KB1
Đám tang lão Goriô kết thúc quyển tiểu thuyết này, khép lại cuộc đời ông Goriô, nhưng nó lại mở ra với cuộc đời của Rastignac. Ta biết rằng sang những tiểu thuyết khác, nhà văn để cho nhân vật đó ngày càng leo cao trên nấc thang danh vọng, nhưng chẳng còn đâu tâm hồn trong sáng của chàng sinh viên nghèo ngụ tại quán trọ của bà Vauquer ngày xưa.
KB2
Một đám tang của kẻ già nua, cô đơn và nghèo hèn. Số tiền làm lễ ở nhà thờ, tiền đọc kinh cầu nguyện lúc hạ huyệt, tiền đãi công phu đào huyệt, và tiền thuê đòn đám ma - bấy nhiêu khoản tiền, ai bố thí cho lão Gô-ri-ô? Cha cố và con chiên, cha và con,... tất cả đều vì tiền. Bằng những chi tiết chân thực, cụ thể, Ban-dắc đã làm hiện lên một đám tang của kẻ nghèo hèn trong cái xã hội kim tiền, tình đời đen bạc. Chúng ta hãy đọc lên vần thơ này để ai điếu lão Gô- ri-ồ bất hạnh:
... “Ai chết đó? Trục xoay và bánh đẩy,
Xe tang đi về tận thế giới nào ?
Chiều đông tàn lạnh xuống tự trời cao,
Không lửa ấm, chắc hồn buồn lắm đó... "
(Nhạc sầu - Huy Cận)
KB3
Đoạn trích Đám tang lão Gô-ri-ô đã phơi bày bộ mặt đen tối, tàn ác của xã hội Pháp thời bấy giờ mà ở đó "đồng tiền là một vị chúa tể khiến người ta phải cúi lạy". Tất cả những thứ như tình thân, tình yêu, lòng nhân đạo hay ngay cả tình cảm tôn giáo vốn thiêng liêng cao cả cũng đều bị tha hóa. Tuy phê phán, nhưng Ban-dắc cũng thể hiện một cái nhìn đầy trân trọng về những tình cảm tốt đẹp, nhân văn của con người với nhau, mặc dù chúng chỉ chợt lóe lên rồi tàn lụi trong suốt không gian lạnh lẽo bạc ác này.
KB4
Đám tang lão Gô-ri-ô là đoạn trích tập trung những nét tiêu biểu về nghệ thuật hiện thực của Ban-dắc. Qua đó nhà văn đã miêu tả chân thực và lột tả thành công bản chất thối nát của xã hội kim tiền – xã hội mà đồng tiền, tham vọng và những ham muốn hèn mọn được đặt lên trên cả tình cha con, gia đình, chà đạp lên mọi mối quan hệ giữa con người với con người… Thực ra, đồng tiền và danh vọng dù trong bất cứ xã hội nào đều có một sức mạnh vạn năng mà con người thật khó cưỡng lại.
KB5
Với cái nhìn của một nhà văn hiện thực mang tư tưởng duy vật, Ban-dắc đã phát hiện ra quy luật nghiệt ngã của xã hội đồng tiền. Bằng một cái nhìn biện chứng về mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh, nhà văn đã phát hiện và mô tỉ tỉ mỉ quá trình tha hoá của con người. Con người là sản phẩm của hoàn cảnh điển hình chính là nguyên tắc sáng tạo của chủ nghĩa hiện thực. Kết cục bi thảm của số phận lão Gô-ri-ô là một tất yếu cho lối sống, quan điểm sống và tham vọng của lão.