Đề bài
Đọc hiểu Thơ duyên
Lời giải chi tiết
I - Gợi dẫn
1. Về tác giả (xem bài Vội vàng).
2. Thơ duyên là bài thơ thể hiện rất rõ sự tinh tế của nhà thơ trong việc cảm nhận sự trôi chảy của thời gian. Những biến thái vi diệu của tự nhiên được cảm nhận và diễn tả tinh tế.
Nhà thơ đã cụ thể hoá được những cảm giác không thể diễn đạt bằng lời. Bài thơ được phát triển theo mạch cảm xúc:
- Khổ thơ đầu: Cảm xúc khi mùa thu tới.
- Hai khổ thơ tiếp theo: Cảm xúc trước sự biến thái của mùa thu.
- Những khổ thơ còn lại: Cảm xúc khi chia tay mùa thu.
3. Đọc chậm, diễn cảm, xuống giọng ở câu cuối mỗi khổ thơ. Nhấn giọng ở những từ và cụm từ có chú thích.
II - Kiến thức cơ bản
Năm 1938, tập Thơ thơ ra đời đã gây một tiếng vang lớn trên thi đàn văn học Việt Nam (1930 – 1945) và vị trí hàng đầu của Xuân Diệu trong làng thơ mới mặc nhiên được công nhận. Xuân Diệu là một hồn thơ không bao giờ khép kín, luôn rộng mở với đất trời, với cuộc sống và con người. Đó là một tấm lòng yêu say đắm cuồng nhiệt và một nỗi khao khát được giao cảm mãnh liệt với vũ trụ, với cuộc đời. Thơ duyên là một trong những bài thơ thể hiện niềm khao khát giao cảm đó. Trái tim đa tình của Xuân Diệu dễ dàng rung động trước cảnh đẹp của thiên nhiên. Trong những trang thơ viết về thiên nhiên, nhà thơ đã dành những tình cảm ưu ái đối với mùa thu và mùa xuân, bởi đó là thời điểm thiên nhiên thể hiện vẻ đẹp viên mãn nhất.
Bài Thơ duyên là khúc giao mùa êm ái nhất được cảm nhận bởi tâm hồn một thi sĩ đa cảm và đa đoan. Xuân Diệu khao khát được sống hết mình với cuộc đời nên luôn có cảm giác lo sợ thời gian trôi qua. Vì thế, thi sĩ đặc biệt nhạy cảm với sự trôi chảy của thời gian. Thi sĩ đặc biệt nhạy cảm với thời điểm giao mùa. Về thời khắc giao mùa của hạ – thu, nhà thơ đã rất thành công với hai thi phẩm Đây mùa thu tới và Thơ duyên. Viết về cảnh thu, thi sĩ Xuân Diệu đã bộc lộ sự nhạy cảm tinh tế khi quan sát cảnh. Thơ duyên không đơn giản là một bài thơ tình mà là bài thơ về sự giao hoà đầy chất thơ giữa vạn vật trong trời đất. Bài thơ được mở đầu bằng những hình ảnh trong sáng và nên thơ :
Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền.
Cảnh thu đẹp vì chiều mộng với khói sương mỏng manh như hoà thơ trên nhánh cây mềm mại duyên dáng đu đưa trong gió thu nhẹ. Cảnh thật nên thơ bởi chính nó đã chứa cái mộng ảo của một chiều thu. Trên cây me những cặp chim ríu rít chuyền cành với tiếng hót đầy yêu thương. Hình ảnh trên đã gợi cho chúng ta cảm giác cuộc đời dường như luôn ẩn hiện cái duyên của sự sống. Đó không chỉ là cảnh của mùa thu mà còn là tình thu của hồn thơ Xuân Diệu đã thấm đẫm vào cảnh vật. Từ trên cao, ánh trời trong như ngọc đổ tràn qua muôn lá và đâu đâu cũng vang lên những tiếng nhạc, tiếng đàn. Bằng khả năng cảm nhận tinh tế, Xuân Diệu đã khám phá ra cái đẹp, cái duyên của một chiều thu êm ái dịu dàng có đường nét, sắc màu tươi sáng, gần gũi và giản dị, không kiêu sa lộng lẫy nhưng lại có sức gợi cảm rất lớn khiến cho cảnh vật như có tình, có duyên gắn bó hoà hợp với nhau:
Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang, nắng trở chiều;
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu
Với một hồn thơ lai láng cảm xúc, Xuân Diệu cảm thấy đất trời và cuộc sống đâu cũng có duyên với nhau, sóng đôi với nhau: “con đường nhỏ nhỏ” đi với “gió xiêu xiêu”, “cành hoang lả lả” đi với “nắng trở chiều”. Tất cả đang giao hoà trong một buổi chiều thu đầy chất thơ. Nhà thơ đi giữa mùa thu ấy, lắng nghe nơi lòng mình niềm cảm thông với vạn vật và bộc lộ nỗi khao khát được chia sẻ với mọi người với cuộc đời, nhất là người con gái đang hồn nhiên đi trên con đường mùa thu ấy :
Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững đững chẳng theo gần
“Anh” và “em” ở đây không phải một cặp tình nhân đi trên con đường mùa thu bởi vì em thì điềm nhiên không có tình ý gì với kẻ đi sau, còn anh mải mê ngắm cảnh vật nên không chú ý đến người con gái đi trước. Hai con người hai thế giới cách biệt không hề quen biết nhau. Nhưng đó chỉ là cái vẻ bề ngoài. Điều kì ẩn chứa ở bên trong tâm hồn:
Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần.
Một hình ảnh so sánh rất thơ và thể hiện được quan niệm của nhà thơ về “duyên”. Bề ngoài có vẻ cách xa nhưng bên trong đã có sự giao hoà. “Cặp vần” thì không thể tách rời. Chính những cặp vần là yếu tố quan trọng nhất để làm nên vẻ đẹp của bài thơ. Thiên nhiên kết đôi với nhau, thiên nhiên kết đôi với con người cũng chưa đủ. Phải có sự giao duyên giữa con người với con người. Với Xuân Diệu, cuộc đời là một bài thơ dịu ngọt. Vậy con người đi trong bài thơ đó phải là một cặp vần để làm cho cuộc đời càng trở nên dịu ngọt hơn. Sẵn có cảnh giờ thêm người, sự giao cảm càng tăng lên gấp bội. Thi sĩ có hồn thơ tinh tế ấy đã vẽ lên một bức tranh thu huyền diệu. Cảnh thu thì tươi tắn, tình thu nhẹ nhàng, thanh thoát. Và chính bức tranh thu ấy đã ẩn chứa cái duyên của cuộc đời và một tình yêu xôn xao rạo rực trong trái tim của chàng trai mới lớn.
Thơ Xuân Diệu là kết quả sự kết hợp giữa thơ ca truyền thống với bút pháp hiện đại. Đây là một thành công lớn của Xuân Diệu khi đưa người đọc cảm nhận những rung cảm tinh tế với cuộc đời:
Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Cảm nhận được cả những rung động nhỏ nhất, cái phân vân của cánh cò, điệu gấp của đám mây. Buổi chiều thu êm ả và tĩnh lặng đã được diễn tả như thế. Với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, thi nhân đã cảm nhận cảnh vật dường như cảm thông và hoà nhập với nhau. Song ở đây ta còn cảm nhận được cái gấp gấp của mây biếc, cái phân vân của cánh cò như chất chứa tâm trạng xôn xao khó hiểu. Khao khát được hoà nhập nhưng luôn luôn thấy được cái giá lạnh, cái cô đơn của cuộc đời. Chính vì thế đứng giữa đất trời mùa thu nhà thơ như thấy bầu trời mùa thu được trải rộng. Các giác quan dường như đã hoà hợp để cố gắng cảm nhận những rung động của cuộc đời :
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.
Đến đây thi sĩ đã điểm vào bức tranh mùa thu một cánh chim chiều nhỏ nhoi in bóng trên nền trời. Hình ảnh ấy càng gợi nên cái mênh mông, bát ngát, vô tận của không gian. Trước cảnh ấy, nhà thơ cảm thấy một cái tôi trống trải, rợn ngợp. Sống giữa cuộc đời mà luôn cảm thấy cô đơn. Càng khao khát được giao cảm, được chia sẻ thì nhà thơ càng thấy cuộc đời cách xa mình. Vì thế, tất cả những cảnh thu đó là hồn thu của Xuân Diệu. Cặp mắt sắc sảo và tâm hồn nhạy cảm của thi sĩ đã phát hiện và thể hiện được những rung động rất nhỏ của cuộc sống. Đó cũng là sự rung động sâu xa, tinh tế trước sự tương giao màu nhiệm của vũ trụ, của thiên nhiên, của con người. Do đó, trước những cảnh vật rạo rực, trong niềm giao cảm và yêu thương như thế thì những tâm hồn đồng điệu sẽ tự tìm đến nhau không cần mối lái. Nó tự nhiên sóng đôi với nhau trong bài thơ cuộc đời dịu ngọt:
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.
Một cách diễn đạt lạ. Không phải “anh cưới em” mà là “lòng anh cưới lòng em”. Câu thơ là một sự sáng tạo độc đáo và hiện đại của Xuân Diệu. Bề ngoài có thể họ còn rất dửng dưng nhưng trước sự giao hoà của trời đất, tâm hồn con người cũng tìm được tiếng nói chung. Tâm hồn họ đã có sự kết đôi. Sự kết đôi ấy có được bởi họ cùng cảm nhận được sự giao hoà của cây cỏ, đất trời. Xuân Diệu vốn nổi tiếng là nhà thơ có khả năng nắm bắt và diễn tả được những rung động vốn rất mỏng mảnh của thiên nhiên:
Không gian như có dây tơ,
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.
Hay:
Những luồng run rẩy rung rinh lá…
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Nhà thơ đã lựa chọn một cách diễn đạt độc đáo và gợi cảm, đã hình tượng hoá thế giới cảm xúc của con người. Tâm hồn nhạy cảm nên dễ bị tổn thương, vì thế trong thơ Xuân Diệu, những khát khao tình yêu dù luôn được thể hiện nhiệt tình và sôi nổi nhất nhưng cũng không bao giờ hoàn toàn thoả mãn. Yêu đời, thấy cuộc đời đẹp và luôn hoà hợp với thiên nhiên vạn vật nhưng không hoàn toàn dứt khỏi cảm giác cô đơn. Dù những lúc vui nhất vẫn thấp thoáng đâu đó một dự cảm cô đơn.
Thơ duyên thể hiện nét tiêu biểu trong phong cách thơ Xuân Diệu. Đó là khả năng cảm nhận và diễn tả hết sức tinh tế vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống. Cảnh thu đẹp, hồn thơ mới trong sáng đã tạo nên một bức tranh ngôn từ đẹp đẽ, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả và nó như gội mát hồn ta để giúp ta biết kĩ lưỡng hơn, tinh tế hơn về cuộc đời trong mỗi giây phút của đời mình.
III - liên hệ
Thơ duyên là bài thơ duy nhất không buồn trong các bài thơ về mùa thu của Xuân Diệu (và có lẽ cũng là duy nhất trong “Thơ mới”). Tâm trạng bao trùm trong bài thơ là những rung động xôn xao, những xúc cảm tinh tế đón nhận những biến thái tinh vi, mơ hồ của sự sống trong thiên nhiên tạo vật và lòng người trong lúc giao mùa vào thu. Thơ duyên thể hiện sự cảm nhận độc đáo và tinh tế của Xuân Diệu về mùa thu. Sự cảm nhận này cũng đã được Xuân Diệu thể hiện trong một bài văn xuôi đặc sắc ở tập Trường ca : “Với lòng tôi, trời đâu chỉ có hai mùa : Xuân với thu hai mùa đặc biệt ý nhị, hai mùa có bình minh [...] hè sang thu là bao nhiêu khoái trá cho giác quan ; được rời bỏ lửa chói chang mà vào trong nước hiền hòa, mát mẻ [...]. Sự sống trong mùa xuân tưng bừng ra ngoài, thì giữa mùa thu, sự sống lại tiềm tàng lặn vào bên trong, sắp sẵn lò sưởi ở giữa ngực…
Thu không phải là mùa sầu. ấy chính là mùa yêu, mùa yêu nhau bằng linh hồn, mùa những linh hồn yêu mến nhau [...]. Xuân, người ta vì ấm mà cần tình. Thu, người ta vì lạnh sắp đến mà cũng cần đôi”. (Thu)
Cả bài thơ là một khung cảnh chiều thu đầy thơ mộng mà cảnh vật hoà điệu, nhịp nhàng, đã khơi dậy trong lòng người niềm khát khao giao cảm thầm kín mà mạnh mẽ, gắn bó những tâm hồn đơn chiếc. Cho nên:
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.
Một quy luật “cộng hưởng” của người và cảnh. Không phải chỉ có sự chi phối của lòng người khi nhìn vào ngoại cảm (Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ - Nguyễn Du), mà cảnh sắc thiên nhiên còn có khả năng đánh thức dậy trong tâm linh con người những kỉ niệm quá vãng, những khát khao thầm kín, để con người được sống đầy đủ và sâu sắc hơn với mọi cảm giác, cảm xúc và khát vọng của mình.
Thơ duyên là một trong những đỉnh cao của thơ Xuân Diệu và cũng là của Thơ mới và thơ ca hiện đại Việt Nam. Thơ duyên là bài duy nhất của Xuân Diệu có mặt trong một tuyển tập thơ tình thế giới xuất bản ở Bu-ca-rét (Ru-ma-ni) năm 1962.