Dàn ý thuyết minh về Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh
1. Mở bài: Giới thiệu chung về lăng Bác.
2. Thân bài: Sử dụng kết hợp yếu tố miêu tả, biện pháp so sánh...
Bài viết cần nêu được các ý cơ bản sau:
* Ý định xây dựng lăng Bác của Đảng và Nhà nước là để Bác mãi còn với nhân dân Việt Nam.
* Quá trình khởi công và xây dựng.
-
Khởi công ngày 2/9/1973.
-
Địa điểm: Ngay quảng trường Ba Đình nơi Người đọc Tuyên ngôn độc lập.
-
Các kiến trúc sư hàng đầu của Liên Xô (cũ) và bạn bè quốc tế đã giúp đỡ nhiệt tình.
-
Nhân dân trong cả nước đều hết lòng đóng góp xây dựng lăng.
-
Ngày khánh thành: 21 - 8 -1976.
* Cấu tạo và kiến trúc lăng.
-
Gồm 3 lớp, chiều cao 21,6 mét. Lớp dưới được tạo dáng bậc thềm tam cấp. Tiếp theo là hàng cột vuông bằng đá hoa cương. Lớp giữa có phòng đặt thi hài Bác và cầu thang lên xuống.
-
Mặt chính có dòng chữ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đá hồng ngọc màu mận chín.
-
Đường vào lăng có 3 lối: Đường Hùng Vương, đường Ngọc Hà, đường Đội Cấn.
-
Cây và hoa quanh lăng Bác được đem về từ khắp các vùng miền trên cả nước.
-
Lăng Bác trong tình cảm của người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế: Người dân Việt Nam có dịp về Hà Nội đều cố gắng đến viếng lăng Bác; đã có nhiều bài thơ hay, bài hát hay viết về lăng Bác; bạn bè quốc tế đến Việt Nam vào viếng lăng Bác với lòng ngưỡng mộ.
-
3. Kết bài: Khẳng định tình cảm và ý thức giữ gìn lăng Bác.
Thuyết minh về Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh 1
"Bác ơi tim Bác mênh mông quá
Ôm cả non sông trọn kiếp người..."
(Tố Hữu)
Bác Hồ, vị chủ tịch vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Cả cuộc đời của Người là một tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Bác đã ra đi nhưng tâm hồn, suy nghĩ, nhân cách, lối sống của Người vẫn còn mãi. Để tưởng nhớ Bác, ghi nhớ công ơn của Người, nhà nước, nhân dân Việt Nam đã xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như một sự ghi dấu đối với con người vĩ đại ấy.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm tại quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Lăng Bác được xây dựng vào đúng ngày 2 tháng 9 năm 1973, cũng đúng ngày quốc khánh của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây cũng là địa điểm để lại nhiều dấu ấn gắn liền với những sự kiện lịch sử. Tại đây đã diễn ra rất nhiều những sự kiện quan trọng gắn liền với công việc của Bác và cũng là nơi Bác đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Cộng hòa. Lăng Bác được xây dựng trong vòng hơn 2 năm, được khánh thành vào ngày 29 tháng 8 năm 1975.
Theo thống kê, lăng Bác có chiều cao khoảng hơn 20m, được cấu tạo bởi ba lớp. Lớp dưới cùng là thềm tam cấp, lớp giữa chính là phần trung tâm của lăng, là nơi Bác yên giấc, nơi lưu giữ thi hài của Người. Lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Xung quanh được chạm trổ tinh tế, điêu khắc sắc nét và được trang trí bằng đá hoa cương. Trên đỉnh của lăng được khắc chữ nổi với dòng chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh". Nơi tiếp khách được trang trí bằng những loại đá quý, được khắc dòng chữ đỏ đậm "Không có gì quý hơn Độc lập Tự do" và có kèm theo chữ kí được dát vàng của Bác. Hai bên cửa chính được trồng những cây hoa đại nở hoa vàng rực tô điểm cho lăng Bác. Điểm đặc biệt là xung quanh lăng Bác được trồng rất nhiều những loại cây. Đặc biệt nhất là 79 cây vạn tuế tượng trưng cho ý nghĩa chính là tuổi đời 79 năm của Bác. Hai bên phái nam và bắc là những rặng tre, một loài cây biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và tinh thần, ý chí, cốt cách của con người Việt Nam. Chúng ta vẫn còn nhớ đến những câu thơ trong bài thơ "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương viết về hình ảnh hàng tre quanh lăng Bác vô cùng ý nghĩa, xúc động:
"Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa vẫn thẳng hàng..."
Hàng tre uy nghi biểu tượng cho sự trường tồn như những người lính đứng canh giấc ngủ cho Người. Xung quanh lăng cũng được trồng rất nhiều những loài hoa mà Bác yêu thích, đầy màu sắc được gửi từ khắp mọi miền Tổ quốc để góp phần tạo nên sự ấm áp, như mang lại niềm vui đến cho Người. Những loài hoa, loài cây từ mọi miền Tổ quốc tụ họp về như biểu tượng cho những người dân, con cháu khắp mọi miền tụ họp về để cùng bên cạnh Người, mang niềm vui đến cho Người.
Lăng Bác mở cửa 5 ngày trong 1 tuần, cụ thể vào các buổi sáng thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ bảy và chủ nhật. Đặc biệt, trong các ngày lễ, lượng người tham quan vào lăng rất đông. Chính vì vậy, lăng Bác đều tuân thủ những quy định, nội quy chặt chẽ khi vào trong Lăng như người dân phải xếp hàng, đi theo thứ tự, gửi đồ đạc và đặc biệt không được sử dụng những phương tiện quay phim, chụp ảnh khi vào lăng trong lúc thăm di hài của Người. Chính những nội quy này đã tạo nên sự tôn nghiêm nơi đây. Tất cả mọi du khách cũng đều vui vẻ thực hiện quy tắc, quy định này vì ai cũng muốn vào Lăng để thăm vị chủ tịch lỗi lạc của Việt Nam.
Lăng Bác là nơi lưu giữ những kỉ niệm đẹp về Người. Mỗi người khi vào Lăng đều rưng rưng những cảm xúc khó tả, bồi hồi, thương xót, nhớ thương. Đó cũng là tâm trạng của nhà thơ Viễn Phương khi vào thăm lăng Bác để đến khi ra về, nhà thơ bùi ngùi không nỡ rời xa:
" ...Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này".
Thuyết minh về Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh 2
Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỉ nhưng nỗi xót thương và niềm yêu kính của mỗi người dân Việt Nam dành cho Bác Hồ – vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam – chưa bao giờ nguôi cạn. Nhớ đến người, những dòng người hướng về lăng Bác tưởng như không bao giờ dừng lại.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và quần thể lăng gồm quảng trường Ba Đình, khu nhà sàn, vườn cây,... sau hai năm xây dựng, ngày 19/8/1975 đã được khánh thành.
Mặt chính của lăng nhìn ra hướng đông là Quảng trường Ba Đình. Lăng gồm ba lớp với chiều cao 21,6 mét. Lớp dưới kết cấu bậc nhiều cấp, có lễ đài dành cho đoàn chủ tịch khi mít tinh. Phần giữa là kết cấu trung tâm của lăng, gồm phòng thi hài, hành lang, cầu thang lên xuống. Phần trên là mái lăng được tạo dáng cách điệu bông sen nở. Mặt chính lăng có dòng chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng đá hồng ngọc màu mận chín.
Lăng là nơi lưu giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Cha già dân tộc, người đã được UNESCO tặng danh hiệu Danh nhân Văn hóa thế giới và Anh hùng giải phóng dân tộc nhân kỷ niệm 100 ngày sinh (1890 – 1990).
Công trình lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết quả lao động sáng tạo của nhiều nhà khoa học và công nhân hai nước Việt Nam – Liên Xô tỏ lòng tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh và là sản phẩm của tình hữu nghị Việt – Xô.
Lăng Bác quay về hướng Đông để đón ánh mặt trời, trước cửa lăng là quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi đây, ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã chứng kiến những giờ phút thiêng liêng nhất của dân tộc khi Hồ Chí Minh đứng trước quốc dân đồng bào đọc "Tuyên ngôn Độc lập" công bố với thế giới nền độc lập lâu bền của dân tộc Việt Nam ta. Quảng trường Ba Đình dài 320m, rộng 100m, chia thành 240 ô cỏ xanh tươi là hình tượng những chiếc chiếu trải trên sân đình ở các làng quê Việt Nam xưa, là nơi nhân dân đến dự các buổi lễ trọng thể. Phía tây của Quảng trường là khu lưu niệm Hồ Chủ tịch. Tại đây còn có Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngôi nhà sàn là nơi ở của Người, hồ cá, vườn cày, rặng dừa, những hàng rào dâm bụt. Tất cả đã đi vào thơ ca Việt Nam:
"Anh dẫn em vào cõi Bác xưa
Vườn xoài hoa trắng nắng đu đưa
Có hồ nước lặng sôi tôm cá
Có bưởi cam thơm mát bóng dừa".
(Tố Hữu)
Trong khu vườn rộng sau Phủ Chủ tịch, có một con đường hẹp trải sỏi, hai bên trồng xoài dẫn tới một ngôi nhà sàn nhỏ nhắn bình dị, nằm giữa những vòm cây. Hàng rào dâm bụt bao quanh nhà, cổng vào kết bằng cành cây đan xen nhau. Đó là ngôi nhà Bác Hồ ở và làm việc từ ngày 17-5-1958 cho tới khi Người qua đời. Tầng dưới nhà sàn là nơi Bác thường họp với Bộ Chính trị. Tầng trên là hai phòng nhỏ, nơi Bác làm việc và phòng ngủ với những vật dụng đơn sơ giản dị. Trước nhà là ao cá Bác nuôi, bên bờ ao là các loài hoa phong lan nở quanh năm.
Sau nhà là vườn quả với hàng trăm loài cây quý do các địa phương đưa về trồng, như cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi biếu Bác nàm 1954, bưởi Phúc Trạch, Biên Hòa, Mê Linh; cam Hải Hưng, Xuân Mai, Vần Du, Xã Đoài; quýt Hương Cần, Lý Nhân; táo Thiện Phiến, Ngọc Hồ, song mai Đông Mỹ; hồng Tiên Điền (quê hương nhà thơ Nguyễn Du). Trong vườn còn có cả những loại cây từ nước ngoài như ngàn hoa, cây bụt mọc quanh ao, cây cau vua gốc từ Caribê...
Nhân dân từ mọi miền đất nước cũng như du khách quốc tế đến thủ đô Hà Nội, ai cũng muốn đến viếng lăng, thăm nhà ở của Bác và đi dạo quanh Quảng trường Ba Đình lịch sử. Nhắc đến lăng Bác, lòng người lại rưng rưng trong niềm thương nhớ:
"Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dăng bảy mươi chín mùa xuân"
(Viếng lăng Bác" — Viễn Phương)
Thuyết minh về Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh 3
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay Lăng Hồ Chủ tịch, Lăng Bác, là nơi đặt thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính thức khởi công ngày 2 tháng 9 năm 1973, tại vị trí của lễ đài cũ giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Người đã từng chủ trì các cuộc mít tinh lớn.
Lăng được khánh thành vào ngày 29 tháng 8 năm 1975. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21.6 mét, lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, những cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp. Ở mặt chính có dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh'' bằng đá hồng màu mận chín. Lăng được xây theo kiểu kiến trúc hiện thực - xã hội chủ nghĩa, lấy nguyên bản của Lăng Lênin.
Lăng được xây dựng trên nền cũ của toà lễ đài giữa Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì các cuộc mít tinh lớn và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nhà nước đã chính thức khởi công xây lăng vào 2 tháng 9 năm 1973. Cát được lấy từ suối Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình do người dân tộc Mường đem về: Đá cuội được chuyển từ các con suối vùng Sơn Dương, Chiên Hoá, Ngòi Thia, Tuyên Quang...; đá chọn xây lăng từ khắp các nơi: Đá Nhồi ở Thanh Hoá, đá Hoa (Chùa Thầy), đá nhỏ núi Non Nước...; nhân dân dọc dãy Trường Sơn còn gửi ra 16 loại gỗ quí. Các loài cây từ khắp các miền được mang về đây như: Cây chò nâu ở Đền Hùng, hoa ban ở Điện Biên - Lai Châu, tre từ Cao Bằng... Thanh thiếu niên còn tổ chức buổi tham gia lao động trong việc mài đá, nhổ cỏ, trồng cây. Hệ thống điện phục vụ chiếu sáng, thiết kế xây lăng và bảo quản thi hài Hồ Chí Minh do các chuyên gia Liên Xô đảm nhiệm.
Trên đỉnh lăng là hàng chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh" ghép bằng đá ngọc màu đỏ thầm. Cửa lăng làm từ các cây gỗ quý từ Tây Nguyên. Tiền sảnh có dòng chữ "Không có gì quý hơn Độc lập Tự do" và chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh được dát bằng vàng. Hai bên cửa là hai cây hoa đại. Phía trước và phía sau lăng trồng 79 cây hoa vạn tuế tượng trưng cho 79 năm trong cuộc đời của Hồ Chù tịch. Hai bên phía nam và bắc của lăng là hai rặng tre, loại cây biểu tượng cho nước Việt Nam. Trước cửa lăng luôn có hai chiến sĩ canh vệ đứng gác.
Chính giữa lăng là thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trong hòm kính khung bảng gỗ quý điêu khắc hoa văn các đám mây, đặt trên một bục đá. Qua lớp kính trong suốt, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ quần áo ka ki, dưới chân có đặt một đôi dép cao su.
Lăng có hình vuông, mỗi cạnh 30m, cửa quay sang phía Đông, hai phía Nam và Bắc có hai lễ đài dài 65m dành cho khách trong những dịp lễ lớn. Trước lăng là Quảng trường Ba Đình với một đường dành cho lễ diễu binh, duyệt binh, và một thảm cỏ dài 380m chia thành 240 ô vuông cỏ xanh tươi suốt bốn mùa. Trước mặt lăng là cột cờ, lá Quốc kỳ được kéo lên vào lúc 6 giờ sáng và hạ xuống lúc 9 giờ tối hàng ngày. Thẳng tiếp qua sân cỏ là đường Bắc Sơn, có trồng hoa hồng đỏ và hoa đào. Tận cùng đường Bắc Sơn là tượng đài Liệt Sỹ.
Bên phía tây của quảng trường là khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây có Viện bảo tàng Hồ Chí Minh, ngôi nhà sàn nơi Người từng sống và làm việc. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thường có nhiều đoàn khách ở các tỉnh thành phố và nước ngoài đến thăm viếng.
Mỗi tuần có hơn 15.000 người đến viếng thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rất nhiều cá nhân và đoàn thể đến viếng lăng vào các ngày lễ, các ngày kỷ niệm quan trọng cửa đất nước. Chúng ta có thể cảm nhận được không khí trang nghiêm ở đây và cả sự tồn kính của nhân dân đối với Người khi vào lăng viếng Bác.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa 5 ngày một tuần, vào các buổi sáng thứ ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật. Mùa nóng từ (1 - 4 đến 31 - 10): Từ 7h30 đến 10h30; mùa lạnh (từ 1 - 11 đến 31 - 3 năm sau): Từ 8h00 đến 11h00; ngày lễ, thứ Bảy, Chủ nhật mở cửa thêm 30 phút. Hàng năm Lăng đóng cửa để làm nhiệm vụ tu bổ định kỳ vào 2 tháng: Tháng 10 và tháng 11.
Khách viếng thăm phải tuân theo những yêu cầu như ăn mặc chỉnh tề, không đem máy ảnh, tẳt máy điện thoại di động, các chất gây cháy nổ... để đảm bảo công tác an ninh và giữ trật tự trong lăng.
Vào thăm Bác trong lăng, trong lòng luôn chan chứa biết bao cảm xúc. Là con cháu Việt Nam, chúng ta hãy học tập thật tốt để mai sau gìn giữ và phát triển đất nước, xứng đáng là "Cháu ngoan Bác Hồ".