Nghị luận xã hội “Bàn về sự nhường nhịn”

Đề bài

Nghị luận xã hội “Bàn về sự nhường nhịn”

Lời giải chi tiết

I/ MỞ BÀI: “Nhịn điều vinh nhục tấm thân yên Nhịn sự hơn thua tránh phiền lụy…” (Trích “Những điều răn của Phật”)

Từ xưa, đức nhẫn nhịn được các bậc hiền nhân xem là một trong các phương châm xử thế hàng đầu. Nó thể hiện được trí tuệ sáng suốt, tính cách điềm đạm, ý chí bền vững, lòng khoan dung đức tính vị tha của người quân tử. Có biết bao tấm gương để lại cho đời sau về đức tính nhẫn nhịn.

II/ THÂN BÀI:

Thế nào là nhẫn nhịn? Nhẫn nhịn hay nhường nhịn là chấp nhận để người khác hơn mình, là thái độ hoà nhã không có ý định tranh giành hơn thua.

Đây là một đức tính tốt đẹp mà con người cần phát huy.

Trong thực tế không phải ai cũng hiểu và thực hiện được điều đó. Mỗi người đều có lòng tự ái của mình, đôi khi tự ái quá lớn dẫn đến sự kiêu hãnh. Chỉ cần lòng kiêu hãnh ấy bị xúc phạm là xung đột sẽ xảy ra. Hơn nữa, con người ngày nay có thói quen đặt quyền lợi cá nhân lên trên tất cả, cho nên mọi thứ lễ nghĩa trong giao tiếp xử thế thường bị coi nhẹ. Mọi sự nhường nhịn cảm thông được đánh đồng với cảm giác bị thua thiệt, nhục nhã. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy những đám đông hiếu kì bu quanh hai người đang đôi co hùng hổ, đó là hệ quả của thói xấu không nhương nhịn.

Thật ra, nhường nhịn không phải là đầu hàng, là thất bại. Nhường nhịn phải được hiểu là sự thông cảm, tha thứ cho nhau trong giao tiếp ứng xử để cuộc sống tốt đẹp hơn. Những ai cho rằng nhường nhịn là thua thiệt, mất mặt tức là họ chưa hiểu hết bài học về lễ nghĩa trong việc xử thế.

Nhường nhịn là một chìa khoá đưa con người đi đến thành công. Vì sao? Vì con người là đối tượng có những mối quan hệ đầy phức tạp, chỉ cần ta sơ xuất sẽ dẫn đến hiểu lầm, tranh chấp thậm chí hoá ra hận thù khó giải. Biết bao nhiêu bi kịch gia đình, bao nhiêu cuộc xô xát diễn ra trong nhà trường, ngoài xã hội cũng vì con người ta không biết yêu thương nhường nhịn Người Trung Quốc có câu ngạn ngữ nổi tiếng: “ Hoà khí sanh tài”, giữ được mối giao hảo tốt đẹp với nhau là cơ hội để phát triển làm ăn buôn bán. Đó là lý do vì sao người Hoa lại có thể xuất hiện và làm ăn lâu dài ở hầu het các quốc ga trên thế giới.

Theo quan điểm Nho giáo, nhường nhịn là một trong những biểu hiện về cái Đức của bậc đại trượng phu. Sách sử Trung Quốc vẫn thường ca ngợi những tấm gương biết nhẫn nhục để mưu đồ việc lớn. Danh tướng Hàn Tín thời Đông Hán là một điển hình. Trong thuở hàn vi, ông dám hạ mình bò qua trôn một tên bán thịt giữa chợ đông. Không phải vì nhân cách thấp hèn mà vì ông biết nhường nhịn việc nhỏ để làm đại sự. Sau nay, tấm gương của ông vẫn được người đời truyền tụng mãi.

Trong gia đình vợ chồng anh em luôn hoà thuận, kính trên nhường dưới cảm thông lẫn nhau thì gia đình sẽ rất hạnh phúc. Nhìn rộng ra xã hội, nếu mọi người thân ái hoa đồng nhường nhịn lẫn nhau thì làm gì xảy ra bất đồng, xô xát, làm gì có chiến tranh binh biến đau thương?

III/ KẾT BÀI:

Tóm lại, cuộc sống con người dù có trải qua nhiều va chạm, ganh đua, ta vẫn phải tôn trọng đạo đức lễ nghĩa. Một trong những bài học lễ nghĩa đầu tiên trong cách đối nhân xử thế là bài học về sự nhường nhịn.