Tổng hợp các cách mở bài cho tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

MB1

Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ, nhà văn hàng đầu ở Nam Bộ thời kì văn học Trung đại, là ngôi sao sáng của văn học dân tộc. Ông để lại sự nghiệp sáng tác đồ sộ, thể hiện lí tưởng nhân nghĩa và lòng yêu nước sâu sắc. Trong hệ thống tác phẩm đó ta không thể không nhắc đến Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông.

MB2

“Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường... con mắt chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn thì mới càng thấy sáng” đó là lời nhận xét của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng dành cho cuộc đời và thơ văn Đồ Chiểu. Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ mù lòa nhưng tâm ông vẫn luôn sáng. Nhắc đến ông người ta không quên nhắc đến “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” tác phẩm tiêu biểu và thành công nhất cho thể loại văn tế để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Tác phẩm thể hiện lòng biết ơn, sự xót thương, cảm phục của tác giả dành cho những người nông dân - nghĩa sĩ Cần Giuộc anh dũng, quả cảm quên mình vì nước.

MB3

Có lẽ với những người yêu thích văn chương, đề tài người nông dân đã quá đỗi quen thuộc và trở thành chủ đề “chọn mặt gửi vàng" của không ít “cây bút". Chúng ta đã có một anh nông dân mất hết “nhân hình lẫn nhân tính" khi bị xã hội đẩy đến bờ vực trong “Chí Phèo" – Nam Cao. Hay là hình ảnh chị Dậu “vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị vậy!” trong “Tắt đèn" của Ngô Tất Tố. Thế nhưng, lần đầu tiên trong văn học Việt Nam một tượng đài sừng sững, hùng tráng về người nông dân đã được Nguyễn Đình Chiểu chắp bút qua “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc". Bên cạnh việc khắc họa hình ảnh bi tráng, đầy hi sinh của người nông dân chống Pháp thì bài tế còn là nỗi lòng, nỗi xót thương của tác giả cho “những anh hùng áo vải".

MB4

Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn tài ba khi đã nêu lên hình tượng người nông dân trong văn học mà trong suốt các thời gian qua chưa được nhắc đến thông qua bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Trong bài văn tế, hình tượng người nông dân được khắc hoạ rõ ràng. Hình ảnh người nông dân nghèo khổ chỉ biết làm ăn một cách thầm lặng, quanh năm chỉ biết ruộng trâu, cần cù lao động. Họ là những người nông dân yêu ghét rõ ràng, căm thù quyết không đội trời chung với giặc khi thực dân Pháp xâm lược. Họ đã anh dũng chiến đấu và anh dũng hi sinh, trong lời văn là những lời lẽ bi thương đầy nước mắt nhưng không hề rơi nước mắt. Đó chính là cái hay của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.

MB5

“Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này” (trích “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc”, Phạm Văn Đồng). Lời nhận định của tác giả Phạm Văn Đồng đã thể hiện sự ngưỡng mộ, trân trọng, đề cao đối với tài năng của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu - gương mặt nổi bật tiêu biểu đại diện cho những thành tựu của nền văn học trung đại Việt Nam. Một trong những đóng góp nổi bật của Nguyễn Đình Chiểu là xây dựng thành công bức tượng đài bất hủ về những người nghĩa sĩ nông dân yêu nước thông qua tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Ra đời vào năm 1858 - thời điểm thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược nước ta tại cửa biển Đà Nẵng, tác phẩm đã phác họa bức chân dung những người nông dân đã hi sinh anh dũng trong cuộc nổi dậy chống thực Pháp vào ngày 15 tháng 11 năm Tân Dậu.