Bình giảng bài thơ Lai Tân của Hồ Chí Minh.

Bài thất ngôn tứ tuyệt “Lai Tân" là bài thơ số 97 trong số 133 bài thơ của “Ngục trung nhật kí" của Hồ Chí Minh. Bài thơ số 98 sau đó, với nhan đề "Đáo Liễu Châu", tác giả ghi rõ ngày viết là 9-12-1942, có câu: “Mồng chín ta vừa đến Liễu Châu – Ngoảnh lại hơn trăm ngày ác mộng...". Từ nhà lao Thiên Giang, Bác Hồ viết bài "Thiên Giang ngục" ngày 1-12-1942 (bài 94), rồi bị giải đi Lai Tân bằng tàu hỏa, được ngồi trên đống than, Bác hóm hỉnh viết: “Nhưng so với đi bộ còn sang chán!". Qua đó, ta biết bài thơ “Lai Tân" được Hồ Chí Minh viết vào tuần đầu của tháng 12-1942. Vì là "Nhật kí...” nên phải tìm hiểu cặn kẽ như thế!

“Lai Tân" là một bài thơ nhằm tố cáo cái hiện thực xấu xa, thối nát của xã hội Trung Quốc thời ấy hay chỉ là tiếng cười châm biếm của nhà thơ về những “con người" trong đám chức sắc ở Lai Tân mà nhà thơ nhìn thấy? Một câu hỏi rất thú vị được đặt ra.

Đây là bản dịch bài thơ của Nam Trân:

"Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,

Giải người, Cảnh trưởng kiếm ăn quanh,

Chong đèn Huyện trưởng làm công việc,

Trời đất Lai Tân vẫn thái bình".

Lai Tân là một huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Câu thơ thứ nhất nói về tên Ban trưởng - một tên cai ngục. Hắn không hung dữ, không quắt quay như những tên chúa ngục khác, mà chỉ "ngày ngày đánh bạc" (thiên thiên đổ). Hắn đã biến nhà tù thành một sòng bạc giữa thanh thiên bạch nhật. Nhà tù không phải là nơi cải tạo phạm nhân, không phải là nơi để thực thi luật pháp và công lí. Ban trưởng và tù nhân đều có vị thế như nhau: tất cả đều là con bạc, đều cùng hội đỏ đen, đang sát phạt lẫn nhau, cùng máu mê như nhau. Câu thơ chữ Hán nghĩa là: “Ban trưởng nhà giam ngày ngày đánh bạc” được dịch thành “Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc" kể cũng hay, ở đây tiếng cười bật ra ở cái nghịch lí của sự vật, của con người, của hiện tượng mà nhà thơ nói đến, nhà thơ nhìn thấy, tiếng cười khẽ, thâm trầm, sâu sắc giàu trí tuệ.

Vì đã trải qua “hơn trăm ngày ác mộng", bị giải lui giải tới mấy chục nhà lao tỉnh Quảng Tây, Người đã nhìn thấy bao nghịch lí, nghịch cảnh của bức tranh tù ngục, "cái oái oăm của sự đời":

"Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội,

Trong tù đánh bạc được công khai,

Vào tù con bạc ăn năn mãi:

Sao trước không vô quách chốn này!?".

( Đánh bạc)

Mỗi bức tranh là một tiếng cười khẽ, châm biếm nhẹ nhàng mà thâm thuý, bài thơ “đánh bạc" giúp ta cảm và hiểu sâu hơn, thú vị hơn bức chân dung “Ban trưởng nhà giam ngày ngày đánh bạc".

Câu thơ thứ 2, tác giả hình như nhìn thấy trên đường chuyển lao một cảnh sát trưởng:

“Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền".

Nam Trân đã dịch: “Giải người, Cảnh trưởng kiếm ăn quanh".

Nguyên tác: Cảnh trưởng tham lam ăn tiền phạm nhân bị giải.

Câu 1 đối xứng với câu 2, mỗi bức chân dung biếm họa có một nét riêng. Ban trưởng thì lo ăn chơi cờ bạc. Cảnh trưởng thì trắng trợn “móc túi" ăn tiền phạm nhân. Chuyện bọn cai ngục, cảnh sát trưởng ăn tiền phạm nhân đã thành “lệ” mà nhà thơ đã nhiều phen trở thành “nạn nhân". “Mới đến nhà giam phải nộp tiền - Lệ thường ít nhất năm mươi nguyên" (“Tiền vào nhà giam"), “ Vào lao phải nộp khoan tiền đèn - Tiền Quảng Tây vừa đúng sáu nguyên" (“Tiền đèn").

Bình diện không gian xã hội trong bài thơ “Lai Tân" được mở rộng ở bức chân dung thứ ba:

“Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự".

“Thiêu đăng" là chong đèn, “biện công sự" nghĩa là làm việc công. Câu thơ dịch đã đảo việc công thành công việc. Những năm 60, nhiều bài viết về “Ngục trung nhật kí" đều cho rằng tên Huyện trưởng này chong đèn đêm đêm hút thuốc phiện, từ đó nhấn mạnh giá trị tố cáo hiện thực xấu xa, thôi nát của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Sự thật không phải như thế, chính Hồ Chủ tịch đã lấy mực đỏ gạch bỏ ba chữ “hút thuốc phiện" trong bức thư của nhóm dịch giả gửi hỏi ý kiến Người.

Trong xã hội cũ, bọn quan lại tự cho mình là “phụ mẫu” của dân, là “đèn trời soi xét”. Trong câu thơ chữ Hán có một chữ “đăng” rất đặc biệt:

“Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự".

Không phải là ngọn đèn công lí tỏa sáng vầng trán Huyện trưởng, một vị quan to mặt lớn quang minh chính đại? Ông ta có vẻ “mẫn cán" lắm, lo công việc quan suốt ngày chưa đủ, đêm đêm còn chong đèn làm việc công? Nhưng đâu phải thế, ông huyện trưởng Lai Tân là một kẻ rất quan liêu! Chuyện đánh bạc của Ban trưởng, chuyện ăn tiền phạm nhân bị giải của cảnh trưởng sờ sờ ra đó, sao ông ta không hay, sao ông ta không biết? Hay ông Huyện trưởng Lai Tân này là “cái ô” để bao che bọn thuộc hạ làm bậy “kiếm ăn quanh"!. Ba bức chân dung biếm họa song hành, cùng nối tiếp xuất hiện, mang một ý nghĩa thẩm mĩ đặc sắc, nó cho thấy một hệ thống quan lại Lai Tân là thế! Bộ máy quan liêu của chính quyền Quảng Tây thuở ấy là thế!

Trước những “gương mặt" ấy, thái độ nhà thơ như thế nào?

Câu cuối bài thơ, Người viết:

“Lai Tân y cựu thái bình thiên"

(Lai Tân vẫn thái bình như xưa).

Câu thơ toát lên một nụ cười châm biếm nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nhà thơ như hỏi một cách bâng quơ: Lai Tân với hệ thống quan lại và chính quyền như vậy, thế mà !‘vẫn thái bình như xưa". Cách mỉa mai, châm biếm của tác giả “'Ngục trung nhật kí” là thế! Tính “hướng nội" của “Nhật kí trong tù” được thể hiện rất rõ về mặt đặc điểm thể loại, nó vừa là nhật kí lại vừa là thơ, chủ yếu là thơ trữ tình, tác giả viết cho mình, để mà suy ngẫm, để mà chiêm nghiệm, "Vừa ngẫm vừa đợi đến ngày tự do". Vì thế, bài thơ “Lai Tân" tuy có nêu ra ba chân dung về Ban trưởng, Cảnh trưởng, Huyện trưởng tiêu biểu cho cái xấu xa, đồi bại của bọn quan lại chính quyền Tưởng Giới Thạch thuở ấy, nhưng chỉ là để mỉa mai, châm biếm cái nghịch lí, nghịch cảnh mà nhà thơ đã và đang phải đối diện và cam chịu.

Đọc “Ngục trung nhật kí", ta bắt gặp một số “quan chức" nhân hậu, đáng yêu. Là Sở trưởng Long An họ Lưu “Ai ai cũng bảo bác công bình". Là Tiên sinh họ Quách “ân cần đối đãi ta". Là Trưởng ban họ Mạc “chẳng dùng quyền thế, chỉ dùng ân". Khoa viên họ Trần thì “nho nhã”, Chủ nhiệm họ Hầu thì “anh minh"... Cách nhìn của nhà thơ rất nhân hậu, trọng thị và công bằng, giữa cái xấu xa vẫn tìm thây cái tốt đẹp, cái tình người mà trân trọng. Chính nhờ những con người này, tấm lòng này, mà ta hiểu thêm cảm hứng chủ đạo bài thơ “Lai Tân": một nụ cười châm biếm tỏa rộng. Sau 3 chân dung biếm họa là một nhận xét trào lộng thâm trầm, sâu sắc. Nụ cười châm biếm trong bài thơ “Lai Tân” là nụ cười của một nhân cách văn hoá lớn: giàu trí tuệ và đạo đức cao đẹp.

Trong bài “Một tiếng nói hướng nội: Thế giới nhà tù và con người kiên nghị - trữ tình của tác giả ”, Trần Thị Băng Thanh và Nguyễn Huệ Chi có viết:

“Có khi điều trái ngược đã vượt ra khỏi khung cảnh một nhà tù, trở thành tính chất tiêu biểu cho cả xã hội Trung Hoa thời ấy (mà thật ra cũng chẳng riêng gì cho Trung Hoa và cho thời ấy): quan trên trì trệ, vô trách nhiệm, cấp dưới chỉ lo xoay xở kiếm ăn, mặc cho mọi tệ nạn cứ tự do hoành hành:

“Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,

Giải người Cảnh trưởng kiếm ăn quanh,

Chong đèn, Huyện trưởng bàn công việc,

Trời đất Lai Tân vẫn thái bĩnh”.

(Lai Tân)

Tất cả những việc kì cục bày ra trước mắt như thế có ý nghĩa gì? Phải chăng đây không là một sự “lưỡng phân" tiếp tục trong nhận thức của nhà thơ: ngay khi đã phải “nhập thân" vào thực tại như một hiện hữu không thể chối bỏ, ông vẫn lần lượt đi tìm ý nghĩa của cái thực và cái giả ở từng khía cạnh khác nhau và trong các hình thức tồn tại khác nhau hiển nhiên của nó, có khi điều rút ra là một nụ cười buồn...".

loigiaihay.com