Dàn ý
1. Mở bài
- Phan Bội Châu (1867-1940) quê ở Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1900 đỗ Giải nguyên. Ông sáng lập ra Hội Duy Tân (1904). Năm 1905, bí mật sang Nhật, dấy lên phong trào Đông Du, tổ chức Việt Nam Quang phụ hội. Năm 1925, ông bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải, đưa về Hà Nội với cái án tử hình. Trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân ta, chúng đưa ông về giam lỏng ở Huế.
- Là chiến sĩ yêu nước vĩ đại, là nhà văn, nhà thơ lớn của đất nước ta trong thế kỉ 20 - Thơ văn Phan Bội Châu là thơ văn yêu nước và tuyên truyền cổ động cách mạng sôi sục đầy nhiệt huyết.
- Bài thơ Lưu biệt khi xuất dương được Phan Bội Châu viết năm 1905, trong lúc chia tay đồng chí, bạn bè, trước lúc bí mật sang Nhật, dấy lên phong trào Đông Du.
- Bài thơ khẳng định chí làm trai và quyết tâm xuất dương, là nên sự nghiệp lớn cứu nước cứu dân.
2. Phân tích
2.1. Hai câu đề
Kẻ nam nhi phải mong có điều lạ, nghĩa là không thể sống tầm thường mà phải làm nên sự nghiệp lớn. Lưu lại tiếng thơm muôn đời. Con người ấy sống chủ động, tích cực, có tinh thần làm chủ thiên nhiên, há để càn khôn tự chuyển dời?.
2.2. Hai câu thực
Tác giả tự ý thức về cái Tôi (ngã: tôi, tờ). Rất tự hào về vai trò của mình trong cuộc đời (một trăm năm) và trong xã hội, lịch sử (ngàn năm sau).
Tác giả hỏi: Chẳng lẽ ngàn năm sau, lại không có ai (để lại tên tuổi) ư? Nhằm khẳng định một ý tường vĩ đại mà như người đồng hương của Phan Bội Châu trước đó nửa thế kỉ đã nhiều lần rồi:
Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phái có danh gì với núi sông.
(Nguyễn Công Trứ).
Quan niệm về công danh, về chí nam nhi của Phan Bội Châu mới mẻ, tiến bộ, hướng về Tổ quốc và nhân dân, như ông đã viết: Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ. Tất cả vì nước, vì dân chứ không phải vì nghĩa vua — tôi: “Dân là dân nước, nước là nước dân”.
2.3. Hai câu luận
Nêu lên một quan niệm sống đẹp của kẻ sĩ trước thời cuộc và lịch sử dân tộc. Non sông đã chết, một cách nói rất hay, cảm động về nỗi đau thương của đất nước ta, nhân dân ta đang bị thực dân Pháp thông trị. Trong Hải ngoại huyết thư, tác giả viết: hồn nước bơ vơ. Kẻ nam nhi, kẻ sĩ lập công danh trước hết bằng con đường học hành và thi cử. Một ý thơ phủ định về cách học cũ kĩ lạc hậu là đọc sách thánh hiền (đạo nho)... cách học ấy rất lạc hậu, vô nghĩa, càng học càng ngu, càng u mê. Đây là hai câu có tư tưởng sâu sắc, tiến bộ nhất, cho thấy Phan Bội Châu là một chí sĩ tiên phong:
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si.
2.4. Hai câu kết
Hình tượng thơ kì vĩ lên một chí lớn mang tầm vũ trụ. Không phải gió nhẹ mà là trường phong. Không phái quanh quẩn chốn quan trường hoặc nơi trường thi chật hẹp, mà là di ra biển Đông với một sức mạnh phi thường, cùng bay lèn với ngàn lớp sóng bạc. Đây là những câu thơ đẹp nhất của Phan Bội Châu biểu lộ một bầu nhiệt huyết:
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.
3. Kết luận
Vẫn là thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, bằng chữ Hán. Giọng thơ trang nghiêm, đĩnh đạc hào hùng, mạnh mẽ, lôi cuốn.
Thể hiện một chí lớn phi thường: không cam tâm làm nô lệ, quyết đi tìm đường cứu nước. Không phải là khẩu khí mà sự thật lịch sử đã xác nhận Phan Bội Châu đã sống và hành động như thơ ông đã viết ra.
Lưu biệt khi xuất dương mang âm điệu anh hùng ca, chứa chan tình yêu nước và quyết tâm lên đường cứu nước.
Bài mẫu
Phan Bội Châu là một nhà văn hóa lớn, một nhà chính trị, “một nhân vật vĩ đại”, có nhiều hoạt động tiến bộ đầu thế kỷ XX, ông được biết đến với vai trò là vị lãnh tụ tiêu biểu nhất trong các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ trước. Đặc biệt nổi bật với tư tưởng giải phóng dân tộc theo con đường của các nước tư bản chủ nghĩa, mặc dù sau đó thất bại nhưng cũng đã mở ra một cách nhìn mới về việc làm cách mạng cho thế hệ đi sau trong đó có Hồ Chí Minh. Nhìn chung ở đời cách mạng, cũng như quá trình hoạt động cách mạng ở Phan Bội Châu có sự kết hợp độc đáo và vẻ vang giữa hai phương diện chính trị và văn hóa, điều đó tương tự như Nguyễn Trãi hơn 400 năm về trước và Hồ Chí Minh của vài năm sau đó. Ngoài sự nghiệp chính trị nổi bật, thì Phan bội Châu cũng có một sự nghiệp văn chương khá đồ sộ, ông có thể được xem là người đã mở đường cho nền văn học cách mạng Việt Nam với chất chính trị và trữ tình kết hợp chặt chẽ ăn ý trong nhiều tác phẩm. Lưu biệt khi xuất dương chính là một tác phẩm mang đầy đủ phong cách sáng tác ấy của Phan Bội Châu, cùng với hoàn cảnh ra đời đặc biệt gắn liền với sự chuyển biến trong tư tưởng cách mạng của Phan Bội Châu.
Sở dĩ nói Lưu biệt khi xuất dương là bài thơ gắn liền với sự chuyển biến trong tư tưởng cách mạng của Phan Bội Châu, bởi bài thơ được sáng tác vào năm 1905, trước ngày ông lên tàu cùng một số thanh niên ưu tú khác sang Nhật tìm đường cứu nước. Bài thơ là sự cổ vũ, động viên khích lệ tinh thần đầy hào khí dành cho những con người mang tư tưởng, tráng chí tốt đẹp ra đi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, dẫu biết có nhiều gian nan trắc trở. Cũng lại là một tác phẩm gợi mở, hướng những con người ở lại, hướng nhân dân ta về một niềm tin rằng mai đây đất nước sẽ tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn, bộc lộ nhưng ý chí, quyết tâm, tư tưởng tiến bộ của một nhà nho yêu nước, một vị lãnh tụ hết lòng vì dân tộc.
Như Nguyễn Ái Quốc đã viết trong tác phẩm chính luận Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu của những lời tán dương dành cho cụ Phan đầy sâu sắc và trân trọng rằng: “một bậc anh hùng, một vị thiên sứ được hai mươi triệu đồng bào trong vòng nô lệ tôn kính”. Điều đó đủ để thấy rằng ở Phan Bội Châu là hội tụ những vẻ đẹp quý giá của một nhân cách lớn, một tư tưởng lớn hòa quyện giữa tinh thần của một nhà nho và một chí sĩ cách mạng theo khuynh hướng tư bản (thậm chí còn có đôi chút khuynh hướng chủ nghĩa xã hội). Trong Lưu biệt khi xuất dương, vẻ đẹp nhân cách, tư tưởng của Phan Bội Châu bộc lộ từ hai câu thơ đầu, mà có thể đặt cho nó cái tên là chí làm trai trong thời đại mới.
“Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển dời”
Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX trong lịch sử nước nhà là một giai đoạn đầy biến động dữ dội, tháng 1/8/1958, Pháp nổ phát súng đầu tiên chính thức xâm lược nước ta lần thứ nhất, trong khi đó triều đình nhà Nguyễn yếu hèn, chế độ phong kiến thối nát, có nguy cơ sụp đổ, không đủ sức để đứng lên lãnh đạo nhân dân chống giặc ngoại xâm như các thế hệ cha ông đi trước. Các nhà nho yêu nước, thương dân nhưng đa số bất lực trước thời cuộc, bế tắc nên tìm cách thoái ẩn, trốn tránh cuộc đời. Chỉ riêng Phan Bội Châu, là một trong số ít các nhà nho có nhiều hoạt động sôi nổi trong các phong trào nổi dậy chống ngoại xâm. Bởi cụ Phan có một nhân cách văn hóa lớn, người tiếp nhận các khuynh hướng chính trị một cách đa dạng, nhiều chiều, là người trực tiếp tham gia các phong trào Cần Vương và một số phong trào khởi nghĩa truyền thống, Phan Bội Châu tuy là một nhà nho chính thống, nhưng lại sớm nhận ra những yếu điểm và sự lỗi thời của các phong trào này. Phan Bội Châu nhận thấy cần phải có một sự cải cách mới, một con đường mới cho cách mạng Việt Nam, người xem xét chế độ quân chủ lập hiến, rồi cuối cùng quyết định giải phóng dân tộc theo con đường mà các nước tư bản chủ nghĩa đã làm và rất thành công tiêu biểu đó là Nhật Bản. Từ đó phong trào Đông Du ra đời, với một hy vọng cải biến được tình hình hỗn loạn như rắn mất đầu của các phong trào khởi nghĩa lẻ tẻ trong nước. Phan Bội Châu có thể xem là một vị anh hùng biết thời biết thế, với ông trong một bối cảnh mới thì nhân cách của nhà nho vẫn phải giữ, nhưng phải cải biến làm sao cho không bị lạc hậu, mà phải tương đồng, đuổi kịp với thời cuộc. Trong đó chí nam nhi là điều cốt yếu của một nhà nho yêu nước. Phan Bội Châu quan niệm “Làm trai phải lạ ở trên đời”, chữ “lạ” ở đây tức là thân nam nhi chí ở bốn phương, phải tạo cho mình sự khác biệt, nổi bật hẳn lên ở các phương diện sự nghiệp, tư tưởng, mang trong mình những khát khao, hoài bão cao đẹp và nỗ lực hết mình thực hiện chúng. Đã là nam nhân thì không cam chịu một cuộc sống bình thường, an ổn, quanh quẩn bên cái ao, nắm thóc, con gà, vừa lòng với cuộc sống điền viên nhi nữ thường tình mà phải phấn đấu gây dựng sự nghiệp lớn, công danh lớn. Ví như thuở trước người trai miệt mài đèn sách, quyết thi cử lấy công danh làm rạng rỡ tổ tông hoặc là tòng quân chinh chiến sa trường, bảo vệ biên cương, để trả mối nợ nước. Thì nay trong thời đại đầy biến động, người nam nhi lại cần phải có ý chí, thay đổi tư tưởng của bản thân để trả món nợ công danh cho đất nước, chứ không phải bất lực, trốn tránh như nhiều nhà nho đương thời, vì sự cố chấp, bảo thủ lạc hậu ôm khư khư quan niệm Nho học đã lỗi thời để than khóc, xót thương. Quan niệm chí làm trai ấy của Phan Bội Châu lại càng được bộc lộ rõ trong câu thơ tiếp theo “Há để càn khôn tự chuyển dời”. Câu thơ ấy đã bộc lộ sự mạnh mẽ, ý chí quyết đoán, thách thức cả vũ trụ, thể hiện tầm vóc to lớn của nhà thơ trước cán cân tạo hóa, Phan Bội Châu khẳng định vận mệnh của bản thân phải do chính bản thân mình nắm giữ, đồng thời ý thơ còn chỉ ra tráng chí, lý tưởng thay đổi “càn khôn” của tác giả. Mà thực tế “càn khôn” ở đây chung quy vẫn là chỉ đến sự biến động của thời cuộc, giặc Pháp xâm lược và chế độ phong kiến đổ nát, khiến đất nước lầm than, nhiễu loạn. Phan Bội Châu không can tâm, không đành lòng nhìn thấy cảnh đau thương ấy, người phải làm gì đó cho Tổ quốc, cho dân tộc chứ không phải là đứng yên bất lực hay rơi lệ xót thương.
“Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thuở há không ai”
Đến hai câu thơ tiếp theo chính là ý thức của tác giả về vai trò của bản thân khi đứng trước thời cuộc, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. “Khoảng trăm năm” là một cụm từ rất hay mang nhiều lớp nghĩa khác nhau, trước là để ám chỉ về khoảng thời gian đầy biến động của đất nước giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi giặc Pháp xâm lược, triều đình bất lực, cùng với sự nổ ra lẻ tẻ và sự thất bại của các phong trào khởi nghĩa truyền thống. Đó là khoảng thời gian khủng hoảng nhất trong lịch sử dân tộc kể từ khi đất nước giành được quyền độc lập tự chủ từ tay giặc phương Bắc năm 938. Bản thân Phan Bội Châu sinh ra đúng lúc đất nước đầy đau thương, thế nên với tư cách là một bậc đại trượng phu, ông tự ý thức được trách nhiệm của mình dành cho đất nước. Tạo hóa đã đặt con người ta vào nghịch cảnh, cuộc đời vốn chỉ có trăm năm thì cần sống sao cho ra dáng “nam nhi” để không uổng công sắp đặt của tạo hóa. Ý của Phan Bội Châu chính là như vậy. Và cụ Phan cũng không chỉ nói riêng hay đặt ra kỳ vọng, lý tưởng cứu quốc, tạo lập công danh cho chính bản thân mình, mà với ông “khoảng trăm năm” này nó vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức cho tất cả những đấng nam nhi trong thiên hạ. Ông có một niềm hy vọng rất lớn vào các thế hệ mai sau, câu hỏi ngỏ ấy chính là lời khích lệ, động viên sâu sắc đến nhiều thế hệ thanh niên trong nước, khuyến khích họ tự tạo dựng một lý tưởng cao đẹp, mạnh mẽ xông pha để trả mối nợ công danh cho nước non, cho dân tộc. Phan Bội Châu đã bước những bước đi đầu tiên đầy khó khăn, nhưng tràn đầy tráng chí quyết tâm và hy vọng về một tương lai khởi sắc, vực dậy đất nước, nhưng sau trăm năm của ông, ai sẽ là người tiếp tục con đường ấy, Phan Bội Châu cần những người cộng sự, những người tiếp nối, để biến lý tưởng cách mạng ấy thành sự thật.
“Non sông đã mất sống thêm nhục
Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”
Đến hai câu thơ luận, người ta mới lại càng thấy được nhân cách văn hóa cao đẹp của Phan Bội Châu, chứng minh cho nhận định rằng cụ Phan là một nhà nho tiến bộ, một nhà văn hóa có tiếp cận đa chiều, đa diện, sự cách tân và bắt kịp xu thế của thời đại đầu thế kỷ XX. Như đã nói qua, các phong trào yêu nước truyền thống thất bại thảm hại mà đặc biệt là phong trào Cần Vương khiến các nhà nho yêu nước nhụt chí và thất vọng, thì trái lại Phan Bội Châu lại bước ra từ chính đống đổ nát ấy, rút kinh nghiệm tiếp thu nền văn hóa tư bản và trở thành người tiên phong cứu nước theo con đường tư bản chủ nghĩa. Đó là một bứt phá lớn. Cụ nhận thức rất rõ tình trạng của đất nước “non sông đã chết” đó là cái chết của một chế độ, một triều đại phong kiến vốn dĩ đã suy sụp từ hàng trăm năm nay, khi mà cả vua lẫn quan ai nấy đều hèn nhát, sợ sệt chỉ ham vinh hoa phú quý mà chấp nhận để kẻ thù chà đạp đất nước. Một đất nước không có chủ quyền, không có tự do, và một bộ máy bù nhìn thì chẳng phải đã “chết” hay sao. Và với một nhà nho yêu nước, một con người ngay thẳng sự khom mình ấy của triều đình, sự đớn đau của dân tộc, sự ngang tàn của bọn thực dân quả thực là một nỗi nhục nhã khôn cùng. “Hiền thánh còn đâu học cũng hoài”, chính là nhận thức của Phan Bội Châu về sự lỗi thời và lạc hậu của nền Nho học. Bằng tư duy phóng khoáng, sự lỗi lạc của mình, ông nhận ra trong giờ phút này Tam tự kinh, Luận ngữ hay các triết lý Nho học không thể đấu lại với súng đạn của kẻ thù, không thể vực dậy đất nước bằng lối tư duy cứng nhắc, thiếu linh hoạt ấy nữa. Với tư cách là một nhà nho chính thống, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, đó là một nhận thức vô cùng phũ phàng và đau đớn. Nhưng không chìm đắm trong bất lực, bế tắc như nhiều nhà nho đương thời, Phan Bội Châu đã sẵn sàng từ bỏ những gì mình gắn bó bao nhiêu năm trời để tiến đến với một tư tưởng mới, đặt những bước đi đầu tiên trên con đường cứu nước theo khuynh hướng tư bản. Thậm chí về sau này, Phan Bội Châu sau khi bị giam lỏng ở Huế, sau thất bại với phong trào Đông Du, cụ lại cũng nhận thức và có những nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội qua tư tưởng Mác Lê-nin.
“Muốn vượt bể Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”
Sau những câu thơ mang đậm tính chất chính trị, lý tưởng cao đẹp thì đến hai câu thơ cuối chất trữ tình lãng mạn cách mạng trong thơ của tác giả được thể hiện khá rõ. “Muốn vượt bể Đông theo cánh gió” chính là thể hiện khát vọng lý tưởng của tác giả khi đến một vùng đất mới với hy vọng học hỏi được những kiến thức bổ ích mang về phụng sự cho đất nước, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ, lầm than. Ở đó tầm vóc, tráng chí của người anh hùng được thể hiện một cách bay bổng và phóng khoáng, bộc lộ sự tự do, niềm vui sướng, hoài bão to lớn mà Phan Bội Châu ôm ấp khi lên đường sang Nhật. Cảnh tượng “Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”, mang đến cho người đọc khung cảnh kỳ vĩ của thiên nhiên trong ngày người chí sĩ ra đi, thể hiện tầm vóc lớn lao, tâm hồn cao đẹp, kiêu hãnh, hùng tráng của người ra đi nổi bật hẳn lên trên cái nền sóng nước, mây trời.
Lưu biệt khi xuất dương là một bài thơ hay và đặc sắc của Phan Bội Châu thể hiện rõ khuynh hướng trữ tình chính trị trong thi ca của một nhà nho tiên tiến, người mở đường cho cách mạng Việt Nam theo khuynh hướng mới, dù không thành công, nhưng nó đã trở thành tiền đề, bài học kinh nghiệm sâu sắc cho lớp người đi sau, tiêu biểu là Hồ Chí Minh. Tác phẩm đã bộc lộ nhân cách cũng như lý tưởng cao đẹp của Phan Bội Châu trong thời kỳ đất nước có nhiều biến động, đồng thời cũng là lời động viên sâu sắc, sự khích lệ đối với nhiều tầng lớp thanh niên Việt Nam đứng dậy đấu tranh và hành động vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đánh đuổi ngoại xâm.
Nguồn: Sưu tầm