Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh hay nhất 1
Hồ Chí Minh là một nhà chính trị quân sự tài ba, một nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc Việt Nam ở thế kỉ XX. Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" được Bác sáng tác vào tháng 2 năm 1941, tại Pác Bó (Cao Bằng). Qua bài thơ, chúng ta thấy được tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Người trong cuộc sống cách mạng đầy gian khổ. Có thể nói, tác phẩm là một bức chân dung tự họa của người chiến sĩ cộng sản.
Bài thơ được viết trong hoàn cảnh sau ba mươi năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, đến đầu năm 1941, Bác trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người đã sống và làm việc tại hang Pác Bó (Cao Bằng) trong một điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, thiếu thốn, gian khổ. Thế nhưng, khi phải đối diện với hoàn cảnh đó, Bác Hồ vẫn vui vẻ, lạc quan, tràn đầy tinh thần làm việc cách mạng hăng say bởi Bác đang được sống và làm việc ngay trên mảnh đất quê hương, đang trực tiếp dẫn dắt cả dân tộc ta tiến lên giành lấy ngọn cờ độc lập, hòa bình của đất nước.
Trước hết hai câu thơ mở đầu là lời giới thiệu về cuộc sống của Bác ở Pác Bó – một cuộc sống khó khăn, thiếu thốn:
Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Chỉ hai câu thơ rất ngắn gọn, gồm có mười bốn chữ cái nhưng nhà thơ đã gợi mở ra một không gian – thời gian sống, làm việc rất cụ thể, rõ ràng: nơi ở trong hang núi, nơi làm việc thì bên bờ suối và thức ăn là cháo bẹ, rau măng. Cách ngắt nhịp 4/3 thường thấy của thể thơ tứ tuyệt, kết hợp với lời thơ cân đối ( sáng – tối, ra – vào, ra suối – vào hang) đã cho thấy một nếp sống sinh hoạt và làm việc rất đều đặn, trở thành một thói quen trong một hoàn cảnh đặc biệt của Bác: "Cháo bẹ" (cháo ngô), rau măng (măng nứa, măng tre, măng rừng) thật đạm bạc, đều là những thức ăn đơn sơ có sẵn của thiên nhiên núi rừng. Nhưng Bác không hề cảm thấy khắc khổ mà ngược lại thấy rất thoải mái, ung dung: "vẫn sẵn sàng". Từ "vẫn" đã cho thấy sự tương phản hoàn toàn giữa một bên là sự thiếu thốn về vật chất với một bên là tinh thần thanh thản, lạc quan trước hoàn cảnh đó. Ta đọc ở đây một nụ cười kín đáo hồn nhiên rất giản dị, chân thành, khiến người đọc có cảm giác như Bác đang bằng lòng, thích thú và vui sướng với cuộc sống như vậy. Đó là một cuộc sống chan hòa với thiên nhiên, với chốn lâm tuyền của núi rừng bí ẩn. Chẳng thế mà chúng ta luôn thấy, thiên nhiên từ lâu đã trở người bạn "tri kỉ" trong thơ của Người:
Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày...
Hay:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa...
Cảm xúc, tâm trạng đó của Bác đã làm toát lên ở Người vẻ đẹp thanh cao trong sáng của một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, coi thường vật chất bên ngoài, rất gần với cách thể sống của những bậc hiền nhân xưa:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
(Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Tuy nhiên, nếu người xưa tìm đến thiên nhiên, đến núi non lâm tuyền là để lánh đục tìm trong, thể hiện tâm thế "an bần lạc đạo", là cách để họ di dưỡng tinh thần mà trốn tránh sự đời thì ở Bác dù có hòa mình với vũ trụ, với thiên nhiên hoa lá cỏ cây, trăng gió vẫn hiện lên tư thế của một người chiến sĩ cộng sản yêu nước, thương dân đang trực tiếp tham gia cách mạng cùng với nhân dân:
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
"Bàn đá chông chênh" vừa là chiếc bàn của thiên nhiên rừng núi, lại vừa là chiếc bàn của lòng người. Bác đã biến phiến đá thông thường của tự nhiên làm thành chiếc bàn kê thật giản dị, đơn sơ cạnh một công việc lớn lao cao cả: "dịch sử Đảng". Với việc sử dụng ba thanh trắc liền kề liên tiếp ở ba tiếng cuối câu thơ thứ ba tạo nên âm hưởng chắc khỏe cho lời thơ, đồng thời thể hiện một tư thế, một tâm hồn, một bản lĩnh cứng cỏi, vững vàng, chắc chắn. Vì thế, chiếc bàn đá chông chênh kia thực chất là hình ảnh ẩn dụ để chỉ "tấm lòng vững như bàn thạch của người cách mạng đã nhìn đá ra bàn..." (Chế Lan Viên). Câu thơ đã dựng lên hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong một tư thế uy nghi, sừng sững, thật lớn lao trong một không gian rừng núi yên tĩnh. Và Bác hiện lên như một ông tiên giáng trần đang đọc sách và thưởng ngoạn cảnh núi non lâm tuyền ở Pác Bó.
Khép lại bài thơ, lời thơ thẳng thắn, nhẹ nhàng, chất chứa một nụ cười lạc quan:
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Chỉ cần nhắc tới hai tiếng "cách mạng" thôi là chúng ta đã cảm thấy sự hiểm nguy, vất vả và gian khó như thế nào. Vậy mà Bác lại cảm thấy việc làm đó "thật là sang". Phải chăng cái "sang" mà Bác nói tới ở đây là vì giờ đây Bác đang được sống với thiên nhiên núi rừng Pác Bó, nơi quê hương Việt Nam yêu dấu mà suốt cả cuộc đời Người muốn đấu tranh để bảo vệ nó, và cao hơn, cái "sang" của công việc làm cách mạng đó là ý nghĩa, mục đích tôn chỉ cao đẹp mà Bác làm là: cứu dân, cứu nước, đem lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân. Bởi cả cuộc đời Bác đều dành trọn cho cách mạng vì nước, vì non. Ta đọc trong câu thơ là một tấm lòng rộng mở, một nhân cách vĩ đại, lớn lao ở Người:
Bác ơi! tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người.
Bài thơ được viết theo thể thơ tứ tuyệt, có sự kết hợp giữa chất cổ điển và tinh thần hiện đại, giọng điệu dí dỏm, vui tươi, ngôn từ dễ hiểu, giản dị, hình ảnh đời thường mộc mạc... tất cả đã làm nên thành công của tác phẩm. Khép lại trang thơ, người đọc thấy được một tinh thần lạc quan, một phong thái ung dung thanh thản, một bản lĩnh thép cứng cỏi, phi thường vượt lên trên gian khó và luôn mang trong mình trái tim nhân hậu, bao dung: yêu thiên nhiên, yêu đất nước sâu sắc ở Hồ Chí Minh.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh chi tiết nhất 2
Bác Hồ về nước tháng 2/1941, sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước. Khi đó, tình hình thế giới và trong nước có những biến động vô cùng to lớn (đại thế chiến thứ hai, Pháp lại khủng bố cách mạng dã man, Nhật vào Đông Dương; ở châu Âu, Pháp đầu hàng phát xít Đức..), Bác đã triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, vạch đường lối cách mạng trong tình hình mới, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh) đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân đánh Pháp đuổi Nhật, tranh thủ thời cơ giành độc lập cho Tổ quốc.
Bác sống ở hang Pác Bó (đúng tên là Cấn Bó, nghĩa là đầu nguồn), trong điều kiện sinh hoạt hết sức gian khổ.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể lại: “Nơi ở đầu tiên của Bác tại Pác Bó tuy ẩm lạnh nhưng vẫn là nơi ở tốt nhất. Địa điểm thứ hai là một hốc núi nhỏ ở rất cao và rất sâu trong rừng, bên ngoài chỉ rất ít cành lau. Những khi trời mưa to, rắn rết chui cả vào chỗ nằm. Có buổi sáng, Bác thức dậy thấy một con rắn rất lớn nằm khoanh tròn ngay cạnh Người (...) Sức khoẻ của Bác có phần giảm sút. Bác sốt rét luôn. Thuốc men gần như không có gì ngoài ít lá rừng lấy về sắc uống theo cách chữa bệnh của đồng bào địa phương. Thức ăn cũng rất thiếu (...)
Có thời gian, cơ quan chuyển vào vùng núi đá trên khu đồng bào Mán trắng, gạo cũng không có, Bác cũng như các anh em khác phải ăn toàn cháo bẹ hàng tháng ròng. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cũng thấy Bác thích nghi một cách rất tự nhiên. Chẳng hiểu Bác được rèn luyện từ bao giờ, như thế nào mà mọi biến cố đều không mảy may lay chuyển được...”
Mặc dù sống trong điều kiện gian khổ, hiểm nghèo như vậy nhưng Bác Hồ rất vui. Bác rất vui vì sau bao năm xa nước nay được sống và trực tiếp lãnh đạo phong trào trong nước. Đặc biệt, vì với nhân quan chính trị sắc bén. Người biết rằng thời cơ giành độc lập hoàn toàn đang tới, dù cục diện trước mắt còn tất đen tối. “Đối với Nguyễn Ái Quốc và các bạn chiến đấu của Người những ngày tháng ở Pác Bó tựa như những ngày vui bất tận, rực rỡ sắc màu của cảnh chờ đợi những chuyển biến vĩ đại (...) chưa bao giờ Nguyễn Ái Quốc làm việc nhiệt tình như vậy, Người như trẻ ra đến hai, ba chục tuổi.
Bài thơ với bốn câu, có giọng đùa vui hóm hỉnh, đã toát lên một cảm giác vui thích, thoải mái. Phân tích bài thơ chính là phân tích tìm hiểu niềm vui thoải mái đó, vì đằng sau niềm vui đó là vẻ đẹp của một tâm hồn bình dị mà thanh cao, hồn nhiên mà đầy bản lĩnh của Bác Hồ.
Câu mở đầu bài thơ có giọng điệu phơi phới, thoải mái, đọc lên, ta có cảm tưởng Bác Hồ sống thật ung dung hoà hợp nhịp nhàng với điệu sông núi rừng:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang.
Câu thơ ngắt nhịp ở giữa, tạo thành hai vế sóng đôi toát lên cảm giác nhịp nhàng, nề nếp: sáng ra, tối vào... Câu thứ hai là một nét cười đùa, cho biết thức ăn của con người sống ở suối, hang ấy thật đầy đủ, đầy đủ tới dư thừa:
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Câu thơ này, có thể hiểu là: dù chỉ có cháo bẹ, rau măng nhưng tinh thần cách mạng vẫn sẵn sàng. Cách hiểu ấy không sai về mặt ngữ pháp, nhưng e không thích hợp lắm với giọng đùa vui thoải mái của cả bài thơ. Có lẽ nên hiểu là: thức ăn (cháo bẹ, rau măng) thì lúc nào cũng có sẵn đó.
Câu thứ nhất nói về ở, câu thứ hai nói về ăn, câu thứ ba nói về làm việc, cả ba câu đều là thuật tả sinh hoạt vật chất, chỉ đến câu kết mới phát biểu cảm xúc, ý nghĩ.
Hiểu như vậy, sẽ phù hợp với mạch thơ, với kết cấu chặt chẽ của bài thơ hơn. Ở đây ta chú ý cách gieo vần bằng (âm ang), gợi cảm giác mở ra và vang xa, đồng thời tạo nên cái thế vững vàng và cảm giác khoáng đạt của bài thơ. Câu thứ ba vần trắc làm nổi bật lên hình tượng ở trung tâm bài thơ, được đặc tả bằng những nét bút đậm, khỏe, sinh động:
Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng.
Hai chữ “chông chênh” là từ láy duy nhất của bài thơ, rất tạo hình; ba chữ “dịch sử Đảng” toàn vần trắc, thật khoẻ, gân guốc như cân lại ba câu
Vần bằng vang xa. Đó là hình tượng nhân vật trữ tình được đặt ở trung tâm bài thơ; như vậy con người là chủ thể của thiên nhiên chứ không bị lấn át, hoà lan trong thiên nhiên. Và thật là thú vị, vị “khách lâm tuyền” sống hoà hợp nhịp nhàng với suối, với hang kia, chính là người chiến sĩ cách mạng vĩ đại, đang tựa vào thiên nhiên để hoạt động cải tạo xã hội. Đằng sau cái dáng tạo hình cụ thể của Bác đang ngồi dịch sử Đảng toát lên tư thế lồng lộng của vị lãnh tụ dân tộc, nhà cách mạng vĩ đại - một hình tượng thật đẹp. Bác Hồ đang sáng tạo ra lịch sử nơi “đầu nguồn” - trên cái bối cảnh thiên nhiên, có suối, có rừng... Cảnh tượng ấy, cuộc sống ấy quả thật là đẹp “thật là sang”! Bài thơ kết thúc bằng chữ “sang”, có thể gọi là chữ nhãn tự (chữ mất) đã kết tinh, bật sáng tinh thần toàn bài.
Thơ Bác Hồ vừa rất mực giản dị, song lại rất hàm súc, gợi lên bao ý nghĩa sâu xa; vừa đậm đà màu sắc cổ điển, vừa thể hiện đầy đủ tinh thần thời đại. Bài Tức cảnh Pác Bó là điển hình của hồn thơ, phong cách thơ đó.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh hay nhất 3
Tức cảnh Pác Bó là một trong những bài thơ tứ tuyệt tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh. Bài thơ thể hiện niềm vui, niềm tin mãnh liệt và nghị lực phi thường của Bác trong hoàn cảnh sống và làm việc giữa núi rừng Việt Bắc, sau mấy chục năm trời xa cách đất nước và dân tộc.
Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Thơ tứ tuyệt thường ngắn gọn, hàm súc nên muốn hiểu ý thơ, trước hết chúng ta phải nắm được hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
Tháng 6 – 1940, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn. Thực dân Pháp đầu hàng phát xít Đức. Lúc này, Bác đang hoạt động bí mật ở Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc). Tháng 2 năm 1941, Bác về nước và chọn Pác Bó làm căn cứ để từ đây trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Hoàn cảnh sống của Bác lúc này vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Trời rét, sức khỏe yếu nhưng Bác phải ở trong cái hang nhỏ ẩm ướt, tối tăm. Ăn uống hết sức kham khổ, thức ăn hằng ngày phần lớn là cháo bột ngô và măng rừng. Bàn làm việc của Bác là một phiến đá ven suối.
Nhưng thiếu thốn, gian khổ không làm Bác bận lòng. Bác dành trọn tâm huyết để lãnh đạo phong trào cách mạng nên quên hết mọi gian nan; một mực phấn chấn, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Ba câu đầu của bài thơ tả cảnh sống và làm việc của Bác. Câu thứ nhất nói về nơi ở, câu thứ hai nói về cái ăn, câu thứ ba nói về phương tiện làm việc. Câu thứ tư đậm chất trữ tình, nêu cảm tưởng của Bác về cuộc sống của mình lúc bấy giờ. Trong hiện thực gian khổ, khó khăn, tâm hồn Bác vẫn ngời sáng một tinh thần cách mạng.
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cái hang Bác ở có tên là hang Cốc Bó, chỉ khoảng hơn một mét vuông dưới đáy là tương đối bằng phẳng, đủ kê một tấm ván thay cho giường. Vách hang chỗ lồi cao, chỗ lõm sâu, không khí lạnh lẽo, ẩm thấp. Trước cửa hang là dòng suối nhỏ chảy sát chân ngọn núi. Bác đặt tên là suối Lênin và núi Mác. Bàn làm việc của Bác là phiến đá kê trên hai hòn đá và một hòn đá thấp hơn làm ghế cũng ở gần bờ suối.
Không gian sinh hoạt của Bác chia làm hai phần: một là hang, hai là suối. Hành động cũng chia hai: ra suối, vào hang. Thời gian biểu hằng ngày đều đặn: sáng ra, tối vào. Sáng ra bờ suối là để làm việc, tối vào hang là để nghỉ ngơi. Sự thật gần như chỉ có thế. Thực ra chất thơ giấu trong âm điệu, vẫn là nhịp 4/3 hay 2/2/1 /2 của câu thơ Đường luật bảy chữ, nhưng lồng vào trong đó là cái đều đặn, khoan thai như nhịp tuần hoàn của trời đất. Sáng rồi tối, tối rồi sáng; ra rồi vào, vào rồi ra… đơn giản, quen thuộc mà bền vững, ung dung.
Cái gian khổ của hoàn cảnh sống, sự hiểm nguy do kẻ thù luôn rình rập… tất cả đều như lặn chìm, tan biến trước phong thái an nhiên, tự tại của Bác Hồ:
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Bữa cơm đơn sơ, đạm bạc, quanh quẩn chỉ có cháo ngô và măng đắng, măng nứa, rau rừng… hết ngày này sang ngày khác, vẫn sẵn sàng nghĩa là các thứ đó luôn luôn có sẵn xung quanh. Mặt khác, cháo bẹ, rau măng còn gợi nhớ tới cảnh sống an bần lạc đạo của người xưa:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
hoặc:
Trúc biếc, nước trong ta sẵn đó
(Nguyễn Trãi)
Sự thiếu thốn đã được thi vị hóa thành phong lưu. Xưa là ước lệ, tượng trưng, nay hoàn toàn là sự thật. Chỉ phớt qua một chút xưa là câu thơ đậm đà thêm ý vị.
Nhưng ý vị nhất vẫn là giọng điệu thơ. Cháo bẹ, rau măng cũng như Sáng ra, tối vào là nhịp điệu an nhiên, chan hòa bên trong. Ba chữ vẫn sẵn sàng nâng câu thơ lên thành một lời bình phẩm với giọng điệu lạc quan, gần như tự hào, nghĩa là an nhiên, tự tại ở mức cao hơn.
Hai câu thơ đầu tả thực, câu thơ thứ ba vừa tả thực vừa trữ tình, ở trên chưa có bóng dáng con người thì đến đây, con người đã hiện ra sống động và có hành động rõ ràng:
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Nếu trong cụm từ vẫn sẵn sàng mới thấp thoáng một chút vui thì đằng sau tính từ chông chênh đã là một nụ cười hóm hỉnh, thâm thúy. Chông chênh vốn nghĩa là không vững, không có chỗ dựa chắc chắn. Chiếc bàn đá của Bác quả là chông chênh thật vì nó chỉ là một phiến đá. Đó là thứ bàn làm việc bất đắc đĩ. Nhưng hàm ý của từ chông chênh không nhằm nói tới đặc điểm của cái bàn đá cụ thể mà là ẩn dụ về tình thế muôn vàn khó khăn của cách mạng nước ta và cách mạng thế giới lúc bấy giờ. Năm ấy, phe phát xít đang thắng ở khắp các mặt trận. Vậy mà trong cái thế chông chênh đó, Bác Hồ vẫn bình tĩnh dịch sử Đảng (lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô, viết bằng tiếng Nga) cho cán bộ ta nghiên cứu và học tập những kinh nghiệm phong phú, quý báu để vận dụng vào thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc.
Việc làm này của Bác có tác dụng đặt nền móng về mặt lí luận cho cách mạng Việt Nam. Đấy là một điều hết sức cần thiết. Đem đối lập tính chất nghiêm túc, quan trọng của công việc với cái vẻ đơn sơ, chông chênh của bàn đá, mới nghe tưởng chừng có chút hài hước, đùa vui nhưng kì thực lại mang ý nghĩa cách mạng thật lớn lao.
Nhớ lại thời gian đó, cả thế giới đang đứng trước nguy cơ chìm đắm trong thảm họa phát xít. Vậy mà Hội nghị Trung ương Đảng ta lần thứ VIII (tháng 5 – 1941) vẫn khẳng định rằng cách mạng trong nước sẽ thắng lợi. Đó chẳng phải là trong chông chênh tình thế mà Bác vẫn khẳng định thắng lợi chắc chắn của sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc hay sao? Đó là tầm nhìn chiến lược, tầm suy nghĩ sáng suốt của một lãnh tụ tài ba.
Lắng nghe giọng điệu câu thơ mới thấy thật rõ. Ở nhịp bốn (Bàn đá chông chênh) âm thanh tuy có phần trúc trắc (ba thanh bằng, một thanh trắc), gợi liên tưởng đến tình thế nguy hiểm; nhưng ở nhịp ba (dịch sử Đảng), trái lại, âm thanh rắn, khỏe, (ba thanh trắc) tỏ rõ ý chí kiên quyết chiến đấu và tin tưởng. Câu thơ toát lên một tư thế chủ động, vững vàng trước mọi nguy nan của Bác, điểm thêm một nụ cười thanh thoát, cao vời.
Người xưa khi bất đắc chí thường lánh về chốn núi rừng để vui thú lâm tuyền cho khuây khỏa tâm hồn, nhưng Bác lại khác. Bác đến với núi rừng không phải với mục đích ở ẩn mà là để mưu tính cho từng bước đi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.
Xưa, trong những ngày lánh mình ở Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã thi vị hóa cuộc sống đạm bạc của mình:
Côn Sơn có suối nước trong,
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm.
Côn Sơn có đá tần vần,
Mưa tuôn đá sạch ta nằm ta chơi.
Nay, Bác Hồ làm việc trong cảnh:
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng.
Trong bóng dáng của vị tiên bên suối là cốt cách của một lãnh tụ cách mạng kiên cường.
Nếu ở ba câu thơ đầu, niềm vui, niềm tự hào còn ẩn chứa bên trong thì đến câu thơ kết, niềm vui ấy đã bộc lộ rõ ràng qua từ ngữ, tiết tấu và âm hưởng. Cái nghèo nàn, thiếu thốn vật chất đã được chuyển hóa thành cái giàu sang tinh thần. Bác đánh giá hiện thực ấy với nụ cười hóm hỉnh, thâm thúy của một triết nhân:
Cuộc đời cách mạng thật là sang!
Như vậy, suối không chỉ là chỗ làm việc, hang không chỉ là chỗ nghỉ ngơi mà hang còn mở ra phía suối, tạo nên không gian thoáng đãng, đủ chỗ cho nhịp sống của con người hoà vào nhịp của đất trời. Gian nan, vất vả cũng như tan biến vào cái nhịp tuần hoàn, thư thái ấy. Cháo bẹ và rau măng là kham khổ, nghèo nàn, nhưng đã được nâng lên thành cái sẵn sàng, đầy đủ, thành một thoáng vui. Đến việc dịch sử Đảng trên bàn đá chông chênh thì đã lồng lộng cái thế vững chắc của tiến trình cách mạng giữa gian nguy. Cuộc đời cách mạng thật là sang!Tinh thần của bài thơ tụ lại cả ở từ sang này. Niềm tin, niềm tự hào của Bác tỏa sáng cả bài thơ.
Chính sự ra vào ung dung, tinh thần vẫn sẵn sàng, khí tiết, cốt cách vững vàng trong tình thế chông chênh đã làm nên cái sang, cái quý trong cuộc đời của con người một lòng một dạ phấn đấu hi sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và nhân loại bị áp bức trên toàn thế giới.
Bài thơ tứ tuyệt ngắn gọn nhưng đã giúp chúng ta hiểu thêm về một quãng đời hoạt động của Bác Hồ. Vượt lên mọi khó khăn, gian khổ, Bác vẫn sống ung dung, thanh thản và tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Bên cạnh đó, bài thơ còn là bài học thấm thía về thái độ sống và quan điểm sống đúng đắn, tích cực của một chiến sĩ cộng sản chân chính.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh 4
Sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường đi cho cách mạng nước nhà đến năm 1941 Bác Hồ trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Giữa lúc này tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển to lớn. Tại đây Người đã triệu tập cuộc họp bộ chính trị quan trọng để tính toán đường đi nước bước cho cách mạng. Nơi ở của Người là hang Pác Bó. Và bài thơ Tức cảnh Pác Bó cũng ra đời trong chính hoàn cảnh đó.
Hang Pác Bó hay còn có tên gọi khác là Cấn Bó nghĩa là đầu nguồn. Sau khi về nước Bác chủ yếu sinh sống và làm việc tại đây, nơi có điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn vất vả.
Kể lại những ngày tháng đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng có chia sẻ: “ Nơi ở đầu tiên của Người là hang Pác Bó tuy ẩm lạnh nhưng là nơi có địa thế tốt nhất. Địa điểm thứ hai là một hốc núi nhỏ ở rất cao và sâu trong rừng bên ngoài là những cành lau. Những khi trời mưa to rắn rết chui cả vào chỗ nằm. Có buổi sáng Người thức dậy thấy con rắn rất lớn nằm khoanh tròn cạnh người. Sức khỏe Người vì thế có phần giảm sút. Bệnh sốt rét diễn ra liên miên cũng không có thuốc trị chỉ có vài cành lá sắc theo mẹo của người dân địa phương.
Có thời gian chuyển sang vùng Mán Trắng gạo cũng chẳng có ăn Bác và các đồng chí phải ăn cháo bẹ cả tháng ròng rã. Thế nhưng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào Bác cũng thích ứng rất nhanh chưa bao giờ kêu khó ngại khổ. Thậm chí còn thấy Bác vui hơn bao giờ hết vì cuối cùng sau bao nhiêu năm xa quê hưng Người đã được trở về sống với lí tưởng vĩ đại của dân tộc, với cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại.
Chẳng vì thế mà bốn câu thơ trong bài Tức cảnh Pác Bó được viết với một tâm thế vui đùa hóm hỉnh, vui tươi. Ngoài việc nêu lên một hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn khắc nghiệt đằng sau đó còn là cả một trạng hết sức thoải mái và lạc quan phơi phới.
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Câu thơ ngắt nhịp ở giữa tạo thành hai vế sóng đôi toát lên sự nhịp nhàng nề nếp theo một quy luật nhất định. Sáng ra bờ suối tối lại vào. Thể hiện một giờ giấc sinh hoạt rất đều đặn của Người.
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Nếu câu thơ thứ nhất nói về quy luật sinh hoạt thì câu thơ thứ hai lại nói về bữa ăn của Bác. Chỉ có cháo bẹ và rau măng. Nếu hiểu theo nghĩa đơn giản thì thức ăn ở đây như cháo bẹ và rau măng lúc nào cũng sẵn sàng. Còn nếu muốn hiểu theo cách khác có thể hiểu là dù trong hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất nhưng tinh thần cách mạng luôn luôn sẵn sàng. Tuy nhiên đối chiếu với nét vui đùa hóm hỉnh ở trên thì có lẽ cách hiểu thứ nhất có vẻ hợp lí hơn rất nhiều.
Câu thơ thứ nhất nói về sinh hoạt, thì câu thơ thứ hai nói về ăn, câu thứ ba nói về công việc. Cả ba câu thơ đều là những câu thơ miêu tả cuộc sống chân thực tạo nên một sự hài hòa cho tứ thơ.
“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”
ở đây ta cần chú ý đến cách gieo vần độc đáo của Người. Gieo vần ang vừa khỏe khoắn lại vừa tạo được tiếng vang xa tạo nên một cảm giác vô cùng vững vàng và vững chắc. Từ láy chông chênh là từ láy duy nhất trong bài nhưng không hề tạo nên một thế khấp khểnh thiếu vững chắc mà ba chữ cuối “Dịch sử Đảng” với những âm chắc nịch khỏe khoắn và gân guốc như làm hài hòa cả ba câu thơ.
Đến câu thơ này ta cũng có thể đoán ra chủ thể của bài thơ là ai và làm công việc gì. Đó không phải là một vị khách lâm tuyền an nhàn mà là một chiến sĩ Cách mạng đang làm công việc trọng đại mang tính vận mệnh của quốc gia dân tộc. Chủ thể không hề bị chi phối bởi thiên nhiên mà thậm chí còn là trung tâm của tất cả. Hơn thế nữa nó còn tô đậm hình tượng người chiến sĩ Cách mạng giữa một khung cảnh đơn sơ giản dị cũng giống như sự nghiệp cách mạng vậy.
Bài thơ khép lại bằng hình ảnh:
“Cuộc đời Cách mạng thật là sang”
Chữ “sang” có thể coi là đắt giá nhất trong bài. Đó chính là cảm nhận xuất phát từ trái tim của người chiến sĩ cách mạng. Với Người dù bao khó khăn gian khổ cũng chẳng là gì bởi đã dấn thân vào con đường này thì không bao giờ biết sờn lòng nản chí. Cuộc sống của người chiến sĩ cách mạng nay đây mai đó nhưng vẫn luôn làm chủ hoàn cảnh và cuộc đời. Chữ sang cũng chính là chốt làm bừng sáng giá trị của toàn bài.
Có thể nói Tức cảnh Pác Bó là một trong những tác phẩm vô cùng giản dị nhưng lại chứa đựng biết bao nhiêu ý nghĩa sâu sắc. Nó mang tính thời đại và vận mệnh lớn. Không hề xa hoa ở câu chữ nhưng lại mang đến cho người đọc một cảm nhận vô cùng độc đáo và thoải mái.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh 5
Bác Hồ không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Bác còn là một đại thi gia của dân tộc. Những tác phẩm mà người để lại cho kho tàng văn học dân tộc tuy không cầu kì, chau chuốt nhưng đều là những viên dạ minh châu không thể thay thế, là niềm tự hào của nước nhà. Một trong số những bài thơ như thế là “Tức cảnh Pác- bó” được viết vào tháng 2 năm 1941, tại hang Pác- bó(Cao Bằng), khi Người trở về Việt Nam hoạt động và làm việc sau hơn ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài.
Đến với bài thơ ta đã nhận thấy một sự vô tư từ ngay trong cách diễn đạt:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang”
Nhịp thơ 3/3 với dấu phẩy ở giữa dòng chia câu thơ làm hai vế cân xứng như là một lời kể tự nhiên về nhịp sống thường ngày của Bác nơi núi rừng Pác- bó. Hoạt động và sinh sống ở nước ngoài nhiều năm, Bác vốn đã quen với một nếp sống có kỉ luật, ở tại hang Pác- bó cũng vậy, Bác sinh hoạt và làm việc điều độ theo thời gian phân bố. Sáng thì ra suối, để sinh hoạt, để làm việc rồi đến tối trở về hang để nghỉ ngơi. Bác sinh hoạt có nề nếp và đồng thời ăn uống cũng đạm bạc:
“Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng”
Hai từ “sẵn sàng” thốt lên nghe thì có vẻ như gợi ra một sự đủ đầy, muốn là có ngay mà không hề thiếu thốn một điều gì. Nhưng thực chất, bữa cơm hàng ngày của người chỉ có bẹ chuối và măng rừng, những thức rất đỗi là giản dị, nếu không muốn gọi là kham khổ. Ở nơi núi rừng Pác- bó này không thể tìm đâu ra một thứ gì tốt hơn là cháo bẹ, là rau măng, điều này đã chứng tỏ Bác đang phải làm việc và sinh hoạt trong một hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn, ăn uống chỉ có thể gọi là đủ no. Nhưng những khó khăn ấy lại được Hồ Chủ Tịch thốt lên bằng giọng nhẹ nhàng sảng khoái chứng tỏ, Bác đối với những khó khăn vật chất tầm thường đều không coi là quan trọng. Đối với Bác, việc quan trọng nhất lúc này là dân, là nước, là đánh đuổi quân xâm lược:
“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”
Sau ba mươi năm hoạt động cách mạng quay về nước, Bác Hồ vẫn ngày ngày tiếp tục con đường tìm ánh sáng cho dân tộc. Trong cái lạnh của núi rừng, trong sự thiếu thốn của vật chất, trên một chiếc bàn đá không mấy chắc chắn, Người đang tỉ mẩn dịch lịch sử Đảng Cộng Sản Liên Xô làm tài liệu cho các chiến sĩ cách mạng học tập. Hai hình ảnh đối lập, một bên là chiếc bàn đá “chông chênh” bấp bênh, không chắc chắn với một bên là công việc trọng đại mà Bác đang làm: mở đường cho tri thức cách mạng đến với những người chiến sĩ cách mạng. Điều này càng làm nổi bật lên sự thiếu thốn trong hoàn cảnh sống và làm việc của Bác đồng thời nổi bật được trọng trách to lớn mà Bác đang gồng gánh trên vai. Sau bao nhiêu những những khó khăn về vật chất, những điều quan trọng phải làm, Bác Hồ đã kết thúc bài thơ:
"Cuộc đời cách mạng thật là sang”
Chỉ một từ “sang” làm cho tư tưởng bài thơ vụt sáng. Phải chăng người đọc thắc mắc vì sao Bác gọi cuộc đời cách mạng gian khổ là “sang”. Cái sang ở đây không phải là cái sang về vật chất mà mà giàu có về rất nhiều điều khác. “Sang” là ở một cuộc sống hòa mình với thiên nhiên, tuy không xa hoa nhưng giản dị, hòa hợp với thiên nhiên khiến cho tâm hồn tươi tắn thanh thản. “Sang” ở đây là một tấm lòng hạnh phúc khi được hoạt động và làm việc vì nhân dân, vì đất nước, làm công việc có ý nghĩa cho cuộc đời. “Sang” ở đây là tuy thiếu về vật chất nhưng tinh thần thì luôn tràn trề đủ đầy một niềm lạc quan vào ngày giải phóng dân tộc đang dần tới.
Với lời thơ giản dị, tự nhiên, giọng thơ sảng khoái mang đầy tinh thần lạc quan, Hồ Chủ Tịch đã cho ta thấy cái “thú lâm tuyền” của Người nhưng không phải là cái thú vui của Nguyễn Trãi, Nguyễn BỈnh Khiêm năm xưa “lánh đục về trong” mà là sự tạo nhã, hòa hợp với thiên nhiên ngay trong cuộc đời người lính. Ở Hồ Chí Minh, niềm vui hòa hợp với thiên nhiên vẫn gắn với cuộc đời cách mạng, cuộc đời hoạt động sôi nổi không ngừng nghỉ vì dân vì nước.
Bài thơ là sự diễn tả những hoạt động thường nhật của Bác Hồ trong những ngày hoạt động cách mạng ở hang Pác- bó, Cao Bằng. Qua bài thơ, hình ảnh Bác Hồ trong lòng người đọc càng thêm đẹp, thêm sáng lấp lánh trong sự giản dị, lạc quan, tình yêu thiên nhiên sâu sắc, tinh thần cách mạng và tài năng thơ ca tuyệt diệu. Nhân cách cao khiến của Người còn sáng mãi trong lòng mọi con dân nước Việt.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh 6
Bác đã từng nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, một ham muốn tột bậc là làm sao cho dân ta ai cũng được cơm ăn áo mặc ai cũng được học hành". Chính bởi hoài bão ấy mà trong khoảng thời gian hoạt động cách mạng, cho dù gian khổ đến đâu Bác cũng vượt qua. Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" chính là một minh chứng như vậy. Tác phẩm không chỉ nói lên cuộc sống khó khăn vất vả mà còn cho người đọc cảm nhận được tinh thần lạc quan, yêu đời. Tuy thiếu thốn về vật chất nhưng tâm hồn Bác vẫn tràn đầy tình yêu thiên nhiên và lòng tin vào tương lai tươi sáng.
"Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang."
Sau gần ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, tháng 2 năm 1941, Bác trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Khi đó Bác đã sống và làm việc trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ: trong hang Pác Bó - một hang núi nhỏ thuộc huyện Hà Giang, tỉnh Cao Bằng. Vậy mà đối với Bác đó dường như chẳng hề chi, vẫn phong thái ung dung, ẩn sâu bên trong đó là một ý chí và lòng yêu nước mãnh liệt:
"Sáng ra bờ suối, tối vào hang"
Câu thơ mang âm hưởng nhịp nhàng mà hài hoà, nề nếp. Giống như một thói quen thường ngày của Bác vậy, phong cách sống và làm việc của Bác được diễn ra chỉ với 1 câu thơ: cứ như thường lệ, vào mỗi buổi sáng Bác lại ra bờ suối làm việc cùng với tiếng suối róc rách chảy, với phiến đá gần đó, Người giao hoà tâm hồn mình với thiên nhiên, không giống như những vị hiền triết ngày xưa mà Người luôn tập trung suy nghĩ lo cho dân cho nước. Và đến tối là quãng thời gian mà người được nghỉ ngơi. Mọi thứ đều rất dung dị bình yên không có chuyện gì vậy, nhưng đâu ai biết rằng tiết trời miền núi, rét mướt như vậy mà Bác phải làm việc trong cái hang nhỏ ẩm ướt vậy mà Bác đâu có quan tâm đến chúng. Câu thơ đầu thể hiện thái độ hào hứng, hòa mình cùng khung cảnh thiên nhiên đất trời.
Đến câu thơ tiếp theo, câu thơ thứ hai, miêu tả bữa ăn thiếu thốn mà đạm bạc của Người:
"Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng"
Đây là những món ăn có sẵn và dễ kiếm nơi núi rừng Pác Bó. Chẳng phải những món ăn sơn hào hải vị mà chỉ là "cháo bẹ, rau măng", Người đều hài lòng với cuộc sống nơi đây. Từ "sẵn sàng" phải chăng thể hiện tinh thần cách mạng của Người hay cũng chính là để nói lên những món ăn thanh đạm nơi núi rừng luôn sẵn có để phục vụ Bác? Dù là gì đi nữa, câu thơ cũng mang đến cho người đọc cảm giác hóm hỉnh của vị cha già dân tộc. Người không than vãn mà chấp nhận cuộc sống như một lẽ tự nhiên.
Nếu như câu thơ thứ nhất về thói quen sinh hoạt, câu thơ thứ hai miêu tả những bữa ăn hàng ngày thì đến câu thơ thứ ba là hình ảnh Người đang làm việc:
"Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng"
Chẳng phải là một chiếc bàn ghế nghiêm chỉnh, thoải mái mà là hình ảnh vị lãnh tụ đặt cuốn sử lên trên một phiến đá, ngồi tập trung nghiên cứu đường lối cách mạng. Cách gieo vần bằng "ang" gợi cảm giác mở ra và vang xa, đồng thời mang đến cảm giác vững vàng và khoáng đạt cho bài thơ. Hai chữ "chông chênh" là từ láy tạo hình kết hợp với những từ mang vần chắc "dịch sử Đảng" thật khoẻ như mang đến sự cân bằng cho câu thơ. Thật thú vị chủ thể giữa bức tranh chính là nhà thơ chứ không phải thiên nhiên. Nhà thơ sống hoà hợp với thiên nhiên chính là một chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Đằng sau hình ảnh Bác đang ngồi dịch sử Đảng còn là hình tượng của vị lãnh tụ vĩ đại, của dân tộc Việt Nam.
Tuy nơi đây, điều kiện vật chất còn khó khăn, thiếu thốn, cuộc sống còn vất vả cực khổ nhưng tinh thần ý chí của Bác luôn vững vàng:
"Cuộc đời cách mạng thật là sang"
Chẳng cần đến những vật chất xa hoa, đủ đầy tiện nghi, Bác chỉ cần có vậy cuộc sống giản dị mà đôi phần khắc khổ. Nhưng mọi việc đó đâu ngăn cản được một tinh thần thép, một ý chí kiên cường và tình yêu thương cho dân cho nước. Ba câu thơ đầu là hình ảnh nơi Pác Bó - nơi Bác đã sống để hoạt động cách mạng, với bao điều cực khổ nhưng đối với Người như vậy đã đủ đầy lắm rồi. Từ "sang" cuối bài thơ đã làm nổi bật ý nghĩa của toàn bài. Đó chính là một nhãn tự của bài thơ thất ngôn này. Không chỉ mang đến cho người đọc niềm tin niềm tự hào về tương lai phía trước mà còn cho thấy sự tích cực lạc quan của Người.
Thơ của Bác vừa giản dị song vô cùng hàm súc, vừa hoà hợp với thiên nhiên nhưng luôn gắn liền với nhiệm vụ cách mạng. Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" vừa mang màu sắc cổ điển lại vừa thể hiện tinh thần thời đại mang đầy ý chí, niềm tin và sự lạc quan của Người. Chính nó đã khiến chúng ta càng cảm phục hơn về Bác và hiểu rõ hơn vị Cha già của dân tộc.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh hay chọn lọc 7
Tinh thần lạc quan, ung dung tự tại trong mọi hoàn cảnh sống là nét đặc điểm nổi bật trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tinh thần đó đã trở thành một vũ khí để chiến đấu và chiến thắng mọi gian khó và kẻ thù. Thơ tức là người, thơ Bác thể hiện rõ phẩm chất cách mạng cao quý của người chiến sĩ cộng sản kiên trung. Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" được sáng tác tháng 2 năm 1941 ở núi rừng Pác Bó là một trong rất nhiều bài thơ mang đậm phong cách ấy của Bác:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Thời gian này Bác về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Trong điều kiện sống rất kham khổ: "Cháo bẹ rau măng", làm việc thiếu thốn "bàn đá chông chênh", bài thơ tràn ngập niềm vui và dí dỏm của một con người biết vượt lên hoàn cảnh để hướng tới một mục tiêu cao cả, đó là sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Mở đầu bài thơ tứ tuyệt, Bác viết:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang.
Câu thơ gọn gàng, súc tích, chỉ có bảy chữ mà có cả thời gian, hành động. Thời gian là "sáng", "tối", không gian là "bờ suối", "hang" và trên nền của thời gian, không gian ấy xuất hiện bóng dáng của một người đang miệt mài làm việc. Cái từ ngữ chỉ hành động "sáng ra", "tối vào" gợi cho ta sự liên tưởng ấy. Điểm sáng của câu thơ ở chỗ tác giả rất chú ý đến trật tự của hai vế câu. Nếu nói: "Tối vào hang, sáng ra bờ suối" thì trật tự này tạo nên giá trị biểu nghĩa khác. Chất lạc quan vốn là bản tính của con người gang thép ấy nên trật tự tất yếu của câu thơ phải là:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang.
Với trật tự này, cảnh như vận động, không đứng yên, theo quy luật tuần hoàn của thời gian. Vì vậy, ta không lấy làm lạ khi bắt gặp thái độ "vẫn sẵn sàng" của Bác ở câu thơ kế tiếp:
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Thơ nói về một khí phách, một thái độ, một nhân sinh quan mà lời thơ vẫn dung dị như lời nói hàng ngày. Đặc điểm của thơ tứ tuyệt là câu, chữ hết sức tiết kiệm và một bài thơ hay đã bật lên được "chữ thần". Cụm từ "vẫn sẵn sàng" là điểm sáng của bài thơ.
Câu thơ làm ta liên tưởng đến triết lí sống của người quân tử ngày xưa, "quân tử ăn chẳng cần no". Bác sẵn sàng chấp nhận cuộc sống vật chất kham khổ với thái độ vui đùa, cười cợt. Bác coi thường cái gian khổ thậm chí cả những khi thân xác bị đọa đày đau xót, người chiến sĩ cách mạng ấy vẫn đùa cợt, dí dỏm. Những bài thơ "Pha trò", "Ghẻ", "Dây trói"... trong "Nhật kí trong tù" là thái độ ung dung tự tại trước những hoàn cảnh khắc nghiệt với lời thơ hóm hỉnh bất ngờ.
Khác với người xưa: "An bần lạc đạo", Bác Hồ là con người lao động, luôn luôn hành động vì một lí tưởng cao cả:
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng.
Làm việc trong hoàn cảnh thiếu thốn những tiện nghi cần thiết, mượn đá làm bàn, bàn đá lại "chông chênh", chi tiết vui, ngộ và đó là một sự vật. Trong cách nhìn sự vật. Bác thường phát hiện những chi tiết ngộ nghĩnh, điều đó biểu hiện một tâm hồn lạc quan.
Bài thơ kết thúc:
Cuộc đời cách mạng thật là sang!
Ngôn ngữ thơ bình dị mà ý thơ thì lớn lao. Nếu điểm sáng của hai câu thơ đầu là thái độ "vẫn sẵn sàng" thì sức nặng của bài thơ được dồn vào câu kết, đặc biệt với cụm từ "thật là sang!". Đây cũng là một cách nói vui, nói quá lên, chất hài hước đó ta thường gặp trong thơ và trong cuộc sống đời thường của Bác. Chất hài hước này làm cho bài thơ gợi lên niềm lạc quan cách mạng sáng ngời.
Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" là một bài thơ giản dị mà sâu sắc. Bài thơ thể hiện một đạo lí sống cao đẹp nhưng lời thơ tự nhiên, không một chút vẽ vời hoa mĩ. Giọng điệu thơ rất gần với cách nói hàng ngày, ta có cảm giác Bác không cố ý làm bài thơ nhưng nó cứ đọng lại mãi trong tâm trí ta, sức sống lâu bền của bài thơ chính là chỗ đó.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh hay nhất 8
“Bác Hồ, Người là niềm tin thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại.” Có một câu hát như thế đã đi qua biết bao những tháng năm. Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, con người “ chỉ biết quên mình cho hết thảy” không phải ngẫu nhiên được Thế giới tôn vinh là Danh nhân Văn hóa. Người không chỉ là một nhà lãnh đạo tài ba, một nhà Văn hóa lớn, một nhà tư tưởng lớn mà còn là một Nhà văn, một thi sĩ. Trong cuốn” Nhật kí trong tù” được viết trong khoảng thời gian Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, nhà thi sĩ ấy đã từng bộc bạch:
“Ngâm thơ ta vốn không ham”.
Con người ấy chưa một lần nhận mình là thi sĩ. Bác chỉ khẳng định tình yêu đối với văn nghệ nói chung và văn chương nói riêng. Nhưng Người cha già dân tộc chưa một lần nhận mình là thi sĩ ấy đã để lại cho nền Văn học Việt Nam cả một gia tài quý báu. Một trong số đó, bài thơ “ Tức cảnh Pác Bó” để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc.
Tháng Hai năm 1941, sau ba mươi năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, Bác Hồ đã về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng của dân tộc. Người sống trong hang Pác Bó- một hang núi nhỏ sát với biên giới Việt- Trung. Trước cửa hang, có một phiến đá gồ ghề được Bác chọn làm nơi ngồi dịch sử Đảng bên một con suối trong vắt được Người đặt tên là suối Lê-nin. Tại đây, Bác Hồ viết bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” để nói về cuộc sống kham khổ những ngày đầu của cuộc kháng chiến dai dẳng đánh đuổi thực dân xâm lược, đồng thời thể hiện một tinh thần lạc quang thông qua nhãn quang của người chiến sĩ Cách mạng.
Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Câu thơ mở đầu gợi hình dung về cuộc sống sinh hoạt và làm việc của Bác tại hang Pác Bó (Cao Bằng):
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang”
Nhịp thơ 4/3, chia câu thơ thành hai vế đối nhau rất chỉnh. Đối vế: “ Sáng ra bờ suối “/ “ tối vào hang”, đối thời gian “sáng”/ “tối”, đối hoạt động “ra”/ “vào”, đối không gian thiên nhiên rộng mở “bờ suối” với không gian nhỏ chật hẹp “hang”. Nghệ thuật đối kết hợp với các động từ được sử dụng hết sức giản dị như vẽ ra trước mắt chúng ta một cuộc sống bí mật, tuy thế mà vẫn rất có quy củ, nề nếp. Đặc biệt, giọng thơ cũng giúp ta cảm nhận được tâm trạng thoải mái, ung dung, hòa điệu cùng nhịp sống núi rừng của Bác. Phải chăng đó là bởi con người yêu thiên nhiên, luôn hòa mình với thiên nhiên, đắm say trước vẻ đẹp của thiên nhiên ngay cả trong hoàn cảnh tù đày:
“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.”
Nếu như câu thơ thứ nhất giới thiệu khái quát về cuộc sống tại hang Pác Bó – Cao Bằng thì câu thơ thứ hai tiếp tục làm rõ về những ngày sáng sống giản dị và có phần khó khăn ấy:
“Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”
Câu thơ hoàn toàn được thêu dệt bằng bút pháp tả thực. Đó là những món ăn hàng ngày của Bác ở rừng Pác Bó. Cách diễn đạt của nhà thi sĩ ấy rất hóm hỉnh, làm cho câu thơ ánh lên nét cười. Cháo bẹ, rau măng là những món ăn nghèo đạm bạc nhưng chứa chan tình cảm bởi đó là những thức ăn do thiên nhiên ban tặng và người dân cung cấp. Thưởng thức cháo bẹ, rau măng là niềm vui của người chiến sĩ cách mạng luôn biết sống gắn bó với thiên nhiên, với nhân dân. Qua đó có thể thấy Bác Hồ là một người có tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống tha thiết và coi thường mọi khó khăn gian khổ. Có phải vì thế mà sau này, Người đã răn dạy thế hệ sau:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”?
Câu thơ thứ nhất và câu thơ thứ hai nói về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của Người chiến sĩ cách mạng để rồi đến câu thơ thứ ba, Bác viết về những công việc trong công cuộc hoạt động cách mạng của mình:
“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”
Từ láy “chông chênh” gợi tự thế không vững chãi, không bằng phẳng, không ổn định. Bàn đá chông chênh hay cũng chính là hình ảnh tượng trưng cho cuộc cách mạng của nhân dân ta thời kì đầu rất khó khăn, gian khổ. Đồng thời đó cũng là một hình ảnh có thực về hòn đá được Người chọn làm nơi làm việc bên con suối trong vắt được Bác đặt tên là suối Lê-nin. Có thể thấy cuộc sống sinh hoạt đã đạm bạc, nghèo khó, cuộc sống làm việc lại càng thiếu thốn hơn. Bác Hồ hiện lên vừa như một người khách lâm tuyền, vừa là một chiến sĩ cách mạng vĩ đại.
Bài thơ kết lại với câu thơ nêu cảm nghĩ của Bác về cuộc đời Cách mạng:
“Cuộc đời cách mạng thật là sang”
Câu thơ được viết bằng kiểu câu cảm thán dùng để khẳng định: cuộc đời cách mạng sang. “ Sang” là sự giàu có, là tinh thần của một tâm hồn luôn tìm thấy sự thư thái giữa thiên nhiên. “ Sang” cũng còn là sự sang trọng, giàu có của một con người luôn tự thấy mình sống có ích cho cách mạng, cho nhân dân.
Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn gọn, giọng thơ gần gũi, ngôn ngữ thơ giản dị, “ Tức cảnh Pác Bó” như một bức tranh tốc kí với những đường nét rất đỗi thanh sơ, chất phác và mộc mạc về cuộc sống sinh hoạt và làm việc của vị lãnh tụ vĩ đại nói riêng cũng như những chiến sĩ cách mạng nói riêng những năm đầu cuộc kháng chiến đầy gian nan và thử thách. Từ đó giúp cho thế hệ sau hiểu hơn về giá trị của sự sống hòa bình mà ngày nay ta đang có, biết sống và học tập để trở thành người có ích cho xã hội, góp phần dựng xây và gìn giữ quê hương đất nước.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh 9
Thú lâm tuyền đã từng xuất hiện trong thơ ca của các nhà nho xưa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Và niềm vui thú khi được sống cùng thiên nhiên đó cũng xuất hiện trong thơ ca Hồ Chí Minh, tiêu biểu là bài thơ "Tức cảnh Pác Bó":
"Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang".
Bài thơ này được Bác viết vào tháng 2 năm 1941, sau ba mươi năm bôn ba và hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác trở về để lãnh đạo cách mạng Việt Nam một cách trực tiếp với mục đích nhanh chóng giành được thắng lợi, giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức.
Bác sống và làm việc trong một hang núi nhỏ sát biên giới Việt - Trung, đó là hang Pác Bó. Con suối cạnh hang Pác Bó được Bác đặt tên là suối Lê-nin. Ngày ngày, nhịp sinh hoạt của Bác cứ diễn ra đều đặn, sáng sớm Bác ra bờ suối làm việc, tối đến Bác vào trong hang để nghỉ ngơi. Và khi nhắc đến chỗ ở, khung cảnh sinh hoạt thường ngày của mình, Bác đã dùng một giọng điệu thơ hết sức vui tươi xen lẫn sự hóm hỉnh: "Sáng ra bờ suối, tối vào hang"
Nhịp thơ 4/3 cùng với phép đối "sáng" - "tối", "ra - vào" đã cho chúng ta thấy được nếp sinh hoạt nhịp nhàng, đều đặn của Bác. Không gian sinh hoạt của Người được diễn ra ở hai địa điểm: hang và suối. Song song với đó là hai hành động "ra bờ suối" , "vào hang" cứ tuần hoàn, nối tiếp nhau như sự tuần hoàn của tự nhiên, tạo vật. Câu thơ chỉ có 7 tiếng ngắn gọn nhưng đã miêu tả được chi tiết hoàn cảnh sống của Bác qua thời gian "sáng" - "tối", hoạt động "ra" - "vào" và địa điểm "bờ suối" - "hang".
Qua giọng điệu thơ dí dỏm, bạn đọc phần nào hình dung được tâm thế chủ động, sống hòa hợp với thiên nhiên của Bác. Chính tâm hồn ung dung, thoải mái đã giúp Bác chiến thắng mọi hoàn cảnh khắc nghiệt. Sống và làm việc trong hoàn cảnh khó khăn như vậy nên bữa ăn của Bác cũng hết sức đạm bạc, dân dã: "Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng".
Nhắc đến núi rừng Tây Bắc chúng ta không thể không nhắc đến hai sản vật "cháo bẹ" và "rau măng". Đây là những món ăn quen thuộc có mặt hàng ngày trong bữa ăn của Bác. Cháo ngô, măng rừng đã thay thế cho cơm. "Cháo bẹ", "rau măng" luôn được chuẩn bị đầy đủ để phục vụ cho các bữa ăn của Người. Ngoài ra, chúng ta có thể nhận thấy rằng Hồ Chí Minh đón nhận những điều đó bằng một tâm thế "sẵn sàng" của người chiến sĩ cách mạng không đầu hàng trước mọi hoàn cảnh.
Bác không những không yêu cầu được chăm sóc, phục vụ tốt hơn hay than vãn, phàn nàn về cuộc sống ấy mà ngược lại, Người tỏ ra hoàn toàn vui vẻ và thích ứng với hoàn cảnh gian khổ. Trong khi đất nước bị xâm lược, cuộc sống nhân dân điêu đứng, lầm than, Bác không thể chỉ nghĩ cho riêng bản thân mình mà Bác nghĩ cho toàn thể nhân dân, dân tộc.
Nếu phiến đá bên bờ suối Lê-nin gợi ra sự không cân bằng, nhấp nhô, khập khiễng bao nhiêu thì quyết tâm làm việc của Bác lại cứng rắn, quyết liệt bấy nhiêu. Công việc của Bác cần có sự tập trung cao độ. Ta có thể hình dung Bác dịch cuốn "Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô" để làm tài liệu học tập cho các cán bộ cách mạng lúc bấy giờ trên bàn làm việc không được cân bằng do từ láy tượng hình "chông chênh" gợi ra.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi, Người đã thấy rằng: "Cuộc đời cách mạng thật là sang". Được mang sức lực của mình phục vụ cho nhân dân, đất nước là một niềm hạnh phúc đối với Hồ Chí Minh. Bác không quản ngại khó khăn, gian truân để cống hiến, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc. Lý tưởng cách mạng đã soi sáng cho con đường của người chiến sĩ cộng sản. Từ "sang" đã phần nào bộc lộ phong thái ung dung, lạc quan, yêu đời của Bác.
Bác không cần một chỗ ở sang trọng, những bữa ăn đầy đủ cá thịt hay cần một chiếc bàn làm việc bằng phẳng. Điều Bác cần là được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản, chiến đấu để mang lại cuộc sống hòa bình, no ấm cho nhân dân. Chắc có lẽ trên thế giới hiếm có ai "sang" theo kiểu của Bác. Bằng tinh thần yêu nước sâu sắc, Bác Hồ đã luôn khắc phục, vượt lên trên hoàn cảnh để cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ba câu đầu của bài thơ thiên về tả cảnh, chỉ đến câu thơ cuối Bác Hồ mới bộc lộ tâm trạng nhưng dường như nụ cười vui tươi vẫn thấp thoáng sau mỗi câu thơ của Người. Nó đã đẩy lùi đi tất cả những khó khăn, nguy hiểm và tiếp thêm tinh thần cho Bác, một tinh thần "thép" giữa hoàn cảnh sống và làm việc thiếu thốn, gian khổ.
Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt cùng với cách ngắt nhịp 4/3 đã tạo nên nhịp điệu thơ nhẹ nhàng, khoan thai. Giọng thơ hài hước, hóm hỉnh đã cho thấy tinh thần lạc quan, sự ung dung trong hoàn cảnh đầy khó khăn của người chiến sĩ cộng sản. Đối với Bác, không có niềm vui nào lớn hơn là niềm vui làm cách mạng, mang lại độc lập cho dân tộc và sống hòa hợp với thiên nhiên.
Để có được những bài thơ hay mỗi người làm thơ cần có tư duy và sự sáng tạo nhất định. Đặc biệt trong thơ ca thì việc sáng tạo cùng với cảm xúc của người sáng tác rất quan trọng, chính vì vậy bạn hãy cùng tham khảo danh sách những bài thơ hay để học tập cũng như có thêm kinh nghiệm để việc sáng tác hay tự làm thơ với phong cách riêng của mình dễ dàng nhất nhé.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh 10
Ôi sáng xuân nay, xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ.
(Tố Hữu)
Năm 1941, sau nhiều năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật về tới Pác Bó, Cao Bằng. Hang Pác Bó đã trở thành nơi sống và hoạt động bí mật của Người. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó được Bác viết tại đây (tháng 2/1941) theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật. Bài thơ phản ánh hoạt động phong phú, sôi nổi, phong thái ung dung tự tại và tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sĩ vĩ đại trong hoàn cảnh bí mật khó khăn gian khổ.
Sáng ra bờ suối tối vào hang. Câu thơ, gợi nên cuộc sống bí mật của nhà thơ vào những ngày đầu, mới về nước đang nhóm lửa, phải sống ở trong hang, làm việc ở hang. Không gian và cả thời gian chật chội, quẩn quanh, đơn điệu. Còn gì gò bó cho bằng những ngày, những tối, những tháng năm mà con người vốn sống phóng khoáng tự do phải chịu cảnh nhàm chán không thể thay đổi với hang, với suối quen thuộc đến trơ mòn.
Thế mà đọc lại câu thơ sáng ra bờ suối tối vào hangy ta thấy toát lên giọng điệu thơ thật thoải mái, phơi phới. Với cách nhịp 4/3 đã tạo thành hai vế đối sóng đôi: sáng ra, tối vào rất nhịp nhàng. Cuộc sống của Bác Hồ đã trở thành nề nếp, hòa điệu với nhịp sống của núi rừng rất ung dung. Qui luật vận động ấy đã thể hiện một tinh thần làm chủ hoàn cảnh rất chủ động và lạc quan.
Câu thơ thứ hai vẫn tiếp tục mạch cảm xúc của câu đầu, có thêm nét vui đùa: lương thực, thực phẩm ở đây thật đầy đủ đến mức dư thừa: Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng. Ba chữ vẫn sẵn sàng có nghĩa là cháo bẹ, rau măng luôn có sẵn, đủ dùng ở nơi suối hang này. Đằng sau vần thơ là nụ cười của một con người sống trong gian khổ khó khăn nhưng vẫn lạc quan yêu đời, ý tưởng này vẫn theo suốt trong con người Bác qua từng vần thơ khác:
Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
Săn về thường chén thịt rừng quay
Non xanh nước biếc tha hồ dạo
Rượu ngọt chè tươi mặc sức say
(Cảnh rừng Việt Bắc - 1947)
Cách nói vẫn sẵn sàng, tha hồ dạo, mặc sức say… sao mà sang trọng, hóm hỉnh và yêu đời đến thế! Còn gì thích thú hơn khi cuộc sống cần gì có nấy! Còn gì thú vị hơn khi được sống giao hòa với thiên nhiên. Ngày được làm việc bên bờ suối, làm bạn với thiên nhiên, tối trở về hang (nhà) để nghỉ ngơi và nghe tiếng suối trong mà đã có lần ta bắt gặp trong thơ Bác: Tiếng suối trong như tiếng hát xa.
Khác với người xưa Công thành thân thoái, mai danh ẩn tích ở chốn núi rừng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và chiến đấu vì một lý tưởng cao đẹp: Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng. Bàn đá, đá ở đây là đá núi, đá tự nhiên. Trên cái bàn đá thô sơ ấy Bác viết Đường cách mệnh. Phong trào và cán bộ cần, Người dịch sử Đảng. Hình ảnh bàn đá chông chênh không chỉ nói lên khó khăn thiếu thốn chồng chất mà còn biểu lộ tinh thần phấn đấu hy sinh vì sự thắng lợi của cách mạng.
Đặt ba điều ấy vào trong cùng một hệ thống mới thấy sự nghiệp cách mạng mà người chèo lái gian nan biết chừng nào? Hiểu như vậy mới thấy những hy sinh, từ những chuyện nhỏ nhặt trong thời gian dài của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác cũng là người cũng bình thường như tất cả chúng ta, nghĩa là biết đói, biết rét, biết thiếu thốn, ấy là chưa kể những chông gai mà người vượt qua trên con đường cách mạng.
Nhưng kỳ lạ thay, câu kết bài thơ không đi về hướng ấy: Cuộc đời cách mạng thật là sang. Sang ở đây là sang trọng, cao sang, nghĩa là rất đầy đủ, rất cao quí. Con người rơi vào hoàn cảnh cao sang, nhất là thật là sang thì hạnh phúc có thể coi là đã đến tột độ. Nhưng đối với Bác thi lại là hang tối, cháo bẹ, rau măng, bàn đá chông chênh thi sao gọi là sang được?
Phải chăng niềm vui lớn nhất, niềm vui vô hạn của người chiến sĩ cách mạng sau ba mươi năm xa nước đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước (Chế Lan Viên), nay được trở về sống giữa lòng đất nước yêu dấu, trực tiếp lãnh đạo cách mạng để cứu dân cứu nước:
Ba mươi năm ấy chân không mỏi
Mà đến bây giờ mới tới nơi
(Tố Hữu)
Đặc biệt, lúc này Bác Hồ còn rất vui vì người tin chắc rằng thời cơ giải phóng dân tộc đang tới gần, điều mà Bác chiến đấu suốt đời để đạt tới đang trở thành hiện thực. So với niềm vui lớn lao đó thì những gian khổ trong sinh hoạt có nghĩa lý gì? Tất cả đều trở thành thật là sang vì đó là cuộc đời cách mạng, được cống hiến cho cách mạng.
Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ hồn nhiên, giản dị mà sâu sắc, đẹp. Thơ là tâm hồn, là cuộc đời, là cách ứng xử của Bác Hồ. Bài thơ như một chứng tích lịch sử về những ngày tháng gian khổ của cách mạng Việt nam mà Bác là người chèo lái, gợi lên trong lòng người đọc chúng ta bài học về tinh thần lạc quan, biết sống và hướng về một lý tưởng cao đẹp.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh chi tiết nhất 11
Không chỉ là nhà hoạt động cách mạng kiên trung, bất khuất Bác còn là một con người hết sức lạc quan trong hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt. Những vần thơ hóm hỉnh như:
Khách đến thì mời ngô nếp nướng
Săn về thường chén thịt rừng quay
Non xanh nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say
Những vần thơ như vậy xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm của Bác. Đặc biệt trong thời gian đầu cuộc kháng chiến của dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, phải hoạt động nơi rừng núi Cao Bằng, nhưng không vì thế mà tinh thần ung dung, lạc quan bị mất đi. Nó được thể hiện rõ nét nhất trong bài thơ Tức cảnh Pác Bó.
Mở đầu bài thơ gợi nên không gian hoạt động bí mật của Người ở Việt Bắc: Sáng ra bờ suối tối vào hang. Câu thơ tạo thành hai vế rất cân đối với nhau, thời gian sáng tối, không gian suối – hang, hoạt động ra – vào, cho thấy nhịp sinh hoạt hết sức nề nếp, đều đặn và hết sức nhịp nhàng của người.
Đồng thời cũng cho thấy không gian hoạt động bí mật và còn hết sức khó khăn. Trong giai đoạn đầu, cách mạng còn non yếu, chưa có thế và lực nên phải hoạt động bí mật và gặp nhiều khó khăn nhưng người chiến sĩ cách mạng vĩ đại vẫn hết sức ung dung, tự tại. Quy luật vận động đó cũng khẳng định tinh thần làm chủ hoàn cảnh, chủ động, lạc quan của người chiến sĩ cách mạng.
Không chỉ khó khăn, thiếu thốn trong không gian sống, mà sự khó khăn ấy còn hiện lên trong cả bữa ăn, nơi làm việc của Bác:
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Câu thơ cho thấy tâm thế ung dung, lạc quan của Bác. Núi rừng thiên nhiên Việt Bắc vẫn luôn sẵn sàng cháo bẹ, rau măng phục vụ cho người chiến sĩ cách mạng. Câu thơ vừa cho thấy cái gian khổ, khắc nghiệt mà Bác phải đối mặt, nhưng đằng sau đó còn là nụ cười hóm hỉnh của một con người tuy sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn hết sức lạc quan yêu đời.
Và hàng ngày Người vẫn ngồi bên bàn đá chông chênh viết Đường cách mệnh, phục vụ cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Hai chữ chông chênh gợi lên tư thế không chắc chắn, không vững vàng, cho thấy những khó khăn chất chồng của hiện thực cuộc kháng chiến. Nhưng trên nền hoàn cảnh khắc nghiệt đó, người chiến sĩ cách mạng vẫn vượt lên để hoàn thành nhiệm vụ, để thực hiện nghĩa vụ, lí tưởng cao đẹp của mình, quả đáng trân trọng và khâm phục.
Dù hoạt động cách mạng gian khổ là vậy, nhưng câu kết của toàn bài lại đem đến cho người đọc sự bất ngờ, mà cao hơn chính là cảm phục: Cuộc đời cách mạng thật là sang. Sang được hiểu là sang trọng, đầy đủ. Nhưng trong hoàn cảnh của Bác, ăn uống, nghỉ ngơi thiếu thốn trăm bề liệu có thật sang không?
Đối với Bác điều đó không phải sang, mà cái sang nhất ở đây chính là dịch sử Đảng, là được hoạt động cách mạng để thực hiện lí tưởng đẹp đẽ của mình, đem lại độc lập, tự do, cho dân tộc. Giọng điệu thơ tự nhiên, dí dỏm, mà cũng rất khẩu khí, khẳng định tinh thần thép của người chiến sĩ cách mạng.
Bài thơ sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, ý tại ngôn ngoại, lời thơ hàm súc cô đọng, cùng với giọng điệu thơ hỏm hỉnh, vui đùa đã làm nổi bật lên chân dung người chiến sĩ cách mạng. Đó là một con người mang trong mình phong thái ung dung, lạc quan, mang trong mình lí tưởng cao đẹp, cứu nước, cứu đời.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh 12
Ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù trong nhà tù của bọn Tưởng Giới Thạch, hay bên Pa-ri ; đối mặt trực tiếp với gián điệp và thực dân Pháp hay những ngày trở về nước hoạt động cách mạng ta đều nhận ra con người hóm hỉnh, bông đùa, lạc quan vượt lên trên tất cả những khó khăn của đời sống ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những nét tính cách được tôi luyện trong trường đấu tranh gian khổ. Và tất cả đã đi vào thơ Bác với những nét chân thực nhất. Tức cảnh Pác Bó là một trong số những bài thơ như thế!
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang
Tháng 2 năm 1941, sau hơn ba mươi năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài tìm đường giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Pác Bó chính là nơi Người sống và hoạt động trong những ngày đầu tiên về nước. Đó là một địa danh nằm ở vùng núi Cao Bằng, ở đây đời sống vật chất còn rất khó khăn.
Đã ngoài năm mươi tuổi rồi vậy mà Người phải sống trong một cái hang rất nhỏ, muốn ra vào phải trèo lên, chui xuống, tăm tối và ẩm ướt gọi là hang Cốc Bó, thôn Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Nhưng những thiếu thốn về vật chất không làm tinh thần Người nao núng. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó đã ra đời trong hoàn cảnh như thế.
Câu thơ đầu tiên đã mở ra một không gian – thời gian: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang”. Không gian ở đây là những mảng không gian của vùng sơn cước: suối và hang. Thời gian có sự luân chuyển: sáng đến tối. Không gian và thời gian đều có sự thay đổi, chuyển hóa. Nhưng thực ra không phải là sự chuyển hóa sang một không gian khác, mới hơn mà là sự lặp lại của những miền không gian đã quá quen thuộc: suối và hang.
Hành động của con người chỉ gói trọn trong hai động từ: ra và vào. Câu thơ không dư thừa thông tin. Nó chỉ vừa đủ để thông báo một ngày rất bình thường như biết bao ngày khác. Sáng thì ra bờ suối làm việc, tối lại quay về hang. Lời thơ cân đối, đều đặn: sáng - tối ; suối - hang, ra - vào. Sự đều đặn đó thể hiện một nếp sống, một thói quen trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Câu thơ thứ hai, Người nói đến sinh hoạt cụ thể nơi Pác Bó: “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”. “Cháo bẹ” là cháo ngô, “rau măng” là loại măng rừng được lấy làm thức ăn. Đó đều là những món ăn rất dân dã, đạm bạc của người dân vùng sơn cước. Ở thì ở trong hang, làm việc bên bờ suối, ăn cháo bẹ rau măng,… một cuộc sống đầy những thiếu thốn nhưng ta vẫn bắt gặp một tinh thần lạc quan, một nụ cười hóm hỉnh qua cụm từ “vẫn sẵn sàng”.
“Vẫn sẵn sàng” có thể hiểu theo hai nghĩa: “cháo bẹ rau măng” - những thức ăn quen thuộc của người miền núi lúc nào cũng sẵn có. Nghĩa thứ hai bộc lộ rõ tinh thần của nhà thơ: dù cuộc sống thiếu thốn nhưng tinh thần cách mạng luôn sẵn sàng. Với nghĩa này, câu thơ toát lên một niềm lạc quan vượt lên trên hoàn cảnh sống. Câu thơ gợi nhớ đến vần thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm nói về cuộc sống vật chất đơn sơ, giản dị của mình:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Hay ta bắt gặp ở đây nghệ thuật trào lộng khi viết về những thiếu thốn vật chất trong đời sống đã có từ thơ ca truyền thống:
Đã bấy lâu nay, bác tới nhà,
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
(Nguyễn Khuyến, Bạn đến chơi nhà)
Đó là nét nhân cách rất đáng trọng của những con người “an bần lạc đạo”. Nghèo khổ không hề làm họ mất đi nụ cười. Họ cười hóm hỉnh chính cái nghèo của mình. Cuộc sống bi mà không làm họ luỵ. Hồ Chí Minh vẫn giữ được những nét truyền thống trong cuộc sống của mình.
Bác vẫn vui với cái nghèo của cuộc đời cách mạng, chấp nhận cuộc sống thiếu thốn về vật chất. Phải là một con người có tinh thần và nghị lực cách mạng phi thường mới có thể tạo cho mình một phong thái ung dung trong một hoàn cảnh như thế. Dù sống trong cảnh thiếu thốn con người đó vẫn sống và hoạt động say mê:
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Đến đây ta nhận ra điều khác biệt giữa Bác Hồ và các vị hiền triết xưa kia. Nếu như biết bao người: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến về với chốn thôn dã, vui thú điền viên để lánh đời, quên đi thế sự đang xoay vần điên đảo thì Bác Hồ về với vùng sơn cước “thâm sơn cùng cốc” để hoạt động do yêu cầu cần giữ bí mật của cách mạng.
Dù có ở vùng núi nhưng vẫn là dấn thân vào xã hội, vào trường hoạt động cách mạng gian khổ. Bác Hồ đâu phải là một ẩn sĩ mà là một chiến sĩ: Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng. Câu thơ như muốn vượt qua những gì không ổn định để đi đến một thế vững vàng. Bàn đá chông chênh tạo nên một tư thế không vững chãi. Đó là nơi Bác ngồi làm việc. Bàn đá của thiên nhiên.
Nhưng cụm từ “dịch sử Đảng” như một lời khẳng định chắc nịch cho sự vững lòng với công việc của mình. Để đến câù thơ cuối là một lời kết thúc vui tươi, hóm hỉnh: Cuộc đời cách mạng thật là sang. Bác vẫn tìm ra một nét đặc biệt đằng sau tất cả những thiếu thốn vật chất của cuộc sống đời thường – cũng chính là một phần của cuộc đời cách mạng. Người tìm ra nét “sang” trong những gì giản dị, đơn sơ nhất.
Từ “sang” vừa có nghĩa là sang trọng, giàu có vừa có nghĩa diễn tả một phong thái vượt lên trên tất cả những gì tầm thường của vật chất để có một tinh thần lạc quan, tự tại. Câu thơ như một nụ cười ngạo nghễ của một con người đã chiến thắng hoàn cảnh bằng chính tinh thần lạc quan của mình.
Bài thơ như một nhật kí bằng thơ ghi lại cuộc sống của Người nơi núi rừng Pác Bó. Người đọc nhận ra và kính trọng một nhân cách cao đẹp trong một cuộc sống rất đỗi đời thường. Đó chính là phong thái đặc biệt khó quên của Hồ Chủ Tịch.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh 13
Thơ Bác Hồ vừa rất mực giản dị, song lại rất hàm súc, gợi lên bao ý nghĩa sâu xa; vừa đậm đà màu sắc cổ điển, vừa thể hiện đầy đủ tinh thần thời đại. Bài Tức cảnh Pác Bó là điển hình của hồn thơ, phong cách thơ đó.
Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử lỗi lạc của dân tộc ta, là nhà thơ lớn, danh nhân văn hóa thế giới. Cuộc đời thơ ca của Người luôn song hành với cuộc đời chính trị. Người đã để lại cho đất nước một sự nghiệp văn chương đồ sộ và phong phú. Trong đó, hay nhất là bài thơ "Tức cảnh Pác Bó",được ra đời trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng khó khăn, gian khổ.
Lúc bấy giờ Bác phải sống và làm việc trong hoàn cảnh hết sức thiếu thốn: ở trong hang Pác Bó; ăn cháo ngô thay cơm, ăn măng rừng thay rau; bàn làm việc là bàn đá chông chênh bên bờ suối Lê- nin cạnh hang. Bài thơ đã diễn tả được phong thái ung dung, tinh thần lạc quan yêu đời, "thú lâm tuyền" khoáng đạt, tươi sáng của Bác.
Trước hết ta nên hiểu ”thú lâm tuyền” là: cách chơi vui thú,tao nhã của Bác trong rừng xanh núi đỏ, lâm tuyền là rừng núi và khe suối nước chảy, thú vui của Bác là yêu thiên nhiên, yêu rừng Pắc Bó, cỏ cây hoa lá chim muông và cả cái tiếng nước róc rách dưới khe cũng nên thơ hữu tình trong thơ tức cảnh của Người .
Mở đầu bài thơ Bác viết: "Sáng ra bờ suối, tối vào hang". Ngay câu đầu tiên Bác đã mở ra trước mắt người đọc một nề nếp sinh hoạt rất đều đặn, nhịp nhàng của mình, tuần hoàn theo thời gian nhất định, từ sáng tới tối đều gắn bó với thiên nhiên .Với nghệ thuật đối: "sáng- tối", "ra- vào", "bờ suối- hang", Bác đã vẽ lên một bức tranh thiên nhiên sinh động tương phản thật hài hòa, hợp lí.
"Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng”. Nếu câu thơ thứ 1 nói về công việc nơi ở của Bác thì câu thơ thứ 2 lại nói đến cuộc sống sinh hoạt ăn uống thường nhật của Bác, ở nơi rừng núi thiếu thốn trăm bề , Bác chỉ ăn những thứ sẵn có của núi rừng: cháo bẹ, rau măng. Dù khó khăn là vậy nhưng Bác vẫn luôn hài lòng, chấp nhận, sẵn sàng vượt lên khó khăn trắc trở.
Tiếp theo ở câu thứ 3: "Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng". Đã cho thấy vẻ đẹp của người chiến sỹ cách mạng. Bên bờ suối Lê- nin nước chảy róc rách, cạnh đó là chiếc bàn đá và quyển sách, hình ảnh Bác Hồ hiện lên như một yếu tố quan trọng đưa bức tranh thiên nhiên tươi đẹp ấy từ tĩnh sang động.
"Thú lâm tuyền" của Bác được thể hiện rõ nhất ở câu này. Dù hoàn cảnh thực tại có khó khăn trắc trở nhưng dường như không thể cản được việc lớn (dịch sử Đảng) của Bác, từ đó ta càng thấy rõ hơn tinh thần lạc quan, phong thái ung dung, tình yêu thiên nhiên luôn tiềm tàng trong con người của Bác .
Câu cuối bài thơ như một lời tự nhận xét của Bác về cuộc đời cách mạng của mình: "Cuộc đời cách mạng thật là sang". Câu thơ ấy đã gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ. Tuy làm cách mạng gian khổ là vậy nhưng đối với một vị lãnh tụ lại thật là "sang". Cái "sang" này không phải là "sang" về mặt vật chất mà là "sang" về tinh thần. Được hoạt động cách mạng để cứu nước là một niềm vui đối với Bác, niềm vui này không thể mua được. Nó là vô giá!
Có thể nói, bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt,nghệ thuật đối, cùng giọng văn hóm hỉnh, bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" đã cho chúng ta thấy "thú lâm tuyền" của Bác thật khoáng đạt, qua đó còn cho thấy tinh thần lạc quan, tình yêu đất nước sâu nặng luôn tiềm tàng trong con người đáng kính này.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh hay nhất 14
“Người lãnh tụ, nhà nghệ sĩ
Của mỗi người của cả trăm quê
Trái tim lớn đập hoài không nghỉ
Những buồn vui, căm giận, say mê ...”
(Giang Nam)
“Buồn vui, căm giận, say mê ...” của Bác xuất phát từ lòng yêu Tổ quốc, yêu dân tộc nồng nàn. Bác hoạt động chính trị (người lãnh tụ), và làm thơ (nhà nghệ sĩ) cũng là để thể hiện lòng yêu thương cao cả ấy. Nhiều lúc cả hai công việc như hòa làm một trong con người Bác. Điều ấy đã được chứng tỏ ở những bài thơ Người sáng tác ở núi rừng Việt Bắc khi từ nước ngoài về trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước mà bài thơ Tức cảnh Pác Bó là một ví dụ.
Bài thơ được làm theo thể Đường luật tứ tuyệt vời đúng niêm luật của thể loại thơ này. Mở đầu là câu Khai, nhà thơ viết: Sáng ra bờ suối, tối vào hang, Câu thơ giới thiệu thời gian, nơi chốn và việc thường làm được ngắt nhịp 4/3 bằng dấu phẩy một cách rõ ràng, dứt khoát. Đọc câu thơ ta có cảm giác ngày ngày, mỗi sáng mỗi tối nhà thơ đều lặp lại hành vi “ra, vào” ấy. Tại sao?
Bác đang trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Công việc của một lãnh tụ chính trị không giống công việc của một nhà thơ, nhất là với một lãnh tụ chính trị đang hoạt động chống lại tập đoàn thống trị để giành lại độc lập, tự do cho nước cho dân.
Tất yếu là lãnh tụ phải làm nhiều công việc đúng với vai trò lãnh đạo phong trào. Nhưng thuở ban đầu cơ ngơi không có, Để tránh bị truy lùng, Bác tìm nơi hiểm trở để đặt cơ quan đầu não cho hoạt động ban đầu. Công việc của lãnh tụ phần lớn là vạch đường lối, kỷ cương, kế hoạch,... Ánh sáng để làm việc và an toàn trong hoạt động cách mạng là ý nghĩa sâu xa của “Sáng ra, tối vào” ở câu Khai.
Nếu câu Khai giới thiệu thời gian, nơi chốn để làm việc và nghỉ ngơi thì ở câu Thừa nhà thơ giới thiệu bữa ăn hàng ngày của mình: Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng. Hai món trong một bữa: cháo ngô (bắp, bẹ), và rau măng. Nhưng không chỉ là một bữa mà là mọi bữa.
Cụm từ “vẫn sẵn sàng" gợi cho người đọc cảm nhận đó. Ấy là bữa ăn để nuôi mạng sống mà người dấn thân phải chấp nhận. Ngày trước, Lê Lợi và Nguyễn Trãi khi dấy nghĩa ở Lam Sơn cũng có lúc lâm vào hoàn cảnh:
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần
Khi khôi huyện quân không một đội
Cực khổ từ miếng cơm manh áo, nơi ăn chốn ngủ nhưng Hồ Chí Minh vẫn: Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng. Một cách hiểu giản dị, nôm na là không có cả bàn để làm việc, dù là một việc quan trọng là dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô để làm tài liệu học tập tư tưởng cho cán bộ cách mạng thời bấy giờ. Không có bàn ư? Thì lấy đá làm bàn. Thử tưởng tượng hình ảnh Bác say sưa làm việc bên cái bàn “chông chênh” ấy để thấy rõ tính nghệ sĩ lẫn sự say mê công việc của Người! Câu chuyện của bài thơ có ý nghĩa như thế!
Dinh thự của một lãnh tụ chỉ là cái hang bên bờ suối, thức ăn mỗi bữa thuần là “cháo bẹ, rau măng, chỗ làm việc là bàn đá chông chênh ” bên suối, vậy mà Bác vẫn cho rằng: Cuộc đời cách mạng thật là sang. Câu hợp của bài thơ phảng phất phong thái của các chí sĩ thuộc thế hệ trước. Chuyện tù đày gian lao với Phan Bội Châu thì:
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
Còn với Phan Chu Trinh thì:
Gian nan chỉ kể chuyện con con.
Ấy là tâm trạng lạc quan trước nguy hiểm, tù đày, gian khổ của những người chấp nhận dấn thân vào con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Đây là con đường đầy nước mắt, đầy máu; là cái giá phải trả để có được độc lập và tự do. Không mang tâm trạng lạc quan trước gian khổ, nguy hiểm thì ít ai thành công, thành danh được.
Trước cái chết vẫn lạc quan không run sợ thì sống với “cháo bẹ, rau măng” cũng đã sang lắm rồi! Ngày trước, sau khi thôi làm quan, Nguyễn Trãi đã về Côn Sơn tìm vui với trúc, thông và với suối mát. Trong:
Nghìn mẫu xanh chen chúc
Ta đủng đỉnh ngâm dưới gốc
Hỏi ai sao chẳng sớm quay về
Nửa đời vui mãi trong lầm tục
Muôn chung chín vạc để làm gì?
Cũng là vui thú lâm tuyền nhưng cái vui của Hồ Chí Minh khác xa cái vui của Nguyễn Trãi. Khái quát về sự khác biệt ấy là: với Nguyễn Trãi, vui thú lâm tuyền sau khi đã hoàn thành sự nghiệp khởi nghĩa chống quân nhà Minh, sau đó làm quan, và rồi xa lánh đời “lầm tục”; còn với Hồ Chí Minh thì vui thú lâm tuyền lúc mới khởi nghĩa chống Pháp, đang trực tiếp lãnh đạo các lực lượng chống lại chủ nghĩa thực dân.
Tức cảnh Pác Bó, một bài thơ tứ tuyệt có ngôn ngữ giản dị; dễ hiểu và gợi những hình ảnh rõ ràng về sự khó khăn, gian khổ trong những ngày đầu cách mạng của một lãnh tụ. Âm điệu của bài thơ, nhất là những từ cuối của mỗi câu kết hợp với ngữ nghĩa của toàn bài khiến người đọc cảm nhận được sự thỏa mái, chấp nhận cảnh sống khó khăn lúc bấy giờ vì lý tưởng cao quý mà nhà thơ đang cố thực hiện. Hẳn nhiều người đọc cũng học được bài học lạc quan ở bài thơ này.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh 15
Trong tim mỗi con người Việt Nam ta không bao giờ có thể quên được những cống hiến, hi sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc mình. Bác không chỉ dạy chúng ta sống ở trên đời sao có ích, Bác còn để lại nền văn học Việt Nam ta những bài thơ hay đặc sắc. Tiêu biểu trong những bài thơ ấy phải kể đến bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Người.
Ba câu thơ đầu thể hiện được cuộc sống sinh hoạt của Hồ Chí Minh ở Pác bó. Nơi đây không có những món ngon vật lạ, không trang hoàng lộng lẫy như phủ chúa xưa mà nơi đây chỉ có những món ăn thiên nhiên luôn sẵn có:
Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Buổi sáng thức giấc, Người ra bờ suối trong lành, tối Người lại trở về hang sâu. Nơi đây Người làm bạn với thiên nhiên, ăn ở với thiên nhiên hòa mình vào thiên nhiên mà sống chan hòa. Thức ăn hàng ngày của một vị lãnh tụ là cháo bẹ và rau măng. Những thứ ấy không xa xỉ nhưng luôn sẵn có.
Điều đó cho thấy được sự thanh cao đạm bạc trong cuộc sống của Người. Nơi hang tối ấy Người vẫn không ngừng làm việc để tìm những bước tiến cho cách mạng nước nhà. Chẳng có bàn lim ghế gỗ, Người ngồi trên bàn ghế đá chông chênh để dịch sử Đảng. Ở đây ta thấy được một cuộc sống thanh bình không bom đạn, giản dị nhưng thanh cao, khó khăn mà yên bình không tiếng súng.
Sống trong hoàn cảnh ấy, Người không những không chán nản mà còn cho đó là “sang”: Cuộc đời cách mạng thật là sang. Đối với Người như vậy là quá sang rồi bởi vì ở ngoài kia Người biết còn có hàng trăm nghìn người không có gì để ăn, những đứa trẻ khát sữa, những người mẹ nhịn đói cho con ăn, những người bà còng lưng gồng gánh, những người lính ăn bữa này nhịn bữa kia.
Bài thơ chỉ vỏn vẹn có bốn câu thôi nhưng đã thể hiện được cuộc sống của Hồ Chí Minh nơi pác Bó. Đồng thời qua đó ta cũng cảm nhận được vẻ đẹp trong nhân cách của Người, giản dị đạm bạc và thanh cao.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh 16
Đây là một bài thơ hay, nhưng có nhiều cách hiểu, từ đó có những cách phân tích không giống nhau. Bản thân mỗi cách hiểu và phân tích khó tránh được sự không nhất quán trong quá trình lĩnh hội hình tượng thơ. Cách phân tích sau đây cũng là một trong những con đường tiếp cận, với hi vọng không mắc lại những thiếu sót không nên có vừa nêu.
Chủ đề, tư tưởng của bài thơ rất dễ nắm bắt. Ấy là tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác Hồ trong cuộc sống cách mạng đầy gian khổ ở Pác Bó. Nhưng chủ đề ấy, tư tưởng lớn ấy được thể hiện trong bài thơ như thế nào lại là điều không dễ chỉ ra cho thấu đáo, cho hợp lí hợp tình. Nên chăng là khi phân tích bài thơ này phải đi theo hai bước:
Ở bước thứ nhất, khai thác khía cạnh gian khổ mà Người đã trải qua trong bước đầu "nhóm lửa" ngọn lửa cách mạng từ cái nơi tăm tối, hoang vu. Tập hợp các chi tiết một cách hệ thống theo khía cạnh này ta thấy: ở thì ở suối, ở hang ("Sáng ra bờ suối, tối vào hang"). Không gian và cả thời gian chật chội, quẩn quanh, đơn điệu. Còn gì gò bó cho bằng những ngày, những tối, những tháng, những năm mà con người vốn phóng khoáng, tự do phải chịu cảnh nhàm chán không chịu đổi thay với hang, với suối quen thuộc đến trơ mòn. Sự tù túng hiện lên ở bài thơ và nhịp thơ. Riêng vể nhịp thơ có sự cứng nhắc, uể oải như cần một cái vươn vai mà không thể vươn vai. Tiếp đến là điều kiện ăn uống hằng ngày:
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Về câu thơ này có hai cách hiểu khác nhau. Theo cách hiểu thứ nhất: dù có phải ăn cháo bẹ, rau măng rất khổ nhưng tinh thần vẫn sẵn sàng. Còn cách hiểu thứ hai: trong hệ thống cả ba câu đầu, câu thứ hai toát lên cảm giác thích thú bằng lòng. Do hai cách hiểu này chúng ta buộc phải có cách hiểu thứ ba, vì với hai cách hiểu trên tuy khác nhau về nội dung mà giống nhau: nó không dựa trên sự nhất quán về phương pháp khi lĩnh hội một hình tượng thơ, rất dễ gây ra hiểu lầm và nhất là hiểu không toàn vẹn. Bởi nếu lúc nào dù gian khổ đến đâu Bác cũng sẵn sàng, hơn thế còn "thích thú, bằng lòng" thì thử thách mà Người phải vượt qua, phải trải nghiệm là ở đâu ? Bởi nói đến ăn, đến ở, so với cái tiêu chí vừa nêu (cũng là mơ ước của nhiều người) nó là những đối cực. Vậy hiểu câu thơ thứ hai như thế nào ? Với cách hiểu thứ ba - mà khi phân tích câu đầu chúng ta đã nhập cuộc, câu thứ hai, trên ý nghĩa là hình tượng nên hiểu là những thiếu thốn điển hình. Thôi thì, trong điều kiện nào đó không có đủ thực phẩm cao sang cũng phải có cháo, có rau, nghĩa là chất tinh bột của gạo và rau xanh hái ở vườn nhà như câu thơ của Nguyễn Khuyến:
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
(Bạn đến chơi nhà)
Nhưng cháo ở đây là cháo bẹ. Bẹ nghĩa là ngô, vốn không phải thức ăn quen thuộc đối với người miền xuôi, còn riêng Bác lại vừa về đến nước, có lẽ càng khó ăn hơn. Cháo bẹ đã không ngon, không đủ chất, còn không đủ no. Cháo ấy trộn với rau hay ăn nó với rau (chỉ một thứ rau măng) thì dù đói đến đâu cũng còn gì hào hứng nữa. Vậy thì hai chữ sẵn sàng ở đây, không nên hiểu là quá dư thừa, cần đến có ngay chưa một lần thiếu thốn, mà nên hiểu: nói thì nói đùa vui thế thôi, hóm hỉnh thế thôi, nhưng thật thì không một cái dạ dày nào có khả năng chấp nhận.
Thiếu thốn như thế tưởng đã đến mức điển hình, hoá ra không phải. Không những hai điều kiện sống là ở và ăn vừa nói, phương tiện làm việc của Bác lại chẳng ra sao:
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Bàn đá, đá ở đây là đá núi, đá tự nhiên đâu phải đá xẻ, đá đã được mài, nó còn thô ráp, gồ ghề, lồi lõm. Lấy đá ấy - dù hòn đá nhặt được tốt nhất để làm bàn, không hiểu Bác viết ra sao ?
Đặt ba điều ấy vào trong cùng một hệ thống, mới thấy sự nghiệp cách mạng mà Người chèo lái gian nan biết chừng nào. Hiểu như vậy mới thấy những hi sinh, từ những chuyện nhỏ nhặt nhất trong thời gian dài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi Bác cũng là người, trên một phương diện, cũng bình thường như tất cả chúng ta nghĩa là biết đói, biết rét, biết thiếu thốn, ấy là chưa kể những chông gai mà Người đã vượt qua trên con đường cách mạng. Nhưng kì lạ thay, câu kết bài thơ không đi về hướng ấy:
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Sang ở đây là sang trọng, cao sang, nghĩa là rất đủ đầy, rất cao quý. Con người ở vào hoàn cảnh cao sang, nhất là "thật là sang" thì hạnh phúc có thể coi là đã đến mức tột độ. Vậy mối liên hộ giữa mạch thơ gian khổ tột cùng kia với câu kết, với chữ "sang" như thế nào ? Có lẽ nên hiểu chữ "sang" và ý câu kết nghiêng về phía trí tuệ, phía tinh thần được lọc chất ra từ chính chặng đường gian khổ ấy. Sở dĩ Người cảm thấy nó "thật là sang" là bởi vì nó là "cuộc đời cách mạng", được cống hiến cho cách mạng. Với những người cách mạng, nhất là những người dẫn đường như Bác ("Người đi trước nghìn sương muôn tuyết - Dắt dìu dân, nước Việt Nam ta" - Tố Hữu, Ba mươi năm đời ta có Đảng) thì gian khổ, khó khăn là sự trả giá, nói như Nguyễn Trãi: "Khó khăn thì mặc có màng bao". Gian khổ thiếu thốn tột cùng mà bảo là "sang" chính vì lẽ đó. Thử so sánh hai hoàn cảnh sống: ở Pác Bó, Việt Nam và hơn một năm sau đó, gần 30 nhà ngục ở Quảng Tây, Trung Quốc dưới thời Tưởng Giới Thạch, điều kiện tinh thần tuy hoàn toàn khác nhau, nhưng về vật chất, hoàn cảnh sống của Người không hơn là mấy. Nói như thế mà thương Bác vô cùng, hiểu Bác vô cùng. Trong gian truân, Người đâu nghĩ đến bản thân mình. Nghĩ đến sự nghiệp của cách mạng, của đất nước mà Người vui, nhất là tin, tin về thời cơ giành độc lập đang tới gần.
Vậy nhãn tự của bài thơ nên đặt ở chữ sang hay đặt ở cụm từ "cuộc đời cách mạng" ? Bởi "cuộc đời cách mạng" mới là bản lề khép mở bài thơ. Nó vừa đúc kết, chiêm nghiêm vừa là sự sang trang. Cách nói này không phải là cách nói cho vui theo hệ thống ý nghĩa được phân tích ở trên mà là những cảm nhận có thực ở Người. Khẩu khí này khác hẳn với những câu thơ Người viết hơn một nãm sau đó như "Ăn cơm nhà nước ở nhà công" hoặc "Rồng uốn vòng quanh chân với tay", trong Nhật kí trong tù. Bởi lẽ cái thiếu thốn đọa đày nơi tù ngục với Người là một thứ cực hình tra tấn, còn ở bài thơ đang phân tích, nó lại là một niềm vui, nguồn cảm hứng thi nhân.
Từ câu thơ thứ tư với ý nghĩa như một chiếc bản lề như đã nói, cần phải nhìn lại bài thơ. Đây là bước thứ hai. Cái sang ở đây bước sang một phạm trù khác: cái hùng, cái đẹp chuyển sang dạng đùa vui, hài hước, một hình thái thư giãn của cơ thể, của tâm hồn. Có những bài thơ sau này Bác làm với một giọng đùa vui như:
Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay,
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày.
(Cánh rừng Việt Bắc)
Cái ý vị đùa vui xuất hiện trong suốt cả bài thơ tạo ra một ý nghĩa kép cho từng câu thơ, có lẽ chính vì vậy đã có không ít người nhầm lẫn. Quả thật thế, hãy trở lại từ đầu:
Sáng ra hờ suối, tối vào hang,
Câu thơ tự vịnh về mình thật ung dung, tự tại: muốn ờ đâu thì ở, muốn đi đâu thì đi, kiểu "Non nước dạo chơi tuỳ sở thích" (Nhật kí trong tù) hoặc "Non xanh nước biếc tha hổ dạo" (Cảnh rừng Việt Bắc). Câu thơ như động tác co duỗi tự nhiên, thay đổi không khí hằng ngày chẳng có gì gò bó cả. Con người trong hoàn cảnh ấy là con người tự do. Sẵn sàng chấp nhận, sẵn sàng sống, sẵn sàng vui, cũng như "cảm giác thích thú, bằng lòng" là trên ý nghĩa tinh thần ở hệ thống thứ hai của cùng một hình tượng, của chủ thể trữ tình. "Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng" thật thoải mái, thậm chí thật hồ hởi vì nó rất vô tư: cần ăn là có, như "Khách đến thì mời ngô nếp nướng - Săn về thường chén thịt rừng quay" (Cảnh rừng Việt Bắc). Cái khác thường thành cái ngày thường, cái bình thường là giọng thơ nói trạng, đùa vui để quên đi cái thiếu thốn, cái gian nan mà hằng ngày đối mặt. Con người Hồ Chí Minh là thế: trang trọng và vui đùa tùy nơi tùy lúc đã đành, có khi một câu nói của Người mang cả hai ý nghĩa ấy. Hiểu như thế khi nói về ăn, ở, sinh hoạt được người nghe dễ dàng chấp nhận, đồng tình. Nhưng còn khi làm việc, nhất là khi làm việc lớn như chuyển ngữ từ tiếng Nga sang tiếng Việt cuốn sách cẩm nang Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô cho các đồng chí của mình thì sao ?
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Một công việc với ý nghĩa cực kì lớn lao, quan trọng, cần phải bao nhiêu ý chí, nghị lực, tài năng, hoàn toàn đối lập với cái "bàn đá chông chênh" tạm bợ. Không thể làm như thế, không ai làm như thế, nhưng Bác vẫn làm như thế, mà có sao đâu ? Công việc vẫn hoàn thành, âu cũng là một điều thú vị, thật vui đấy chứ, vui như cái cách ăn ở hằng ngày của "cuộc đời cách mạng". Có người cho rằng ở bài thơ này và một số bài thơ khác, Hồ Chí Minh có cái thú "lâm tuyền" (thích nơi rừng suối như những ẩn sĩ thời xưa). Cách hiểu đó ở đây không hoàn toàn đúng ít nhất trong bài thơ này, Bác chỉ là một con người, nhất là một con người cách mạng. Làm gì có chỗ cho sự nghỉ ngơi, lánh đời, thưởng ngoạn. Nếu có bằng lòng hay thích thú đi chăng nữa là với con người cùng với hai tư cách vừa nêu, và cũng vì hai tư cách vừa nêu mà hình tượng thơ mới trở nên lấp lánh, sinh động, tạo nên cảm hứng nghệ thuật dồi dào cho người đón nhận nó.
Nếu cần nói thêm về nghệ thuật thơ Đường thì Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ rất đúng niêm luật có lẽ bởi ý nghĩa thứ hai là nói chơi, còn ý nghĩa đầu tiên vẫn là nói thật. Tính nghiêm túc của bài thơ phải chăng là sự phản ánh nghiêm túc những đòi hỏi có thật của cuộc đời đối với con người cách mạng. Nhưng một khi đã đáp ứng được nó, trụ vững trước nó thì ai cấm cái quyền nói chêu của người đã biết tự rèn luyện mình và vượt lên tất cả ?
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh ngắn gon nhất 17
Hồ Chủ tịch của chúng ta không chỉ được biết đến là nhà chính trị gia, người anh hùng vĩ đại trên mặt trận, luôn anh minh, tài ba, mà còn là một nhà thơ. Trong kho tàng văn học Việt Nam thật đồ sộ, trong đó sự đóng góp của Bác cũng không nhỏ, các tác phẩm ấy được ghi nhận, là những áng văn hay để đời. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó là bài ca về tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống, đầy lạc quan trong hoàn cảnh khó khăn thể hiện được phong cách sống của người chiến sĩ, thể hiện được vẻ đẹp phong cách nghệ thuật thơ Hồ Chí Minh.
Được sáng tác trong thời kì Bác trở về sau bao nhiêu tháng năm ròng rã bôn ba tìm đường cứu nước, quay về ở tại căn cứ của quan trọng của đất nước (Pác Bó - Cao Bằng) vị trí ấy bí mật để Bác trực tiếp lãnh đạo cách mạng.
Bài thơ chỉ gói gọn trong 4 câu, thể thơ Bác chọn để gửi gắm tâm tình là thơ thất ngôn tứ tuyệt. Nhan đề bài thơ có thể thấy được tâm trạng mà người viết muốn gửi gắm suy nghĩ nhất thời qua những câu thơ tả cảnh thiên nhiên.
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang!”
Đọc 4 câu thơ ta đã tái hiện trong chúng ta là một khung cảnh khác xa với thứ nơi thủ đô, thành thị, không có tiếng xe cộ ồn ào. Mà Bác đang ở nơi rừng núi, yên tĩnh, tâm hồn con người cũng thoải mái cùng hòa với thiên nhiên, nhưng cùng với sự khó khăn, sự thiếu thốn vây quanh, giọng thơ của Bác vẫn cất lên đầy lạc quan yêu đời, dường như ở đây chỉ gồm sự đơn giản trong hoạt động sinh hoạt thường nhật, niềm vui được sống ở nơi đây. Câu thơ mở đầu dẫn ta đến gần với nơi Bác đang sống, không gian “bờ suối”, “vào hang”, thời gian được mở rộng “Sáng”, “Tối”, Bác của chúng ta thì hoạt động như mọi việc làm quen thuộc như thời khóa biểu “ra”, “vào”. Quy luật ấy tuy nhàm chán nhưng cũng vẫn thể hiện được phần nào sự chủ động trong chốn đầy tự nhiên ấy là tác phong người chiến sĩ cách mạng, chủ động trong cách chọn địa điểm hoạt động thông minh trong khoảng thời gian khi cách mạng nước nhà mới bắt đầu được khởi phát, Bác phải chọn nơi bí mật làm chính sự gây dựng phong trào, phải bí mật và đầy thử thách.
Ở các câu tiếp theo, sự thiếu thốn còn thể hiện trong ở cả đồ ăn để nạp năng lượng cho người chiến sĩ làm việc, nơi đây chỉ có “cháo bẹ”, “rau măng”. Cụm từ “vẫn sẵn sàng “ở đây khá hóm hỉnh một chút, còn được dùng với hai ý nghĩa rõ ràng đó là dù ở đây chỉ có ít lương thực, nhưng sản vật của núi rừng đặc trưng riêng của Pác Bó vẫn luôn đầy đủ, phục vụ Bác. Trên tất cả vẫn thấy được sự lạc quan, vượt mọi khó khăn gian khổ sống đúng với tác phong của người vẫn giản dị, không cầu kì, đầy sự yêu đời. Tình thần cách mạng dù vậy vẫn không dừng lại vẫn hăng say, nhiệt thành. Hồ Chí Minh với tâm thế “luôn sẵn sàng”, luôn biết tự suy nghĩ, và sống vì mục tiêu của Đảng, của đất nước chứ khác hẳn với các vị danh nhân thời xưa phải mai danh ẩn tích kìm hãm, quên đi việc chính trị khó khăn. Vì vậy mà câu thơ tiếp đây mới đầy ý nghĩa thoát ra:
“Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”
Bác ta vẫn hăng hái như vậy, dù vất vả nhưng ý chí vẫn kiên cường, sự hy sinh quên mình để nghiên cứu con đường giúp cho cách mạng thắng lợi. Một câu mà ta tâm đắc nhất trong toàn bài đó là:
“Cuộc đời cách mạng thật là sang”
Từ “sang” không hề có ý nghĩa mỉa mai, châm biếm mà lại là sự vinh hạnh cho Bác một nét rất đặc trưng của cách mạng Việt Nam tuy hiện tại khó khăn nhưng ta vẫn tìm được “thức ăn”, “phong cảnh” phù hợp với mình. Đâu đó vẫn là sự tự chủ của con người vượt lên tất cả trở ngại trước mắt, sống theo kiểu khác đi cuộc đời nó vẫn là “sang”. “Sang” trong lòng vì ở đâu đó niềm vui vẫn xuất hiện vì đơn giản người hiểu mình đang được sống và lãnh đạo cách mạng trên quê hương mình, Người vẫn luôn tin tưởng một thắng lợi sẽ thật gần.
Với tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu cuộc sống, sự dung dị thể hiện trong toàn bài mà bài thơ trở nên gần gũi mà đẹp đẽ. Thơ Bác giúp chúng ta học hỏi được từ nó tinh thần lạc quan, yêu đời, biết sống và theo đuổi lý tưởng cao đẹp. Một bài thơ cũng là một bằng chứng cho sự khó khăn của cách mạng thời mới thành lập. Càng thêm yêu quý khâm phục vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta và “Việt Nam luôn đẹp nhất vì có tên Người” !
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh 18
Sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, đầu năm 1941, chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật về tới Pác Bó, Cao Bằng. Giây phút thiêng liêng và cảm động ấy đã được nhà thơ Tố Hữu ghi lại:
Ôi sáng xuân nay, xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về... Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...
(Theo chân Bác)
Từ đó hang Pác Bó đã trở thành nơi sống và hoạt động bí mật của Người. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó được Bác Hồ viết vào tháng 2 năm 1941 theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang!
Bài thơ phản ánh hoạt động phong phú, sôi nổi, phong thái ung dung tự tại và tinh thần lạc quan cách mạng của người chiến sĩ vĩ đại trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ.
Câu thơ mở đầu gợi lên cuộc sống hoạt động bí mật của nhà thơ vào những ngày đầu mới về nước. Hai vế tiểu đối đầy ấn tượng:
Sáng ra bờ suối / / tối vào hang.
Câu thơ có thời gian, không gian và hành động. Thời gian là sáng và tối; không gian là suối và hang; hoạt động là ra và vào. Một hoạt động đã trở thành nề nếp, từ sáng đến tối, từ suối đến hang, ra đến vào. Khi cách mạng còn trứng nước, hoạt động chính trị gây dựng phong trào là chính, còn bí mật và nhiều khó khăn, người chiến sĩ vĩ đại của dân tộc đã sống và làm việc: “Sáng ra bờ suối, tối vào hang”. Quy luật vận động ấy thể hiện một tinh thần làm chủ hoàn cảnh rất chủ động và lạc quan.
Câu thơ thứ hai, ba chữ vẫn sẵn sàng có hai cách hiểu khác nhau rất lí thú. Cách hiểu thứ nhất là: Cháo bẹ rau măng nhưng sẵn có, đủ dùng ở nơi suối hang này. Đằng sau vần thơ là nụ cười của một con người sống trong gian khổ khó khăn nhưng vẫn lạc quan yêu đời. Sau này, ý thưởng giàu có hào phóng ấy, được Người nhắc lại trong bài Cảnh rừng Việt Bắc đầu xuân 1947.
Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
Săn về thường chén thịt rừng quay.
Non xanh nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say...
Vẫn sẵn sàng, tha hồ dạo, mặc sức say,... là những cách nói hóm hỉnh và yêu đời.
Cách hiểu thứ hai: Mặc dù thiếu thốn khó khăn, phải ăn cháo bẹ rau măng, nhưng tinh thần cách mạng vẫn hăng say, vẫn nhiệt tình. Gian khổ biết bao, nhưng với tinh thần vẫn săn sàng, Người vẫn bền bỉ sáng niềm tin nhóm lửa:
Ai hay ngọn lửa trong hang núi
Mà sáng muôn lòng, vạn kiếp sau!.
(Theo chân Bác)
Khác với người xưa công thành, thân thoái, mai danh ẩn tích ở chốn núi rừng, Hồ Chí Minh đã sống và chiến đấu vì một lí tưởng cao đẹp.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng.
Đất nước cần, Bác viết Đường cách mệnh. Phong trào và cán bộ cần, Người dịch sử Đảng. Hình ảnh bàn đá chông chênh không chỉ nói lên khó khăn thiếu thốn chồng chất mà con biểu lộ tinh thần phấn đấu hi sinh vì sự thắng lợi của cách mạng.
Câu cuối bài thơ đọc lên nghe rết thú vị. Một câu cảm thán vang xa:
Cuộc đời cách mạng thật là sang!
Sang nghĩa là sang trọng, cao sang. Một cách nói, một lối sống, một quan niêm nhân sinh và ứng xử tuyệt đẹp. Vượt lên trên gian khổ, khắc nghiệt là sang. Chỉ có cháo bẹ rau măng, chỉ có bàn đá chông chênh mà vẫn sang. Sang vì lạc quan tin tưởng về con đường cách mạng đánh Nhật đuổi Tây nhất định thắng lợi. Sang vì lí tưởng, vì đời sống tâm hồn phong phú, vì ung dung tự tại. Nhà thơ Tố Hữu đã có vần thơ rất hay nói về cái sang của Bác Hồ kính yêu:
Mong manh áo vải hồn muôn trượng,
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
(Bác ơi)
Tức cảnh Pác Bó là một bài thơ hồn nhiên, giản dị mà sâu sắc, đẹp. Thơ là tâm hồn, là cuộc đời, là cách ứng xử của Bác Hồ. Bài tứ tuyệt viết về Pác Bó đã vượt qua một hành trình 60 năm. Nó như một chứng tích lịch sử về những ngày tháng gian khổ của cách mạng Việt Nam và của lãnh tụ nơi suối lạnh hang sâu đầu nguồn. Nó gợi lên trong lòng mỗi chúng ta bài học về tinh thân lạc quan yêu đời, biết sống và hướng về một lí tưởng cao đẹp.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh hay nhất 19
Tháng 2 năm 1941, sau ba mươi năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài tìm đường giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Người sống và làm việc trong những điều kiện hết sức gian khổ.
Mùa xuân, trời vẫn còn rét, Bác đã ngoài năm mươi tuổi mà phải sống trong một cái hang rất nhỏ, muốn ra vào phải trèo lên chui xuống, tăm tối và ẩm ướt được gọi là hang Cốc Bó, thuộc thôn Pác Bó, huyện Hà Quang, tỉnh Cao Bằng. Đời sống vật chất rất kham khổ, thỉnh thoảng mới được ăn cơm, còn toàn cháo ngô, rau măng ... Hàng ngày, Bác từ hang xuống bờ suối làm việc ở một chiếc bàn đá thiên tạo gồm những viên đá chồng lên nhau trông giống một cái bàn. Không chỉ lãnh đạo cách mạng chung, Bác còn phải trực tiếp tham gia biên soạn tài liệu huấn luyện cán bộ. Một trong những tài liệu ấy là cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô mà Bác dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Thời kỳ này, cách mạng Việt Nam đang ở giai
đoạn chuẩn bị lực lượng, chờ thời cơ lớn để giành độc lập tự do cho đất nước
Với một tinh thần lạc quan, một nụ cười hóm hỉnh, tươi vui, Bác Hồ đã làm thơ về những ngày gian khổ đó với những cảm xúc giản dị, ngôn ngữ, hình ảnh mộc mạc, gần gũi:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Với hai câu thơ đầu, một không gian, thời gian được mở ra. Câu thơ tả sự đi lại, sinh hoạt hàng ngày của Bác ở Pác Bó, một cuộc sống không chỉ cần giữ bí mật mà còn rất vất vả, ở thì ở hang, làm việc thì bêa suối. Lời thời cân đối, đều đặn: sáng tối, ra, vào, ra suối, vào hang: Sự đều đặn dó thể hiện một nếp sông, một thói quen trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Cháo bẹ là cháo ngô, rau măng là loại măng rừng dùng làm thức ăn. Thật đạm bạc, sơ sài. vẫn sẵn sàng: có thể hiểu là cháo bẹ rau măng lúc nào cùng đủ đầy, cần là có ngay, hoặc: dù cháo bẹ rau măng (ý nói gian khổ) nhưng tình thần cách mạng vẫn luôn sẵn sàng. Câu thơ toát lên niềm lạc quan với nụ cười hồn nhiên vượt lên trên gian khổ, khó khăn.
Có một phong vị cổ điển truyền thống ẩn sau nụ cười hồn nhiên đó. Nghệ thuật trào lộng để cười cợt khinh khi những thiếu thốn về vật chất đã từng có trong thơ cổ khi Nguyễn Khuyên viết:
Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Hay khi Nguyễn Bỉnh Khiêm tự hào về cuộc sống vật chất đơn sơ, giản dị:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Nụ cười vượt lên trên gian khổ ấy là nét truyền thống lạc đạo vong bần của không ít nhân sĩ bao đời, những con người có tâm hồn thẳng ngay, trong sạch, tự nguyện rời bỏ thế sự, quay lưng lại chốn công danh đầy rẫy xấu xa trở về với thiên nhiên, cây cỏ, ruộng đồng, để giữ trọn tấm lòng thanh cao của mình. Từ chối cái sang giàu mà nhơ bẩn để lấy cái nghèo túng mà trong sạch, hay nói cách khác, đổi cái giàu về vật chất để lấy cái cao sang về đạo lí, tinh thần. Chính cái cao sang về tinh thần đã khiến người xưa ngạo nghễ, khinh thường cái nghèo về vật chất.
Không rời xa truyền thống đó, Bác Hồ của ta vui với cái nghèo của cuộc đời cách mạng, bởi cuộc sống vật chất hiện tại của Bác, có đơn sơ, khó khăn đến mấy nhưng cuộc sống tinh thần lại là cuộc sống lí tưởng, cuộc sống vì tương lai dân tộc, một lí tưởng cao đẹp khiến con người có thể bất chấp vui đùa với gian khổ, khó khăn.
Nhưng, dường như hai câu đầu của bài thơ không chỉ ẩn nụ cười với gian khổ mà còn bộc lộ một niềm vui sâu kín, hòa mình với cảnh thiên nhiên phóng khoáng trong một phong thái ung dung, nhàn nhã, tự chủ. Hai câu thơ vừa mang hàm nghĩa thực nhưng tự nhiên còn chứa đựng một ý nghĩa vượt lên trên cái cụ thể: có vẻ đây như là cảnh sống của một kẻ du nhàn chốn rừng núi, đang vui thú với lâm tuyền. Mà đâu phải Bác Hồ chỉ viết một lần về điều đó:
Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hú chim kêu suốt cả ngày
Khách đến thì mời ngô nếp nướng
Săn về thường chén thịt rừng quay ...
Xem sách chim rừng vào cửa đậu
Phê hoa văn núi chiếu nghiêng soi ...
Sự hòa hợp gần gũi với thiên nhiên, với một đời sống giản dị, thanh sạch lại là một nét đặc thù làm tâm hồn phong phú của Bác. Bởi Bác Hồ đã từng khẳng định: ‘kBác chỉ có một ham muốn là nước nhà độc lập, đồng bào ấm no, còn thích thú riêng của Bác thì chỉ muốn một gian nhà cỏ, cuốc vườn, câu cá”.
Người và cảnh hòa hợp tạo nên một nhịp điệu sinh hoạt đều đặn. Từ sự đều đặn ấy toát lên một phong thái tự chủ khiến ta cứ nghĩ Bác sống nơi đây như một khách du nhàn, như một nhà hiền triết, một vị đạo sĩ, một tiên ông ẩn dật nào đó, sáng ra bờ suối hái thuốc, đánh cờ, giảng đạo, chiều lại về hang động tu luyện vậy.
Rồi hình ảnh chiếc bàn đá chông chênh nữa. Nó như là một chi tiết cụ thể làm phong phú thêm khung cảnh chốn thiên nhiên, rừng suối, nơi con người sống, làm việc hòa vào thiên nhiên, nơi con người như nhập hẳn vào thiên nhiên rũ hết bụi trần, chẵng khác gì cái thạch bàn rêu phong của Nguyền Trãi:
Côn Sơn suối chảy rì rầm - Ta nghe như tiếng đàn cầm bẽn tai
Côn Sơn có đá rêu phơi Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
Nhưng Bác Hồ giống mà lại khác Nguyễn Trãi và các bậc dĩ nhân. Giống ' như ở' phong thái ung dung, ở tư cách tiên phong đạo cốt, ở niềm vui thú sống hòa với thiên nhiên, ở sự vượt lên coi thường gian khổ. Khác ở chỗ người xưa lui về chốn lâm tuyền là để lánh xa cõi đời nhơ bẩn, là sự quay lưng với hiện thực, dù sao cũng mang ít nhiều khí vị thoát ly, còn Bác là người cách mạng (người đang tập hợp lực lượng để chống đế quốc phong kiến, giành độc lập tự do cho dân tộc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân), việc ở chốn núi rừng hoàn toàn do điều kiện hoạt động bí mật tạo nên, dù có ở núi rừng nhưng vẫn là đang dấn thân vào hiện thực xã hội, bởi làm cách mạng là tiến hành công cuộc cải tạo xã hội tích cực nhất.
Chính vì vậy, từ khung cảnh rừng suối, từ cảnh rau cháo đơn sơ như của kẻ đang ẩn dật, vui những thú vui xa đời, thoát tục, ý thơ vụt đưa con người sang đời sống hoạt động cách mạng. Bác Hồ đâu phải là ẩn sĩ mà là một chiến sĩ. Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng - Câu thơ khắc họa một dáng tạo hình: Bàn đá chông chênh. Ai đã từng đến thăm Pác Bó, sẽ thấy chiếc bàn đá gồm nhiều viên đá ghép lại này bên bờ suối Lê-nin, là nơi Bác thường làm việc. Lúc này, Bác đang dịch cuốn sử Đảng Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô làm tài liệu huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam. Hai ý trái ngược được đặt bên nhau: Hình ảnh bàn đá chông chênh tạo một thế không ổn định, không vững vàng, còn nhóm từ dịch sử Đảng lại gồm những thanh trắc, mạnh, trầm như rắn đúc lại, chắc như một lời tuyên bố đanh thép. Nghệ thuật đối chọi hình ảnh, âm điệu này rất có công hiệu trong việc thể hiện bản lĩnh tự chủ, tin tưởng vào mình của con người.
Câu thơ cuối là một lời kết thúc vui tươi, hóm hỉnh:
Cuộc đời cách mạng thật là sang
Hóa ra, cuộc đời được trình bày ở trên đã được tổng kết lại: cuộc đời cách mạng, một cuộc đời phải sống trong bí mật, chịu đựng gian khổ, thiếu thốn vô ngần, nhưng khi con người đã sống vì một lí tưởng cao đẹp thì cuộc đời ấy vẫn mang một phong vị đặc biệt: thật là sang. Từ sang vừa có nghĩa là sang trọng, giàu có, vừa có ý nghĩa diễn tả một phong thái vượt lên trên vật chất tấm thường để vươn tới một đời sống tinh thần cao cả đậm phong vị truyền thông. Bởi lẽ, Bác là người hơn ai hết hiểu gian khổ, thiếu thốn, nghèo nàn là hiện tại, còn sang giàu là tương lai, hay nói đúng hơn nghèo là điều kiện vật chất hôm nay còn sang chính là xu thế tất thắng của cách mạng ngày mai.
Bài thơ là nụ cười hóm hỉnh, tươi vui, trong sáng của người chiến sĩ cách mạng, người biết rõ mục đích, chí lớn của đời mình, là nụ cười vui trên gian khổ, coi cái vất vả, gian lao của đời sống cách mạng như đời sống nhàn nhã, ung dung của khách lâm tuyền. Ấy chính là phong thái đặc biệt khó quên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác Bó của Hồ Chí Minh 20
Mảnh đất Cao Bằng, nơi có núi, rừng, sông, suối trải dài hùng vĩ bao la, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, phát xít Nhật đã được Bác Hồ và Trung ương Đảng ta đã chọn làm căn cứ địa cách mạng. Trở về nước sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước, Bác đã đặt chân lên mảnh đất Cao Bằng. Bác sống ở hang Pác Bó trong điều kiện sinh hoạt hết sức kham khổ nhưng Bác vẫn luôn vui vẻ. Sau bao năm xa nước nhà, nay được sống và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước khiến cho lòng Bác thấy vui. Tại đây, trong niềm vui được cống hiến cho công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Bác đã bộc lộ cảm xúc yêu thương, sự lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cách mạng của mình vào bài thơ: “Tức cảnh Pác Bó”.
Bài thơ rất ngắn, chỉ có bốn câu nhưng đã toát lên cảm giác vui thích, thoải mái qua giọng đùa vui hóm hỉnh của Bác.
Mở đầu bài thơ là tinh thần phấn khởi khi làm những công việc hàng ngày, gắn với địa bàn hoạt động:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Câu thơ được ngắt nhịp 4/3 tạo nên sự nhịp nhàng, nề nếp trong sinh hoạt của Bác. Những ngày ở đây là ngày nào cũng đều đặn như vậy, gợi cho ta cảm giác Bác Hồ đã sống thật ung dung hòa hợp với thiên nhiên, với núi rừng.
Câu thơ thứ hai mô tả thức ăn hàng ngày như một nét vui đùa:
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Ở nơi đây, sống giữa rừng núi đại ngàn, cháo bẹ, rau măng là món phổ biến thân thuộc của đồng bào, đồng bào ăn gì, người chiến sĩ cách mạng ăn nấy, không phải là cao lương, mĩ vị nhưng là tấm lòng của đồng bào lúc nào cũng sẵn sàng cùng chia sẻ với người của cách mạng. Con người giản dị của Bác không đòi hỏi gì cao sang. Với Bác dường như trong hoàn cảnh của đất nước, vật chất như thế là đã đủ, vẫn có một tâm thế thoải mái để làm việc:
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Từ láy “chông chênh” gợi hình ảnh Bác ngồi ngay cạnh dòng suối, bàn được chọn từ tảng đá nhẵn nhất, nhưng vì là “bàn” của tạo hóa nên vẫn chông chênh. Trong điều kiện làm việc như thế ta thấy Bác bình thường, giản dị mà phi thường biết bao. Bác ngồi đó ung dung, tự tại, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam.
Cả ba câu thơ đầu thuật tả cảnh sinh hoạt vật chất giúp chúng ta hình dung ra điều kiện ăn ở, sinh hoạt làm việc của Bác trong những ngày ở Pác Bó. Tất cả đều đơn sơ, giản dị, mộc mạc nhưng vẫn toát lên sự nhẹ nhàng, thư thái, sảng khoái trong tâm hồn Bác. Thiên nhiên hiện lên trong thơ Bác thật gần gũi, thân thiết. Bác với thiên nhiên như hòa hợp làm một. Hình tượng Bác ngồi bên suối dịch sử Đảng vừa thực lại như là một huyền thoại của đất nước, dân tộc. Bác lúc nào cũng đau đáu một nỗi niềm lo cho đất nước độc lập, nhân dân được hạnh phúc, ấm no. Hình tượng ấy nổi bật giữa khung cảnh núi non kì vĩ, nơi chính Người đã cùng cả dân tộc viết lên trang sử “đầu nguồn”. Hình tượng ấy thuộc về lịch sử Việt Nam, đi vào lịch sử Việt Nam, khắc vào trái tim của hàng triệu người con Việt Nam. Tâm tư của Bác, tâm thế của Bác, tình yêu quê hương đất nước của Bác khiến chúng ta đồng cảm với Bác trước khẳng định:
Cuộc đời cách mạng thật là sang
Cái “sang” ở đây không phải là sang trọng về vật chất đủ đầy. Cái sang của con người biết làm chủ thiên nhiên, biết bắt thiên nhiên phục vụ mình. Và cái “sang” ở đây được cảm nhận từ tình yêu thiên nhiên vô bờ bến của Bác.
Thơ của Bác giản dị như cuộc đời Bác vậy. Mỗi bài thơ là mỗi chặng đường cách mạng của Bác nên luôn mang hình ảnh non sông, đất nước. Lời thơ hàm chứa những ý nghĩa sâu xa, mang tầm tư tưởng lớn, càng đọc càng thấy toát lên tình yêu quê hương, đất nước hòa quyện trong tình yêu thiên nhiên cùng với tinh thần lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cách mạng của Bác. Bài thơ Tức cảnh Pác Bó là một trong những bài thơ toát lên thần thái đó của Bác.