I. Định hướng Viết bài luận về bản thân
1. Xác định vấn đề: Viết bài luận về bản thân là nêu lên các ý kiến, lí lẽ và bằng chứng để thuyết phục người khác hiểu khả năng, điều kiện và nguyện vọng của mình, từ đó, đồng thuận và cho phép tham gia, thực hiện nhiệm vụ, công việc, hoạt động,... nào đó.
2. Để viết bài luận về bản thân, các em cần:
- Xác định rõ mục đích, yêu cầu cần viết bài luận.
- Tìm hiểu về đối tượng cần thuyết phục (Họ là ai, họ có yêu cầu gì, họ cần gì mình?).
- Suy nghĩ về chính mình: mong muốn, khả năng, điều kiện, điểm mạnh, điểm hạn chế, mức độ hoàn thành công việc,...
- Xác định các luận điểm và những lí lẽ, dẫn chúng làm sáng tỏ cho mỗi luận điểm trong bài viết.
- Lựa chọn cách trình bày sao cho hiệu quả, hấp dẫn.
- Nhờ những người có kinh nghiệm, hiểu biết đọc, góp ý để hoàn thiện bài viết.
II. Hướng dẫn quy trình viết bài luận về bản thân
1. Chuẩn bị
- Xác định đối tượng cần thuyết phục, mục đích và cách thức thuyết phục.
2. Tìm ý và lập dàn ý
a. Tìm ý cho bài viết theo gợi dẫn:
- Điều kiện của tổ chức?
- Năng lực bản thân?
- Nguyện vọng của bản thân?
- Cam kết của bản thân.
b. Lập dàn ý cho bài viết:
- Mở đầu: Dẫn dắt và nêu vấn đề của bài viết.
- Thân bài:
+ Lần lượt trình bày các luận điểm. Sử dụng lí lẽ và dẫn chứng để làm rõ luận điểm.
+ Người viết có thể sắp xếp các ý theo trật tự sau:
Giới thiệu khái quát về bản thân
Niềm yêu thích, sự sẵn sàng dành thời gian, tâm huyết,... của bản thân cho các hoạt động.
Khả năng tham gia hỗ trợ (hoặc tổ chức) các hoạt động lễ hội hay giới thiệu di tích lịch sử, văn hoá của địa phương.
Cam kết thực hiện tốt các yêu cầu của Câu lạc bộ và địa phương.
- Kết thúc:
+ Khẳng định nguyện vọng, cam đoan về năng lực và trách nhiệm của bản thân trong việc tham gia Câu lạc bộ và thực hiện các hoạt động được phân công.
+ Cảm ơn Ban Chủ nhiệm về sự quan tâm đọc và xét duyệt.
3. Viết:
- Viết bài văn theo dàn ý đã lập.
- Sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu phù hợp.
4. Kiểm tra và chỉnh sửa
- Kiểm tra dàn ý và bài văn:
+ Bài văn lạc ý hay thiếu ý chỗ nào không?
+ Cần thay đổi gì trong nội dung/ cách trình bày không?
- Xác định lỗi cần sửa trong dàn ý/ bài viết.
III. Ví dụ
Bài nói mẫu tham khảo:
Kính thưa Ban quản lý di tích Thành phố Hà Nội
Em là Lê Kim Ngân, lớp 10A7, trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình.
Em biết đến CLB tình nguyện tham gia tổ chức các hoạt động lễ hội qua một thành viên trong CLB. Mục đích em muốn tham gia CLB đó là muốn học hỏi, muốn cống hiến một chút sức nhỏ vào việc tổ chức và giới thiệu, phổ biến với khách tham quan về các di tích lịch sử ở địa phương.
Bản thân em là vốn một người khá hòa đồng, thân thiện, giao tiếp lưu loát, tự tin trước đám đông, cộng với sự nhiệt huyết, muốn cống hiến, em có thể sẵn sàng dành thời gian của bản thân cho các hoạt động tình nguyện vì sự phát triển của cộng đồng địa phương.
Hiện tại, bản thân em đang theo học ngành Văn học, cũng khá quen với những bài giới thiệu. Nếu được vào CLB, em có thể viết những bài giới thiệu, nội quy, lưu ý, hướng dẫn khách tham gia lễ hội. Em cũng từng tham gia khá nhiều CLB khác tại trường. Vì vậy, em có thể tự tin khẳng định em sẽ làm tốt những công việc mà ban chủ nhiệm CLB giao phó.
Em xin cam kết thực hiện tốt nội quy, yêu cầu của CLB và địa phương!
Em xin chân thành cảm ơn BCN về sự quan tâm, đọc và xét duyệt!
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
Đọc lại bài luận đã viết. Đối chiếu với mục 1. Định hướng và dàn ý trên đây để phát hiện lỗi và tự sửa lỗi theo hướng dẫn sau:
Nội dung kiểm tra |
Yêu cầu cụ thể |
Bố cục ba phần |
- Mở bài: Đã dẫn dắt và nêu vấn đề của bài viết chưa? - Thân bài: + Có lần lượt trình bày các luận điểm; sử dụng lí lẽ và dẫn chứng để làm rõ luận điểm không? + Đã sắp xếp các ý theo trật tự khác nhau để thuyết phục Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ chấp nhận nguyện vọng của bản thân chưa? – Kết bài: Có khẳng định nguyện vọng, cam đoan về năng lực và trách nhiệm của bản thân không? |
Các lỗi còn mắc |
Tham khảo yêu cầu đã nêu ở Bài 1 (trang 35). |
Đánh giá chung |
Tham khảo yêu cầu đã nêu ở Bài 1 (trang 35). |