Bài 3: Đọc: Họa mi hót

Sách kết nối tri thức với cuộc sống

Đổi lựa chọn

I. Ghi nhớ bài Họa mi hót

1. Nội dung

Họa mi tới báo hiệu mùa xuân về. Tiếng hót của họa mi làm cho sự vật trên bầu trời và mặt đất như đẹp hơn, lấp lánh hơn và tràn đầy sức sống hơn.

2. Liên hệ 

Yêu thiên nhiên và cảnh vật xung quanh mình.

II. Tìm hiểu nội dung bài Họa mi hót

1. Chú thích

- Họa mi: loài chim nhỏ, lông màu nâu vàng, trên mí mắt có vành lông trắng, giọng hót rất trong và cao.

- Luồng sáng: ánh sáng di chuyển theo một chiều nhất định.

- Lộc: lá mới bắt đầu mọc vào mùa xuân.

- Dìu dặt: âm thanh lúc nhanh, lúc chậm một cách nhịp nhàng và êm nhẹ.

2. Nội dung bài học 

a, Tiếng hót của họa mi (Từ đầu đến “... kì diệu”)

- Họa mi cất tiếng hót khi mùa xuân về.

- Mọi vật có sự thay đổi kì diệu khi họa mi cất tiếng hót.

b, Sự thay đổi của cảnh vật khi tiếng chim họa mi cất lên (Tiếp đến “... đang đổi mới”)

- Sự vật trên bầu trời: 

+ Trời bỗng sáng ra

+ Những luồng sáng chiếu qua những chùm lộc mới nhú, rực rỡ hơn

+ Da trời bỗng xanh hơn

+ Những làn mây trắng trắng hơn, xốp hơn, trôi nhẹ nhàng hơn.

- Những gợn sóng trên hồ trở nên lấp lánh thêm.

- Những sự vật trên mặt đất:

+ Các loài hoa như chợt bừng tỉnh giấc, xòe những cánh hoa đẹp, bày đủ các màu sắc xanh tươi.

+ Các loài chim dạo lên những khúc nhạc tưng bừng, ngợi ca núi sông đang đổi mới.

c, Niềm vui của họa mi (còn lại)

- Mọi vật bừng tỉnh giấc nhờ tiếng hót kì diệu của họa mi.

- Họa mi thấy lòng vui sướng, cố hót hay hơn.

III. Hướng dẫn đọc bài Họa mi hót

- Đọc với tốc độ phù hợp, nghỉ hơi sau mỗi đoạn.

- Đọc với giọng đọc chậm rãi, vui tươi, nhẹ nhàng, thể hiện niềm vui của chim, mây, nước, hoa khi nghe tiếng chim họa mi hót, khi đón mùa xuân tới.

- Chú ý đọc một số từ khó: luồng sáng, rực rỡ, trong suốt, gợn sóng, vui sướng, ....

- Ngắt nghỉ đúng ở những câu dài: (Da trời / bỗng xanh hơn, / những làn mây trắng trắng hơn,/xốp hơn,/trôi nhẹ nhàng hơn;....)