I. Giải câu đố về loài chim
Mỏ cũng như dùi Luôn gõ “cộc cộc” Cây nào sâu đục Có tôi! Có tôi! (Là chim gì?) |
Kêu lên tên thật Lẩn quất bụi tre Vào những ngày hè Ngẩn ngơ đứng gọi. (Là chim gì?) |
Mỏ dài lông biếc Trên cành lặng yên Bỗng vụt như tên Lao mình bắt cá. (Là chim gì?) |
Giải đố:
- Câu đố số 1: chim gõ kiến
- Câu đố số 2: chim quốc
- Câu đố số 3: chim bói cá
II. Từ ngữ chỉ đặc điểm của loài vật
1. Tìm từ chỉ đặc điểm của loài vật
Ví dụ:
- Chích bông: nhỏ xíu, nhỏ bé, kêu lích chích,....
- Mèo: xinh xắn, đáng yêu, lông mềm mượt, bé nhỏ, nhanh nhẹn,...
- Công: lộng lẫy, lông mượt, sặc sỡ, rực rỡ, ...
- Sóc: nhanh nhẹn, thoăn thoắt, khéo léo, ....
- Thỏ: trắng muốt, nhút nhát, nhanh nhẹn, đáng yêu
- Nai: hiền lành, ngơ ngác, ...
2. Hỏi đáp về đặc điểm của loài vật
M:
Hỏi: - Gấu có thân hình như thế nào?
Đáp: - Thân hình gấu to lớn.
Hỏi: - Gấu đi như thế nào?
Đáp: - Gấu đi lặc lè.
Lời giải chi tiết:
Hỏi: - Mèo có thân hình như thế nào?
Đáp: - Nhỏ bé
Hỏi: Mèo có khả năng gì đặc biệt?
Đáp: Mèo biết bắt chuột.
III. Điền dấu chấm, dấu phẩy vào đoạn văn về loài vật
Chọn dấu chấm hoặc dấu phẩy thay cho chỗ trống.
Vào ngày hội, đồng bào các buôn xa .....bản gần nườm nượp kéo về buôn Đôn ..... Tất cả đều đổ về trường đua voi.
Khi lệnh xuất phát vang lên, voi cuốn vòi chạy trong tiếng reo hò của người xem cùng tiếng chiêng .... tiếng trống ...... tiếng khèn vang dậy
(Theo Ay Dun và Lê Tấn)
Phương pháp:
- Dấu phẩy: ngăn cách giữa các từ cùng chỉ sự vật, các từ cùng chỉ đặc điểm hoặc các từ cùng chỉ hoạt động.
- Dấu chấm: dùng để kết thúc câu, sau dấu chấm phải viết hoa.
Lời giải chi tiết:
Vào ngày hội, đồng bào các buôn xa, bản gần nườm nượp kéo về buôn Đôn. Tất cả đều đổ về trường đua voi.
Khi lệnh xuất phát vang lên, voi cuốn vòi chạy trong tiếng reo hò của người xem cùng tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng khèn vang dậy.