Phân tích đặc trưng của truyện cổ tích thần kì qua truyện Tấm Cám

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về thể loại truyện cổ tích.

- Giới thiệu về truyện Tấm Cám.

2. Thân bài

* Đặc trưng thứ nhất: Cách lựa chọn nhân vật trung tâm

- Thường là những người lao động nghèo, chịu thua thiệt trong cuộc sống nhưng lương thiện; qua những khổ ải và thử thách liên tiếp, cuối cùng họ cũng được đổi đời, được hạnh phúc.

- Trong truyện Tấm Cám: Nhân vật trung tâm là cô Tấm - người con gái hiền lành, lương thiện... nhưng cuộc đời phải chịu nhiều cực khổ, bất công:

+ Phải làm lụng tất cả các công việc trong nhà.

+ Đi xúc tôm tép với Cám, Tấm bị lừa hết cả giỏ đầy.

+ Bị mẹ con Cám nhẫn tâm giết chết cá bống - người bạn duy nhất.

+ Không được đi dự hội.

+ Khi trở thành hoàng hậu, bị hãm hại hết lần này đến lần khác, trải qua nhiều vòng chuyển kiếp.

=> Cuối cùng, từ chỗ chịu đựng, nhẫn nhục, Tấm cũng đã vươn lên mạnh mẽ trong hành trình tìm hiếm hạnh phúc của mình và nhận được cái kết có hậu.

=> Đạo lí "Ở hiền gặp lành" của cha ông đồng thời là khát vọng của nhân dân lao động về cuộc sống công bằng, hạnh phúc.

* Đặc trưng thứ hai: Tư tưởng truyện

- Tinh thần lạc quan, yêu đời, sức sống mãnh liệt, tin tưởng vào công lí, cái thiện chiến thắng cái ác.

- Trong truyện Tấm Cám:

+ Nhân vật Tấm tuy chịu thiệt thòi nhưng ẩn chứa trong cô luôn là tinh thần lạc quan yêu đời, sức sống mãnh liệt.

+ Tuy bị hãm hại và trải qua bao nhiêu lần chết đi sống lại nhưng cuối cùng vẫn được hưởng hạnh phúc => Niềm tin vào công lí, vào cái thiện sẽ chiến thắng cái ác.

=> Niềm tin tưởng vào công bằng, công lí.

* Đặc trưng thứ ba: Yếu tố kì ảo, thần kì

- Đây là yếu tố quan trọng và đặc sắc nhất của thể loại này, giúp câu chuyện được liền mạch, giúp giải quyết những mâu thuẫn, xung đột truyện.

- Trong truyện Tấm Cám:

+ Khi bị mẹ con Cám bắt nạt: Tấm thường được Bụt giúp đỡ (hóa phép giúp Tấm có người bạn là cá bống, giúp Tấm có quần áo đẹp, giày đẹp để đi dự hội,...) => Bụt chính là vị thần tiên thường hiện lên giúp đỡ những người hiền lành, lương thiện.

+ Khi Tấm lên ngôi hoàng hậu: Hiện thân của yếu tố thần kì chính là những lần hóa thân của cô (chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi, quả thị)

=> Yếu tố thần kì giúp Tấm hóa thân qua bao kiếp nạn, trải qua bao lần sống chết, minh chứng rõ ràng cho sự bất diệt của cái thiện.

=> Ý nghĩa của yếu tố kì ảo, thần kì:

- Dẫn dắt cốt truyện lên tới cao trào.

- Giúp giải quyết những xung đột, mâu thuẫn.

- Giúp nhân dân lao động thực hiện được những ước mơ, khát vọng của mình.

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề

Bài mẫu

Truyện cổ tích Việt Nam luôn có một sức hút vô cùng to lớn đối với bất cứ thế hệ người Việt nào. Yếu tố chính để làm nên sức hút này không chỉ ở cốt truyện mà còn ở đặc trưng của thể loại này. Đặc trưng đó là ở cách chọn lựa nhân vật, các tuyến nhân vật phụ, tư tưởng mà người sáng tác muốn truyền đạt tới người đọc và yếu tố thần kì - đặc trưng nổi bật nhất của thể loại truyện cổ tích. Những đặc trưng ấy thể hiện thật rõ nét qua câu chuyện cổ tích Tấm Cám quen thuộc.

Những câu chuyện cổ tích mở ra trước mắt người đọc một không gian lấp lánh, ấm áp đầy diệu kì và sức hút. Có thể nói, chính những đặc trưng nổi bật của thể loại này đã đem lại cho nó một sức hút kì lạ, từ nhân vật tới tư tưởng của truyện, tới yếu tố thần kỳ. Nói về đặc trưng của thể loại truyện cổ tích, đầu tiên, ta có thể nhận thấy ngay ở thể loại này đó là cách chọn lựa nhân vật trung tâm của câu chuyện. Nhân vật trung tâm của thể loại này thường là những người lao động nghèo nhưng lương thiện, từ khi xuất hiện vốn đã chịu nhiều thiệt thòi. Thế nhưng, trải qua những khổ ải và thử thách liên tiếp, cuối cùng họ được đổi đời, sống cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ. Có thể nhận thấy, bất cứ truyện cổ tích nào cũng có lớp nhân vật chính là như thế.

Đối chiếu vào truyện cổ tích Tấm Cám, ta thấy truyện viết là nhân vật trung tâm là Tấm. Cô là một người con gái hiền lành, lương thiện, chăm chỉ, siêng năng và vô cùng nhân hậu. Thế nhưng, cuộc đời của Tấm lại đầy những chông gai khi mẹ mất sớm, cha lại lấy vợ kế. Cảnh mẹ ghẻ con chồng, Tấm đã phải bao lần nhẫn nhục chịu những bất công mà mẹ kế gây ra. Không những phải làm lụng vất vả, Tấm còn phải chịu những cảnh đối xử tệ bạc của mẹ kế và em kế. Khi đi xúc tép với Cám, Tấm đã bị Cám lừa "hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng" mà mất hết cả giỏ đầy tép, bị cướp mất tấm yếm đỏ. Rồi khi Tấm bầu bạn cùng cá bống, mẹ con Cám cũng nhẫn tâm ra tay sát hại người bạn duy nhất của Tấm. Không chỉ vậy, Tấm còn bị mẹ con Cám ghen tức khi nàng thử vừa chiếc hài và trở thành hoàng hậu của vua. Thế nhưng, Tấm lại chỉ phản kháng lại yếu ớt bằng cách khóc nức nở và chẳng đáp trả lại mẹ con Cám điều gì. Tất cả những điều đó cho thấy Tấm đã hiền lành và lương thiện tới mức nào khi hết lần này tới lần khác bị mẹ con Cám đối xử như kẻ ở đợ. Và khi trở thành hoàng hậu, chặng đường hạnh phúc của Tấm cũng bị Cám và mẹ của mình cản trở khi chúng hết lần này tới lần khác ra tay hãm hại. Dù nàng có hóa thân thành vật gì, mẹ con Cám cũng cố tình hãm hại. Thế nhưng, dù có bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu lần bị hãm hại, Tấm vẫn vươn lên mạnh mẽ trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mình. Và cuối cùng, nàng cũng được trở về với chồng và sống cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ. Đó là một cái kết có hậu, đúng với mong muốn của người dân lao động xưa, cũng đúng với đạo lý mà ông cha ta đã dạy "Ở hiền gặp lành". Nhân vật trong truyện cổ tích dù có chịu bao nhiêu đau khổ và ức hiếp thì cuối cùng, họ cũng được hưởng một cuộc sống viên mãn. Đó cũng chính là khát vọng của nhân dân lao động xưa.

Đặc trưng thứ hai mà người ta có thể nhận thấy được ngay khi đọc những câu chuyện cổ tích, đó là tư tưởng mà truyện thể hiện. Tư tưởng đó thường là tinh thần lạc quan, yêu đời, sức sống mãnh liệt, mạnh mẽ, sự tin tưởng vào công lý, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác. Tư tưởng ấy đã thể hiện rất rõ qua truyện cổ tích Tấm Cám.

Tấm là một cô gái mồ côi, phải chịu nhiều thiệt thòi khi sống cùng mẹ và em kế, thế nhưng nàng chưa bao giờ để mình tuyệt vọng. Ở nàng, người ta luôn thấy một sức sống mãnh liệt, một tinh thần lạc quan yêu đời. Hơn thế nữa, Tấm còn cho người đọc thấy rõ niềm tin vào công lý, vào cái thiện khi chính nàng bị hãm hại và phải trải qua bao nhiêu lần chết đi sống lại để đến cuối cùng nàng được hưởng hạnh phúc còn những kẻ hãm hại nàng phải chịu đựng sự trừng phạt đau đớn nhất. Đây chính là niềm tin vào công lý mà người lao động muốn bày tỏ, họ luôn tin tưởng rằng nếu sống lương thiện thì chắc chắn cái chờ đợi họ ở phái trước sẽ là sự may mắn, hạnh phúc và cuộc sống đủ đầy. Còn những kẻ độc ác, mưu mô, hãm hại họ, chắc chắn sẽ nhận được cái kết đau đớn nhất.

Đặc trưng thứ ba cũng là đặc trưng nổi bật nhất của các câu chuyện cổ tích đó là yếu tố kì ảo, thần kỳ. Bất cứ một câu chuyện cổ tích nào chúng ta đọc đều có yếu tố này. Nó là yếu tố quan trọng nhất, đặc sắc nhất của thể loại cổ tích. Sự tham gia của yếu tố thần kỳ đã giúp cho câu chuyện được liền mạch, nó giúp giải quyết những mâu thuẫn cũng như xung đột trong cả câu chuyện.

Đối chiếu với Tấm Cám, chúng ta nhận thấy rằng yếu tố kì ảo này được kể xuyên suốt trong cả truyện, từ khi Tấm còn là một cô gái nghèo tới khi cô trở thành hoàng hậu. Ở giai đoạn đầu, khi Tấm còn là một cô gái mồ côi bình thường nhưng lại thường xuyên bị mẹ kế và em kế bắt nạt, khi đó, hiện thân của yếu tố thần kỳ này chính là ông Bụt. Ông Bụt được coi là vị thần tiên thường xuyên giúp đỡ những người hiền lành, lương thiện trong quan niệm của dân gian Việt Nam. Ông chính là hóa thân của thần thánh chuyên đi giúp đỡ mọi người lao động nghèo mà lương thiện. Vậy nên khi Tấm bị Cám lừa mất giỏ tép, mất cả yếm đỏ, Bụt đã hóa phép để Tấm có được một con cá bống làm người bầu bạn. Đến khi bống bị hại, nghe thấy tiếng khóc của Tấm, Bụt lại hiện lên chỉ bảo cho Tấm chôn xương bống vào bốn cái lọ dưới bốn chân giường để sau này chúng trở thành những bộ quần áo và giày đẹp để nàng đi dự hội. Có thể nói, Bụt chính là hiện thân của yếu tố thần kỳ giúp cho Tấm những lúc nàng gặp khó khăn nhất.

Giai đoạn thứ hai, khi Tấm đã lên ngôi hoàng hậu, hiện thân của yếu tố thần kỳ không phải là Bụt nữa mà là những lần hóa thân của Tấm. Đó là khi nàng bị hãm hại ngã cây mà chết thì liền biến thành chim vàng anh, chim vàng anh bị giết thì nàng lại biến thành cây xoan đào, rồi thành khung cửi, thành quả thị, cuối cùng là trở về với hình dáng thật của mình. Yếu tố thần kỳ không giúp Tấm chống lại kẻ thù nhưng lại giúp nàng hóa thân qua bao kiếp nạn, trải qua bao lần sống chết bất phân. Chính sự hóa thân thần kỳ ấy là minh chứng rõ ràng nhất cho sự bất diệt của cái thiện, thể hiện đúng quan điểm cũng như khát vọng của người xưa.

Yếu tố thần kỳ trong Tấm Cám đã dẫn dắt cốt truyện lên tới cao trào và giúp giải quyết những xung đột, mâu thuẫn trong đó. Nó là một phần quan trọng không thể thiếu của câu chuyện cổ tích bởi không có nó, câu chuyện sẽ bị dẫn dắt sang một hướng khác với những chuyển biến khác và có lẽ xung đột trong đó cũng không thể giải quyết được. Đồng thời, yếu tố kì ảo này đã giúp người dân thực hiện được ước mơ khát vọng của mình, những ước vọng mà trong thực tế khó lòng thực hiện được. Có thể nói, yếu tố này chính là một đặc trưng không thể thiếu của truyện cổ tích thần kì.

Tóm lại, một câu chuyện cổ tích được xây dựng lên bởi cốt truyện đặc sắc cũng như bởi các đặc trưng không thể thiếu là nhân vật trung tâm, tư tưởng phán ánh trong đó và quan trọng nhất là yếu tố thần kỳ. Qua Tấm Cám, chúng ta đã thấy rõ được những đặc trưng được thể hiện rất rõ qua từng chi tiết truyện, từ nhân vật trung tâm là Tấm - một cô gái mồ côi hiền lành, nhân hậu, tư tưởng phản ánh cái thiện sẽ luôn chiến thắng trước cái ác tới yếu tố thần kỳ, thần thánh theo sau giúp đỡ nhân vật cũng như giải quyết các mâu thuẫn trong truyện.

Có thể nói, Tấm Cám đã thể hiện thật rõ những đặc trưng của một câu chuyện cổ tích, đặc biệt là yếu tố thần kỳ. Qua đó mà chúng ta thấy được tư tưởng cũng như niềm tin bất diệt của người lao động xưa vào sức sống của cái thiện. Và chính những yếu tố ấy cũng là thành phần quan trọng tạo nên một không gian huyền ảo, đầy màu sắc, hấp dẫn, thu hút tất cả mọi người.

Nguồn: Sưu tầm

Loigiaiha.com