I - Tìm hiểu chung
1. Tác phẩm
Đoạn trích thuộc hồi 21 trong tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Anh em Lưu, Quan, Trương lúc này mới khởi nghiệp, chưa có đất dung thân và dựng nghiệp nên phải sang nương nhờ Tào Tháo
Tào Tháo là một người có tài nhưng chủ quan và đa nghi. Tào Tháo biết chí lớn của ba anh em Lưu Bị nên tìm cách mua chuộc, hòng thu nạp người tài, củng cố sức mạnh, đồng thời dẹp được mầm hoạ. Nội dung đoạn trích xoay quanh cuộc bàn luận về anh hùng giữa Tào Tháo và Lưu Bị, qua đó phần nào thể hiện những nét tính cách tiêu biểu của Tào Tháo và Lưu Bị, hai người anh hùng với hai tính cách trái ngược nhau.
Đoạn trích có kết cấu hoàn chỉnh như một vở kịch, có thắt nút, cao trào và mở nút. Qua hai nhân vật Tào Tháo và Lưu Bị, đoạn trích cũng thể hiện được những nét đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của La Quán Trung. Nội dung tư tưởng được thể hiện ở cách gọi tên nhân vật, ngôn ngữ, cử chỉ, quan niệm về người anh hùng…
2. Tóm tắt
Huyền Đức có mưu đồ lớn nhưng chưa gặp thời, lại sợ Tào Tháo nghi ngờ bèn trồng một vườn rau ở sau nhà, hằng ngày vun xới. Một hôm, Tào Tháo cho người mời Huyền Đức vào tiếp kiến nhằm thăm dò ý tứ. Tháo bày tiệc rượu ở tiểu đình, vừa ăn uống vừa nói chuyện vui vẻ. Lúc ngà ngà say, lại có mây đen mù mịt, cơn mưa to sắp đến, Tào Tháo bèn chuyển sang hỏi Huyền Đức về chuyện anh hùng trong thiên hạ. Lưu Bị muốn từ chối nhưng không được, bèn kể ra tất cả những bậc anh tài thời nay mà mình từng biết. Thế nhưng chẳng ngờ Tào Tháo gạt bay đi tất cả. Đang lúng túng chưa biết nói sao thì đột nhiên Tào Tháo lấy tay trỏ vào Huyền Đức và nói: “Anh hùng thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tháo mà thôi”. Huyền Đức nghe nói, giật mình rơi hết thìa đũa trong tay. Cũng may, đúng lúc ấy, tiếng sấm ầm vang. Huyền Đức nhanh trí viện chuyện sấm chớp để che đậy chuyện giật mình. Tào Tháo thấy thế không nghi ngờ gì Huyền Đức nữa.
3. Cách đọc và kể
Đọc (hoặc kể) đoạn trích, chú ý : lời thoại của Lưu Bị dè dặt, có ý thăm dò, thể hiện tính cách khiêm nhường, thận trọng, kín đáo, khôn ngoan ; trái với lời thoại thể hiện tự tin đến kiêu ngạo của Tào Tháo.
II - Kiến thức cơ bản
Khi bình về Tam quốc diễn nghĩa, các nhà phê bình văn học Trung Quốc đã đưa ra bộ “tam tuyệt”, ba đỉnh cao mẫu mực về tính cách: Tào Tháo tuyệt gian, Khổng Minh tuyệt trí, Quan Công tuyệt nghĩa. Họ đều là những người có tài, là những bậc anh hùng của Tam quốc, Tào Tháo là gian hùng, Quan Công, Khổng Minh là anh hùng. Khi san định lại Tam quốc diễn nghĩa, với nhãn quan chính trị của nhân dân lao động, nhà văn La Quán Trung đã có cách nhìn thiên vị đối với nhà Thục. Vì thế, Lưu Bị đại đức, tình nghĩa bao nhiêu thì Tào Tháo lại gian xảo, đa nghi bấy nhiêu. Thái độ của nhà văn đối với hai nhân vật được thể hiện ngay trong cách gọi tên hai nhân vật. Với Tào Tháo, chỉ một lần tác giả gọi đủ tính danh là Tào Tháo, còn lại chỉ gọi là Tháo, còn Lưu Bị tác giả đều gọi tên chữ là Huyền Đức một cách trân trọng và thiện cảm. Cách gọi tên ấy đã thể hiện thái độ của nhà văn đối với nhân vật. Thái độ ấy được thể hiện rõ hơn trong cuộc đấu trí giữa hai nhân vật này.
Với cách bố trí các chi tiết khéo léo và kịch tính, đoạn trích Tào Tháo uống rượu luận anh hùng đã thể hiện được những nét tiêu biểu trong tính cách của hai nhân vật chính của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa. Đoạn trích cũng đã thể hiện những nét tiêu biểu trong nghệ thuật kể chuyện của Tam quốc diễn nghĩa. Đó là nghệ thuật tạo và dẫn dắt tình huống truyện vừa kịch tính vừa rất lôgíc. Các chi tiết nối tiếp nhau một cách rất tự nhiên và tính cách nhân vật lần lượt được bộc lộ.
Người chủ động lập cuộc rượu để bàn luận về anh hùng là Tào Tháo, Huyền Đức hoàn toàn bất ngờ. Do chưa có đất dựng nghiệp, anh em Lưu, Quan, Trương phải đến ở nhờ Tào Tháo để chờ cơ hội và chuẩn bị lực lượng. So với Tào Tháo, lúc này Lưu Bị hoàn toàn yếu thế, vì vậy giống như con rồng ẩn mình, để che mắt Tào Tháo, Lưu Bị phải ngày ngày giả vờ mải mê với chuyện vun xới, trồng rau. Mâu thuẫn và kịch tính của đoạn trích bắt đầu từ đây. Vì muốn ẩn giấu ý định của mình, lại biết Tào Tháo vốn tính đa nghi, nên khi người của Tào Tháo đến mời Lưu Bị đã “giật mình… sợ tái mặt”. Và nhất là khi Tào Tháo trỏ vào mình và Lưu Bị và nói : “Anh hùng trong thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tháo này mà thôi” thì “giật nảy mình, cái thìa, đôi đũa cầm ở tay rơi cả xuống đất”. Lưu Bị giật mình không phải là biểu hiện của sự hèn nhát, ông giật mình bởi sợ rằng bị lộ ý đồ chiến lược. Lưu Huyền Đức nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và có cách xử lí tình huống rất thông minh. Tính cách khiêm nhường và ôn hoà của một hiền nhân quân tử có chí lớn được thể hiện rõ trong lối ứng xử của Huyền Đức. Trước câu hỏi đầy dò xét của Tháo về quan niệm người anh hùng, Huyền Đức cũng đã rất khiêm tốn mà từ chối. Khi bị buộc phải trả lời, thì đưa ra những nhân vật đáng lưu ý, trong đó có ý dò xét thái độ của Tào Tháo. Khiêm nhường, thận trọng, kín đáo, khôn ngoan là những nét tính cách nổi bật của Huyền Đức trong đoạn trích này, và đây cũng là phẩm chất cần thiết của một vị vua hiền.
Đối lập với tính cách khiêm nhường của Huyền Đức là thái độ kiêu ngạo, tự phụ của Tào Tháo. Nhân vật này vốn đã rất nổi tiếng với câu nói “Ta thà phụ người chứ nhất quyết không để người phụ ta”. Tào Tháo có chí lớn, có tài cao, hiểu đời và hiểu thời thế, luận về anh hùng, Tháo nói : “Rồng lúc thì to, lúc thì nhỏ, lúc thì bay, lúc thì nấp. Lúc to thì nổi mây phun mù ; lúc nhỏ thì thu hình ẩn bóng ; khi bay ra thì liệng trong trời đất ; khi ẩn thì núp ở dưới sông”. Lí luận ấy thể hiện một trí tuệ sắc sảo, một tầm nhìn xa trông rộng. Chí lớn của Tào Mạnh Đức còn được thể hiện ở quan niệm về anh hùng : “Anh hùng là người trong bụng có chí lớn, có mưu cao, có tài bao trùm được cả vũ trụ, có chí nuốt cả trời đất”… Tào Tháo là một gian hùng thời loạn, quan niệm về người anh hùng của Tháo là một quan niệm đầy tham vọng. Tháo có tài nhưng lòng dạ nham hiểm, xảo quyệt, tính cách của hắn tiêu biểu cho những kẻ thống trị chuyên quyền, “Hắn cũng tàn bạo như Đổng Trác, vô ơn bạc nghĩa như Lã Bố, nhưng biết che đậy tâm địa xấu xa, biết lấy lòng người nên đã đi trọn con đường công danh sự nghiệp, mồ yên mả đẹp”. Những nét tính cách gian hùng của hắn được thể hiện một phần trong đoạn trích. Nổi bật ở đoạn trích này là tính tự phụ, kiêu ngạo (hắn không coi ai đáng là anh hùng, trừ hắn và Lưu Bị), hắn còn nham hiểm khi thăm dò ý định của Lưu Bị.
Mục đích cuộc luận bàn về anh hùng của Tháo là thăm dò thái độ của Huyền Đức, vì thế Tháo lừa đánh những đòn rất bất ngờ và nham hiểm. Bất ngờ mời Huyền Đức đến uống rượu, chủ động đưa ra nội dung bàn luận về quan niệm anh hùng và buộc Huyền Đức vào thế không thể chối từ. Và gian xảo hơn là bất ngờ kết luận mình và Huyền Đức là người anh hùng khiến cho Huyền Đức khó có thể tránh được sơ hở. Song lòng yêu mến dành cho nhà Thục đã khiến nhà văn tạo nên một tiếng sấm rền vang đầy bất ngờ và đúng lúc để giúp Huyền Đức che giấu được cái giật mình nguy hiểm. Câu nói của Tào Tháo còn ẩn chứa cả sự ngầm đe dọa của một người đầy tham vọng. Nét nổi bật nhất trong tính cách của Tào Tháo được thể hiện ở câu nói này. Đây cũng là đỉnh điểm của mâu thuẫn, là điểm thắt nút và điểm mở nút là hành động che giấu cái giật mình một cách khéo léo của Huyền Đức. Tào Tháo đẩy mâu thuẫn lên cao trào với câu nói đầy khiêu khích còn Huyền Đức giải quyết mâu thuẫn bằng một hành động khiêm nhường của một người biết ẩn mình khi cần thiết.
Tam quốc diễn nghĩa là một tiểu thuyết chiến trận song đằng sau những câu chuyện về những trận đánh, những mưu đồ bá vương là những tư tưởng nhân đạo sâu sắc. Qua những điển hình nghệ thuật như Tào Tháo, Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, Khổng Minh, Tôn Quyền… tác giả đã thể hiện những quan điểm của mình về người anh hùng, về cuộc sống và thể hiện ước mơ chính đáng của nhân dân về một xã hội ổn định, một triều đình chuẩn mực. Đồng thời tác phẩm cũng cất lên tiếng nói phê phán chiến tranh phong kiến vì mục đích tranh giành quyền lực giữa những kẻ đầy tham vọng làm bá chủ thế giới.
III - Liên hệ
Đọc thêm đoạn trích Tào Tháo mượn đầu Vương Hậu để an lòng quân sĩ :
…Quân Tào Tháo mười bảy vạn, mỗi ngày ăn lương tốn lắm. Các quận lại mất mùa, vận chuyển không kịp. Tháo thúc quân đánh mau.
Lũ Lí Phong cứ đóng cửa thành không chịu ra. Quân Tháo đánh thành hơn một tháng, lương ăn gần hết.
Tháo đưa thư sang vay Tôn Sách được mười vạn hộc lương. Quan coi lương là Vương Hậu thấy ít quá không đủ phát cho quân, vào bẩm với Tháo, hỏi xem nên làm thế nào ?
Tháo nói:
- Đem hộc nhỏ mà phát cho chúng nó, tạm cấp cứu lấy một lúc.
Hậu lại hỏi :
- Thế ngộ quân sĩ kêu ca thì nói thế nào.
Tháo nói:
- Ta đã có cách.
Hậu vâng lệnh, lấy hộc nhỏ đong lương phát cho quân. Tháo cho người đi dò các trại, chỗ nào cũng thấy quân ta thán rằng: thừa tướng đánh lừa quân.
Tháo thấy vậy, mật cho người ra đòi Vương Hậu và bảo rằng:
- Nay ta muốn mượn ngươi một cái, để dẹp yên lòng quân, ngươi đừng nên tiếc.
Hậu hỏi:
- Thừa tướng muốn dùng cái gì?
Tháo nói:
- Ta muốn mượn cái đầu của ngươi để dẹp yên lòng quân.
Hậu thất kinh, kêu oan. Tháo lại nói:
- Ta cũng biết ngươi không có tội, nhưng không giết ngươi thì lòng quân sinh biến. Sau khi ngươi chết, vợ con ngươi ta nuôi cho, ngươi đừng lo.
Vương Hậu muốn nói nữa, nhưng Tháo đã gọi ngay đao phủ lôi Hậu ra ngoài cửa chém rồi bêu đầu lên một cái sào dài, yết thị rằng: “Vương Hậu cố tình làm đấu nhỏ, để ăn cắp lương vua, nay chiếu quân pháp trị tội.”
Bởi thế quân sĩ không oán gì nữa.
Hôm sau Tào Tháo hạ lệnh cho các tướng rằng:
“Hạn cho ba ngày, hễ không cố sức phá được thành, các tướng phải chém cả”.
Tháo thân đến tận dưới thành, đốc thúc quân sĩ vận chuyển đất đá để lấp hào. Trên thành tên đá bắn xuống như mưa. Có hai tì tướng sợ hãi lui ra, Tháo rút ngay gươm chém liền ngay ở dưới thành, rồi xuống ngựa để đỡ lấy đất lấp hố. Bởi thế tướng sĩ lớn nhỏ, ai cũng phải cố lăn vào. Trên thành chống cự không nổi, quân Tào tranh nhau lên thành, chặt gẫy khoá cửa thành, ào ào kéo vào…