Dàn Ý Thuyết Minh Về Một Loài Hoa Ngày Tết
1. Mở bài
- Năm hết tết đến, mỗi miền một thú thưởng hoa nhưng có lẽ đối với một người con miền Nam như tôi, thì nhắc đến Tết chính là nhắc đến cành mai vàng đang hé nở trước sân nhà.
2. Thân bài
* Nguồn gốc, tên gọi, phân bố:
- Mai vàng có nguồn gốc từ Trung Quốc.
- Tên khoa học của mai vàng là Ochna integerrima thuộc học Mai (Ochnaceae). Tên phổ biến là mai vàng ngoài ra còn có các tên gọi khác như hoàng mai, huỳnh mai hay lão mai.
- Ở Việt Nam, mai vàng chủ yếu mọc hoang nhiều ở dọc dãy Trường Sơn, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, và vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, xuất hiện ít hơn ở vùng Tây Nguyên, cùng một số các tỉnh miền núi phía Bắc.
*Ý nghĩa:
- Được mệnh danh là Tứ Quân tử, mang trong mình nét thanh cao, tấm lòng trong sạch của người quân tử, không bao giờ khuất phục trước cường quyền, trở thành một trong những đề tài tạo cảm hứng bất tận cho nhiều văn nhân thi sĩ.
- Ở Việt Nam ngoài việc đón nhận những ảnh hưởng về ý nghĩa Tứ Quân tử của Trung Quốc, thì mai vàng còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự phú quý, thịnh vượng.
* Đặc điểm:
- Có khả năng chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt, sinh trưởng và phát triển khá mạnh mẽ, là loại cây thân gỗ, có tuổi thọ cao tới hàng trăm tuổi.
- Loài mai vàng, mỗi năm chỉ nở hoa một lần vào cuối tháng chạp đầu tháng giêng.
- Thân cây xù xì, ít khi mọc thẳng mà thường phân thành nhiều nhánh tỏa sang hai bên thành các tán, thân cây mọc chậm.
- Mai vàng không quá xum xuê nhiều lá, lá mai khá cứng, có màu xanh thẫm.
- Cuối năm khi không khí dần trở lạnh, lá mai rụng xuống một lượt, để trơ lại những cành khẳng khiu vươn ra trong gió, tầm 15 - 20 ngày sau thấy ở những cành ấy nhú ra những bụp nâu bằng đầu tăm, rồi chúng lớn dần cởi bỏ lớp áo nâu mỏng, để lộ ra những lá non mơn mởn, cùng với những nụ hoa mỡ màng xanh óng ả, mai lại tràn trề sức sống.
- Mai vàng có năm cánh mỏng manh, cánh mai khum tròn, màu vàng tươi, bên trong là nhị hoa vàng sẫm quây quanh nhụy hoa nằm chính giữa. Mai khá nhanh tàn và mai cũng không có một hương thơm rõ ràng.
* Công dụng:
- Làm cảnh
- Làm thuốc
3. Kết bài
- Mai là một loài hoa đẹp và quý lại mang nhiều ý nghĩ tượng trưng tốt đẹp, đặc biệt là phẩm chất thanh cao, giản dị, chịu được những khắc nghiệt của thời tiết, điều ấy khiến tôi càng thêm trân quý loài hoa này.
1 - Thuyết minh về loài hoa ngày tết
"Mừng Tết đến, vạn lộc đến nhà nhà. Cánh mai vàng, cành đào hồng thắm tươi. Chúc cụ già được sống lâu, sống thọ. Cùng con cháu sang năm lại đón Tết sang ...". Năm hết tết đến, trăm hoa đua nở, cúc vàng, quất đỏ rực rỡ khắp muôn nẻo đường đất nước, hoa đào tô hồng cái lạnh của phương Bắc, hoa mai lại tô vàng nắng cả phương Nam. Mỗi miền một thú thưởng hoa nhưng có lẽ đối với một người con miền Nam như tôi, thì nhắc đến Tết chính là nhắc đến cành mai vàng đang hé nở trước sân nhà.
Mai vàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, thuộc vào hàng những loài cây cảnh rất được quý trọng. Tên khoa học của mai vàng là Ochna integerrima thuộc học Mai (Ochnaceae). Tên phổ biến là mai vàng ngoài ra còn có các tên gọi khác như hoàng mai, huỳnh mai hay lão mai. Ở Việt Nam, mai vàng chủ yếu mọc hoang nhiều ở dọc dãy Trường Sơn, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, và vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, xuất hiện ít hơn ở vùng Tây Nguyên, cùng một số các tỉnh miền núi phía Bắc. Mai vàng cũng có nhiều giống khác nhau, ở mỗi một khu vực với địa hình, khí hậu khác nhau lại có một loại mai riêng, nhưng đặc trưng nhất vẫn là màu hoa vàng tươi.
Mai vàng là loài cây có nhiều ý nghĩa lớn, đối với người Trung Quốc đặc biệt là các bậc trí thức Nho thời xưa lại càng thêm nặng tình với loài cây này. Trong quan niệm của họ, mai vàng chính là một trong bốn loài cây được mệnh danh là tứ quân tử, mỗi loại cây mang một đức tính mà người quân tử cần phải có, ví như tùng kiên cường, cứng cáp, trúc thì ngay thẳng, chính trực, cúc tuy kham khổ, giản dị nhưng vẫn luôn tươi đẹp, riêng mai mang trong mình nét thanh cao, tấm lòng trong sạch của người quân tử, không bao giờ khuất phục trước cường quyền. Chính vì những ngụ ý tốt đẹp, đáng quý như thế nên mai đã trở thành một trong những đề tài tạo cảm hứng bất tận cho nhiều văn nhân thi sĩ, ví như Cao Bá Quát từng ước được lên núi trồng mai trong bài thơ bất hủ Tài Mai, hay Hồ Chủ tịch trong Thướng Sơn cũng nhắc đến mai một cách đầy xúc động "Hai mươi tư tháng sáu/Lên ngọn núi này chơi/ Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối một nhành mai". Ở Việt Nam ngoài việc đón nhận những ảnh hưởng về ý nghĩa Tứ Quân tử của Trung Quốc, thì mai vàng còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự phú quý, thịnh vượng. Với màu vàng sáng của hoa mai, trưng trước nhà ngày tết luôn đem đến cho con người cảm giác vui mừng, hân hoan, cũng có lẽ vì vậy mà mai đã trở thành loài cây đặc trưng ngày tết của người dân Việt.
Mai có khả năng chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt như giá rét, đặc biệt loài này rất ưa thích khí hậu nhiệt đới, nên sinh trưởng và phát triển khá mạnh mẽ nếu được chăm sóc tốt. Đây là loại cây thân gỗ, có tuổi thọ cao tới hàng trăm tuổi, thậm chí có trường hợp đã từng ghi nhận những gốc mai 700-800 tuổi sinh trưởng ở vùng núi Yên Tử. Bài viết này đề cập đến loài mai vàng, mỗi năm chỉ nở hoa một lần vào cuối tháng chạp đầu tháng giêng. Thân cây xù xì, ít khi mọc thẳng mà thường phân thành nhiều nhánh tỏa sang hai bên thành các tán, thân cây mọc chậm, một gốc mai vài ba năm tuổi có khi chưa cao tới 1 mét. Mai vàng không quá xum xuê nhiều lá, ngược lại nó mang phẩm chất của người quân tử, đơn giản, gọn gàng và thanh tao, lá mai khá cứng, có màu xanh thẫm. Cuối năm khi không khí dần trở lạnh, lá mai rụng xuống một lượt, để trơ lại những cành khẳng khiu vươn ra trong gió, tầm 15 - 20 ngày sau thấy ở những cành ấy nhú ra những bụp nâu bằng đầu tăm, rồi chúng lớn dần cởi bỏ lớp áo nâu mỏng, để lộ ra những lá non mơn mởn, cùng với những nụ hoa mỡ màng xanh óng ả, mai lại tràn trề sức sống. Độ dăm ngày nữa thì hoa mai nở, thường đó là những ngày cuối năm, mai vàng có năm cánh mỏng manh, cánh mai khum tròn, màu vàng tươi, bên trong là nhị hoa vàng sẫm quây quanh nhụy hoa nằm chính giữa. Mai khá nhanh tàn, độ hai ngày là những cánh mai đã rụng lả tả đầy sân, để gió cuốn đi phiêu lãng, và mai cũng chẳng có một hương thơm rõ ràng, dường như chỉ thoang thoảng nơi chóp mũi, người không thật tinh ý có lẽ cả đời chẳng bao giờ biết hương hoa mai. Hoa tàn hết, quả mai xanh nõn hiện ra, lớn dần rồi rụng xuống gốc, vài tháng sau, nơi ấy đã mọc chi chít những cây con có độ vài cặp lá.
Công dụng chủ yếu của hoa mai là trưng làm cây cảnh, trang trí trong dịp tết đến xuân về, tăng thêm khí sắc mùa xuân tới. Ngoài ra trong Đông y người ta còn dùng hoa mai để làm vị thuốc giải thử, hóa đàm, sinh tân dịch, chữa các chứng nhiệt, sốt cao, đau đầu, chóng mặt cao huyết áp, đau tức ngực,...
Mai là một loài hoa đẹp và quý lại mang nhiều ý nghĩ tượng trưng tốt đẹp, đặc biệt là phẩm chất thanh cao, giản dị, chịu được những khắc nghiệt của thời tiết, điều ấy khiến tôi càng thêm trân quý loài hoa này. Bản thân tôi mỗi lần nhìn cây mai trước ngõ cũng đều mong muốn mai sau mình giống như cây mai ấy, mang trong mình những phẩm chất cao quý, có một tâm hồn thanh tao, tinh khiết.
Mỗi dịp Tết đến, xuân về là trăm loài hoa lại đua nhau khoe sắc, bài Thuyết minh về một loài hoa ngày Tết sẽ cung cấp cho các em những gợi ý thú vị cho bài văn thuyết minh của mình, bên cạnh đó các em cũng có thể tham khảo thêm những bài văn đặc sắc khác như: Thuyết minh về hoa mai ngày Tết, Thuyết minh về hoa cúc, Thuyết minh về cây hoa đào, Thuyết minh về hoa sen.
2 - Thuyết minh về loài hoa ngày tết
Mùa xuân đến mang trong mình sự náo nức, vui tươi của ngày Tết. Ngày Tết lại mang trong mình sức sống của mọi vật, của hoa cỏ, cây cối. Hoa thì hoa nào cũng đẹp, cũng thơm, nhưng không ai lại không khẳng định rằng hoa đẹp nhất, thơm nhất, có sức sống mạnh mẽ nhất vào những ngày Tết.
Hoa ngày Tết từ bao đời nay đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người Hà Nội - người Việt Nam.
Hà Nội vào mùa xuân náo nức lòng người. Tiết xuân se lạnh, những hạt mưa xuân nhẹ nhàng tô thắm cho hoa, làm chồi non lộc biếc nở rộ trong các vườn hoa Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm... Hoa theo các cô hàng hoa tràn vào năm sáu phố phường của thủ đô.
Ngày Tết không thể thiếu hoa đào - một loài hoa đặc trưng cho Hà Nội, biểu tượng cho mùa xuân và sức sống bất diệt của Bắc Việt:
Một đóa đào hoa khéo tốt tươi Tường xuân mơn mởn thấy xuân cười.
Một đóa hoa đào mang lại bao nhiêu cảm xúc, niềm vui cho mỗi người. Sau mùa đông giá lạnh, hoa đào lại nở rộ như sưởi ấm lòng người, như báo hiệu cho một sự khởi đầu một năm mới đã đến. Hoa đào có nhiều loại nhưng được biết đến nhiều nhất là đào bích, đào phai, đào mộng tự, đào bạch. Thường hoa đào cũng là một trong các thú chơi của người Hà Nội, người chơi đào thường thích đào Sa Pa vì cái vẻ sù sì rêu mốc của cành, loáng thoáng nụ và hoa, được ẩn trong lá một sức sống mãnh liệt, thắng mọi thử thách.
Kể đến hoa đào, không thể không kể đến hoa mai. Khác với hoa đào là biểu trưng của miền Bắc, hoa mai lại là biểu trưng cho miền Nam, biểu trưng cho sự tinh khiết, thanh bạch của tấm lòng tri âm tri kỉ. Mai cũng có rất nhiều loại: chi mai, bạch mai, mai tứ quý, hồng mai, hoàng mai. Thú chơi mai thật cầu kì, công phu, vì để tôn được vẻ đẹp của mai thật không dễ. Nhưng từ bao đời nay, người chơi mai vẫn tiếp thụ được những nét tinh túy của văn hóa đất Việt - văn hóa phương Đông.
Khoảng từ mồng mười Tết trở đi chính là thời điểm hoa lên ngôi với đủ mọi chủng loại. Trong đó, ngoài đào và mai còn có hoa hồng và hoa cúc. Hoa hồng rất được mọi người yêu thích vì nó là tượng trưng cho một tình yêu vĩnh cửu.
Hoa cúc có rất nhiều loại và đậm đà hương sắc như: cúc đại đóa, bạch mi, bạch khổng tước, hồng tử kì, cúc gấm, cúc đồng tiền, cúc ngũ sắc... Trong các loại cây hoa, cúc được xếp hàng thứ tư trong tứ quý (tùng, trúc, mai, cúc). Cúc ưa nhìn là bởi sự giản dị, là bởi vẻ đẹp đằm thắm lưu luyến lòng người. Cúc được ví với tính cách của người quân tử vì vẻ chịu đựng phong trần, thử thách của sương sa, tuyết lạnh mà hoa vẫn tươi và bền bỉ cùng thời gian. Không rung động sao được trước tính cách của một loài hoa đáng để mọi người suy ngẫm. Chẳng thế, các cụ nhà ta thường chơi hoa cúc, uống trà cúc. Chơi cúc và thưởng thức cúc với sự ngưỡng mộ tri âm tri kỉ.
Theo thông lệ hàng năm, vào chiều ba mươi Tết, tôi lại cùng bố mẹ ra chợ Bưởi để mua hoa. Phiên chợ Bưởi những ngày giáp Tết thật đông vui nhộn nhịp. Hoa và người như hòa quyện, xen vào nhau trên con đường tấp nập, nét mặt ai nấy đều hồ hởi, thư giãn. Chứng kiến sự say mê và nâng niu hoa của mọi người, lòng tôi lại dấy lên một suy nghĩ: cái đẹp luôn luôn tồn tại, không chỉ trong hoa, mà còn ở người chơi hoa. Đó chính là những đức tính, tâm hồn cao đẹp của con người Việt Nam ta.
3 - Thuyết minh về loài hoa ngày tết
Như một vòng tuần hoàn của cuộc sống, đông qua, xuân đến. Chúa xuân mang đến cho vạn vật những tia nắng ấm áp sau một mùa giá lạnh, thổi vào cuộc sống hương vị ngọt ngào của mùa xuân. Nếu như hoa mai tượng trưng cho một cái Tết sung túc ở phương Nam thì hoa đào là biểu tượng cho một mùa xuân bất diệt ở miền Bắc.
Tuy có nguồn gốc xa xôi ở xứ Ba Tư, thế nhưng ngày nay hoa đào có mặt ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam đặc biệt là ở miền Bắc và mỗi khi Tết đến Xuân về.
Cây đào thuộc họ hoa hồng, thân gỗ nhỏ, cao khoảng từ năm đến mười mét, lá có hình mũi mác. Hoa mọc đơn độc, có màu hồng hoặc màu trắng, năm cánh mềm mại, mịn màng như nhung. Khi cây ra hoa ngắn, hầu như không có cuống, đài có ống hình chuông, thùy hình trứng, có nhiều nhị. Dòng họ của hoa đào rất đa dạng và phong phú.
Nếu xếp theo số cánh thì có thể chia đào thành hai loại là đào đơn và đào kép. Còn xếp theo màu sắc thì có thể chia đào thành đào phai, đào bích, đào bạch, đào thất thốn. Nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là đào bích. Đào bích cánh hoa màu hồng thắm, tán tròn nhiều cành cân đối. Đào phai màu nhạt, hồng tươi, trang nhã mà hấp dẫn như đôi má ửng hồng của người thiếu nữ khi thẹn thùng. Đào bạch ít hoa tương đối khó trồng. Đào thất thốn dáng nhỏ, hoa nhỏ, có màu đỏ thẫm.
Hoa đào chỉ trồng được ở miền Bắc và nở đúng vào mùa xuân. Nhưng muốn hoa nở đúng thời vụ thì đòi hỏi nhiều kinh nghiệm ở người trồng hoa. Và thi sĩ Xuân Sách đã dùng những lời thơ để nêu ra cách làm cho hoa nở đúng ngày Tết:
"Vặt trụi lá, bè trơ cành
Đê cây tức giận nở thành trăm hoa"
Vì vậy, muốn có đào chơi vào ngày Tết thì tháng mười một âm lịch người ta thường ngắt hết lá để nhựa cây tích tụ lên thân làm nụ. Rồi tùy theo thời tiết nóng hay rét nhiều mà người trồng đào phải thúc hay hãm hoa.
Nếu ở miền Nam, xuân về phải có mai vàng, một biểu tượng cho sự giàu sang, phú quý, hạnh phúc và sum vầy thì ở miền Bắc có hoa đào mới có mùa xuân. Người miền Bắc ưa chuộng chơi đào vào ngày Tết có lẽ vì màu hồng mang lại sự may mắn và phúc lộc đầu năm. Các cụ ngày xưa thường bảo, cắm một cành đào trong nhà là cản được gió độc và đuổi được tà khí. Và sân nhà ai có trồng đào thì đó là sân nhà phú quý.
Những nhà có điều kiện thường sắm cả một cây đào ghép ba tầng, những nhà nghèo hơn cũng có mua một vài nhánh đào chưng trong nhà. Đón xuân mà không có hoa đào cũng tẻ nhạt như thiếu bánh chưng xanh, câu đối đó, tràng pháo hồng. Vì vậy, Tết đến, dù bận việc đến mấy thì người dân miền Bắc cũng phải mua cho gia đình mình một vài nhánh đào.
Hoa đào không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn mang nét đẹp văn hóa đồng thời còn là một dược phẩm, mỹ phẩm độc đáo. Từ xưa, hình ảnh của hoa đào đã được đưa vào thơ ca làm xúc động lòng người. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có nhắc đến hình ảnh của hoa đào trong sự luyến tiếc khi cảnh cũ còn mà người xưa không thấy: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Và vẻ đẹp mơn mởn của hoa đào trong ngày Tết còn thể hiện qua câu thơ:
“Một đóa đào hoa khoe tốt tươi,
Tướng xuân mơn mởn thấy xuân cười”.
Mùa xuân năm Kỉ Dậu, vua Quang Trung sau khi đại thắng quân Thanh, đã mang một cành đào từ Thăng Long về Phú Xuân để tặng cho công chúa Ngọc Hân - người vợ yêu quý của người – để báo tin thắng trận. Trong lịch sử y học Á Đông, danh y Tuệ Tĩnh đã ghi lại nhiều phương pháp chăm sóc da mặt cho phụ nữ bằng hoa đào.
Cây đào không dễ trồng như cây mai. Nó là một loại cây ưa đất thịt, phân bón vừa phải, cần nhiều ánh sáng, thoáng và thông gió. Ở miền Bắc Việt Nam, người ta trồng đào để lấy hoa chơi Tết, sau ngày Tết, người ta tiếp tục trồng đào trở lại.
Xuân về mang đến bao nhiêu điều kì diệu. Đúng là muôn hồng, nghìn tía, cái đẹp đi đến từng người, từng nhà và hoa đào là một món quà mà thiên nhiên ưu ái dành tặng cho con người. Xuân đến rồi xuân đi, hoa đào nở rồi lại tàn, thế nhưng hình ảnh của hoa đào vẫn Còn sống mãi với thời gian như lời thơ của Chế Lan Viên:
“Một cành đào ứa nhựa
Nặng bàn tay anh cầm,
Nghe hương thầm lan tỏa
Qua màn sương thời gian”
4 - Thuyết minh về loài hoa ngày tết
Hàng năm mỗi độ tết đến xuân về, tiết trời ấm áp là lúc hoa đào bắt đầu nở rộ. Hoa đào sẽ tô thêm vẻ đẹp cho hương sắc của mùa xuân, khiến cho cái tết của mọi nhà thêm ấm áp. Hầu hết các tỉnh ở Bắc Bộ đều coi hoa đào là đặc trưng trong ngày tết của mình.
Đào xuất hiện ở Việt Nam đó từ rất lâu đời. Khi tiết trời báo hiệu mùa xuân sắp đến, chúng ta có thể ghé thăm làng hoa Nhật tân, Ngọc Hà ở Hà Nội…chúng ta sẽ được hưởng một cảm giác vô cùng mới mẻ của rừng đào bạt ngàn.
Người ta đã đặt cho đào với tên khoa học là Prunus Persica. Có nhiều giống đào nhưng đào bích được coi là giống đào đẹp nhất. Hoa đào bích có nhiều cánh xếp chồng lên nhau màu hồng thẫm, loại này được trồng để chỉ lấy hoa. Giống thứ hai là giống đào phai, hoa có năm cánh, cánh màu phớt hồng, được trồng để lấy quả. Giống đào bạch hiếm thấy, cây nhỏ ít hoa có màu trắng tinh khiết. Đào thất thốn có hoa màu đỏ thẫm, khó trồng, khó chăm sóc, nên ít được người ta trồng.
Mùa xuân đến hoa đào nở rộ, cánh đào mỏng mềm và mịn như nhung, có những năm khi tết đã đến, xuân về nhưng tiết trời lạnh, hoa đào không thể nở được. Đào mọc thành từng bông riêng lẻ chứ không mọc thành chùm. Hoa đào thường nở 4-5 ngày thì tàn. Để cho ra một cây hoa đào đẹp, người trồng đào phải mất rất nhiều thời gian và công sức để trồng đào.
Đào trồng để ăn quả thì không phải chăm sóc nhiều. Từ việc đốn cành tỉa lá uốn cây theo các thế khác nhau đều phải rất tỉ mỉ và khéo léo. Trước tết khoảng 15 ngày, người trồng đào phải tuốt lá để đào sai hoa vào đúng dịp Tết. Ngày tết mà có cảnh đào trong nhà, sẽ tạo nên sự ấm cúng, một năm mới đủ đầy của mỗi nhà.
Bên cạnh bánh chưng xanh, câu đối đỏ, mâm cỗ tất niên là cành đào nhỏ, góp phần tăng thêm hương vị cho ngày tết. Đào không chỉ góp phần tô đậm thêm cho hương sắc của mùa xuân mà còn là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao. Tùy thuộc vào mức độ đẹp và to nhỏ khác nhau mà mỗi cây đào có giá khác nhau, chúng có giá từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng.
Hoa đào cùng với bánh chưng xanh là thứ không thể thiếu trong dịp lễ tết cổ truyền của dân tộc. Khách du lịch đến Việt Nam coi cành đào là món quà mang giá trị tinh thần lớn, những người con xa xứ khi ngắm cành đào lại nhớ về quê hương, như được sống với không khí tết của quê hương mình.
Cây đào không chỉ để làm cảnh, lấy quả mà còn dùng để chế thuốc rất hiệu quả. Hoa đào được chế làm thuốc đắp mặt, đem lại là da mát, mịn màng, hồng hào cho người phụ nữ. Hoa đào còn được chế thành thuốc chữa bệnh bí đại tiện rất hiệu quả.
Xã hội phát triển, con người có nhiều thứ để bày trong ngày tết, nhưng hoa đào vẫn luôn được mọi người yêu thích. Dù có những lễ vật sang trọng đến đâu, người ta vẫn muốn có một cây đào đẹp trong ngôi nhà của mình vào dịp tết.
5 - Thuyết minh về loài hoa ngày tết
Hà Nội vào xuân náo nức lòng người. Ngày Tết không thể thiếu hoa đào – một loài hoa biểu tượng cho mùa xuân và sức sống bất diệt của miền Bắc.
“Một đóa đào hoa khoe tốt tươi
Tường xuân mơn mởn, thấy xuân cười”.
Tiết xuân se lạnh, những hạt mưa xuân giăng nhè nhẹ tô thắm cho hoa, làm cho chồi non lộc biếc nở rộ trong các vườn hoa Nhật Tân, Quảng Bá, Thụy Khuê, Ngọc Hà. Hoa theo các cô hàng hoa tràn vào ba sáu phố phường Thủ đô.
Người ta chuộng chơi đào ngày Tết có lẽ vì hoa đào có màu hồng đỏ mang lại may mắn, phúc lộc đầu năm. Các cụ ngày xưa thường bảo cắm cành đào trong nhà là cản được gió độc, đuổi tà khí ra ngoài. Cây đào chỉ trồng được ở miền Bắc, hoa nở vào mùa xuân nhưng muốn cho hoa nở đúng thời vụ thì lại là một vấn đề phức tạp.
Nó đòi hỏi nhiều kinh nghiệm của người trồng hoa. Muốn có hoa đào chơi Tết, tháng mười một, cây đào đã phải chịu đớn đau, bị bỏ đi hết lá, để nhựa cây tích tụ vào thân làm nụ. Tùy theo thời tiết nóng hay rét nhiều mà người trồng đào phải thúc hay hãm (Thúc là bón cho cây phát triển nhanh hơn. Hãm là khía nhiều vòng quanh thân cho nó phát triển chậm lại).
Thường hoa đào là một trong các thú chơi dân gian của người Hà Nội. Người chơi đào thích đào Sa Pa vì cái vẻ xù xì rêu mốc của cành, loáng thoáng nụ và hoa được ăn trong lá thể hiện một sức sống mãnh liệt chiến thắng mọi thử thách. Từ xưa, hoa đào đã đi vào thơ ca làm xúc động lòng người. Trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhiều lần nói tới hoa đào, như:
“Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”
Mùa xuân năm Kỉ Dậu, vua Quang Trung sau khi đại thắng quân Thanh đã mang cành đào từ Thăng Long vào Phú Xuân tặng công chúa Lê Ngọc Hân – vợ yêu của mình để báo tin chiến thắng.
Trong lịch sử dược học Á Đông, hoa đào được dùng sắc uống lấy làm thuốc chữa bệnh thủy thủng và bí đại tiện. Nhân hạt đào có chứa dầu béo amydalin và men amusing. Danh y Tuệ Tĩnh đã nhiều lần nhắc đến tên các vị thuốc có hoa đào trong cuốn sách nổi tiếng “Tam dược thần hiệu”.
Tết miền Bắc có hoa đào mới là Tết. Cành đào là vẻ đẹp mùa xuân giống như trong Nam có mai vàng. Nhiều nhà có điều kiện có thể chơi một cành đào ghép mận ba tầng, giá trị bằng vài năm tiền lương, không thì một vài cành đào cũng xong nhưng không thể thiếu. Thiếu hoa đào cũng tẻ nhạt như thiếu bánh chưng xanh, câu đối đỏ, tràng pháo hồng.
Hoa đào không chỉ là vật trang trí, làm cảnh bình thường. Nó còn tượng trưng cho sự may mắn, phúc lộc. Người Việt Nam quan niệm có cành đào trong nhà thì sẽ xua đuổi được tà ma, ám khí. Vì thế, trong những ngày Tết, dù bận đến mấy, ai cũng cố mua cho gia đình một cành đào.
Mùa xuân thật kì lạ! Đúng là muôn hồng nghìn tía, cái đẹp đến từng nhà, từng người và hoa đào chính là phần thưởng xứng đáng của thiên nhiên, đất trời, ai cũng có thể hưởng và chắc chắn hoa đào sẽ còn lại mãi với thời gian như lời thơ của Chế Lan Viên:“Một cành đào ứa nhựa
Nặng bàn tay anh nắm
Nghe hương thầm lan tỏa
Qua màn sương thời gian.”
6 - Thuyết minh về loài hoa ngày tết
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già”.
Hoa đào tự bao giờ đã đi vào thơ ca một cách rất tự nhiên. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về có muôn trăm khoe sắc tỏa hương, đem đến bao sức sống mới về sự hồi sinh cho con người. Trong làn sương mỏng giăng mắc trên phố phường, làng xóm của phương Bắc có hình những bông hoa đào nở rộ đẹp đẽ và nổi bật.
Cây hoa đào thuộc họ hoa hồng xuất hiện ở nhiều nước Châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam…Riêng ở Việt Nam rước kia hoa đào