I. Tìm hiểu chung Hê-ra-clet đi tìm táo vàng
1. Xuất xứ
Trích từ Thần thoại Hy Lạp, tập II, NGUYỄN VĂN KHOẢ sưu tầm và biên soạn, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1986
2. Thể loại
Thần thoại.
3. Bố cục: 4 phần
- Phần 1: Từ đầu đến “gã khổng lồ độc ác Ăng-tê” (Kể về nguồn gốc và điểm đặc biệt của cây táo).
- Phần 2: Tiếp theo đến “tiếp tục lên đường” (Cuộc chiến của Hê-ra-clét với gã khổng lồ độc ác Ăng-tê).
- Phần 3: Tiếp theo đến “mới xong” (Giải cứu thần Prô-mê-tê).
- Phần 4: Còn lại.
4. Tóm tắt
Văn bản kể lại hành trình đi tìm táo vàng của người anh hùng Hê-ra-clét theo lệnh của nhà vua O-ri-xtê. Cây táo vàng vốn của nữ thần đất Gai-a vĩ đại, được canh giữ bởi con rồng trăm đầu La-đông và ba chị em tiên nữ Nanh-phơ. Trên đường đi tìm táo vàng, Hê-ra-clét gặp nhiều thử thách như phải giao đấu với hai cha con thần chiến tranh A-rét, đi tìm thần biển Nê-rê để hỏi đường, băng qua cực bắc, băng qua sa mạc, chiến đấu với gã khổng lồ độc ác Ăng-tê. Khi đặt chân đến Ai Cập, Hê-ra-clét còn suýt bị vua Ai Cập bắt làm vật hiến tế, chàng tiếp tục chiến đấu để lên đường. Cuối cùng, chàng cũng tới được vùng núi Cô-ca-doơ. Tại đây, chàng đã cứu được thần Prô-mê-tê đang bị thần Dớt trừng phạt. Để trả ơn Hê-ra-clét, thần Prô-mê-tê đã nói cho Hê-ra-clét biết, muốn lấy được táo vàng, phải nhờ thần Át-lát. Vậy là Hê-ra-clét đi tìm thần Át-lát. Thần Át-lát lúc này đang phải khom lưng đỡ bầu trời. Theo lời đề nghị của thần Át-lát, Hê-ra-clét ghé vai gánh giúp bầu trời cho thần Át-lát để thần đi lấy giúp táo vàng. Lấy được táo vàng về, thần Át-lát toan lừa Hê-ra-clét gánh luôn bầu trời giúp mình, nhưng Hê-ra-clét nhanh trí đã nhận ra âm mưu ấy và tương kế tựu kế, thoát khỏi cái bẫy, mang táo vàng trở về.
II. Giá trị nội dung và nghệ thuật Hê-ra-clet đi tìm táo vàng
1. Giá trị nội dung
Truyện Hê-ra-clet đi tìm táo vàng đã khắc họa thành công hình ảnh một nhân vật anh hùng dũng cảm, sức mạnh phi thường và tinh thần quyết tâm. Qua hình ảnh biểu tượng đó ta cũng có thể thấy được tư duy và suy nghĩ phát triển của người Hi Lạp cổ - sức mạnh của con người là vô hạn, chỉ cần đủ quyết tâm và dũng cảm thì bất kì việc gì cũng đều có thể thự hiện được.
2. Giá trị nghệ thuật
- Thể hiện được những đặc điểm của thần thoại như việc xây dựng cốt truyện logic, các sự việc liên quan và móc nối với nhau; cách xây dựng nhân vật anh hùng điển hình.
- Lời văn, ngôn từ phù hợp với thể loại thần thoại, đan xen giữa lời của người kể chuyện và lời của nhân vật, tạo nên sức hấp dẫn và giá trị của câu chuyện tới tận ngày nay.
- Hình ảnh, nhân vật được nhắc tới mang tính tượng trưng, thể hiện quan niệm của con người cổ đại về thế giới.