Ngày xưa, những tên sách có chữ “kí” ở phía sau đều muốn chỉ những tác phẩm văn học bằng văn xuôi.
Tây du kí là câu chuyện viết về chuyến đi về phía tây của thầy trò Đường Tăng. Thượng kinh kí sự là câu chuyện viết về chuyến đi lên kinh đô của Lê Hữu Trác... Vậy Tiểu Thanh kí là câu chuyện viết về nàng Tiểu Thanh. Vậy Tiểu Thanh ở đây là nhân vật trong tác phẩm chứ không phải là chủ thể sáng tạo ra tác phẩm. Ai đã đọc Tiểu thanh kí đều biết câu chuyện ấy kể lại lúc sinh thời cô có làm thơ, khi chết những bài thơ ấy đã bị vợ cả đốt, còn sót lại một ít trang. Người đời thương tiếc đem khắc in gọi là “phần dư” gồm 11 bài. Như vậy trong truyện Tiểu thanh kí mặc dầu có chép lại “phần dư” nhưng cả tác phẩm viết về cô Tiểu Thanh chứ không phải cô Tiểu Thanh viết tác phẩm đó.
Tiểu Thanh là ai? Ta có thể đọc kĩ phần chú thích ở sách giáo khoa. Hiện nay khi đến Tây Hồ nhiều người vẫn viếng mộ Tiểu Thanh.
Trang thơ còn đau hơn, trang đã cháy đau hơn.
Những khách sáng nay chưa ai đọc thơ nàng
Nghìn trang thơ không nói hết một cuộc đời đã vỡ
Nhỏ một giọt lệ bên mồ đâu phải chuyện văn chương.
(Thăm mộ Tiểu Thanh - Chế Lan Viên)
Nhưng Tiểu Thanh trong tác phẩm không phải là nhân vật hoàn toàn trùng khớp với Tiểu Thanh trong cuộc đời. Tiểu Thanh trong đời thực sinh năm 1594 mất 1612 còn Nguyễn Du sinh năm 1765 mất năm 1820, dù tính ra sao cũng không thể là “300 năm lẻ”. Ở đây cần lưu ý Tiểu Thanh trong Tiểu Thanh kí thì mất năm 1492. Nguyễn Du khóc nàng 1813 nên nói 300 năm lẻ là đúng.
Vì thế có người đã cho rằng đặt tên cho nhân vật Tiểu Thanh tác giả muốn nhắn nhủ với độc giả rằng con người lụy tình sẽ có số phận thật hẩm hiu đáng thương (chữ TIỂU hợp với chữ THANH trong tiếng Hán là chữ TÌNH).