Cầm vàng mà lội qua sông Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng. Em hãy giải thích và bình luận câu ca dao trên

Đề bài

Cầm vàng mà lội qua sông Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng. Em hãy giải thích và bình luận câu ca dao trên.

Lời giải chi tiết

Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta gặp thất bại, cũng có khi chúng ta đầu tư rất nhiều công sức, tình cảm vào một việc gì đó và tưởng chừng thành công nằm trong tầm tay nhưng rốt cuộc, kết quả hoàn toàn trái ngược. Rơi vào hoàn cảnh như thế, có lẽ ai cũng buồn cũng tiếc. Người xưa cũng đã thấy được điều này:

Cầm vàng mà lội qua sông

Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng.

Vàng ở đây chỉ chung những thứ quý giá: quý như vàng, đắt như vàng... Cầm vàng là có trong tay một cái gì đó rất có giá trị. Lội qua sông là vượt qua khó khăn, trở ngại. Còn vàng rơi, vật quý mất cũng không tiếc mà chỉ tiếc công giữ gìn nó thôi.

Hiểu như vậy chỉ là hiểu trên bề mặt ngôn từ - nghĩa tường minh chứ chưa hiểu được nghĩa hàm ẩn của nó. Vậy, vật quý kia là gì? Một hiện thực tuyệt vời? Một ước mơ huy hoàng? Hay một thứ gì khác? Lời ẩn dụ ngắn gọn quá không dễ hiểu. Cụm từ “tiếc công” may ra có thể là một gợi ý.

“Tiếc công” có mặt trong nhiều câu ca dao như một mô-típ: Tiếc công anh đắp đập be bờ, Để ai quảy đó mang lờ đến đơm; Tiếc công anh gánh gạch xây thành, Trồng cây nên trái để dành ai ăn; Tiếc công anh đi xuống đi lên, Mòn đằng chết cỏ chẳng nên cang thường...

Trong bài ca dao này, ta chưa thấy vàng hay thấy vật qúy cụ thể là gì nhưng ý ám chỉ tình yêu thì thấy rõ. Công cầm vàng không thấy nhưng thấy công phu bỏ ra theo đuổi, nhen nhúm, bồi đắp cho một mối tình. Còn vàng không phải chỉ rơi mà biến mất dạng, mất tăm, hoặc tình chẳng bén mà lại tan vỡ phũ phàng.

Vậy sự thất bại ở câu ca dao này trước hết là sự thất bại về tình yêu. Giọng điệu câu ca có gì như bẽ bàng, chua chát. Có thể hình dung sự tình như thế này chăng: Từ chỗ hiểu nhau, yêu nhau đến chỗ hẹn ước, thề nguyền gắn bó trăm năm. Tình yêu ấy không phải tự nhiên mà có. Nó ắt phải trải qua ngọt bùi, đắng cay, thử thách. Vì thế, nó quý giá hơn mọi thứ trên đời. Những tưởng hạnh phúc đã gần kề, ai ngờ sóng gió dẫn tới ly tan, nước mây đôi ngả. Người yêu rời bỏ anh, hoặc anh không giữ được người yêu. Sóng gió ấy quá lớn không thể vượt qua nên người trong cuộc chỉ còn biết ngậm ngùi, than thở. Mình than với mình rồi lặng đi trong niềm xót đau, chua chát.

Nhưng thực tế ở đời cho thấy: thất vọng trong tình yêu không chỉ có một lối thoát duy nhất là chết mòn vì tương tư. vết thương trên da thịt dần dần sẽ lành: vết thương trong lòng cũng vậy. Có đau khổ một thời gian nhưng theo ngày tháng, nỗi khổ ấy sẽ nguôi dần. Người ta sẽ tỉnh ra và nghĩ lại.

Kẻ kia tình đã nhạt chăng? Mắt họ đã bị cuốn hút vào chỗ giàu sang chàng? Hay là chung quanh dèm pha? Gia đình ngăn trở?... Mình biết thân phận mình. Thế thì thôi!

Nói như các anh con trai khác, ở câu ca dao trên kia, họ chẳng sá gì đến việc kẻ khác đến đơm cá, đến ăn trái, mà họ chỉ tiếc công mình đắp đập be bờ, gánh gạch xây thành, trồng cây... Còn mình, tình yêu đã mất, vàng đã rơi, công lênh cũng chẳng ít, nhưng tiếc làm chi! Chỉ tiếc công bỏ ra bấy lâu xây đắp mối tình vàng ngọc kia mà thôi. Bởi tình này mất còn tìm tình khác được, chứ công lao đã bỏ ra, thời gian đã mất đi làm sao tìm lại được? Tiếc công cầm vàng là vậy.

Từ lĩnh vực tình yêu, ta có thể mở rộng, nâng cao ý nghĩa của câu ca dao trên sang lĩnh vực khác. Không phải chỉ là tình yêu mà có thể là một ước mơ tốt đẹp: đỗ đạt cao, tài năng lớn, làm giàu nhanh... Đeo đuổi một ước mơ như thế phải tốn bao công sức, tiền bạc, thời gian. Nhưng cuối cùng mơ ước chẳng được, chỉ tiếc cho công lao đã bỏ ra.

Mỗi lần vấp ngã, mỗi lần thất bại đều để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc và con người ta lớn lên rất nhiều sau những thử thách, vấn đề quan trọng là thắng không kiêu, bại không nản, mỗi người có đủ nghị lực, can đảm, lí trí sáng suốt để tìm cho mình những chất vàng ròng tinh túy của đời sống tâm hồn hay không. Bài ca dao là một lời khuyên thiết thực về chuyện theo đuổi những mơ ước đẹp đẽ ở đời.