"Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc ..."

1 - "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc ..."

Tục ngữ Việt Nam có nhiều lời khuyên về học tập như: "Đi một ngày học một sàng khôn", "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Truyền thống hiếu học là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta thế nhưng thời Pháp thuộc, đa số nhân dân ta sống trong tăm tối, mù chữ do chính sách ngu dân của thực dân Pháp. Do vậy, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong ngày khai trường năm học đầu tiên của chế độ mới, Bác Hồ đã ân cần nhắn gửi học sinh:

"Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là một phần lớn ở công học tập của các cháu"

Lời dạy của Bác quả có nguyên cớ và ý nghĩa sâu xa.

Thực vậy, trước hết, Bác đã cho ta rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa việc học tập của học sinh và tiền đồ của đất nước. Thế nào là một đất nước vẻ vang? Đó là một đất nước độc lập và giàu mạnh về kinh tế, quân sự, văn hóa. Ta thường nghe dân giàu nước mạnh. Dân giàu có ắt phải ấm no, đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần, tiến bộ về văn hóa, xã hội an ninh, lành mạnh. Đó là một đất nước phát triển, một đất nước vẻ vang.

Tiếp theo, niềm mơ ước của Bác được nhấn mạnh gắn liền với hình ảnh sánh vai với các cường quốc năm châu. Đây là một chuẩn mực cụ thể hơn, gần gũi hơn cho chúng ta suy ngẫm. Đã có rồi các cường quốc trên năm châu, ta chưa sánh vai cùng họ, ta còn thua kém họ. Ta tự hỏi họ hơn ta những gì? Đó là nền kinh tế giàu mạnh, khoa học kĩ thuật và văn hóa tiên tiến, vừa tiếp nhận tinh hoa nhân loại vừa góp mình vào trong sự phát triển của thế giới, về mặt tình cảm, đó là ước mơ, về mặt lí trí, đó là chỉ tiêu phấn đấu, là cái đích cao đẹp mà nhân dân ta cần nỗ lực vươn tới.

Tại sao Bác không nêu rõ vấn đề như ta vừa giải thích trên đây? Tại sao lại nói: chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu?

Xuất phát từ tầm nhìn xa trông rộng, Bác cho rằng sự nghiệp lớn lao như vậy cần huy động sức lực của toàn dân trong một thời gian dài. Điều đó có ý nghĩa Bác nhấn mạnh: thực hiện việc đổi mới đất nước ấy là lớp thanh thiếu niên, học sinh, những thế hệ làm chủ đất nước tương lai.

Hơn thế nữa, Bác còn nhìn thấy sự chênh lệch giữa đất nước ta và đất nước phát triển khác. Đất nước ta vừa trải qua hàng nghìn năm phong kiến, hàng trăm năm nô lệ thực dân, chiến tranh liên miên, đất nước mới độc lập nên còn nghèo nàn lạc hậu. Trong khi đó, các nước phát triển trên thế giới đã tiến bộ vượt bậc về khoa học kĩ thuật. So với các nước tiên tiến, ta thua kém xa. Muốn theo kịp họ, sánh vai cùng họ, ta phải nỗ lực học tập, học theo cách làm của họ, kinh nghiệm của họ, kho kiên thức khoa học mới mẻ của họ và những cuộc cách mạng từng giờ trên thế giới văn minh.

Muốn quốc phòng vững mạnh và kinh tế phát triển, ta phải nói đến khoa học, kĩ thuật. Thật vậy, đồng ruộng và tài nguyên chưa phải là tất cả. Muốn có năng suất cao, muốn khai thác tài nguyên, phải có kĩ thuật tiến bộ. Có kĩ thuật mới mong có năng suất cao và sản phẩm đẹp. Muốn nắm vững khoa học kĩ thuật không gì khác hơn học tập để có kiến thức vững vàng, có trình độ cao. Không học tập, làm sao có trình độ văn hóa cao?

Tóm lại, Bác đã khẳng định nhiệm vụ học tập cho các thanh thiếu niên, học sinh là rất quan trọng đối với tương lai của đất nước ta. Bác không chỉ quan tâm đến hiện tại mà còn có đôi mắt nhìn xa trông rộng tới tương lai.

Hiểu được lời dạy của Bác, ta thấy hết trách nhiệm của người học sinh trong việc học tập. Vì vậy ta cần xác định đúng đắn mục đích và động cơ học tập. Học để nắm vững kiến thức khoa học kĩ thuật, làm cho dân giàu nước mạnh. Ta phải kiên trì, vượt qua mọi khó khăn trong học tập. Ta phải có phương pháp học tập tốt. Cuối cùng, yêu nước, muốn đất nước sánh vai cùng với cường quốc năm châu, em tự nhù phải vượt khó trong học tập hôm nay.