Không biết rằng trên cõi đời này, ai đã đọc và tự đặt câu hỏi tác giả của bốn câu trên là ai và họ viết làm gì. Không biết rằng trên cõi đời này, ai hay cái gì đã khiến cho ai đó phải thốt lên não nề như kia. Không biết và không biết. Chắc có lẽ Nam Cao cũng thế. Phải chăng ông cũng chẳng hay biết gì đến lời than với thân, than với trời của Từ, bởi khi kết thúc truyện ngắn “Đời thừa”, ông lại bỏ lửng câu hát ru của Từ. Dường như câu hát ra này là dấu chấm hỏi mà Nam Cao vô tình hay cố tình đặt vào cuộc đời Từ. Nhưng không, cái dấu chấm hỏi mà Nam Cao đặt vô tình hay cố tình lại là cái dấu chấm than mà ông, dương như đã có tính trước, đặt vào cuộc đời chồng của Từ – văn sĩ Hộ. Ông chấm than cho cái tài của Hộ, cho cái lương tâm nghề nghiệp, cho cái đẹp trong con mắt Hộ. Dấu chấm than như một cung điệu cao vút đang rung nhịp giữa đời Hộ, giữa cái xã hội thực dân nửa phong kiến này. Không biết rằng trên cõi đời này, có ai đã từng hỏi sao Nam Cao lại chấm dấu chấm than kia đẹp đến thế kia? Không biết và không biết. Phải chăng chỉ còn mỗi Nam Cao mới biết ông đang làm gì. Ông cứ chấm than dài mãi để rồi kết thúc bằng dấu chấm hết cho cuộc đời Hộ. Hộ bế tắc, túng quẫn và cuộc đời của văn sĩ này bắt đầu “khốn nạn”, lắm những đau thương.
Con người Hộ, dưới ngòi bút của Nam Cao, là một người có tài trong việc “ngòi bút thơ”. Quả thế, Hộ “là một nhà văn”. Và anh muốn qua ngòi bút của mình để có thể mang đến tình thương, tình yêu của một con người cho tha nhân. Không biết rằng trên cõi đời này, sẽ có bao nhiêu người như Hộ, nhất là vào cái thời mà phong kiến, thực dân chia để trị này? Quá lớn lao, quá cao cả, quá con người! Nhưng Nam Cao lại đẩy anh vào một tình huống mà đến trời cũng có thể khó giải quyết được. Cuộc đời của “gã trẻ tuổi say mê lí tưởng” “vốn nghèo” nãy đã gặp được Từ. Hoàn cảnh đưa đẩy đã khiến cho Hộ và Từ nên vợ nên chồng. Hộ lấy Từ vì Hộ thương cho hoàn cảnh của Từ và anh muốn sống để nuôi Từ. Nhưng có lẽ chính vì lòng thương người của Hộ đã đẩy anh vào cuộc sống “áo cơm ghì sát đất”. Nó đã phản bội anh. Lòng thương người của Hộ đã bắt anh phải hận đời, hận người. Hộ đã nghèo, nay còn khốn khổ hơn. Khi còn một thân một mình, cái nghề viết lách là nguồn thu nhập chủ yếu của Hộ và có thể chỉ nuôi được mỗi mình anh. Thế mà bây giờ đây, cái nghề viết lách kia phải gánh thêm cái nợ vợ con Hộ trên vai. Văn sĩ này phải viết “vội vàng” những tác phẩm “nhạt nhẽo”, “một vài ý rất thông thường quấy loãng trong thứ văn bằng phẩng và quá ư dễ dãi”. Anh là một nhà văn yêu nghề, lương tâm nghề nghiệp đúng đắn mà bây giờ đây lại phải “dối trá”, “bất lương” như một kẻ hèn nhát, “tiểu nhân thị oai”. Quả thế, Hộ quan niệm “sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Không chỉ riêng hộ, mà mỗi người trên thế giới này, nếu là con người thì họ đều sống theo quan niệm của mình. Thế mà cái số phần “áo cơm ghì sát đất” này đã bắt Hộ không được làm người, nếu chưa bàn đến sẽ trở thành một thú vật, khi Hộ không thể sống theo điều anh đã quan niệm. Khốn khổ và khốn nạn thế đấy! Không biết rằng trên cõi đời này, sẽ có ai thấu hiểu được nỗi đau tinh thần này? Không biết và không biết.
Vì Hộ là một văn sĩ có lương tâm và anh muốn qua những tác phẩm của mình, tình thương người sẽ được đưa đến khắp nơi, nên Hộ rất muốn có “một tác phẩm nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm khác cùng ra một thời”. Ai dám cho rằng đây là sự kênh kịu của Hộ, sự kênh kịu của một kẻ “vốn nghèo”, lại “đê tiện” thế đây? Con người ta cũng có thể nghĩ như thế nhưng quả thật, Hộ đáng thương hơn là đáng ghét. Bởi xét như Hộ là một văn sĩ luôn biết “đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán” thì không lý nào ước mơ kia lại là sư kiêu ngạo. Và anh muốn anh sẽ chỉ có một quyển sách thôi, một tác phẩm do chính ông viết “sẽ ăn giải Nô-ben và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu”.
Tưởng chừng như bi kịch về nghề nghiệp của Hộ đã là quá đủ đối với anh nhưng không, cái xã hội này không tha cho anh. Nó vẫn bắt anh phải chịu những bi kịch khác. Và rồi bao nhiêu tài năng lẫn cái đức độ của Hộ lại trở thành cái cớ, cái nền rất chắc cho những bi kịch sau này anh phải chịu. Nếu như chính cái tài năng viết văn của mình, hay thậm chí chỉ là quan niệm “văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” đã khiến cho Hộ phải “lãnh đủ” cái thối tha, cái dối trá, cái bất lương thậm chí là cái đê tiện của một kẻ “ngòi bút thơ” cẩu thả, vội vàng; thì chính cái lòng thương người của anh lại là một trợ lực rất chắc, một hậu phương vững vàng cho cái bi kịch về lòng thương người. Không biết rằng trên cõi đời này, sẽ còn một người nào khác mà cuộc đời của họ giống như Hộ, đầy rẫy những mâu thuẫn trong tâm hồn. Không biết và không biết. Có lẽ Hộ là người duy nhất. Và chắc Nam Cao cũng là người duy nhất ác đến mức phải đẩy hết nhân vật của mình vào những hoàn cảnh, xem ra thì những nhân vật này có lẽ làm chó sướng hơn. Lật lại những tác phẩm của Nam Cao, Chí Phèo lẫn lão Hạc đều cũng phải sống trong những hoàn cảnh khốn khổ, khốn nạn. Nếu như Hộ phải chịu sự mâu thuẫn về tinh thần thì Chí Phèo lại phải suốt ngày say khướt để rồi om xòm làng xóm cùng bầy chó, cũng như lão Hạc phải kết thúc cuộc đời mình bằng bả chó. Qủa thật làm chó sướng hơn.
Có lẽ Nam Cao là một nhà văn thiếu đi một “lương tâm”, mà cái xã hội thối nát xưa cần có, là giả dối, là đê tiện. Ông đã thương thì phải thương đến cùng. Từ khi mở đầu cho “Đời thừa”, Nam Cao dường như đã vô tình đặt lòng thương người của Hộ vào Từ. Họ lấy nhau và rồi tưởng chừng như Hộ sẽ yêu thương Từ mãi mãi. Nhưng “sông có khúc, con người có lúc”. Quả thế, đã có lúc khi nghĩ về gia đình mình, Hộ “đã đứng phắt dậy, mắt chan chứa nước” và bắt đầu giận ghét Từ. Một cơn “điên người lên” chưa từng thấy ở Hộ đã có thể dường như thay đổi toàn bộ bộ mặt của Hộ, thậm chí là giết chết Hộ. Bởi nếu anh là một con người có lòng thương người tha thiết thì hẳn Hộ đã không có những hành động như thế. Khốn khổ và khốn nạn thế đấy! Nhưng anh không phải là người dễ chiều theo cái thói “điên người lên” của mình. Hộ đã kết thúc nó bằng cách lao vào cơn say mèn của rượu chè. Lại thêm một Chí Phèo nữa. Nhưng lần này Nam Cao lại “nhẹ tay” hơn khi vẫn để cho văn sĩ Hộ còn sống, tỉnh ra và nhận thấy cái dối trá, bất lương, đê tiện của chính mình. Không biết rằng trên cõi đời này, sẽ còn một nhà trí thức nào có một cuộc sống như Hộ. Không biết và không biết.
Và chắc có lẽ rằng Nam Cao không phải là người duy nhất khi khắc họa nên bi kịch của một người trí thức. Người đời còn có thể thấy được bị kịch này trong nỗi niềm của Nguyễn Khuyến.
“Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi”
Nguyễn Khuyến như đang vạch trần bộ mặt đê hèn của lối học giả, hư danh xưa. Những người trí thức thật, những “tiến sĩ thật” thì dường như đã bị xã hội vùi dập trong vũng sâu của thời đại. Dù có tài giỏi hay đạo đức đến đâu, khốn khổ cũng như khốn nạn là đây!
Con người đời này khi đọc lại tác phẩm “Đời thừa” của Nam Cao, có lẽ dường như tất cả đều không khỏi ngạc nhiên về cách miêu tả nhân vật rất sắc sảo đến như vậy. Không biết rằng trên cõi đời này, sẽ có ai khác có thể nhập vai nhân vật tuyệt vời như Nam Cao? Không biết và không biết. Nam Cao như hóa thân chính mình vào hoàn cảnh đó để rồi từ tâm lí, lời nói, cách xưng hô, hành động, suy nghĩ đều rất phù hợp. Tác phẩm chỉ kéo dài một ngày từ sáng hôm trước đến sáng hôm sau mà tâm lí nhân vật văn sĩ Hộ đã được toát lên cách đặc biệt và Hộ dường như trở thành đại diện cho giới tri thức trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
Xuyên suốt quá trình khắc họa vẻ đẹp nhân vật Hộ, Nam Cao đã nhiều lần đưa chính ông, Hộ và cả người đọc quay đi quay về với quá khứ và hiện tại để rồi toát lên cái tài năng, cái đức độ của một con người có hoài bão, lương tâm nghề nghiệp và quan niệm văn chương đúng đắn. Nhưng rồi cũng vì những điều đó đã dẫn Hộ đến cảnh “điên người lên” vì bi kịch nghề nghiệp, bi kịch lương tâm. Không biết rằng trên cõi đời này, sẽ có một ai giống như Hộ? Không biết và không biết. Khốn khổ và khốn nạn là đây!
loigiaihay.com