Bài 2: Luyện tập: Luyện từ và câu

Sách kết nối tri thức với cuộc sống

Đổi lựa chọn

I. Khái niệm về từ

Từ là đơn vị nhỏ nhất dùng để tạo câu.

Ví dụ: học sinh, giáo viên, quần áo, học, viết, xinh xắn, cao lớn,…

II. Từ chỉ sự vật

Những từ chỉ người, con vật, đồ vật, cây cối, thời gian.. được gọi là từ chỉ sự vật.

Ví dụ: học sinh, giáo viên, con mèo, đồng hồ, cây cau,…

- Những từ trả lời cho câu hỏi Ai? Là từ chỉ người.

=> Ví dụ: bộ đội, công an, ông, bà, bố, mẹ,…

- Những từ trả lời cho câu hỏi Con gì? là từ chỉ con vật.

=> Ví dụ: con mèo, con gà, con chuột,…

- Những từ trả lời cho câu hỏi Cái gì? là từ chỉ đồ vật

=> Ví dụ: cái quạt, cái chổi, cái khăn mặt,…

- Những từ trả lời cho câu hỏi Cây gì? là từ chỉ cây cối.

=> Ví dụ: cây cau, cây lúa, cây táo,…

- Những từ trả lời cho câu hỏi khi nào? Lúc nào? Là từ chỉ thời gian

=> Ví dụ: mùa hè, buổi tối, mùa đông, ban ngày, sáng sớm,…

III. Từ chỉ hoạt động

Những từ chỉ hành động của người, con vật được gọi là từ chỉ hoạt động.

- Từ chỉ hoạt động trả lời cho câu hỏi làm gì?

=> Ví dụ: nhặt rau, quét nhà, đi học, nấu cơm

IV. Khái niệm về câu

Câu được cấu tạo bởi các từ.

Ví dụ: Phong đang quét nhà.

V. Câu giới thiệu Ai là gì

- Câu giới thiệu là câu nhằm đưa ra thông tin, nhận xét về một sự vật (người, con vật, đồ vật, cây cối,…) nào đó.

- Cấu tạo của câu giới thiệu

Ai (cái gì, con gì) + là gì?

- Ví dụ:

+ Bác Nguyệt là bác sĩ.

+ Anh Tùng là học sinh cấp 2.

+ Mèo mun là người bạn của em.