Thế kỉ XIX, nửa cuối, nước nhà lâm vào cảnh loạn li, triều đình nhà Nguyễn đang trên đà suy vong nhưng văn chương chữ Nôm thì phát triển mạnh làm hoàn thiện thêm ngôn ngữ tài hoa của truyện Kiều. Những Nguyễn Đình Chiểu, Bà Huyện Thanh Quan, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến... ít dùng chữ Hán làm ngôn ngữ thơ như các nhà Nho của các thế kỉ trước. Họ đã dùng “chữ Nôm hóa thơ Đường'.
Khi lui về ở ẩn, ngoài những bài thơ mang nỗi u hoài của người dân mất nước, họ còn có những tác phẩm trữ tình mang hình ảnh thân thiết của miền đất đang sinh sống. Trong số những nhà thơ ấy có Nguyễn Khuyến. Nhà thơ viết những bài về mùa thu đậm đà tình yêu đồng quê, nội cỏ. Một trong những bài thơ nổi tiếng ấy là Thu Điếu - Câu cá mùa thu.
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Nhà thơ đã giới thiệu không gian, thời gian và hình ảnh đặc trưng của nông thôn miền Bắc. Không gian, trước mắt, là ao, thời gian là mùa thu, hình ảnh đặc trưng chính của bài thơ ấy là thuyền câu bé. Tiết trời mùa thu ở miền Bắc se lạnh, nước ao hồ ít bị khuấy động, lại thêm trời thu trong xanh khiến nước ao thu như trong ngần. Giữa cảnh ao thu như thế có chiếc thuyền câu bé. Vần eo ở các chữ trong hai câu mang cái thần của nghệ thuật chọn từ, "ẻo" trong từ lẻo, "eo" trong từ veo, tẻo teo càng làm tăng thêm độ lạnh, độ trong và sự nhỏ bé giữa khí hậu mùa thu, của nước và chiếc thuyền câu. Ao thu ở vùng quê đâu có rộng nhưng bỗng thấy mênh mông, thuyền câu đâu có nhỏ nhưng vẫn thấy nó bé bội phần sao với ao thu. Nguyễn Khuyến chọn từ để tả cảnh như vậy đấy.
Nếu ở hai câu đề, tác giả phác thảo không gian chính ao thu rất tĩnh lặng thì ở hai câu thực tác giả đi vào chi tiết, mở rộng không gian:
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Mở rộng không gian để thấy gió qua hình ảnh sóng biếc lăn tăn, chiếc lá vàng đưa vèo, chao xuống. Có một chút man mác buồn trong cảnh thanh vắng của vùng quê. Có gió hiu hắt mới, có sóng biếc, có lá vàng... Gió thu của Nguyễn Khuyến nhè nhẹ, gần trôi, trên mặt nước cũng không thiếu gió heo may và lá vàng. Ngày trước, biết tới mùa thu khi thấy “ngó đồng nhất điệp lạc”, tới thời Nguyễn Khuyến có “lá vàng trước gió”, Tản Đà với "Trận gió thu phong rụng lá hồng", Xuân Diệu cũng có những dòng:
Đây mùa thu tới mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Ngôn ngữ nghệ thuật có khác nhau nhưng sắc thu vẫn thế, vần gió se lạnh, vần lá vàng bay ...
Từ không gian trên ao, quanh bờ ao, nhà thơ mở rộng tầm nhìn:
Tầng mây lơ lủng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Khung cảnh ao thu bây giờ đã có thêm bầu trời xanh ngắt như trong bài Thu vịnh. Tất cả đều là những sự vật thiên nhiên, kể cả ngõ trúc quanh co. Bức tranh ao thu, thiên nhiên nông thôn miền Bắc được vẽ những nét đơn sơ, mộc mạc như thế, như một bức tranh thủy mặc của một họa sĩ điêu luyện mang trái tim nồng nàn tình yêu thôn dã. Khó để có bức tranh ao thu như thế nếu tác giả không có tâm hồn yêu quê và không có cặp mắt tinh tế, không có những giác quan bén nhạy chọn những chi tiết phù hợp với tâm hồn. Chiếc thuyền câu bé ở trong hai câu đề như vắng bóng con người, ngõ trúc quanh co cũng đành cho con người nhưng người không thấy có. Tất cả chỉ là cảnh tĩnh lặng, mênh mang. Nếu có chút động đậy thì chỉ là những động hờ từ gió trời mang lại. Chúng ta thử đặt câu hỏi: Trong thời mình, thời cực thịnh của Lý - Trần - Lê chẳng hạn, nông thôn ở quê hương Nguyễn Khuyến nói riêng, nông thôn miền Bắc nói chung có quạnh vắng, cô liêu; có cảnh ngõ trúc quanh co khách vắng teo đến như thế? - Có lẽ nào?! Bức tranh thu ở nông thôn miền Bắc trong thời bình không thể vắng lặng đến thế. Thế thì tại sao? Chúng ta có thể lí giải, luận bàn một cách dễ dàng khi lật lại những trang sử thời đại của nhà thơ. Và nhìn vào bức chân dung, vị thế con người ở hai câu kết:
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Ở câu thừa đề (câu 2), hình ảnh một chiếc thuyền là hình ảnh hoán dụ thì ở câu kết (câu 7) xuất hiện hình ảnh chính: con người. Vị thế của con người tựa gối ôm cần thu nhỏ lại, chiếc thuyền đã nhỏ bé con người ngồi tựa gối ôm cần càng nhỏ hơn, như đang chim đắm vào cõi suy tư. Dù tác giả chẳng dùng từ Hán - Việt, nhưng khi gặp hình ảnh tựa gối ôm cần có người nghĩ đến tích xưa: Khương Tử Nha đời nhà Chu ngồi câu cá chờ thời bên sông Vị Thủy, và sau là người đánh không khớp lắm với đời hoạt động của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Nguyễn Khuyến không là người chờ đợi thời cơ mà là một người đã từng làm quan, nay lui về ẩn dật chỉ vì không muốn cam tâm làm tay sai cho giặc trong lúc triều đình Huế thì bảo thủ, ươn hèn. Trong nỗi buồn vận nước suy vong ấy, có lẽ nhà thơ mượn thú câu cá để giải sầu. Nhưng khi buông câu chờ cá cắn, nỗi sầu ấy lại hiện về càng lúc càng sâu nặng. Một con cá nào đó khuấy động bèo thu làm nhà thơ trở về với thực tại trốn chạy nỗi buồn của kẻ sĩ bất lực trước I nỗi dau của dân, của nước.
Thu Điếu mang mùa thu, hồn thu của làng quê Việt Nam qua ngôn ngữ thơ thuần Việt. Tài của nhà thơ là biến tiếng nói dân gian thành ngôn ngữ thơ trong sáng và giản dị, chọn lọc những hình ảnh đơn sơ nhưng tiêu biểu và diễn đạt một cách thật tự nhiên làm nổi bật cái vắng lặng mênh mông của trời đất, giữa cái vắng lặng mênh mông ấy chính là tâm sự u uẩn của con người. Nghệ thuật ấy mang đến cho người đọc sức rung cảm thấm thìa. Và như thế, có người cho rằng Nguyễn Khuyến là một trong những bậc thầy sử dụng ngôn ngữ trong thơ quả là xác đáng.