Giải thích câu ca dao: Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài, Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi

1 - Giải thích câu ca dao Ca dao có câu "Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài …" 

Ngày còn nhỏ, chúng ta thường được ông bà, cha mẹ dạy rằng: "Nhỏ mà không học, lớn mò sao ra."

Hay:

Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài,

Cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi.

Con người ta có khác gì,

Học hành dốt nát ngu si hư đời.

Ý tưởng về việc nếu không được đi học sẽ trở nên dốt nát thật đáng buồn, và hàng ngày, ta thường thấy các trò nhỏ vui vẻ cắp sách đến trường. Hình ảnh này thật ấn tượng đối với trẻ thơ. Tuổi trẻ chúng ta lúc bấy giờ chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là: Làm người phải học. Lớn lên một chút nữa, được đi học, chúng ta biết thêm rằng:

Không thầy đố mày làm nên,

Công danh gặp bước chớ quên ơn thầy.

Yêu kính thầy mới làm thầy,

Những phường bội bạc sau này ra chi.

Như vậy, chúng ta đã hiểu được rằng: Người đang đứng trên bục giảng, đem hết tâm huyết để truyền đạt kiến thức cho hết thế hệ này đến thế hệ khác, chỉ dẫn cho ta vô số điều ta chưa hề biết người đó ta gọi là thầy. Cho nên chúng ta dặn với lòng rằng mình sẽ không là người bội bạc sau này.

Đạo lý trọng ơn người thầy dạy dỗ đã khắc sâu trong lòng mỗi chúng ta, nhất là đối với những người đã từng là đệ tử Nho gia. Làm người, mang nặng ơn sinh thành dưỡng dục, thì bổn phận làm con đối với cha mẹ, ta gọi là đạo hiếu. Còn đối với người thầy dìu dẫn khai sáng đời ta, dạy cho chúng ta bao điều hay lẽ thiệt, cho chúng ta thành đạt sau này, thì bổn phận của người học trò đối với thầy cũng là Đạo: "Tôn sư trọng Đạo."

Hình ảnh của người thầy đối với trò thật thiêng liêng cao quý, nên khi gặp thầy cô, các trò khoanh tay cúi chào trình thưa, vâng dạ, khi thầy vào lớp học trò đứng dậy chào… Tất cả cử chỉ thân thương này trở thành một phản xạ tự nhiên của trò đối với thầy.

Làm người, trừ những bậc thánh nhân sinh nhi tri, có ai trong chúng ta không từng bước chân đến trường mà có được những kiến thức, những hiểu biết trong nhiều lãnh vực để có thể thi cử, đỗ đạt thành danh với đời. Do đó, học đường là môi trường đào tạo con người cả tài lẫn đức, mà thầy là người trực tiếp nhận lãnh sứ mạng cao quý này. Chúng ta muốn biết một quốc gia tiến bộ văn minh như thế nào, ta cứ nhìn nền giáo dục của xứ ấy.

Mỗi chúng ta, sau nhiều năm miệt mài trên ghế nhà trường, đến khi rời khỏi học đường, những kiến thức đã thâu thập được nơi trường học, sẽ chấp cánh cho ta vào đời. Mỗi thành công của ta trên đường đời là kết quả của biết bao công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy. Cuộc đời lôi cuốn chúng ta với quá nhiều hệ lụy, có mấy ai rảnh rỗi ôn lại quảng đời qua, nhớ lại thời niên thiếu mà nghĩ đến ơn thầy, dù rằng ai cũng biết: Không thầy đố mày làm nên.

Nhưng nếu có dịp nào đó, đi ngang qua ngôi trường xưa, chắc hẳn chúng ta không khỏi chạnh lòng. Có một cái gì đó làm cho ta cảm động đến nghẹn ngào. Ý niệm về người thầy không đóng khung trong trường lớp, mà bất kỳ ai đó, đem lại cho chúng ta kiến thức, chỉ dẫn cho ta điều hay, người đó là thầy ta. Người xưa dạy rằng: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư (Một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy).

Hay là: Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên (Ba người cùng đi, ắt hẳn có người là Thầy ta). Nếu có một người tốt, ta sẽ học được nơi người này điều hay, người đó là thầy ta, điều này đúng rồi. Còn nếu có một người xấu, làm những điều không hay, thì đó lại là bài học cho ta xa lánh. Nghĩ cho cùng, họ cũng là thầy ta.

Như vậy, chung quanh ta, từ trong gia đình, bạn bè, học đường, ngoài xã hội, biết bao nhiêu người đem điều ích lợi cho ta, thậm chí cho ta nhiều bài học hay, những người này là thầy ta đó. Như vậy, trong đời ta, có biết bao nhiêu người mà ta phải mang nặng nghĩa ân. Nho gia đã sắp hạng: Quân; Sư; rồi đến mới tới Phụ.

Kinh Sám Hối dạy rằng: Trên lo báo tứ ân trọng đại. Làm người chúng ta mang nặng ơn trời đất háo sanh, ơn xã hội, ơn thầy khai sáng và ơn cha mẹ sinh thành dưỡng dục. Cuộc đời tràn đầy ân nghĩa như vậy, chúng ta có còn thì giờ đâu mà nghĩ đến những điều hơn thua giành giựt.

Ý niệm về người thầy cũng không phân biệt tuổi tác. Điều này thấy rõ ở môi trường đại học. Trò lớn tuổi hơn thầy là chuyện bình thường, nhưng dù tuổi tác giữa thầy trò có chênh lệch nhau bao nhiêu đi nữa thì thầy vẫn cứ là thầy.

Chuyện xưa kể rằng, đời nhà Nguyên bên Tàu (đời nhà Trần bên ta) đây là thời phong kiến trọng nam khinh nữ, nữ giới không được đi học, có một thiếu nữ 16 tuổi, con nhà quan, tài học xuất chúng, cải dạng nam trang lên kinh kỳ ứng thí. Nàng đỗ trạng nguyên và được vua mến tài trọng dụng, phong làm binh bộ thượng thư sau thăng đến thừa tướng. Ở địa vị thừa tướng, vị trạng nguyên trẻ tuổi này thường được nhà vua giao cho nhiệm vụ chánh chủ khảo các kỳ thi tuyển chọn nhân tài. Các kỳ thi nối tiếp nhau, các vị tân khoa, dù có người tuổi đã cao, đáng bậc cha chú đều xem nàng là vị ân sư.

Ở Việt Nam, người dân Việt thấm nhuần giáo lý Nho gia, nên vị trí của người thầy rất được trân trọng. Mãi đến ngày nay, Chu Văn An đời nhà Trần vẫn là khuôn mặt người thầy được người đời sau kính trọng. Làm quan cuối đời Trần, đời Trần Dụ Tôn, đảm nhiệm dạy ở Quốc Tử Giám trong một triều đình đầy dẫy nịnh thần. Thất trảm sớ của Chu Văn An không được vua chấp thuận, ông từ quan trở về quê ở núi Chí Linh mở trường dạy học. Học trò của ông hàng hàng lớp lớp thành danh, đạo đức luôn ngời sáng xứng đáng là môn đệ của Chu gia. Ngoài tài học uyên thâm, và một đức độ hơn người, Chu Văn An còn là một nhà giáo bản lĩnh, không sợ chết, đã hiên ngang giữa chốn triều đình xin chém đầu bảy nịnh thần và từ chối lịnh vua ban phải trở lại Quốc Tử Giám làm chức vụ xưa.

Tháng 3-2003 tại Hà Nội, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội đã tổ chức trọng thể lễ đúc tượng các danh nhân văn hóa Việt Nam. Bốn danh nhân văn hóa Việt Nam được dựng tượng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám gồm Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và Chu Văn An (được gọi là Quốc Tử Giám tư nghiệp). Các vị danh nhân này có công phát triển nền giáo dục Nho học Việt Nam và có công sáng lập trường đại học đầu tiên của nước ta: Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Ngày 19-5 (nhân kỷ niệm ngày sinh Hồ Chủ Tịch), Hà Nội đã khánh thành trọng thể lễ yên vị bốn bức tượng này. Công trình đúc tượng đồng bốn vị danh nhân do các nghệ nhân làng nghề Ngũ Xá thực hiện nằm trong một loạt công trình hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Pho tượng các vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông cao 1m 45, nặng 1,05 tấn, pho tượng tư nghiệp Chu Văn An cao 3m30, nặng trên 3 tấn.

Người xưa, muốn được đi học phải miệt mài gian khổ, tầm sư học Đạo. Soán từ quẻ Sơn Thủy Mông dạy rằng: "Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã."

Phỉ: chẳng phải; Đồng mông: học trò. Câu kinh văn này có nghĩa là: Không phải thầy cầu học trò, mà trò phải cầu thầy, cho dù trò ở ngôi cửu ngũ, đạo lý này nếu không được tôn trọng, bị đảo lộn thì việc học sẽ không có kết quả.

Ngày xưa, Nguyễn Bỉnh Khiêm được vua nhà Mạc là Mạc Đăng Dung trọng dụng. Ông đỗ trạng nguyên và được vua phong là Trình Quốc Công nên được gọi là Trạng Trình. Ông được vua giao trọng trách dạy thái tử Mạc Phúc Hải, vị thái tử đầy kiêu ngạo, luôn luôn có một lũ nịnh thần vây quanh. Những người này luôn luôn bày kế cho Thái Tử hãm hại thầy mình. Nguyễn Bỉnh Khiêm với tài học uyên bác, đức độ hơn người, luôn vững vàng trong tư thế người thầy. Tuy nhiên dù là bậc đế vương, vua nhà Mạc cũng không giữ chân được bậc nhân tài. Cuộc đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm mãi về sau này vẫn là người đem tài cao đức trọng truyền dạy cho các hàng tiếp nối. Các trạng nguyên Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan tài giỏi đều là môn sinh của Trạng Trình. Một tình thầy trò sâu đậm nhất, nặng nghĩa tình đạo lý vẫn là tình thầy trò của vị Vạn Thế Sư Biểu và các môn sinh của mình.

Hơn 25 thế kỷ trôi qua, Đức Khổng Tử đã để lại cho hậu thế một tấm gương đạo đức sáng ngời, một tình sư đệ thanh cao và một nền giáo lý làm khuôn thước mẫu mực trong việc trị quốc tề gia. Khi xưa, học đến cuộc đời của Đức Khổng Tử, chúng ta thường lấy làm tiếc cho các vị vua ở các nước mà Đức Khổng đã đi qua. Tiếc vì các vị vua này, người mải lo chinh chiến, người lo ăn chơi sa đọa, có người lại sợ Đức Khổng Tử đức trọng tài cao lấn áp quyền của mình chăng, nên họ không trọng dụng Ngài. Rốt cuộc Đức Khổng Tử phải trở về quê hương mở trường dạy học lúc tuổi đã về chiều. Các môn đệ của Ngài nối tiếp nhau, người ra làm quan, người nối tiếp sự nghiệp giáo dục của Ngài.

– Ra làm quan: thì đây là những vị quan thanh liêm làm sáng danh môn đệ Khổng gia.

– Mở trường dạy học đào tạo hàng tiếp nối: nhờ vậy mà Nho học được lưu truyền đạo mạch đến ngày nay.

Suy cho cùng, có lẽ chúng ta nên cám ơn các vị vua này không biết trọng dụng Đức Khổng Tử. Bởi vì nếu được trọng dụng, Ngài sẽ bận rộn trên quan trường, làm gì hậu thế chúng ta có được một bộ kinh Dịch hoàn chỉnh và một kho tàng giáo lý đậm đà luân lý tình người.

Đối với Đức Khổng Tử, các môn đệ tôn sùng Ngài như Thái Sơn Bắc Đẩu. Tình sư đệ có khác gì tình phụ tử. Có một lần, một vị quan hỏi Tử Lộ rằng Đức Khổng Tử là người như thế nào? Tử Lộ giận lắm, ngoảnh mặt, không thèm trả lời vì nghĩ rằng thầy mình đức trọng tài cao như vậy mà không biết hay sao?

Một lần nữa, trong lúc chạy loạn ở nước Trần, nước Thái. Thầy trò lạc mất Nhan Hồi. Sách chép rằng vì Nhan Hồi sức khỏe không tốt, không theo kịp bạn. Đức Khổng Tử buồn rầu lo lắng vì nghĩ là Nhan Hồi đã chết. Đến khi gặp lại Nhan Hồi, Đức Khổng Tử rất mừng, Nhan Hồi nói rằng: "Thầy chưa chết, Hồi đâu dám chết."

Một người học trò khác đau nặng, bịnh lây lan, mọi người bạn đi thăm, chỉ đứng ngoài nhìn, không ai dám đến gần. Đức Khổng Tử đến thăm, nắm tay ân cần an ủi. Đến khi Đức Khổng Tử mất, các môn sinh cất nhà bên mộ để tang thầy ba năm. Tử Lộ, Tử Hạ để tang thầy sáu năm.

Ôi! Một bậc Thánh Nhân, bậc Thầy của ngàn vạn năm sau, đứng trong hàng Tam Giáo Đạo Tổ trong thời Tam Kỳ, đã từng khóc khi học trò của mình chết mà than rằng: "Trời đã làm chết ta rồi, Trời đã làm chết ta rồi." (Thiên táng dư, Thiên táng dư.)

Người xưa trọng Thầy, trọng Đạo như vậy, nhờ đó giáo lý Nho gia đã được truyền dạy nhiều ngàn năm nay. Giờ đây, thời kỳ văn minh vật chất tiến bộ, vấn đề đạo lý đã nhạt nhòa đi rồi. Tình thầy trò ngày nay có còn đẹp đẽ như xưa không? Ngày nay, học trò có nhu cầu đi học, cứ nghĩ rằng có tiền bạc sòng phẳng với người dạy mình là đủ rồi. Quan niệm của người đi học đời này giản dị như vậy thì làm gì có nghĩa ân. Chẳng có nghĩa ân thì làm gì có đạo lý.

Người ta đã mất niềm tin vào thanh thiếu niên của thế hệ này, và người ta nghĩ rằng tiền bạc có thể mua được đủ thứ, kể cả việc xen vào chi phối môi trường giáo dục. Làm sao chúng ta có thể tìm lại một tình thầy trò cao đẹp nối tiếp truyền thống tôn sư trọng Đạo. Ngày nào chúng ta cũng thấy nhan nhãn cảnh trò hại thầy qua các phương tiện truyền tin. Người ta cố vực dậy một tình sư đệ như ngày xưa.

Biểu ngữ Tiên học Lễ, Hậu học Văn được đặt một nơi trang trọng nhất ở các trường học. Trong chương trình học, các trò đã được dạy về đạo hiếu, thờ cha kính mẹ, dạy lịch sử nước nhà cùng cội nguồn dân tộc, dạy cả môn công dân giáo dục…

Ngày 20-11 đã được chọn là ngày tôn vinh Nhà Giáo. Trong ngày này, thầy cô giáo nhận được từ học trò các bông hồng thật đẹp. Dù những bông hồng này không bù đắp lại những gì đã mất, cũng không đáp lại trong muôn một sự hy sinh ngày tháng nhọc nhằn của thầy cô. Nhưng đây là tấm lòng của học trò, dù một con én không làm nên mùa Xuân, nhưng chúng ta có quyền hy vọng một tương lai đạo đức của nước non này.

Giờ đây, trong Tam Kỳ Phổ Độ, chúng ta thử có một cái nhìn tổng quát về hiện trạng xã hội ngày nay. Một xã hội văn minh khoa học tiến bộ, lại có quá nhiều thiên tai chiến họa khắp nơi, sinh mạng con người thật mong manh. Trong bối cảnh xã hội phức tạp như vậy, chúng ta thử nhìn lại mình mới thấy mình hạnh phúc đến bực nào. Chúng ta được làm người trong thời Tam Kỳ, là tín đồ của Đức Cao Đài và lại là nhân viên trong bộ máy sau cùng của Thầy. Điều hạnh phúc nữa là chúng ta đang ở thời kỳ Đại ân xá, chúng ta cũng không phải lên non cao rừng thẳm tầm sư học Đạo như người xưa.

Ngày xưa, một Lục Tổ Huệ Năng sáu năm chẻ củi nấu cơm; một Tôn Ngộ Không bảy năm đốn củi tầm thầy cầu Đạo; một Trương Lương ba lần dâng dép mới được Huỳnh Thạch Công nhận làm đệ tử ban trao bí pháp. Người ta cũng nhớ đến một Lưu Bị "tam cố thảo lư" cầu Khổng Minh, hay Châu Văn Vương cầu Khương Tử Nha.

Còn chúng ta giờ đây giác ngộ tu hành gặp được Đạo Thầy và được Thầy dạy: "Mở một mối Đạo chẳng phải là sự thường tình mà sanh nhằm đời gặp đặng một mối Đạo cũng chẳng phải dễ."

Thầy dặn thêm: "Các con coi bậc Chí Tôn như Thầy mà hạ mình đặng cứu rỗi nhơn sanh là thế nào, phải xưng là một vị Tiên Ông và Bồ Tát, hai phẩm chót của tiên phật. Đáng lẽ thế thường phải để mình vào phẩm tối cao tối trọng. Còn Thầy thì khiêm nhượng là thế nào?"

Chúng ta ở thời mạt kiếp tưởng mình trầm luân nơi biển khổ lại được Thầy, nhị vị Tôn Sư (Đức Đông Phương và Đức Lý Giáo Tông) và chư thần thánh, tiên phật cứu rỗi, thương yêu dạy dỗ. Ơn Trên dạy:

"Là môn đệ Cao Đài Thượng Đế,

Phải dặn lòng Phước Huệ song tu."

Thầy dạy: "Thầy nói cho các con hiểu rằng: Muốn xứng đáng là môn đệ của Thầy thì khổ hạnh lắm, hễ càng thương bao nhiêu thì Thầy càng hành bấy nhiêu. Như vậy đáng là môn đệ Thầy thì Bạch Ngọc Kinh mới chịu rước, còn ngã thì địa ngục lại mời."

Chúng ta là những người đang hạnh phúc, cái hạnh phúc này cho dù núi cao, biển rộng cũng chẳng làm sao so sánh được. Vậy, bổn phận ta phải làm gì? Chúng ta hãy là những trò ngoan, một lòng tôn Sư trọng Đạo, chung thân quyết chí tu hành để đến ngày khoa trường ứng thí.

May duyên gặp hội Long Vân,

Thuyền thơ ngọn gió các Đằng xuôi đưa.

2 - Giải thích câu ca dao Ca dao có câu "Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài …" 

Sau lũy tre xanh, trên những cánh đồng lúa chín, nhân dân lao động Việt Nam âm thầm sáng tác nên kho tàng ca dao tục ngữ đặc sắc. Âm điệu mượt mà của ca dao đã đi vào hồn ta từ thuở nằm trong nôi. Đó là tiếng nói tâm tình rất giàu cung bậc. Ca dao không chỉ là tiếng nói trữ tình, là điệu buồn vui trongcuộc sống mà còn là những Lời răn dạy êm đềm giàu sức thuyết phục:

"Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài

Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi"

Quả là một lời vàng ngọc giàu hình ảnh, giàu ý nghĩa về việc giáo dục con người. Chúng ta hãy thử đi vào tìm hiểu ý nghĩa câu ca dao này.

Trước hết, hình ảnh viên "ngọc" gợi cho nghĩ đén một món trang sức rất quý giá, long lanh đẹp mắt. Câu ca dao như gợi ta nghĩ đến một quá trình rèn luyện, mài giũa của người thợ từ lúc viên ngọc còn ẩn trong viên đá thô sơ, tầm thường cho đến khi hình thành được viên ngọc long lanh. Câu ca dao vừa ca ngợi công trình mài giũa ấy, đồng thời giả định nếu không có sự giũa kia thì làm gì hình thành được viên ngọc quý. Như vậy là không có viên ngọc sáng đẹp ấy, viên đá vẫn là viên đá vô dụng.

Câu ca dao ấy gợi cho ta nghĩ về con người. Từ nhỏ, nếu khống qua sự giáo dục rèn luyện của gia đình và nhà trường, ta cũng như viên đá kia. vô dụng mà thôi. Nói cách khác, ta phải coi trọng công lao rèn luyện dạy dỗ của cha mẹ và thầy cô, phải coi trọng công việc tự rèn luyện, ý thức vươn lên của bản thân. Ta phải tự nguyện mài giũa, rèn luyện mình để trở thành viên ngọc sáng, nghĩa là thành con người tốt đẹp về mọi mặt. Tài năng cùa con người cũng vậy, đều phải do tập luyện. Mặc dù "thiên tài bẩm sinh" là do có sẵn, nhưng nếu ta bồi dưỡng, rèn luyện thêm, tài năng ấy tất sẽ ngày càng tinh vi sắc sảo, sẽ vượt bậc, đáng trân trọng. Ngược lại, có được tài năng mà ỷ lại, không quan tâm rèn luyện thi một ngày kia, tài năng cũng bị lụi tàn.

Tương tự như vậy, sự thông minh bẩm sinh và bản chất tốt đẹp của người học sinh quả là viên ngọc sáng chưa được mài giũa. Nếu biết chú trọng việc rèn luyện, mài giũa, bao gồm cả việc tự rèn luyện và thái độ tích cực rèn luyện dưới sự hướng dẫn của cha mẹ và thầy cô, chắc chắn viên ngọc bẩm sinh ấy sẽ sáng lên đẹp đẽ, long lanh, được mọi người yêu quý, tôn trọng. Trái lại, dù thông minh, tôt nết nhưng không qua rèn luyện, lâu dần sẽ thoái hóa, trở thành vô dụng – không còn giá trị ban đầu. Thật là uổng phí!

Câu ca dao trên vừa là một câu lục bát hay, vừa là một bài học sâu sắc khuyên chúng ta không nên chủ quan hoặc lười biếng mà sao nhãng việc rèn luyện bản thân. Ta phải biết phát huy những cái hay, cái đẹp vốn có để đẹp hơn, tốt hơn nữa. Cho đến nay, lời dạy này vẫn vô cùng quý báu nhằm nhắc nhờ ta có ý thức trong việc rèn luyện học tập, tu dưỡng trong đạo đức, nhân cách, đặc biệt là phát huy tài năng sẵn có để góp phần hữu hiệu xây dựng đất nước đàng hoàng to đẹp hơn.