KB1
"Nhưng nó phải bằng hai mày" đã vạch trần lối xử kiện vì tiền của lí trưởng nói riêng, quan lại nói chung và người lao động cũng rơi vào tình trạng bi hài. Bài học ấy không phải chỉ thời xưa mới có, trong bất cứ thời đại nào, đó cũng là một bài học đắt giá cho mỗi chúng ta.
KB2
Truyện rất ngắn, kết thúc bất ngờ nhưng nó nói đủ những điều muốn nói và tiếng cười vừa giòn giã, thâm thúy cũng đồng loạt cất lên.
KB3
Cải và Ngô vừa là đồng phạm, vừa là nạn nhân của tình trạng tham nhũng của đám hào lí nông thôn, họ vừa đáng thương, lại vừa đáng trách. Chính họ đã góp phần tạo nên và thúc đẩy thói nhũng nhiễu kia, rồi lại tự đẩy mình vào tình cảnh thảm hại, bi hài.
KB4
Hơn bao giờ hết, nhân dân ta đều đã hiểu rằng, nếu không đẩy lùi được nạn tham nhũng thì chẳng những kinh tế đất nước không thoát được khỏi đói nghèo, mà lẽ phải, sự thật, công lí đều bị bóng đen của đồng tiền bao phủ. Là học sinh, chúng ta cũng phải sớm có ý thức chống tham nhũng, xây dựng xã hội Việt Nam trong sạch và văn minh.
KB5
Truyện cười dân gian Việt Nam ra đời trong lòng hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam, là sản phẩm trí tuệ dân gian nhằm chống lại giai cấp thống trị. Như một vũ khí sắc bén, Nhưng nó phải bằng hai mày đã vạch trần bản chất thối nát của bọn quan lại, những đàng “phụ mẫu chi dân”, như một phản ứng mạnh mẽ thể hiện tinh thần đấu tranh của những người bị áp bức. Ý nghĩa phê phán của truyện đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nguồn: Sưu tầm