Sự phát triển nghĩa của từ vựng
Kỳ thi ĐGNL ĐHQG Hồ Chí Minh
“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.”
( Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Đặt trong ngữ cảnh của cả đoạn, chữ “khóa xuân ” được in đậm có nghĩa là:
Khóa xuân có nghĩa là khóa kín tuổi xuân, ý nói việc Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.
“Đến nay bác sỹ Nguyễn Hồng Sơn cùng tập thể Khoa Ung bướu và các đồng nghiệp đã triển khai được tất các kỹ thuật mà phân tuyến cho bệnh viện hạng I được phép làm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng anh đã gặt hái được nhiều thành công trong hoạt động chuyên môn. Đôi “bàn tay vàng” của anh đã nâng đỡ và đem lại sự sống cho rất nhiều bệnh nhân kém may mắn.”
Phóng sự: Tố Mai – Báo Tuyên Quang
Đặt trong ngữ cảnh của cả đoạn, chữ “bàn tay vàng” được in đậm có nghĩa là:
Bàn tay vàng là bàn tay tài giỏi, khéo léo hiếm có trong việc thực hiện một thao tác lao động hoặc kĩ thuật nhất định.
"Thế kỷ hai mốt là thế kỷ của công nghệ thông tin, gọi bằng cái tên khác là thời kỳ công nghệ số, mạng xã hội ra đời như một phần tất yếu, và một “loại” anh hùng cũng từ đó sinh ra.
“Anh hùng bàn phím” – cụm từ này cư dân mạng chắc chắn đã... quen quen, hãy cứ bắt đầu bằng cái tên, từ cái tên để dễ dàng nhận diện: Đó là những kẻ thường chẳng được ai biết đến, luôn giấu mình trong thế giới ảo, thích che giấu thân phận mình và đặc biệt luôn tìm thú vui bằng bàn phím với đôi tay.
(Nguồn Internet)
Đặt trong ngữ cảnh của cả đoạn, chữ “anh hùng bàn phím ” được in đậm có nghĩa là:
Anh hùng bàn phím dùng để chỉ một bộ phận dân mạng online hay bình luận (gõ bàn phím) đưa ra các ý kiến, thái độ hay nhận xét rất hùng hổ, mãnh liệt về các vấn đề trên mạng. Họ thường thoải mái đưa ra các ý kiến của mình, chém gió mà không cần quan tâm đúng sai và nhất là không đi cùng hành động bản thân.
Vậy là giới trẻ Việt Nam chỉ còn cách ra đường chém gió. Vậy mà họ cũng không được yên. Ngồi ở ngoài hàng quán rẻ tiền thì là lấn chiếm lề đường, ngồi lê đôi mách. Vào chỗ sang trọng hơn một chút thì lấy đâu ra tiền mà mua trà sữa...
(Theo vnexpress)
Đặt trong ngữ cảnh của cả đoạn, chữ “chém gió” được in đậm có nghĩa là:
Chém gió là nói say sưa, huyên thuyên, không có cơ sở chắc chắn về một điều gì đó.
Trong câu sau, từ ngân hàng được dùng với nghĩa gì?
“Ngân hàng đề thi của nhà trường có hàng trăm đề thi ở mỗi môn học.”
Từ ngân hàng trong câu trên có nghĩa chỉ kho lưu trữ đề thi phục vụ cách môn học.
“Cứ chiều chiều sau khi tan ca, Ngọc lại chờ Thắng cùng đi ăn tối. Những quán cơm bụi lề đường dường như đã trở thành điểm hò hẹn thân quen của hai con người bé nhỏ nơi phố thị xa hoa.”
(Nguồn Internet)
Đặt trong ngữ cảnh của cả đoạn, chữ “cơm bụi” được in đậm có nghĩa là:
Cơm bụi là cơm bình dân, thường bán trong hàng quán nhỏ, tạm bợ
Trong các trường hợp sau đây, trường hợp nào từ “mắt” được chuyển nghĩa theo cách ẩn dụ
(1) Con mắt là cửa sổ tâm hồn
(2) Quả na mở mắt nhìn ngơ ngác
Đàn kiến trường chinh tự thuở nào.
(Trần Đăng Khoa)
- Mắt (1) là nghĩa gốc.
- Mắt (2) được chuyển nghĩa theo cách ẩn dụ, mắt na có hình dạng gần giống đôi mắt.
“Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Từ nào trong câu thơ trên được dùng với nghĩa chuyển?
Từ “chân” nghĩa gốc chỉ bộ phận cuối cùng tiếp giáp với mặt đất của người hoặc động vật. Còn từ “chân” trong câu này được dùng theo phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ. “chân” có nghĩa là phần dưới cùng của một số vật tiếp giáp, bám chặt vào mặt nền (ví dụ : chân núi, chân tường…)
Trong các trường hợp sau đây, trường hợp nào từ “tay” được dùng với nghĩa chuyển?
(1) Ngang lưng thì thắt bao vàng,
Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài.
Một tay thì cắp hỏa mai,
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền.
Thùng thùng trống đánh ngũ liên,
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.
(Ca dao)
(2) Một tay gây dựng cơ đồ,
Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành.
(Truyện Kiều)
(3) Anh em như thể tay chân
Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.
(Ca dao)
(4) “Cũng nhà hành viện xưa nay,
Cũng phường bán thịt cũng tay buôn người”
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
- Từ “tay” trong câu (1) chỉ một bộ phận trên cơ thể người, được tính từ vai đến các ngón, dùng để cầm nắm. Trong câu (1) từ “tay” được dùng với nghĩa gốc.
- Từ “tay” trong câu (2) là trường hợp chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ, lấy bộ phận để chỉ toàn thể. Dùng đôi bàn tay để chỉ sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của nhân vật.
- Từ “tay” trong câu (3) chỉ một bộ phận trên cơ thể người, đây là trường hợp từ “tay” được dùng với nghĩa gốc, so sánh tình anh em với tay chân (những bộ phận trên cơ thể người) để thấy được sự gắn kết, không thể tách rời nhau trong tình cảm anh em trong gia đình.
- Câu (4) Từ “tay” nghĩa gốc chỉ một bộ phận trên cơ thể người hoặc động vật. Còn trong câu từ “tay” được dùng với nghĩa chỉ người chuyên một ngành nghề, một việc nào đó mà ở đây là việc buôn người. => Trường hợp này được chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ, lấy bộ phận để gọi toàn thể.
=> Vậy nên trường hợp (2) và (4) từ “tay” được dùng với nghĩa chuyển.
“Đi suốt cả ngày thu
Vẫn chưa về tới ngõ
Dùng dằng hoa Quan họ
Nở tím bờ sông Thương.”
(Chiều sông Thương - Hữu Thỉnh)
Từ nào trong câu thơ trên được dùng với nghĩa chuyển?
Từ được dùng với nghĩa chuyển trong câu trên là từ “hoa”; chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ để chỉ người con gái quan họ.
“Công viên là lá phổi xanh của thành phố”
Từ nào trong câu thơ trên được dùng với nghĩa chuyển?
Trong câu trên từ “lá” là từ được dùng với nghĩa chuyển và chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ dựa trên nét chung về hình dạng của chiếc lá và phổi của con người.
“Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời.”
(Tố Hữu)
Từ nào trong câu thơ trên được dùng với nghĩa chuyển?
Từ “trái tim” trong câu trên được dùng với nghĩa chuyển - chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ. Dùng bộ phận của cơ thể người (trái tim) để chỉ những con người mà cuộc đời của họ như những tấm gương sáng về tình cảm yêu thương, sống cũng như chết, cho dù cuộc đời của họ rất đỗi bình dị.
“Phát hiện ra vấn đề tinh vi ấy, thật là một đôi mắt sáng suốt.”
Từ nào trong câu thơ trên được dùng với nghĩa chuyển?
Từ được dùng với nghĩa chuyển là từ “đôi mắt” - chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ dùng để chỉ những người thông minh, sáng suốt, nhìn ra những điều chi tiết, khó quan sát và phát hiện ra được.
(1) Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau chân theo một vài thằng con con.
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)
(2) Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
(Nguyễn Du - Truyện Kiều)
Từ nào trong câu thơ trên được dùng với nghĩa chuyển? Và chuyển nghĩa theo phương thức nào?
- Từ “chân” trong câu (1) được dùng theo nghĩa gốc là cái chân, bộ phận dưới cùng của cơ thể người hay động vật, dùng để đi, đứng; được coi là biểu tượng hoặc hoạt động đi lại của con người
- Từ “chân” trong câu (2) được dùng theo phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ. “chân” có nghĩa là phần dưới cùng của một số vật tiếp giáp, bám chặt vào mặt nền (ví dụ : chân núi, chân tường…)
"Đừng điều nguyệt nọ hoa kia,
Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai."
Từ nào trong câu thơ trên được dùng với nghĩa chuyển và chuyển nghĩa theo phương thức nào?
“nguyệt” và “hoa” nghĩa gốc chỉ những sự vật thuộc về tự nhiên và đều rất đẹp, dễ làm say lòng người. Trong câu thơ đã cho, “nguyệt” và “hoa” được chuyển nghĩa dùng để chỉ sự trai gái ăn nằm với nhau.
(1) “Nặng lòng xót liễu vì hoa,
Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa.”
(2) Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Đọc thật kĩ các câu thơ trên và cho biết trường hợp nào từ “hoa” được dùng với nghĩa gốc?
- Từ “hoa” được dùng với nghĩa gốc là từ hoa ở trường hợp (2) nghĩa gốc dùng để chỉ cơ quan sinh sản hữu tính của cây hạt kín, thường có màu sắc và hương thơm.
- Từ “hoa” trong câu (1) được dùng với nghĩa chuyển, chỉ người con gái mong manh, yếu đuối.
Trong các trường hợp sau đây, trường hợp nào từ “chân” được dùng với nghĩa chuyển?
(1) Đề huề lưng túi gió trăng
Sau chân theo một vài thằng con con.
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
(2) Năm em học sinh lớp 9A có chân trong đội tuyển của trường đi dự “Hội khoẻ Phù Đổng”.
(3) Dù ai nói ngả nói nghiêng
Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân.
(Ca dao)
(4) Buồn trông nội cỏ dàu dàu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
- Từ “chân” trong câu số (1) được dùng với nghĩa gốc chỉ một bộ phận dưới cùng trên cơ thể người hoặc động vật dùng để đi, đứng, chạy, nhảy,…
- Từ “chân” trong câu số (2) được dùng với nghĩa chuyển, chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ, chỉ việc một ai đó giữ một vị trí trong một tổ chức, hội nhóm nào đó.
- Từ “chân” trong câu số (3) được dùng với nghĩa chuyển, chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ, dựa trên điểm chung của chân người, động vật với chân kiềng đó là đều là phần tiếp giáp cuối cùng với mặt đất, có thể giữ cho phần phía trên được thăng bằng.
- Từ “chân” trong câu số (4) được dùng với nghĩa chuyển, chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ dựa trên điểm chung của chân người, động vật với chân mây đều là phần tiếp giáp cuối cùng với mặt đất.
Trong các trường hợp sau đây, trường hợp nào từ xanh được chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ?
- Câu A và câu D từ xanh được dùng với nghĩa gốc, chỉ màu sắc là màu xanh của mặt nước và màu xanh của cỏ non.
- Câu B từ xanh được dùng với nghĩa chuyển, chỉ ông trời, đây là trường hợp chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ.
- Câu C từ xanh được dùng với nghĩa chuyển, chỉ những người công nhân, đây là trường hợp chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ.
(1) Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh vời vợi
(Gửi em dưới quê làng - Hồ Ngọc Sơn)
(2) Công viên là lá phổi xanh của thành phố.
Từ “lá” nào trong câu thơ trên được dùng với nghĩa chuyển? Và chuyển nghĩa theo phương thức nào?
- Từ “lá” trong câu (1) được dùng với nghĩa gốc chỉ chiếc lá.
- Trong câu (2) từ “lá” là từ được dùng với nghĩa chuyển và chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ dựa trên nét chung về hình dạng của chiếc lá và phổi của con người.
“Nhờ sự kiên trì và khổ luyện, cuối cùng anh T cũng trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Tháng 9 năm nay, anh có tên trong danh sách chính thức dự Seagames 30. Trong suốt giải đấu, anh luôn cố gắng phấn đấu vì màu cờ sắc áo. Giải đấu kết thúc, anh T chính là người đạt được danh hiệu vua phá lưới môn bóng đá nam Seagames 30.”
Trong đoạn văn trên, từ “vua” được dùng với ý nghĩa gì?
Từ “vua” trong đoạn văn trên là chỉ người ghi được nhiều bàn thắng nhất trong một mùa giải bóng đá.