MB1
Năm 1939, đang hoạt động sôi nỗi trong phong trào Thanh niên dân chủ, Tố Hữu bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam ở Huế. Bài thơ Tâm tư trong tù được Tố Hữu sáng tác trong nhà lao Thừa phủ. Ta hãy tìm hiểu tâm tư của người chiến sĩ Cách mạng trẻ tuổi đang hăm hở say mê hành động vì lí tưởng bỗng bị tù đày, sống cô đơn tách biệt với bên ngoài qua bài thơ Tâm tư trong tù.
MB2
Bài thơ Tâm tư trong tù được Tố Hữu sáng tác trong thời gian ông bị kẻ thù bắt giam tại xà lim hoàn toàn cách biệt với cuộc sống bên ngoài ở nhà lao Thừa Thiên. Đối với một thanh niên mới mười chín tuổi vừa được giác ngộ cách mạng, đang hăng say hoạt động giữa bạn bè đồng chí với bao niềm vui sướng tin yêu bồng bột, có phần lãng mạn thì việc bị bắt giam như thế là một bước ngoặt gây xáo động mạnh mẽ trong tâm hồn. Có lẽ vì thế mà Tâm tư trong tù đã thể hiện rất chân thật những cảm xúc, những nhận thức của một người trẻ tuổi, một người chiến sĩ lần đầu tiên bị giam hãm trong tù ngục, đó là nỗi cô đơn và niềm khao khát tự do, là tâm trạng phấn chấn vì tự đấu tranh được với mình, là lời thề giữ vững ý chí và quyết tâm chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng.
MB3
Thơ Tố Hữu là sự phơi trải tâm tư của chính nhà thơ với cuộc đời. Toàn bộ tập thơ Từ ấy là tiếng lòng của một thanh niên khao khát lý tưởng, tự ca hát niềm vui lớn của mình khi bắt gặp lý tưởng cộng sản, được chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng ấy. Tập thơ còn như một cuốn nhật ký tâm hồn, ghi lại tất cả những suy nghĩ, tâm tư của một người cộng sản trẻ tuổi lần đầu tiên đối mặt với gian khổ, chốn lao lúng. Tâm tư trong tù là một bài thơ như thế.
MB4
Từ ấy là tập thơ đầu của người thanh niên Tố Hữu đã giác ngộ lí tưởng cách mạng. Người đọc có thể nhận ra hình ảnh người chiến sĩ cách mạng ấy khi anh còn hoạt động ở giữa cuộc sống của nhân dân và cả khi anh đã bị bắt giam trong nhà tù của đế quốc. Qua tâm trạng của nhà thơ trong Tâm tư trong tù, ta thấy người chiến sĩ cách mạng không chỉ là một con người như mọi người mà còn có thêm những phẩm chất mà con người thường chưa có được.
MB5
Thơ là tiếng nói của trái tim. Thơ bắt nguồn từ trái tim người làm thơ, bộc lộ cảm xúc trào dâng trong huyết quản của mình để dẫn nguồn mạch cảm xúc ấy đến độc giả, để trái tim mình cùng rung lên nhịp điệu của cuộc sống muôn người. Trường hợp ấy thật đúng với Tố Hữu, con người riêng hòa vào cuộc đời chung, thơ là tiếng nói đồng cảm, đồng tình, đồng chí. Với cuộc đời, Tố Hữu hăm hở tham gia vào cuộc đấu tranh chung, với thi ca Tố Hữu góp một ngọn lửa thơ. “Tâm tư trong tù” là bức tranh tâm trạng thực, phản ánh những trăn trở tâm hồn của người chiến sĩ trẻ trong những ngày bị giam giữ ở nhà lao Thừa Phủ – Huế.