Đề bài
Ôn tập văn học trung đại Việt Nam
Lời giải chi tiết
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
STT | Tên tác phẩm | Tác giả | Thể loại | Nội dung |
1 | Vào phủ chúa Trịnh (trích Thượng kinh kí sự ) | Lê Hữu Trác | kí | Kể về chuyến lên kinh thành chữa bệnh cho cha con Trịnh Sâm của Lê Hữu Trác. Từ đó phản ánh bộ mặt xã hội phong kiến đương thời và thể hiện thái độ của tác giả với công danh phú quý. |
2 | Cha tôi (Trích Đặng Dịch Trai ngôn hành lục ) | Đặng Huy Trứ | kí | Kể chuyện thi cử của Đặng Huy Trứ và thể hiện quan niệm của tác giả về chuyện đỗ trượt trong thi cử. Qua đó thể hiện quan niệm nhân sinh. |
3 | Lẽ ghét thương (Trích Truyện Lục Vân Tiên ) | Nguyễn Đình Chiểu | Thơ lục bát | Tấm lòng của Nguyễn Đình Chiểu với nhân dân, đất nước |
4 | Chạy giặc | Nguyễn Đình Chiểu | Thơ thất ngôn bát cú | Nỗi đau của nhà thơ trước cảnh đất nước bị xâm lược |
5 | Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc | Nguyễn Đình Chiểu | Văn tế | Ca ngợi tinh thần quên mình vì dân tộc của những người nghĩa sĩ nông dân |
6 | Tự tình | Hồ Xuân Hương | Thơ thất ngôn | Nỗi cô đơn và khát khao hạnh phúc của người phụ nữ |
7 | Bài ca ngắn đi trên cát | Cao Bá Quát | Thơ cổ thể | Thể hiện tâm trạng bi phẫn và bế tắc của người chưa tìm được lối ra trên đường đời |
8 | Câu cá mùa thu | Nguyễn Khuyến | Thơ thất ngôn | Tâm sự yêu nước và tình yêu quê hương của một trí thức Hán học |
9 | Tiến sĩ giấy | Nguyễn Khuyến | Thơ thất ngôn – trào phúng | Phê phán thói mua danh bán tước và châm biếm, tự trào |
10 | Khóc Dương Khuê | Nguyễn Khuyến | Song thất lục bát | Nỗi đau mất bạn. tình tri kỉ và tâm sự của nhà thơ trước thời cuộc |
11 | Thương vợ | Tú Xương | Thất ngôn bát cú | Tấm lòng và tâm sự của nhà thơ trước hiện thực. |
12 | Vịnh khoa thi hương | Tú Xương | Thất ngôn bát cú – trữ tình trào phúng | Nỗi đau của nhà nho trước cảnh Hán học suy tàn, lòngtự trọng và nỗi nhục nhã của người trí thức Hán học |
13 | Bài ca ngất ngưởng | Nguyễn Công Trứ | Hát nói | Thái độ coi thường danh lợi, giàu sang, ca ngợi cuộc sống tự do tự tại của nhà nho tài tử và thái độ của nhà thơ với thời cuộc |
14 | Bài ca phong cảnh Hương Sơn | Chu Mạnh Trinh | Hát nói | Ca ngợi cảnh đẹp của Hương Sơn và thể hiện tình yêu quê hương đất nước |
15 | Chiếu cầu hiền | Ngô Thì Nhậm | Văn nghị luận | Vận động người tài ra giúp đời là tư tưởng rất tiến bộ của vua Quang Trung |
16 | Xin lập khoa luật | Nguyễn Trường Tộ | Văn nghị luận | Tư tưởng đúng đắn, tiến bộ của Nguyễn Trường Tộ, mong muốn một nhà nước có pháp luật dân chủ, công bằng |
17 | Đổng Mẫu (Trích tuồng Sơn Hậu) | Khuyết danh | Tuồng | Ca ngợi sự kiên trung của Đổng Mẫu và lòng hiếu thảo của Kim Lân. |
II. RÈN KĨ NĂNG
1. Về thể loại
Các bài học trong chương trình gồm các thể loại: Văn xuôi tự sự, thơ lục bát, thơ song thất lục bát, thơ hát nói, thơ luật Đường, ca, chiếu, văn tế và kịch bản tuồng. Trong các thể loại này, có thể loại đã được làm quen ở lớp dưới (thơ lục bát, thơ song thất lục bát, thơ luật Đường, …), có thể loại mới được tìm hiểu (kí – một thể loại văn xuôi tự sự, ca, tuồng, …); có thể loại là sáng tạo độc đáo của dân tộc ta (thơ lục bát, hát nói, tuồng, …), có thể loại bắt nguồn từ văn học Trung Quốc (thơ luật Đường, chiếu, ca).
2. Về nội dung
Nội dung cơ bản của các tác phẩm văn học trong chơưng trình là phản ánh chân thật diện mạo con người Việt nam giai đoạn thế kỉ XVIII – thế kỉ XIX với những đặc điểm cơ bản sau đây:
- Con người Việt Nam yêu nước thương nòi, dám đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Lòng yêu nước của con người Việt nam được thể hiện ở nhiều sắc độ khác nhau:
+ Đau lòng trước cảnh nước mất, nhà tan (Chạy giặc)
+ Biết yêu lẽ phải và sẵn sàng hi sinh để bảo vệ công lí (Đổng Mẫu)
+ Yêu người vì dân, ghét kẻ hại dân (Lé ghét thương)
+ Phê phán sự nhố nhăng trong xã hội (Tiến sĩ giấy, Vịnh khoa thi hương)
+ Biết lo cho sơn hà xã tắc (Xin lập khoa luật)
+ Thu phục người hiền tài để giúp triều đại chính nghĩa (Chiếu cầu hiền)
- Con người Việt nam giàu tính nhân văn:
+ Nâng niu tôn trọng và xót thương khi bạn bè qua đời (Khóc Dương Khuê)
+ Thương vợ (THương vợ)
+ Biết lẽ phải trái (Cha tôi)
+ Sống thanh bạch không vì danh lợi (Vào phủ chúa Trịnh)
+ Biết nói lên tình cảm và khát vọng của mình (Tự tình)
+ Sống thật (Bài ca ngất ngơửng)
+ Biết chọn đường để đi (Bài ca ngắn đi trên bãi cát)
+ Yêu thiên nhiên (Câu cá mùa thu, Bài ca phong cảnh Hương Sơn)
3. Về hai tác gia văn học Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Khuyến
Điểm giống nhau giữa hai tác gia: Đều là tác gia tiêu biểu cho văn học giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX; đều có lòng yêu nước, đều dùng văn chương làm vũ khí chiến đấu;
Điểm khác nhau: Hai tác giả khác nhau về tuổi tác, về hoàn cảnh sống, về phong cách văn chương, về cách sử dụng ngòi bút để chiến đấu. Nếu Nguyễn Đình Chiểu bộc trực, trực diện khi đương đầu với thực dân Pháp và tay sai bằng những trang văn thấm đẫm nước mắt thì Nguyễn Khuyến lại đấu tranh bằng những trang thơ “nước mắt trào ra trong tiếng cười” phản ánh tâm trạng u hoài của một nhà nho thâm trầm trước sự thay đổi của thời cuộc thông qua những bức phác thảo cảnh làng quê và trào lộng thói đời đen bạc.