Lý tưởng của người thanh niên trong những thế hệ cách mạng vừa qua cũng như ngày nay là sống chiến đấu để xây dựng cuộc sống tươi đẹp của đất nước trong chủ nghĩa xã hội. Thanh niên thật sự đã trở thành mũi nhọn xung kích - lực lượng tiên phong của cách mạng giải phóng dân tộc. Hạnh phúc cao đẹp nhất là đã từng được sống chiến đấu và hi sinh, chính lý tưởng cao cả đã tạo nên những hành động anh hùng.
Chính vì sống có mục đích, mục đích cao đẹp vì sự nghiệp chung cho nên nhiều thế hệ con người Việt Nam dù “bình thường” nhưng rất “vĩ đại”. Câu nói thâm thúy của một nhà văn Pháp cũng nói được điều ấy: “Nếu không có mục đích, anh không làm được cái gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu như mục đích tầm thường”.
Gắn ý câu nói trên với cuộc sống lao động và chiến đấu của nhân dân ta, thử xem phần góp ý bàn luận sau đây có thể được mọi người công nhận được chăng?
Câu nói của Đi-đơ-rô nhấn mạnh tới ý nghĩa sâu sắc ở chỗ nhà văn coi mục đích - và mục đích cao cả, cao đẹp của con người là điều kiện để sống và sống xứng đáng. Và vì sao sống cần mục đích và mục đích lại phải là cao đẹp?
Con người luôn muốn sống hạnh phúc, và hạnh phúc bình thường như ăn ngon, mặc đẹp, vợ hiền, con ngoan, bạn tốt... và hạnh phúc có thể đến từ gia đình, tiền bạc, bạn bè, cha mẹ, người yêu. Mục đích của đời người dẫu chỉ có nhường ấy cũng đã từng khiến ta phải cố gắng, mưu cầu mới có được!
Nhưng nếu chỉ có vậy thì mới chỉ là những mục đích tầm thường chứ không bình thường. Bởi có kẻ mong sống có nhiều tiền, có sự giàu sang để trấn áp, đề khinh rẻ kẻ khác, dùng đồng tiền để khuynh đảo người xung quanh. Mục đích sống như vậy dễ dàng làm ta góp phần đồng lõa với tội ác, với cái xấu.
Người có mục đích sống cao đẹp thường cảm thấy hạnh phúc khi hi sinh cho người khác, hạnh phúc bởi được cống hiến cho cuộc đời chung. Điều vĩ đại mà Einstein, Edison, Pasteur, những Marx, Lênin, Hồ Chí Minh hay cả Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... làm được cho hậu thế chắc chắn đã được nuôi dưỡng trong tâm huyết họ mục đích thật cao cả cho mọi người.
Mục đích là lẽ sống của cuộc đời. Mục đích phải cao đẹp thì tâm hồn mới thanh cao và có những hành động phi thường!
Chúng ta sẽ có quyền phê phán trên cơ sở lý lẽ đó, đối với những mưu cầu đời sống tầm thường: sống chỉ muốn được hưởng thụ vật chất, sống ích kỉ chỉ lo cho mình và bóc lột trên bất hạnh của kẻ khác.
Thường thì mục đích - lẽ sống cuộc đời hình thành rõ ở tuổi thanh niên. Tố Hữu có nói: Thanh niên phải biết ước mơ và hành động! Từ đó, ta biết ngợi ca những mục đích sống cao cả của thanh niên như Pa-ven Cooc-sa-ghin “Tôi muốn cống hiên cho cách mạng đến tế bào sống cuối cùng của đời mình”; như Lý Tự Trọng nói: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng chứ không có con đường nào khác!”; hay anh Trỗi phát biểu “Lý tưởng sống của tôi là hạnh phúc của đồng bào tôi. Còn thằng giặc Mỹ thì không có ai hạnh phúc nổi cả ...”
Và Thanh Hải cũng đã nói:
"... Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến ...”
(Thanh Hải)
Tương lai của tuổi trẻ hôm nay - những người chủ nhân đất nước sắp tới, tùy thuộc vào việc khẳng định mục đích cuộc đời của tuổi trẻ Việt Nam. Đất nước còn nghèo, dân ta còn lạc hậu, nếu tha thiết với cuộc đời chung thì ắt hẳn mỗi chúng ta biết phải sống, học tập, lao động và chiến đấu quên mình.
Lời nói của Đ. Đi-đơ-rô như nhắc nhở mỗi con người biết chọn lẽ sống cao đẹp. Mỗi con người hôm nay dù ở vai trò xã hội nào, cũng sẽ hiểu sâu xa đất nước và dân tộc cần gì và ta phải làm gì.
Cảm ơn những tấm gương sống cao đẹp của các bậc vĩ nhân kim cổ, học sinh chúng ta hôm nay là những người ăn quả sẽ quyết tâm hướng ước mơ cuộc đời vào sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, bằng hành động cống hiến tận tình vào sự nghiệp chung.
loigiaihay.com