Đọc hiểu Tương tư

Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới. Song trong khi hầu hết các thi sĩ trong phong trào Thơ mới đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của thơ ca lãng mạn Pháp thì Nguyễn Bính về với văn hoá dân gian. Cùng với Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân… Nguyễn Bính đã đóng góp cho thơ mới một giọng điệu riêng, đậm hồn quê.

2. Bài thơ Tương tư rút trong tập Lỡ bước sang ngang, tập thơ nổi tiếng và tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Bính. Qua chuyện tương tư, bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết của nhà thơ với quê hương, ở cái hồn quê mộc mạc thấm đẫm trong thi liệu, cảm xúc, ở cách thể hiện đậm phong vị dân gian. Âm điệu, ngôn ngữ, hình ảnh, thể thơ đều rất gần gũi với ca dao. Bài thơ có thể chia làm ba đoạn :

- Đoạn 1 : Nói chuyện tương tư, nhưng là tương tư từ một phía, giọng điệu có vẻ hờn giận trách móc. Thực ra lời trách thể hiện tình cảm tha thiết của người tương tư. Trong lời trách có xuất hiện những hình ảnh rất quen thuộc của làng quê Việt Nam.

- Đoạn 2 : Nhấn mạnh nỗi tương tư và sự chờ đợi, mong ngóng của người tương tư. Trong sự mong ngóng ấy có dự cảm về sự chông chênh của mối tình. Chú ý cách sử dụng cặp hình ảnh “hoa khuê các – bướm giang hồ”.

- Đoạn 3 : Mượn chuyện trầu cau để nói chuyện đôi lứa. Ước mong và cũng là lời thổ lộ tình cảm rất dễ thương. Câu hỏi kết thúc đau đáu một niềm mong ước, nó làm tăng thêm sự da diết của tâm trạng và sự nồng nàn của cảm xúc.

3. Đọc bài thơ theo cách gieo vần của thơ lục bát. Chú ý cách ngắt nhịp (Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông – Một người/ chín nhớ mười mong / một người – Gió mưa / là bệnh của giời – Tương tư / là bệnh của tôi yêu nàng…).

II - Kiến thức cơ bản

Tương tư là câu chuyện muôn thuở của nhân loại. Ngất ngưởng như Nguyễn Công Trứ mà đã từng điêu đứng vì tương tư :

Tương tư không biết cái làm sao,

Muốn vẽ mà chơi, vẽ được nào.

Khi đứng, khi ngồi, khi nói chuyện,

Lúc say, lúc tỉnh, lúc chiêm bao.

Trăng soi trước mặt ngờ chân bước,

Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào.

Và thi sĩ đa tình, tài tử như Tản Đà cũng từng thể hiện trạng thái nhớ nhung da diết này :

Quái lạ ! Làm sao cứ nhớ nhau

Nhớ nhau đằng đẵng suốt đêm thâu

Bốn phương mây nước, người đôi ngả

Hai chữ tương tư, một gánh sầu.

Tương tư thường gắn với sầu bởi người ta thường rơi vào trạng thái tương tư khi tình yêu không được đến từ hai phía hoặc không có cơ hội để nói ra.

Nguyễn Bính, nhà thơ chân quê nhất của làng thơ mới cũng viết về tương tư. Nhưng qua việc diễn tả nỗi tương tư của một chàng trai, nhà thơ lại thể hiện tình cảm lớn hơn tình yêu đôi lứa. Đó là tình yêu quê hương đất nước, yêu văn hoá Việt Nam.

Cảm xúc bao trùm và nối kết các phần của bài thơ là nỗi nhớ nhung không nguôi của nhân vật trữ tình chàng trai. Không gian của nỗi tương tư ấy là không gian làng quê. Vì thế tâm trạng tương tư cũng được thể hiện theo kiểu rất thôn quê. Nó cụ thể chứ không mông lung đến mức như chàng trai thị thành Xuân Diệu :

Sương nương theo trăng ngừng lưng trời

Tương tư nâng lòng lên chơi vơi…

(Nhị hồ)

Nhân vật trữ tình trong Tương tư của Nguyễn Bính thì khác. Mở đầu bài thơ là nỗi nhớ :

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Một ng­ười chín nhớ m­ười mong một ngư­ời.

Gió mư­a là bệnh của giời,

T­ương t­ư là bệnh của tôi yêu nàng.

Không phải là anh nhớ em hay tôi nhớ nàng mà là “thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông”. Cách nói này vừa khiến cho câu thơ mang phong vị dân gian vừa có tính hàm súc. Chàng trai thôn Đoài nhớ cô gái thôn Đông, đó là mối tương tư của chàng trai nơi thôn quê. Chàng ở nhà mình nhưng lòng hướng sang phía cô gái. Và câu thơ còn gợi một liên tưởng rộng hơn. Dường như nỗi nhớ của chàng trai đã tràn ra cả không gian. Nỗi nhớ ấy da diết lắm. Chàng còn dùng cả thành ngữ chín nhớ mười mong để diễn tả nỗi nhớ của mình. Và cũng chẳng e dè, thẹn thùng gì nữa. Nỗi nhớ da diết khiến chàng trai phải thốt lên lời “tôi yêu nàng”. Người ta thường dùng tương tư để chỉ trạng thái tình cảm nhớ nhung của những người yêu đơn phương. Vì yêu mà không dám nói ra với người mình yêu nên nỗi nhớ càng trĩu nặng và tình cảm càng mãnh liệt. Chàng trai tương tư trong bài thơ này cũng có một nỗi nhớ da diết. Chàng trai cũng xác nhận một điều rằng, yêu thì tương tư là lẽ thường, cũng như trời đất phải có gió có mưa.

Từ nhớ thương đến mong ngóng và hờn giận :

Hai thôn chung lại một làng,

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này ?

Ngày qua ngày lại qua ngày,

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

Lời hờn giận có vẻ hơi vô lí. Lẽ ra chàng phải sang chứ lại trách cô gái không sang. Chàng dùng cách gọi bên ấybên này để chỉ “đối phương” và mình. Trách giận để rồi lại chìm vào nỗi nhớ. Chàng ngồi đếm nỗi nhớ và đếm thời gian để đắm mình trong nỗi niềm tương tư. Ngày lại qua ngày gợi cảm giác thời gian trôi đi dài vô tận. Càng yêu thương thì càng hờn giận. Nỗi tương tư cùng lời trách giận cứ da diết và sâu đậm hơn theo dòng tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Bảo rằng cách trở đò giang,

Không sang là chẳng đ­ường sang đã đành.

Nh­ưng đây cách một đầu đình,

Có xa xôi ấy mà tình xa xôi…

Khi diễn tả nỗi nhớ của nhân vật trữ tình nhà thơ đã dùng những hình ảnh rất gần gũi và quen thuộc với văn hoá làng của người Việt. Con đò, mái đình đã làm cho câu thơ mang đậm phong vị dân gian. Những hình ảnh này đã tạo nên không gian làng quê yên bình, lãng mạn rất thích hợp để chàng trai giãi bày tâm trạng tương tư. Nhịp thơ lục bát da diết “Có xa xôi mấy mà tình xa xôi” đã thể hiện rất tinh tế trạng thái tâm lí của kẻ đang yêu mà chưa nhận được lời đáp lại. Nỗi nhớ thương không người giãi bày đã làm cho nhân vật trữ tình càng chìm sâu trong nỗi tương tư. Đại từ phiếm chỉ ai lặp lại hai lần trong một câu thơ càng làm tăng nỗi niềm tha thiết của kẻ đa tình. Theo lẽ thường tình càng thương nhớ càng đau lòng. Và khi yêu say đắm mà không được đáp lại thường rơi vào tâm trạng bi quan, tuyệt vọng. Những mối tình thôn quê trong thơ Nguyễn Bính đẹp, tha thiết nhưng hay buồn. Mối tình của chàng trai trong bài thơ này cũng vậy :

T­ương tư­ thức mấy đêm rồi,

Biết cho ai, hỏi ai ng­ười biết cho !

Bao giờ bến mới gặp đò ?

Hoa khuê các, b­ướm giang hồ gặp nhau ?

Những hình ảnh “bến – đò” là những hình ảnh có tính chất truyền thống để chỉ người nam và người nữ. Hình ảnh “hoa khuê các – bướm giang hồ” lại rất đặc trưng cho phong cách các nhà thơ mới. Nó thể hiện tâm trạng lo lắng, bất an của nhân vật trữ tình bởi sự chờ đợi mòn mỏi với nỗi tương tư trĩu nặng trong lòng. Cặp hình ảnh này thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái nét mới và nét lãng mạn trong phong cách thơ Nguyễn Bính.

Khổ thơ cuối cùng mang hình thức của một bài ca dao. Chàng trai trong ca dao thường mượn những cái cớ rất duyên dáng để hoặc làm quen hoặc tỏ tình với đối tượng của mình như quên áo, mời trầu, hỏi thăm. Chàng trai trong Tương tư của Nguyễn Bính cũng mượn chuyện trầu cau để giãi bày tâm tư, để tỏ tình :

Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào ?

Câu hỏi cũng là câu trả lời. Nguyễn Bính đã kế thừa cái thông minh, hóm hỉnh, duyên dáng và rất đáng yêu của ca dao để tạo nên một hình tượng nhân vật với mối tương tư chân thành.

Tương tư đã chứng minh rằng Nguyễn Bính là nhà thơ của hồn quê Việt Nam. Với những bài thơ nhưTương tư, nhà thơ không chỉ mang đến cho thơ mới một giọng thơ ngọt ngào phong vị dân gian, đậm đà văn hoá dân tộc mà còn lưu giữ cho thế hệ sau những nét đẹp văn hoá truyền thống.

III - liên hệ

1. Trong cách diễn đạt tình cảm của ca dao, dân ca, do bối cảnh giao tiếp và diễn xướng trực tiếp nên nếu các biểu hiện tâm trạng trữ tình luôn được bộc bạch một cách hết sức cụ thể, hồn nhiên thì chủ thể trữ tình và đối tượng trữ tình lại thường có tính chất phiếm chỉ, không xác định :

Khăn thương nhớ ai

Khăn rơi xuống đất,

Khăn thương nhớ ai

Khăn vắt lên vai.

Đèn thương nhớ ai

Mà đèn không tắt,

Mắt thương nhớ ai

Mà mắt ngủ không yên…

Trong bài thơ của Nguyễn Bính cũng vậy, một chàng trai thôn Đoài mong nhớ một cô gái thôn Đông, nhưng vì chỉ yêu đơn phương thôi nên anh dùng lối nói ỡm ờ, vòng vo, bóng gió xa xôi của người nhà quê : “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông – Một người chín nhớ mười mong một người…”. Một cái làng có hai thôn : “Hai thôn chung lại một làng”, một ở bên phía đông – thôn Đông, còn một ở phía tây – thôn Đoài. Những cách gọi tên địa danh dân dã ấy khá phổ biến ở khắp mọi vùng quê đồng bằng Bắc Bộ nên chúng vừa cụ thể lại cũng vừa không xác định. “Một người chín nhớ mười mong một người” : hai chữ một người trong cùng một dòng thơ nhưng được dùng để chỉ hai đối tượng, hai nhân vật khác nhau : chàng trai thôn Đoài, và cô gái thôn Đông, điều ấy, những người trong cuộc hiểu rõ hơn ai hết nhưng khách quan thì vẫn chưa có gì là cụ thể. Vì các nhân vật trữ tình trong bài thơ vẫn giữ được cái vỏ ngoài có tính chất chung chung, không xác định như thế nên chàng trai mới có thể thoải mái bộc bạch nỗi lòng “chín nhớ mười mong” của mình : “Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”, có thể làm như hai người đã thân mật, gần gũi từ lâu để mà hờn mát, trách yêu với người con gái trong lòng : “Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này ?”, “Bảo rằng cách trở đò giang - Không sang là chẳng đường sang đã đành - Nhưng đây cách một đầu đình…”, mạnh dạn ngỏ ước muốn được chung tình : “Bao giờ bến mới gặp đò - Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau”, thậm chí còn bóng gió xa xôi đề cập đến chuyện trầu cau, cưới hỏi : “Nhà anh có một giàn giầu - Nhà em có một hàng cau liên phòng - Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông, Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào ?” v.v… Cách dùng những đại từ chỉ người đây, đấy, bên ấy, bên này thay thế cho các nhân vật giao tiếp và cách nói trống chủ ngữ của những câu thơ trên đây là một trong những đặc trưng nổi bật của lối nói vòng vo, ỡm ờ, bóng gió xa xôi trong ca dao, dân ca truyền thống đã được Nguyễn Bính vận dụng rất thành công, tạo cho bài thơ một giọng điệu, một dáng vẻ riêng khá độc đáo.

Các biểu hiện tâm trạng tương tư trong bài thơ cũng được diễn tả một cách tinh tế. Trước hết là sự chờ mong mòn mỏi của chủ thể trữ tình :

Ngày qua ngày lại qua ngày,

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

Tâm trạng sốt ruột vì chờ mong mòn mỏi ấy không tách rời những cảm nhận tinh tế về sự thay đổi của không gian, thời gian. “Ngày qua ngày lại qua ngày” – một câu thơ với những từ ngữ bình thường và lối nói tưởng như rất giản dị nhưng lại có khả năng diễn tả khá độc đáo về cảm giác của con người mang bệnh tương tư trước sự lặp đi lặp lại từng chuỗi ngày vô vị dài lê thê, chậm chạp trong sự chờ mong khắc khoải. Một câu thơ mà chữ ngày được nhắc tới ba lần, nhấn mạnh cảm xúc về khái niệm đơn vị thời gian như thể được đếm từng ngày. Nhịp 2/2/2 của câu sáu trong thơ lục bát truyền thống đã được ngắt thành nhịp 3/3 : “Ngày qua ngày/ lại qua ngày” chia ý nghĩa câu thơ thành hai vế với nội dung song trùng, ý của vế sau lặp lại vế trước và sự nhấn mạnh chữ lại gợi tả nỗi chán ngán trong lòng kẻ đa tình tương tư trước dòng thời gian vô tình, đơn điệu cứ chậm chạp trôi qua… Cảm giác về thời gian nói trên còn được diễn tả một cách hết sức sinh động thông qua những biến đổi màu sắc của những sự vật không gian trong câu tám : “Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”. Thời gian hiện lên qua sự chuyển màu của cây lá : lá màu xanh đã chuyển thành lá màu vàng. Cùng với chuỗi ngày chờ đợi dài đằng đẵng chậm chạp qua đi, nhưng người thương vẫn chưa thấy tới, cho dù chẳng có xa xôi cách trở gì. Chữnhuộm là một động từ ngoại động, khiến cho sự chuyển màu của cây lá dường như không phải là sự vận động, phát triển nội tại của thực vật mà như thể là do sự tác động của thời gian và tâm trạng con người thấm vào sắc màu của cây lá. Và nỗi lòng tương tư héo hon, mòn mỏi của con người cũng đã nhuộm màu lá xanh thành ra màu héo úa. Vậy là thời gian, không gian và tâm trạng của con người tương tư đã có một mối quan hệ, mối tương giao thật là kì diệu. Tương tư mỏi mòn làm cho thời gian kéo dài lê thê, chậm chạp hơn ; tương tư cũng nhuộm màu cho cây lá trở nên vàng vọt, úa héo hơn…

(Nguyễn Trọng Khánh, Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường

từ góc độ ngôn ngữ, NXB Giáo dục, 2006)

2. Mượn thi liệu và hơi văn của thi sĩ chân quê, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu ghi lại cảm xúc của mình trongMột chút Nguyễn Bính :

Còn không cái dậu mùng tơi

Nhà nàng giờ cách nhà tôi bức tường ?

Bỏ quê nàng tới phố phường

Mình tôi ở lại, con dường đơn côi

Mộng mơ thủa ấy qua rồi

Người bây giờ khác xa hồi năm xưa

Nàng vui kẻ đón người đưa

Tôi đành yên phận cày bừa nhà nông

Vườn tôi có mấy khóm hồng

Mẹ tôi nhổ gốc để trồng rau dưa

Hoa hồng không tặng, ai mua

Sao bằng hoa cải lưa thưa nắng vàng

Vườn tôi cây mọc đôi hàng

Đến mùa quả mẹ thở than chuyện nhà

Mẹ tôi răng đen hạt na

Quần thâm nhuộm lại như là mới may

Nón mê, chân đất tối ngày

Cái khăn mỏ quạ vá dày nắng mưa

Mẹ tôi thường đi lễ chùa

Tôi sinh ra chốn quê mùa vậy thôi

Nàng đi về phía xa xôi

Trách chi cái ngọn mùng tơi héo dần… ?

loigiaihay.com