Tổng hợp các cách kết bài cho tác phẩm Tiếng hát đi đày

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

KB1

Bài thơ “Tiếng hát đi đày” giàu về hình ảnh, phong phú về âm điệu. Hình ảnh thơ có sự xôn xao của đời sống, diễn tả được sự gắn bó tha thiết của người chiến sĩ cộng sản với quê hương đất nước. Còn sự phong phú về nhạc điệu là kết quả của sự kết hợp khéo léo giữa hai thể thơ lục bát và thất ngôn. “Tiếng hát đi đày” phát huy truyền thống bất khuất của các chiến sĩ yêu nước đầu thế kỉ và các bậc chiến sĩ đàn anh. Nét riêng đầy sức hấp dẫn của thơ Tố Hữu là cái tôi trữ tình bộc lộ một cách mãnh liệt. Niềm đau, nỗi buồn khát vọng đều chân thật, đều mang dấu ấn của một tâm hồn trẻ trung lạc quan, phơi phới, của một tài hoa tuy còn non trẻ nhưng đã có dấu hiệu của một nhà thơ cách mạng hàng đầu sau này.

KB2

Tiếng hát đi đày thể hiện một sự trưởng thành trong tâm hồn, tình cảm, trong ý chí của Tố Hữu. Với Tố Hữu, từ đây cuộc đời cách mạng không chỉ có “nắng hạ”, không chỉ có say mê mà còn có nỗi buồn, sự gian khổ, đớn đau:

Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu

Dấn thân vô là phải chịu tù đày.

Từ đó, nhà thơ càng hòa mình hơn vào cuộc chiến đấu lớn lao của đất nước nhân dân...

KB3

Có lẽ âm vang và giai điệu của bốn câu thơ đầu trong bài thơ “Tiếng hát đi đày” đã để lại những dư âm mạnh mẽ trong lòng người đọc. Khổ thơ phần nhiều miêu tả cảnh vật thiên nhiên Kông Tum hùng vĩ, hoang sơ nhưng đồng thời hòa quyện trong đó là những cảm xúc đan xen của người chiến sĩ cách mạng trong cảnh tù đày. Với tinh thần lạc quan, khí khái, người chiến sĩ ấy vẫn luôn ngẩng cao đầu và hướng tới ngày mai tốt đẹp hơn.

KB4

Sự phối hợp tài tình giữa hai thể thơ lục bát với thơ thất ngôn, nghệ thuật sử dụng từ láy và gieo vần biến hoá đã nói lên chân thực, cảm động và hào hùng tâm trạng và chí khí của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi. Có tâm trạng buồn "vây vây lòng”, có bâng khuâng lưu luyến phố cũ và đồng xanh, có "nỗi hờn ghê gớm". Bao trùm bài thơ là khát vọng tự do, là một tâm hồn gắn bó tha thiết với quê hương đất nước.

KB5

"Tiếng hát đi đày" là bài ca tự do, nó phá tan "xiềng xích" để vươn tới "giải phóng". Hành trình đi đày là thước đo tầm vóc và chí khí người chiến sĩ cộng sản. Nó giúp chúng ta, những thế hệ hôm nay cảm nhận về cái giá của tự do mà ông cha đã chấp nhận và quyết đem xương máu để giành lại, càng thấm thía hơn bài học "uống nước nhớ nguồn"...