thể thức riêng, có nội dung trình bày về một vụ việc đang cần được xem xét, làm rõ và giải quyết.
- Người viết tường trình là người có liên quan đến vụ việc, có trách nhiệm cung cấp thông tin xác thực theo phạm vi quan sát, nhận thức của mình cho cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ đó.
II. Thể thức của văn bản tường trình
- Phía trên cùng văn bản ghi quốc hiệu và tiêu ngữ (chính giữa dòng).
- Tiếp đó, ghi địa điểm và thời gian viết tường trình (góc bên phải).
- Tên văn bản tường trình ghi chính giữa. Dòng trên ghi ba chữ BẢN TƯỜNG TRÌNH (chữ in hoa), dòng dưới ghi: Về việc...
- Dưới tên văn bản, ghi tên người hoặc cơ quan nhận bản tường trình sau cụm từ Kính gửi.
- Nếu thông tin về người viết tường trình (họ và tên, chức danh; chức vụ, đơn vị học tập, công tác,...), có thể bắt đầu bằng cụm từ Tôi tên là... hoặc Tôi là...
- Ghi nội dung chính: thuật lại vụ việc với đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm, những người có liên quan, nguyên nhân, diễn biến, hậu quả, người chịu trách nhiệm.
- Ghi lời cam đoan về sự khách quan, trung thực của nội dung tường trình cùng lời hứa hoặc đề nghị đối với người (cơ quan) xử lý vụ việc. Sau cùng, người viết tường trình kí và ghi đầy đủ họ, tên.
Lưu ý: Nếu bản tường trình được viết tay, chú ý chừa lề hợp lí; không viết sát mép giấy bên trái, bên phải, không để phần trên trang giấy có khoảng trống quá rộng. Nếu bản tường trình được đánh máy, cần dùng khổ giấy A4; phông chữ tiếng Việt Times New Roman; cỡ chữ thường là 13 – 14; lề trang cách mép trên và mép dưới 20 – 25 mm, cách mép trải 30 – 35 mm, cách mép phải 15 - 20 mm,...
III. Quy trình viết văn bản tường trình
1. Trước khi viết
- Hình dung lại mọi chuyện đã xảy ra theo những gì em biết và còn nhớ rõ
- Nếu vụ việc được tường trình chỉ mang tính chất giả định, hãy chú ý đến tư cách tường trình của bản thân, thông qua việc tự đặt các câu hỏi
- Để xác định được những thông tin cụ thể cho bản tường trình, em có thể nghĩ đến những vụ việc thường xảy ra như: đánh nhau, mất xe tại nơi gửi xe ở trường, làm thiệt hại đồ dùng của nhà trường…
2. Viết bản tường trình
- Viết phần mở đầu theo đúng thể thức
- Tên văn bản tường trình phải thể hiện được nội dung khái quát nhất của vụ việc
- Đề tên người hoặc cơ quan nhận bản tường trình
- Trình bày vụ việc ngắn gọn như rõ ràng, đảm bảo có đủ các thông tin về thời gian, địa điểm, người liên quan, nguyên nhân, diễn biến và hậu quả để lại… Cần nói rõ tư cách, trách nhiệm của em trong vụ việc
- Nêu cam kết về tính trung thực của nội dung tường trình
- Nêu lời hứa hoặc lời đề nghị
- Kí và ghi đầy đủ họ tên ở phần dưới cùng, lệch góc phải trang giấy
3. Chỉnh sửa bản tường trình
Dựa vào phần Thể thức của văn bản tường trình để tự rà soát và chỉnh sửa:
Nội dung rà soát | Hướng dẫn chỉnh sửa |
Tên văn bản đã phản ánh đúng nội dung chính được tường trình chưa? | Nếu chưa phải sửa lại cho phù hợp. |
Sự việc tường trình đã đầy đủ, cụ thể chưa? | Nếu thấy chi tiết nào thừa thì lược bỏ, chi tiết nào thiếu thì bổ sung. Cần sắp xếp các chi tiết theo một trình tự hợp lí. |
Tư cách, vai trò của bản thân trong vụ việc đã xác định rõ ràng chưa? | Nếu chưa, cần sửa lại để làm rõ, bản thân là người gây hậu quả hay chịu hậu quả, là người phải chịu trách nhiệm hay người làm chứng. |
Có chỗ nào diễn đạt như văn nói không? | Loại bỏ từ ngữ địa phương, lời nói mang tính chất khẩu ngữ, những tiếng lóng (nếu có). |
Hình thức bản tường trình đã được trình bày đúng quy cách chưa? | Chỉnh sửa theo thể thức của văn bản tường trình đã giới thiệu và bản tường trình tham khảo ở trên. |