Sở Bá Vương ngồi yên trên mình ngựa.
Giương mắt buồn say ngắm chân trời xa.
Trong sương thu nhẹ đượm ánh dương tà.
Quân Lưu Bang đang tưng bừng hạ trại.
……………………..
Dù nắng hun, dù mưa dầm tan nát.
Xin Quân vương chớ bận lòng vì phận bạc".
(...)
Phạm Huy Thông (1916 -1988) là một trong những thi sĩ khá nổi tiếng của phong trào "Thơ mới" (1932 -1941).
Trong cuốn "Thi nhân Việt Nam", nhà văn Hoài Thanh viết: "Đặc sắc của Huy Thông chính là những bài anh hùng ca như bài "Tiếng địch sông Ô" tả bước đường cùng của Hạng Tịch. Chưa bao giờ thi ca Việt Nam có những lời hùng tráng như trong tác phẩm của người thiếu niên hiền lành và xinh trai ấy. Hãy nghe Hạng Tịch than:
Nén đau thương, Vương ngậm ngùi sẽ kể
Niềm ngao ngán vô biên như trời bể.
Ôi! Tấm gan bền chặt như Thái Sơn
Bao nhiêu thu cay đắng chẳng hề sờn!
Ôi! Những trận mựa khiến "trời long đất lở"!
Những chiến thắng tưng bừng, những vinh quang rực rỡ! Ôi! Những võ công oanh liệt chốn sa trường!
Những buổi tung hoành, lăn lộn trong rừng thương
Những tướng dũng bị đầu văng trước trận...!
Nhưng, than ôi vận trời khi đã tận,
Sức "lay thành, nhổ núi" mà làm chi?
“Hơi văn mà đến thế thực đã đến bực phi thường. Anh hùng ca của V.Huy-gô tưởng cũng chỉ thế. Giữa cái ẻo lả, cái ủy mị của những linh hồn đương chờ xa ngã, thơ Huy Thông đã ồ ạt đến như một luồng gió mạnh. Nó lôi cuốn bừa đi. Người xem thơ ngạc nhiên và sung sướng vì thấy mình vẫn còn đủ tráng khí để buồn cái buồn Hạng Tịch".
(Tháng 8 năm 1941)
Hạng Tịch còn gọi là Hạng Vũ. Họ Hạng đã mấy đời làm tướng nước Sở. Năm 2009 trước công nguyên, Hạng Tịch hai mươi bốn tuổi, theo chú là Hạng Lương, đầy quân tập hợp chư hầu chống lại nhà Tần. Hạng Tịch, mình cao hơn tám thước, có sức mạnh cất nổi cái vạc, tài năng chí khí hơn người. Các con em ở đất Ngô Trung đều sợ Tịch.
Nước Tần suy yếu dần, quân các nước chư hầu nổi lên như ong vỡ tổ. Hạng Lương đánh đâu thắng đấy, trong tay có mấy chục vạn hùng binh. Sau khi đánh tan quân Tần ở Đông A, Hạng Lương tiến đến Định Đào chém được đại tướng Lí Do, Hạng Lương càng khinh thường quân Tần và tỏ ra kiêu căng. Chẳng bao lâu sau, Chương Hàm, tướng nhà Tần đánh tan tành quân sở một trận lớn ở Định Đào. Hạng Lương bị tử trận.
Hạng Tịch lên thay, nắm giữ binh quyền. Hạng Tịch đánh thắng như chẻ tre: giết Tống Nghĩa, bắt sông Vương Ly, chặt đầu Tô Giác, chôn sống hơn hai mươi vạn quân Tần ở thành Tân An.. Các nước chư hầu đều dưới quyền của Hạng Vũ. Hạng Vũ tự xưng là Tây sở Bá Vương.
Nhà Tần bị diệt vong. Lưu Bang và Hạng Vũ đánh nhau, lịch sử gọi là Hán - Sở tranh hùng. Quân Lưu Bang nhiều phen bị nguy khôn: thoát chết tại bữa tiệc Hồng Môn, đại bại ở Bành Thành, hơn mười vạn quân bị giết sạch trên sông Tuy Thủy, bị vây hãm khốn quẫn ở thành Huỳnh Dương, v.v...
Nhưng đến năm 203-202 trước công nguyên, nhiều nước chư hầu làm phản, mưu sĩ Phạm Tăng chết, Tây Sở Bá Vương suy yếu dần, đất đai bị thu hẹp. Mùa thu năm 202, Hạng Tịch bị vây hãm tại thành Cai Hạ. Phá vòng vây chạy đến Đông Thành bên bờ sông Ô Giang, khi ấy trong tay chỉ còn hai mươi tám kị binh, thân bị hơn mười vết thương. Hạng Vũ rút kiếm tự sát. Năm đó, Hạng Vũ ngoài ba mươi tuổi.
Ba đoạn thơ trên đây trích trong bài thơ dài "Tiếng địch sông Ô" của Huy Thông nói về tình cảnh của Hạng Vũ và nàng Ngu Cơ trong khoảnh khắc của buổi thu tàn và một đêm thu nơi cô thành Cai Hạ.
Đoạn thơ đầu gợi tả cảnh tượng chiến trường một buổi chiều tàn thu. Hai nét vẽ về tư thế, về cái nhìn đăm chiêu của Hạng Vũ trong giờ phút nguy nan được khắc hoạ đầy ấn tượng:
Sở Bá Vương ngồi yên trên mình ngựa,
Giương mắt buồn say ngắm chân trời xa.
Con ngựa được nói đến lên là Truy, thường một ngày đi ngàn dặm, đã cùng với chủ tướng xông pha trong rừng tên biển giáo suốt năm năm trời. Các từ ngữ: "ngồi yên" và "buồn say ngắm" đã diễn tả nỗi buồn lo của người anh hùng thất thế khi sức cùng lực tận. "Chân trời xa" mà Hạng Vũ "say ngắm" có thể là Đông Thành, là Giang Đông ở đôi bờ sông Ô Giang. Cũng có thể là bãi chiến trường vùng Cai Hạ, khi hàng trăm vạn hùng binh quân Lưu Bang đang ùn ùn xô tới.
Mười ba câu tiếp theo tái hiện cảnh tượng chiến trường thời trung cổ. Trong ánh tà dương, trên khắp núi đồi vùng Cai Hạ lớp lớp tướng sĩ của Lưu Bang. Trương Lương, Hàn Tín,... “đang tưng bừng hạ trại" gấp rút chuẩn bị cho một cuộc huyết chiến dữ đội sắp xảy ra . Trên những ngọn đồi nhấp nhô, lán trại quân Hán và chư hầu "đóng trùng trùng điệp điệp”. Khói tung bay mù mịt bầu trời. Nhà thơ sử dụng khá đắt biện pháp nghệ thuật tu từ so sánh khi tả ánh giáo mác, tả màu cờ, làm nổi bật khí thế và sức mạnh ghê gớm của Hán binh và tướng sĩ chư hầu:
Như muôn sao trong đám tối mơ màng
Khắp bốn phương giáo mác tỏa hào quang (...)
Cờ chư hầu đỏ rực như pha son.
Quằn quại cong trên nền trời lá mạ.”
Bao âm thanh "rộn rã", "vi vút” làm náo động cả một không gian chiến trường bao la, mênh mông. Tiếng gió "quát", tiếng quân "reo", tiếng ngựa "hí", tiếng loa "vang" báo hiệu giờ phút giao tranh dữ dội, ác liệt và nghiêm trọng sắp diễn ra. Sẽ có hàng ngàn chiến mã bị bắn gục, hàng vạn sĩ tốt thịt nát xương tan, hàng trăm dũng tướng bị cụt đầu. Máu chảy thành suối, thây chất thành đồi, cảnh tượng vô cùng thê lương rùng rợn.
Với kiến thức lịch sử, với trí tưởng tượng kì diệu, Huy Thông đã làm hiện lên một bức tranh "Hán - Sở tranh hùng" cực kì bi tráng:
Gió quát bên tai Vương, và rộn rã,
Tiếng quân reo, tiếng ngựa hí, tiếng loa vang,
Theo gió chiều vi vút vẳng đưa sang.
Đoạn thơ thứ hai gồm các câu thơ tám chữ, chín chữ, mười chữ đang xen vào nhau diễn tả tâm trạng bi phẫn của một bậc kiêu hùng. Đó là Hạng Tịch, chỉ trong vòng tám năm trời trải qua hơn bảy mươi trận, tiến quân đến đâu như gió lưới thảo nguyên, như sóng cồn thác dữ, chưa từng thua chạy bao giờ. Leo tới đỉnh cao danh vọng, làm bá thiên hạ, trở thành sở Bá Vương, uy quyền nghiêng trời lệch đất. Thế mà nay phải chịu khốn khổ nơi đây!
Hạng Vũ đang tự nói với mình hay đang thổ lộ cùng nàng Ngu Cư? Bao “đau thương" được "nén" lại, bao "ngao ngán" chứa chất trong lòng "vô biên như trời bể" không thể nào kể xiết. Điệp từ "ôi" ba lần vút cao lên như những tiếng nấc. Vương sống lại trong niềm kiêu hãnh những năm tháng oai hùng vào sinh ra từ giữa rừng tên biển giáo, giữa trận mạc "trời long đất lở" lập nên bao chiến công oanh liệt làm cho mọi kẻ thù phải khiếp sợ:
Ôi! Tấm gan bền chặt như Thái Sơn
Bao nhiêu thu cay đắng chẳng hề sợ!
Ôi! Những trận mạc khiến "trời long đất lở
Những chiến thắng tưng bừng những chiến công rực rỡ
Ôi! Những võ công oanh liệt chốn xa trường
Những buổi tung hoành, lăn lộn trong rừng thương!
Những tướng dũng bị đầu văng trước trận!...
Điệp từ "những" sáu lần xuất hiện: "những trận mạc..., những chiến thắng..., những vinh quang..., những võ công..., những buổi tung hoành..., những tướng dũng" làm cho giọng thơ vang lên hào hùng, mạnh mẽ mang âm điệu anh hùng ca. Các so sánh, ẩn dụ: "tấm gan bền chặt như Thái sơn", "Bao nhiêu thu canh đắng chẳng hề sờn", "trời long đất lở", "lăn lộn trong rừng thương", “Những tướng dũng bị đầu văng trước trận" đã làm sống lại cuộc đời chinh chiến của một đấng trượng phu phi thường, một chiến tướng từng vào sinh ra tử. Trong "Sử kí', Tư Mã Thiên viết:
Hạng Vũ trong tay không có quyền binh gì, thừa thế nổi lên nơi thảo dã, trong ba năm liền đem năm nước chư hầu để tiêu diệt Tần, phân chia thiên hạ, phong các vương hầu, ban ra chính lệnh và tự xưng là Bá Vương, địa vị tuy không trọn vẹn nhưng từ cận cổ đến nay chưa hề có người nào như thế”.
Địa vị của sở Bá Vương "không trọn vẹn", phải chăng do "vận trời" như Huy Thông cảm nhận?
Sau khi sống lại quá khứ oanh liệt ''Những chiến thắng tưng bừng, những vinh quang rực rỡ", Hạng Vũ trở về với thực tại. Bao đau đớn, căm uất, bao tủi nhục nén chặt trong lòng bỗng vút cất lên. Câu cảm thán, câu hỏi tu từ đã cực tả tâm trạng bi phẫn của một bậc kiêu hùng đang nếm trải cay đắng khi thế cùng lực kiệt:
Nhưng, than ôi, vận trời khi đã tận,
Sức "lay thành nhổ núi" mà làm chi?
Có thể nói, đoạn thơ thứ hai là đoạn thơ đẹp nhất trong bài "Tiếng địch sông Ô". Với cảm hứng anh hùng ca, Huy Thông đã sáng tạo nên bao hình ảnh tráng lệ, bao vần thơ dạt dào cảm xúc, đã lôi cuốn người đọc, đưa họ sống lại thuở "Hán – Sở tranh hùng" hơn hai mươi hai thế kỉ về trước.
Đoạn thơ thứ ba gồm hàng loạt câu nói của Ngu Cơ; câu nào cũng tha thiết giục giã Hạng Vũ hãy "ruổi ngựa" lên đường; "Còn đợi chờ chi nữa”, "còn dùng dằng chi nữa", "đi đi thôi"... Những câu cầu khiến, câu cảm thán dồn dập cất lên. Hình như Hạng Vũ "dùng dằng" bởi sự quyến luyến về "thói nữ nhi thường tình”.
Quân Vương ơi! Còn đợi chờ chi nữa
Mà đường xa chàng còn chưa ruổi ngựa?
Trống canh hai trong bóng sẫm đổ hồi,
Còn dùng dằng chi nữa, đi đi thôi!
Kìa! Thờ ơ, trăng mờ đang chênh chếch...
Tiếng địch quân Hán và chư hầu "ai oán” vọng xa. Ngu Cơ lại tha thiết cất lên khi Hạng Vương còn chần chừ "ngồi đó...". Hai tiếng đừng nghe như một mệnh lệnh thúc giục người chồng thân yêu lên đường:
"Còn ngồi đó mà nghe chi tiếng địch
Cho chí dày dần cạn trong tim đau.
Đừng nghe! Đừng nghe nữa! Hãy đi mau!
Nghe làm chi tiếng tre đằng than ai oán,
Khúc bi ca nặng nề và đòi đoạn...
Ngu Cơ lại thiết tha giục giã như an ủi, vỗ về. Như động viên khích lệ:
Quân Vương ơi! Mau sửa soạn lên đường...
Đi đi chàng, nơi xa xăm tiếng địch...
Đi đi chàng, còn thân Ngu Cơ đâu bận trí Quân Vương...
Giữa thời loạn, trái tim mĩ nhân đã tôi luyện thành sắt đá nên nàng có thể thốt lên những lời sắt đá ấy. Tiếng địch quân Hán lại não nùng dìu dặt khắp bốn bề. Bầu trời, vầng trăng được nhân hoá tưởng cũng cất lời than:
Địch Trương Lương trên Ô Giang dìu dặt
Tưởng trời đêm trăng biếc lạnh lùng than.
Nguy Cơ không cầm lòng được nữa. Nàng đã khóc. Hình ảnh ẩn dụ "lá lìa cây", "gió xé”, "nắng hun", "mưa dầm", "phận bạc" kết hợp với điệp từ "dù" đã làm cho giọng thơ thêm phần bi tráng thể hiện cốt cách phi thường của một bậc nữ lưu thời loạn:
Lá lìa cây dù gió xé bên vệ đường,
Dù nắng hun, dù mưa dầm tan nát,
Xin Quân Vương chớ bận lòng vì phận bạc.
Mọi cuộc chia li xưa nay trên cõi đời đều thấm đầy lệ. Trong bi kịch của Hạng Vũ và nàng Ngu Cơ càng đau đớn buồn thương. Huy Thông đã viết lên những vần thơ bi tráng thống thiết để thể hiện một nét tâm trạng đầy bi kịch của trai anh hùng, gái thuyền quyên giữa thời loạn.
Ta tìm về "Sử kí" của Tư Mã Thiên và khẽ đọc: "Hạng Vương đóng quân trong thành Cai Hạ, binh ít, lương hết! quân Hán và quân chư hầu bủa vây mấy vòng, đang đêm, Hạng Vương nghe quân Hán ở bốn mặt đều hát giọng Sở. Hạng Vũ liền kinh hoảng, nói:
Hán đã lấy được Sở rồi sao? Sao mà người Sở đông như thế?"
Đang đêm Hạng Vương thức dậy uống rượu trong trướng có mĩ nhân thường đi theo tên là Ngu, có con ngựa thường cưỡi tên là Chuy, Hạng Vương đau đớn cảm khái làm bài thơ:
Sức nhổ núi, khí trùm đời,
Ngựa Chuy chùn lại bởi thời không may!
Ngựa sao chùn lại thế này?
Nàng Ngu biết tính sao đây hỡi nàng?
Hạng Vương ca mấy lần, mĩ nhân hoạ theo (1). Hạng Vương khóc chảy nước mắt! Tả hữu đều khóc, không ai có thể ngẩng đầu lên nhìn! Hạng Vương bèn lên mình ngựa, tráng sĩ cưỡi ngựa ở dưới cờ hơn tám trăm người đang đêm phá vỡ vòng vây, xông ra phía nam, phi ngựa chạy".
Ba đoạn thơ trên đây tiêu biểu cho cái hay, cái đẹp của bài "Tiếng địch sông Ô". Phạm Huy Thông đã làm sống lại hình ảnh Hạng Vương và mĩ nhân Ngu Cơ. Tâm trạng bi kịch của hai nhân vật lịch sử này được tác giả khắc hoạ bằng những vần thơ bi tráng trong một không gian nghệ thuật hào hùng đầy ấn tượng.
Lời than bi phẫn của Hạng Vũ, lời giục giã của nàng Ngu Cơ là những nét tâm trạng đầy máu và nước mắt của những con người thời loạn đã để lại cho chúng ta bao ấn tượng và cảm xúc.
loigiaihay.com