Tổng hợp các cách mở bài cho tác phẩm Câu cá mùa thu

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

MB1

Trong nền thơ ca dân tộc có nhiều bài thơ tuyệt hay nói về mùa thu. Riêng Nguyễn Khuyến đã có chùm thơ ba bài: Thu vịnh, Thu ẩmThu điếu. Bài thơ nào cũng hay, cũng đẹp cho thấy một tình quê dào dạt. Riêng bài "Thu điếu", nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định là "điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam". "Thu điếu" là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc: Cảnh đẹp mùa thu quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết.

MB2

Trời vào thu với màu sắc thê lương ảm đạm, với gió heo may se sắt lạnh lùng và những chiếc lá vàng nhẹ rơi bỏ lại thân cây trơ trọi, não nề. Mùa thu có lẽ làm cho người ta bâng khuâng hoài cảm nhiều nhất và là nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ. Quay ngược bánh xe lịch sử ta sẽ bắt gặp những mùa thu tuyệt vời ngập tràn trong những trang thơ của bao thế hệ. Nhắc đến mùa thu không thế không nhắc đến “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến – một bức tranh mùa thu mà Xuân Diệu đã từng nhận xét: “Là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”.

MB3

Mùa thu vốn là một đề tài quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. Thu thường mang đến cho thi sĩ một nỗi buồn man mác, gợi nhớ hay nuối tiếc về một cái gì đó xa xôi, đầy bí ẩn. Dường như không ai vô tình mà không nói đến cảnh thu, tình thu khi đã là thi sĩ! Đến với Nguyễn Khuyến, chúng ta sẽ thấy được điều đó. Cảnh mùa thu trong thơ ông không phải là mùa thu ở bất cứ miền nào, thời nào, mà là mùa thu ở quê ông, vùng đồng chiêm Bắc Bộ lúc bấy giờ. Chỉ với bầu trời “xanh ngắt” (Thu vịnh), với cái nước “trong veo” của ao cá (Thu điếu), và cái “lưng giậu phất phơ màu khói nhạt, làn ao lóng lánh bóng trăng loe” (Thu ẩm). Nguyễn Khuyến đã làm say đắm lòng bao thế hệ! Khi nhận xét về bải thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu có viết: “Bài thơ thu vịnh là có thần hơn hết, nhưng ta vẫn phải nhận bài Thu điếu là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. Vậy ta thử tìm hiểu xem thế nào mà “Thu điếu là điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”?

MB4

Thu điếu nằm trong chùm thơ thu gồm ba bài nức danh nhất về thơ Nôm cùa Nguyễn Khuyến. Bài thơ nói lên một nét thu đẹp tĩnh lặng nơi làng quê xưa, biểu lộ mối tình thu đẹp mà cô đơn, buồn của một nhà Nho nặng tình với quê hương đất nước. Thu điếu cũng như Thu ẩm, Thu vịnh chỉ có thể được Nguyễn Khuyến viết vào thời gian sau khi ông đã từ quan về sống ở quê nhà (1884)

MB5

Thế kỉ XIX, nửa cuối, nước nhà lâm vào cảnh loạn li, triều đình nhà Nguyễn đang trên đà suy vong nhưng văn chương chữ Nôm thì phát triển mạnh làm hoàn thiện thêm ngôn ngữ tài hoa của truyện Kiều. Những Nguyễn Đình Chiểu, Bà Huyện Thanh Quan, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến... ít dùng chữ Hán làm ngôn ngữ thơ như các nhà Nho của các thế kỉ trước. Họ đã dùng “chữ Nôm hóa thơ Đường'.

Khi lui về ở ẩn, ngoài những bài thơ mang nỗi u hoài của người dân mất nước, họ còn có những tác phẩm trữ tình mang hình ảnh thân thiết của miền đất đang sinh sống. Trong số những nhà thơ ấy có Nguyễn Khuyến. Nhà thơ viết những bài về mùa thu đậm đà tình yêu đồng quê, nội cỏ. Một trong những bài thơ nổi tiếng ấy là Thu Điếu - Câu cá mùa thu.