Kiểm tra văn học lớp 10

Đề bài

Đề 1

1. Anh (chị) hiểu thế nào là thể truyền kì qua một số tác phẩm đã học?

2. Viết một bài văn ngắn (nhiều nhất là hai trang giấy) phân tích cách lập luận của Nguyễn Trãi về tư tưởng đại nghĩa trong tác p

hẩm Đại cáo bình Ngô.

Đề 2

1. Anh (chị) hiểu thế nào là văn biền ngẫu? Hãy phân tích một ví dụ trong các tác phẩm đã học để làm sáng tỏ.

2. Sau khi học bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu, anh (chị) có suy nghĩ gì (viết khoảng một trang giấy)?

Đề 3

1. Hãy trình bày vắn tắt cuộc đời và sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi (trong một trang giấy).

2. Viết một đoạn văn ngắn so sánh tính cách của nhân vật Trương Phi và Quan Vũ qua Hồi trống Cổ Thành (trích Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung).

Đề 4

1. Từ bài Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương, anh (chị) hiểu thế nào là một bài tựa.

2. Tư thế và trách nhiệm của nhà bình sử Lê Văn Hưu được biểu hiện như thế nào qua các đoạn trích Phẩm bình nhân vật lịch sử?

Lời giải chi tiết

Bài kiểm tra này tập trung vào những kiến thức và kĩ năng đọc – hiểu các văn bản, tác phẩm đã học trong phần Đọc văn. Ở mỗi đề, câu 1 chủ yếu kiểm tra về việc nắm bắt các Tri thức đọc – hiểu. Để có thể thực hiện yêu cầu của dạng câu hỏi này, cần ôn lại các mục Tri thức đọc – hiểu về thể loại, văn học sử hoặc lí luận văn học gắn với mỗi bài Đọc văn. Câu 2 ở các đề thường đưa ra yêu cầu viết một bài hoặc một đoạn văn về một khía cạnh nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm nào đó. Để thực hiện được yêu cầu ở dạng này, một mặt cần nắm vững những kiến thức về tác phẩm cụ thể, gắn với vấn đề nghị luận; mặt khác, phải biết vận dụng các thao tác nghị luận cũng như kĩ năng tạo lập văn bản.

Dưới đây là những hướng dẫn có tính chất gợi ý, định hướng cách giải quyết các đề bài cụ thể.

1. Đề 1

Câu 1. Anh (chị) hiểu thế nào là thể truyền kì qua một số tác phẩm đã học?

Gợi ý:

- Truyền kì là thể loại truyện ngắn có nguồn gốc từ Trung Hoa, dùng yếu tố kì ảo làm phương thức nghệ thuật để phản ánh cuộc sống. Ở Việt Nam thời trung đại, thể loại này rất được ­ưa chuộng. Truyện truyền kì Việt Nam thường sử dụng truyện dân gian hoặc các mô típ truyện dân gian để xây dựng thành truyện mới. Truyện truyền kì Việt Nam mang đậm chất yếu tố hiện thực và chất nhân văn.

- Có thể làm rõ hơn các đặc điểm về yếu tố kì ảo, yếu tố hiện thựcchất nhân văn của thể loại truyền kì bằng cách chỉ ra thật ngắn gọn những biểu hiện nổi bật ở tác phẩm cụ thể (Chuyện chức phán sự ở đền Tản Viên, chuyện người con gái nam xương…)

Câu 2. Viết một bài văn ngắn (nhiều nhất là hai trang giấy) phân tích cách lập luận của Nguyễn Trãi về tư tưởng đại nghĩa trong tác phẩm Đại cáo bình Ngô.

Gợi ý: Cần phân tích để thấy được nghệ thuật lập luận sắc sảo, thuyết phục cao về tư tưởng đại nghĩa mà Nguyễn Trãi đã thể hiện trong bài cáo chứ không phải chỉ là phân tích về nội dung tư tưởng đại nghĩa.

Từ sự khẳng định lập trường đại nghĩa là vì nhân dân, đem lại cuộc sống yên ổn, hạnh phúc cho nhân dân (“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”); cho đến việc thể hiện tư tưởng đại nghĩa ở phương châm hành động, chiến lược chiến đấu: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn – Lấy chí nhân để thay cường bạo”, “Chẳng đánh mà người chịu khuất – Ta đây mư­u phạt tâm công”; rồi cuối cùng thể hiện tư tưởng đại nghĩa bằng chủ trương nhân đạo: “Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh – Mã Kì, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền… Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa…”.

2. Đề 2

Câu 1. Anh (chị) hiểu thế nào là văn biền ngẫu? Hãy phân tích một ví dụ trong các tác phẩm đã học để làm sáng tỏ.

Gợi ý:

- Giải thích khái niệm văn biền ngẫu: Văn biền ngẫu còn gọi là “biền văn”, “biền lệ văn” (biền là ngựa đi sóng đôi; ngẫu là đôi, cặp). Văn biền ngẫu thường theo cấu trúc câu 4 chữ và 6 chữ. Văn biền ngẫu có năm đặc điểm:

+ Ngôn ngữ đối ngẫu: Các vế đối nhau theo bằng trắc, từ loại;

+ Kiểu câu chỉnh tề, câu 4 chữ đối với câu 4 chữ, câu 6 chữ đối với câu 6 chữ hoặc cặp câu 4/4 đối với cặp câu 6/6;

+ Có vần điệu, bằng trắc hài hoà;

+ Sử dụng điển cố;

+ Sử dụng từ ngữ bóng bẩy, có tính khoa trương.

- Phân tích ví dụ: Có thể thực hiện phân tích ví dụ ngay trong quá trình giải thích từng đặc điểm của văn biền ngẫu (nên làm theo cách này), hoặc trình bày các đặc điểm của văn biền ngẫu xong rồi phân tích ví dụ để làm sáng tỏ. Chú ý bám vào hai tác phẩm Phú sông Bạch ĐằngĐại cáo bình Ngô để làm rõ đặc điểm của văn biền ngẫu.

Câu 2. Sau khi học bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu, anh (chị) có suy nghĩ gì (viết khoảng một trang giấy)?

Gợi ý:

Câu này có tính chất mở rất rõ, anh (chị) có thể tự do lựa chọn trình bày nội dung suy nghĩ của mình sau khi học tác phẩm: về vẻ đẹp của tác phẩm, về hình tượng con sông Bạch Đằng lịch sử, về mối liên hệ giữa “khách” và cái “tôi” của tác giả,… Trong khi thể hiện suy nghĩ của mình, chú ý bộc lộ những cảm nhận, đánh giá riêng gắn với những hình ảnh, chi tiết cụ thể của bài phú.

3. Đề 3

Câu 1. Hãy trình bày vắn tắt cuộc đời và sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi (trong một trang giấy).

Gợi ý:

Cần trình bày theo các ý sau:

- Cuộc đời Nguyễn Trãi: Nguyễn Trãi là một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hoá lỗi lạc và cũng là người có số phận bi thương nhất trong lịch sử.

- Sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi:

+ Những tác phẩm chính;

+ Thơ văn thấm nhuần tư tưởng yêu nước thương dân, triết lí thế sự và tình yêu thiên nhiên;

+ Thơ văn Nguyễn Trãi là đỉnh cao chói lọi trong văn học dân tộc.

Câu 2. Viết một đoạn văn ngắn so sánh tính cách của nhân vật Trương Phi và Quan Vũ qua Hồi trống Cổ Thành (trích Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung).

Gợi ý:

Trương Phi không chỉ là người nóng nảy, thô lỗ mà còn là người tế nhị và cẩn trọng nữa. Tế nhị và thô lỗ là hai nét tính cách đối lập nhau, vậy mà lại thống nhất với nhau trong con người Trương Phi. Điều đó cũng giống như Quan Vũ vừa tự cao lại vừa khiêm nh­ường vậy. Cái tài của tác giả là đã tạo ra được tình huống cho cả hai nhân vật chính của tác phẩm đều bộc lộ sự thống nhất của những nét tính cách đối lập trong bản thân một nhân vật. Vì thế, đoạn trích có kịch tính và rất hấp dẫn đối với người đọc.

4. Đề 4

Câu 1. Từ bài Tựa “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương, anh (chị) hiểu thế nào là một bài tựa.

Gợi ý:

Tựa là bài văn đặt ở đầu tác phẩm văn học hoặc sử học, địa lí, hội hoạ, âm nhạc,… nhằm giới thiệu mục đích, nội dung, quá trình hình thành và kết cấu của tác phẩm ấy. Bài tựa có thể do tác giả tự viết hoặc do một ai đó thích thú tác phẩm mà viết. Cuối bài tựa thường có phần lạc khoản: ghi rõ họ tên, chức t­ước của người viết và ngày tháng, địa điểm làm bài tựa. Bài tựa cũng thể hiện những quan điểm mang tính thời đại và của chủ quan người viết. Văn của thể tựa có tính chất thuyết minh, thường được kết hợp với nghị luận và tự sự, có khi mang sắc thái trữ tình.

Câu 2. Tư thế và trách nhiệm của nhà bình sử Lê Văn Hưu được biểu hiện như thế nào qua các đoạn trích Phẩm bình nhân vật lịch sử?

Gợi ý:

Cái nhìn chân thực, xuất phát từ tinh thần dân tộc, lòng yêu n­ước, ý thức gìn giữ, trân trọng truyền thống được thể hiện qua các lời bình sử của Lê Văn H­ưu. Cũng trong những lời bàn về lịch sử ấy, chúng ta còn thấy một tấm lòng ngay thẳng, cương trực, một quan điểm lịch sử chân thực, có phê phán. Điều này thể hiện ở lời bàn của tác giả về việc ban thưởng. Khi quan niệm điềm lành không có nghĩa là đem những thứ quý giá để làm vừa lòng người trên, tác giả đã phê phán thẳng thắn những lề thói, tật xấu của con người trong xã hội mọi thời. Thuở xư­a là cung tiến, ngày nay là đút lót, hối lộ, nịnh nọt, thực ra chỉ khác nhau về cách gọi tên mà thôi. Bàn về lịch sử, như thế không chỉ có ích đối với việc nhìn nhận quá khứ mà còn có ích đối với cuộc sống hiện tại và cả với tương lai.