Sống có đạo đức bao giờ cũng là lối sống đẹp, nhưng thật nguy hại nếu đó lại là đạo đức giả. Rất đơn giản như chính cái tên của lối sống ấy, đạo đức giả là lối sống giả tạo nhằm che đậy những điều xấu xa đớn hèn trong bản chất. Giống như “khẩu phật tâm xà”, “miệng nam mô mà bụng một bồ dao găm”, đạo đức giả không dễ có thể nhận ra những độ nguy hại của nó thì không thể tưởng tượng được. Kẻ đạo đức giả sẽ luôn thể hiện mình là người tốt, với một lớp vỏ bọc hoàn hảo của đạo đức, nụ cười luôn thường trực và lời lẽ thì luôn ngọt như mía lùi. Những người ấy luôn chiều lòng tất cả mọi người, “gió chiều nào thì nghiêng chiều đó”, thế nên luôn nhận được sự yêu quý, thân thiện. Nhưng thực chất động cơ của những nụ cười, câu nói, hành động đẹp đẽ ấy là toan tính xấu xa, là mong muốn thấp hèn. Đó có thể là phiếu bầu trong một cuộc bầu cử, là điểm cộng trong một kì thi, là thăng tiến trong một vị trí nào đó, thậm chí như tiên Đế Thích trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt, tìm đủ mọi cách để khuyên Trương Ba sống, hoá ra mục đích chính của hắn là “ông là lẽ tồn tại của tôi”. Chính lối sống dung tục, tầm thường sẽ khiến con người mất đi nhân cách, đổ vỡ niềm tin, bởi “cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra”. Không ai có thể che đậy mãi cái vỏ bọc của mình, một khi ta gặp khó khăn, chính những kẻ ồn ào nhất lại là những kẻ đầu tiên bỏ ta đi. Lúc đó chúng ta không chỉ sụp đổ niềm tin, mà những giá trị đạo đức, văn hoá dường như cũng lẫn lộn xuy vong. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể một lần nào đó “đạo đức giả” như thế, muốn tránh được điều đó đòi hỏi bản lĩnh, lòng dũng cảm, và tinh thần trách nhiêm nữa. Lòng tốt thật luôn phải bắt đầu tự sự chân thành, từ tận sâu trong trái tim, là sự vô tư không vụ lợi.
Nguồn: Sưu tầm