Phân tích khổ thơ thứ hai trong bài Tràng giang của Huy Cận.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Dẫn dắt vấn đề

2. Thân bài

Luận điểm 1: Khung cảnh cồn bến hoang vắng trong nắng chiều

- Nỗi lòng nhà thơ được gợi mở nhiều hơn qua hình ảnh quạnh vắng của không gian lạnh lẽo:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

+ Góc nhìn của nhân vật trữ tình lúc này bao quát hơn, rộng hơn khi từ cảnh sông Hồng chuyển sang không gian bao la của trời đất, bến bờ. Đó là một không gian vắng lặng, yên tĩnh: có cảnh vật (cồn, gió, làng, chợ…) nhưng cảnh vật lại quá ít ỏi, nhỏ nhoi (nhỏ, xa, vãn...)

+ Từ láy “lơ thơ” diễn tả sự thưa thớt, rời rạc của những cồn đất nhỏ nhoi mọc lên giữa dòng tràng giang. Trên những cồn đất nhỏ đó, mọc lên những cây lau, sậy, khi gió thổi qua thì âm thanh phát ra nghe man mác, nghe “đìu hiu” não ruột.

+ Có âm thanh nhưng âm thanh ấy lại phát ra từ ngôi “chợ chiều” đã “vãn” mà làng lại xa nên không đủ sức làm cho cảnh vật sinh động, có hồn.

+ Chỉ một câu thơ mà mang nhiều sắc thái gợi lên âm thanh xa xôi, không rõ rệt: "Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều"

Luận điểm 2: Tâm trạng của thi nhân.

- Hai câu thơ tiếp theo, không gian được mở ra bát ngát:

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”

+ Huy Cận đã vẽ nên một khung cảnh không gian ba chiều rộng lớn: có chiều cao (nắng xuống, trời lên), có chiều rộng (trời rộng) và cả chiều dài (sông dài), thậm chí là có cả độ “sâu”.

-> Vũ trụ thì bao la, vô tận, còn con người thì quá nhỏ bé, cô độc lẻ loi.

+ Nhà thơ nhìn lên bầu trời và thấy bầu trời “sâu chót vót”:

Cách dùng từ thật độc đáo vì nhà thơ không dùng từ “cao” mà dùng từ “sâu”.

“Cao” chỉ độ cao vật lý của bầu trời, còn “sâu” không chỉ diễn tả được độ cao vật lí mà còn diễn tả được sự rợn ngợp trước không gian ấy.

=> Đó chính là sự rợn ngợp trong tâm hồn của thi nhân trước cái vô cùng của vũ trụ.

=> Cách sử dụng từ hết sức mới lạ bởi tác giả đã lồng chiều cao vào chiều sâu; ông đang ngắm cảnh bầu trời cao “chót vót” dưới mặt nước “sâu” thăm thẳm. Không gian càng rộng, hình ảnh con người lại càng nhỏ bé, cô độc, lẻ loi đến tội nghiệp.

+ Hình ảnh “bến cô liêu” với âm hưởng man mác của hai chữ “cô liêu” ấy, một lần nữa lại gợi ra một nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn về sự sống quá nhỏ nhoi, rất hữu hạn trong thiên nhiên, mà vũ trụ thì cứ mở ra mãi đến vô tận, vô cùng.

=> Không gian càng vắng lặng rộng lớn bao la thì hình ảnh con người càng cô đơn đến tột cùng. Nỗi buồn lan tỏa khắp không gian, bao trùm lên cảnh vật.

=> Khổ thơ thứ 2 cho ta thấy được tâm trạng buồn bã, băn khoăn, ngơ ngác trước những ngã rẽ của cuộc đời. Thi nhân cảm nhận rõ sự nhỏ bé, lẻ loi, cô độc của một kiếp người giữa dòng đời rộng lớn. Đây không phải là nỗi buồn của cá nhân ông mà là cảm xúc chung của cả một thế hệ, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ đầu thế kỉ XX.

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề

Bài mẫu

Bài tham khảo số 1

“Tràng giang” là bài thơ kiệt tác của Huy Cận rút trong tập thơ “Lửa thiêng” (1940). Bài thơ có một câu đề từ rất đậm đà: “Bâng khuâng trời rộng, nhớ sông dài”. Tác giả đã có lần nói: “Tràng giang là một bài thơ tình và tình gặp cảnh, một bài thơ về tâm hồn”, “Tràng giang” tiêu biểu cho vẻ đẹp của hồn thơ Huy Cận trước cách mạng: hàm súc, cổ điển, giàu chất suy tưởng triết lí, thấm thía một nỗi buồn nhân thế “sầu trăm ngả".

Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn trường thiên, có 4 khổ thơ hợp thành một bộ tứ bình về tràng giang một chiều thu. Đây là khổ thơ thứ hai của “Tràng giang” :

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đây tiếng làng xa vãn chợ chiều,

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót:

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”.

Từ dòng sông, sóng gợn, con thuyền xuôi mái và cành củi khô bập bềnh trôi dạt trên sông., ở khổ một, Huy Cận nói đến cảnh tràng giang một buổi chiều mênh mông, vắng vẻ. Giọng thơ nhè nhẹ man mác buồn. Không gian nghệ thuật được mở rộng về đôi bờ và bầu trời. Những cồn cát thưa thớt nhấp nhô “lơ thơ” như nối tiếp mãi dài ra. Gió chiều nhè nhẹ thổi “đìu hiu” gợi buồn khôn xiết kể. Hai chữ “đìu hiu” gợi nhớ trong lòng người đọc một vần thơ cổ:

“Non Kì quạnh quẽ trăng treo,

Bến Phi gió thổi đìu hiu mấy gò".

( Chinh phụ ngâm)

Làng xóm đôi bờ sông, trong buổi chiều tàn cũng rất vắng lặng. Một chút âm thanh nhỏ bé lao xao trong khoảng khắc tan chợ, vãn chợ ở đâu đây, ở từ một làng xa vẳng đến. Lấy động để tả tĩnh, câu thơ “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” đã làm nỗi bật sự ngạc nhiên, chút bâng khuâng của người lữ khách về cái vắng vẻ, cái hoang vắng của đôi bờ tràng giang. Các nhà Thơ mới coi trọng tính nhạc trong thơ, vận dụng nghệ thuật phối âm, hòa thanh rất thần tình, tạo nên những vần thơ giàu âm điệu, nhạc điệu, đọc lên nghe rất thích. Hai câu thơ đầu đoạn có điệp âm “lơ thơ” và “đìa hiu”, có vần lưng “nhỏ - gió”, có vần chân: “hiu - chiều”. Câu thơ của Huy Cận làm ta liên tưởng đến câu thơ của Xuân Diệu:

"Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu,

Lả lả cành hoang bóng trở chiểu...”

( Thơ duyên)

Các điệp thanh: “Nhỏ nhỏ”, “xiêu xiêu”, “lả lả”; các vần thơ, như vần lưng “nhỏ" với “gió”, vần chân “xiêu” với “chiều”. Những vần thơ “tươi nhạc tươi vần” ấy đã trở thành thơ trong trí nhớ của hàng triệu con người yêu thích văn học.

Trở lại đoạn thơ trong bài “Trùng giang” của Huy Cận, ta như được nhập hồn mình vào cõi vũ trụ mênh mông và bao la. Trời đã về chiều. Nắng từ trên cao chiếu rọi xuống làm hiện ra những khoảng sâu thăm thẳm trên bầu trời, vẻ đẹp của bầu trời thu quê hương ta đã trở thành vẻ đẹp của thi ca dân tộc: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” (Thu vịnh); và “Trời cao xanh ngắt - ô kìa...” (Tiếng sáo Thiên Thai); “xanh biếc trời cao, bạc đất bằng” (Xuân Diệu). Thi sĩ Huy Cận lại nhận diện bầu trời không phải là cao mà là sâu, “sâu chót vót”:

“Nắng xuống, trời lên sâu chót vót”

Bầu trời và lòng sông “sóng gợn” là không gian hai chiều, rộng và cao, sâu. Trời cao thăm thẳm, rộng mênh mông in xuống, soi xuống lòng sông. Người ta thường nói “cao chót vót” và “sâu thăm thẳm”, nhưng Huy Cận lại cảm nhận là “sâu chót vót” vừa để làm nổi bật hai vế tiểu đối: “nắng xuống ” và “trời lên”, vừa gây ấn tượng về cái bao la, mênh mỏng đến rợn ngợp của không gian vũ trụ vô tận, và cũng là nỗi buồn như vô tận trong lòng người. Khách li hương càng cảm thấy nhỏ bé, lẻ loi và cô đơn trước không gian vô hạn của vũ trụ. Dòng sông như dài thêm ra, bầu trời như rộng thêm ra, bến đò (hay bến lòng?) như cô liêu hơn. xa vắng quạnh hiu hơn. Lời đề từ nhà thơ đã viết: "Bâng khuâng trời rộng, nhớ sông dài’’, cảm hứng ấy đã được láy lại ở thơ số 8, mở ra một trường liên tưởng đẩy ám ảnh về vũ trụ thì vô hạn vô cùng, còn kiếp người thì nhỏ bé, hữu hạn:

‘‘Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”.

Cảnh sắc tràng giang được nói đến trong đoạn thơ là một không gian nghệ thuật đẹp mà buồn, vẻ đẹp của những dòng sông trên mọi miền đất nước hội tụ trong tâm hồn thi nhân, vẻ đẹp của tình yêu quê hương, tình yêu sông núi. Tình yêu đó mang nỗi buồn sông núi, nỗi buồn về đất nước của Huy Cận, của thê hệ các nhà thơ thời tiền chiến. “Tràng giang” đã hợp lưu trong lòng người hơn 60 năm rồi. Đọc đoạn thơ trên, ta mới thấu hiểu nỗi lòng thi nhân trước Cách mạng: “Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm...”.

Xem các bài tham khảo khác tại đây:

Bài tham khảo số 2