I. Ôn tập chủ điểm Con người Việt Nam
1. Mai An Tiêm
- Nội dung chính: Giải thích sự xuất hiện quả dưa hấu. Thấy được vợ chồng Mai An Tiêm là người cần cù, chăm chỉ, dám nghĩ dám làm, thông minh, sáng tạo cũng rất hiếu thảo với vua cha.
- Liên hệ: Chăm chỉ, yêu lao động
- Nhân vật: Mai An Tiêm, vợ Mai An Tiêm, nhà vua.
- Chi tiết: Vua đẩy vợ chồng Mai An Tiêm ra đảo hoang, hai vợ chồng Mai An Tiêm trồng dưa hấu ngoài đảo hoang, hai vợ chồng Mai An Tiêm tìm cách đưa dưa hấu về đất liền dâng lên vua cha.
- Đoạn văn/ Đoạn thơ hay:
Mùa quả chín, nhờ vua cha, An Tiêm khắc tên mình vào quả, thả xuống biển, nhờ sóng đưa vào đất liền. Một người dân vớt được quả lạ đem dâng vua. Vua hối hận cho đón vợ chồng An Tiêm trở về.
2. Thư gửi bố ngoài đảo
- Nội dung chính: Tình cảm mà người con dành cho người bố đang làm nhiệm vụ ngoài đảo xa
- Liên hệ: Yêu quý và biết ơn những người chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài đảo xa.
- Nhân vật: bạn nhỏ và bố
- Chi tiết: bạn nhỏ viết thư gửi bố ngoài đảo xa
- Đoạn văn/ Đoạn thơ hay:
Bà bảo: hàng rào biển
Là bố đấy, bố ơi
Cùng các chú bạn bố
Giữ đảo và giữ trời.
3. Bóp nát quả cam
- Nội dung chính: Trần Quốc Toản tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã có lòng yêu nước và căm thù giặc.
- Liên hệ:
+ Có tinh thần yêu nước
+ Biết ơn những vị anh hùng dân tộc
- Nhân vật: Trần Quốc Toản, nhà vua
- Chi tiết: Trần Quốc Toản đợi gặp vua xin đánh giặc, Trần Quốc Toản bóp nát quả cam
- Đoạn văn/ Đoạn thơ hay:
Vua cho Quốc Toản đứng dậy, ôn tồn bảo:
- Quốc Toản làm trái phép nước, lẽ ra phải trị tội. Nhưng còn trẻ mà đã biết lo việc nước, ta có lời khen.
Nói rồi, vua ban cho Quốc Toản một quả cam.
Quốc Toản ấm ức bước lên bờ: "Vua ban cho cam quý nhưng xem ta như trẻ con, không cho dự bàn việc nước". Nghĩ đến quân giặc ngang ngược, cậu nghiến răng, hai bàn tay bóp chặt.
Khi trở ra, Quốc Toản xoè tay cho mọi người xem cam quý. Nhưng quả cam đã nát từ bao giờ.
4. Chiếc rễ đa tròn
- Nội dung chính: Bác Hồ yêu thương mọi người, mọi vật. Một chiếc rễ đa rơi xuống đất, Bác cũng muốn trồng cho rễ mọc thành cây. Trồng rễ cây, Bác cũng nghĩ cách trồng để cây lớn lên thành chỗ vui chơi cho các cháu thiếu nhi.
- Liên hệ:
+ Kính yêu Bác Hồ
+ Yêu cây xanh, yêu thiên nhiên
- Nhân vật: Bác Hồ, chú cần vụ
- Chi tiết: Bác Hồ dạy chú cần vụ cách trồng chiếc rễ đa, thiếu nhi đến thăm vườn Bác rất thích chơi ở chỗ có chiếc rễ đa năm xưa Bác trồng
- Đoạn văn/ Đoạn thơ hay:
Chủ cần vụ thắc mắc:
- Thưa Bác, Bác làm thế để làm gì ạ?
Bác khẽ cười:
- Rồi chú sẽ biết.
Nhiều năm sau, chiếc rễ đã lớn và thành cây đa con có vòng lá tròn. Thiếu nhi vào thăm vườn Bác, em nào cũng thích chơi trò chui qua chui lại vòng lá ấy. Lúc đó, mọi người mới hiểu vì sao Bác cho trồng chiếc rễ đa thành hình tròn như thế.
II. Ôn tập chủ điểm Việt Nam quê hương em
1. Đất nước chúng mình
- Nội dung chính: Việt Nam là đất nước tươi đẹp của chúng mình. Hà Nội là thủ đô của nước ta. Nước chúng ta có truyền thống ngàn năm lịch sử anh hùng, khí hậu mỗi miền đa dạng, có nền văn hóa đặc sắc.
- Liên hệ: Yêu quê hương, đất nước
- Đoạn văn/ Đoạn thơ hay:
Việt Nam là đất nước tươi đẹp của chúng mình. Thủ đô nước mình là Hà Nội. Lá cờ Tổ quốc hình chữ nhật, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
2. Trên các miền đất nước
- Nội dung chính: Mỗi một vùng miền trên đất nước ta đều mang những nét đẹp riêng. Chúng ta cần biết yêu và trân trọng mỗi một vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng mà ông cha ta đã gìn giữ lại cho đến ngày nay.
- Liên hệ:
+ Yêu quê hương, đất nước
+ Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
- Đoạn văn/ Đoạn thơ hay:
Vậy là chúng ta đã đi qua ba miền Bắc, Trung, Nam của đất nước. Nơi nào cũng để lại biết bao tình cảm mến thương.
3. Chuyện quả bầu
- Nội dung chính: Câu chuyện giải thích nguồn gốc các dân tộc trên đất nước ta. Các dân tộc đều chung một nguồn gốc, đều là anh em của nhau, chúng ta cần phải biết đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.
- Liên hệ: Yêu quý bạn bè, yêu quý các dân tộc anh em
- Đoạn văn/ Đoạn thơ hay:
Một hôm, đi làm nương về, họ nghe tiếng cười đùa từ gác bếp để quả bầu. Thấy lạ, họ lấy quả bầu xuống, áp tai nghe thì có tiếng lao xao. Người vợ bèn lấy que dùi quả bầu. Lạ thay, từ trong quả bầu, những con người bé nhỏ bước ra. Người Khơ Mú ra trước. Tiếp đến, người Thái, người Mường, người Dao, người Hmông, người Ê-đê, người Ba-na, người Kinh,... lần lượt ra theo.
Đó là tổ tiên của các dân tộc anh em trên đất nước ta ngày nay.
4. Khám phá đáy biển ở Trường Sa
- Nội dung chính: Trường Sa là vùng biển của Tổ quốc ta. Trường Sa thuộc về chủ quyền của đất nước ta. Dưới đáy biển Trường Sa là một thế giới kì thú với rất nhiều động vật kì bí, xinh đẹp.
- Liên hệ: Yêu và bảo vệ biển đảo Tổ quốc
- Đoạn văn/ Đoạn thơ hay:
Nhắc đến Trường Sa, ngoài các đảo, người ta nhắc đến biển. Mà biển thì có muôn vàn điều kì thú. Thám hiểm đáy biển ở Trường Sa của nước ta sẽ thấy bao điều thú vị.
5. Hồ Gươm
- Nội dung chính: Hồ Gươm nằm ở thủ đô Hà Nội. Hồ Gươm có Tháp Rùa, có cầu Thê Húc, có đền Ngọc Sơn. Hồ có tên gọi là Hồ Gươm vì nó gắn với sự tích vua Lê trả gươm cho rùa vàng sau khi thắng trận.
- Liên hệ:
+ Yêu mến và có ý thức bảo vệ, giữ gìn Hồ Gươm
+ Yêu và bảo vệ những nét đẹp truyền thống của dân tộc
- Đoạn văn/ Đoạn thơ hay:
Cầu Thê Húc màu son, cong cong như con tôm, dẫn vào đền Ngọc Sơn. Mái đền lấp ló bên gốc đa già, rễ lá xum xuê. Xa một chút là Tháp Rùa, tường rêu cổ kính. Tháp xây trên gò đất giữa hồ, cỏ mọc xanh um.
6. Cánh đồng quê em
- Nội dung chính: Vẻ đẹp của cánh đồng lúa cũng là hình ảnh đẹp của làng quê Việt Nam.
- Liên hệ: Yêu và giữ gìn vẻ đẹp của làng quê Việt Nam
- Đoạn văn/ Đoạn thơ hay:
Sóng xanh cuộn chân trời
Cánh đồng như tranh vẽ
Bé ngân nga hát khẽ
Trong hương lúa mênh mông.