Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 1
Cuộc đời xô đẩy khiến người cha hết mực yêu thương con không cách nào nhìn thấy con lần cuối đã phải rời xa cuộc sống này. Tình yêu con của lão Hạc thật đặc biệt.
Khi một tác phẩm văn học khép lại, không có nghĩa là nó đã kết thúc mà có lẽ nó vẫn tiếp tục sống trong trái tim độc giả với những hình tượng mà tác giả xây dựng. Một trong những tác phẩm có sức sống mãnh liệt như thế là “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao. Dưới ngòi bút của nhà văn hiện thực nhân đạo sâu sắc, nhân vật Lão Hạc đã thực sự gây ấn tượng với người đọc bởi vẻ đẹp nhân cách và cuộc đời quá đỗi đớn đau.
Lão Hạc là một lão nông nghèo nhưng có nhiều phẩm chất tốt đẹp, đáng quý. Nhân vật Lão Hạc là nhân vật điển hình, đại diện cho mỗi tầng lớp người nông dân dù bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều bi kịch nhưng vẫn giữ vẻ đẹp tâm hồn trong sáng.
Cuộc đời lão Hạc là một chuỗi dài bi thảm. Vợ lão mất sớm, một mình lão gà trống nuôi con. Đến tuổi anh con trai lấy vợ thì nhà lão nghèo quá, nhà gái lại thách cao, nên anh con trai không lấy được vợ, phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. Ngày này qua ngày khác, lão mòn mỏi mong con trở về trong cô độc khi không có ai chăm sóc, chỉ có con chó Vàng - kỉ vật của con bầu bạn cùng. Lão sống, trong cái đói nghèo và đơn độc. Đói, nghèo, lão quyết giữ mảnh vườn cho con, nhưng không thoát khỏi bi kịch cuộc đời. Cái đói nghèo khiến lão phải đớn đau bán đi người bạn duy nhất của lão, chỗ dựa cuối cùng của lão – cậu Vàng. Đứng trước sự xô đẩy của cuộc đời và con đường tha hóa, để giữ được tấm lòng thanh sạch của mình, lão phải ăn bả chó tự tử, chết đau đớn, xót xa. Cuộc đời của lão Hạc là một cuộc đời đơn độc, quay quắt trong cái đói nghèo, bị cái đói nghèo đày đọa. Nam Cao đã thông qua cuộc đời nhiều bi kịch đó của lão Hạc để tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến, dồn người nông dân tới bước đường cùng.
Trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống, nhân cách đẹp đẽ của lão Hạc vô cùng nổi bật. Trước tiên là tấm lòng vị tha, nhân hậu. Với cậu Vàng – kỉ vật của con trai lão, lão yêu quí nó như “một bà mẹ hiếm hoi yêu quý đứa con cầu tự”. Lão cưng nựng, vỗ về, vuốt ve nó; cho nó ăn cơm như nhà giàu ăn cơm bát; lão ăn gì cũng không quên phần nó, gắp cho nó một miếng, lão ăn bao nhiêu, nó cũng ăn như thế, thậm chí có phần hơn lão… Lão cũng coi nó như một người bạn, ngày ngày lão tâm sự, trò chuyện với nó như thể nó cũng là một con người.
Với người con trai đã bỏ đi đồn điền cao su, lão yêu thương rất rất nhiều. Chỉ vì nhà nghèo, không cưới được vợ cho con, làm con uất chí, rời quê hương đi đồn điền mà lão tự dằn vặt, ân hận mãi. Lúc con đòi bán vườn cưới vợ, lão không cho vì muốn giữ mảnh vườn cho con, nghĩ nếu cưới vợ mà bán thì về rồi sẽ sinh sống nơi đâu? Nhưng con trai lão không hiểu cho lão. Anh ta bỏ đi, để lại lão ở nhà vò võ chờ con. Lão nghĩ tốt, lo cho tương lai con, nhưng khi con trai bỏ đi, lão lại tự dằn vặt mình, đày đọa mình. Những câu nói lão nói với cậu Vàng chất chưa biết bao nhiêu tình cảm nhớ thương cho con. Lão nói với cậu Vàng nhưng lại giống như nói với con mình. Lão yêu thương con vô bờ bến, làm việc gì, suy nghĩ gì cũng hướng về con trai. Tiền bòn vườn lão để dành cho con, nhẩm tính sẽ có gần trăm đồng bạc, thêm vào cho con cưới vợ và làm kế sinh nhai.
Thế nhưng, trời bắt tội, lão Hạc ốm. Cơn ốm kéo dài buộc lão phải tiêu đến số tiền đã dành dụm đó. Lão đã đau lòng biết bao khi phải dùng vào tiền cho con trai. Không những thế, vừa khỏi ốm, lão đã vội gửi ông giáo mảnh vườn cho con và tiền dành dụm. Thậm chí, lựa chọn cuối cùng của lão, cái chết của lão cũng là vì con. Lão chết không chỉ bởi muốn giữ nhân cách trong sạch mà còn muốn mở ra đường sống cho con lão bởi lão cho rằng sống ngày nào là ăn vào tiền, vào đường sống của con ngày ấy.
Cha mẹ vì con có thể chịu đựng, hi sinh tất cả, nhưng lựa chọn hi sinh cả tính mạng vì con như lão Hạc thực sự là chuyện đặc biệt xót xa. Cuộc đời xô đấy khiến người cha hết mực yêu thương con không cách nào nhìn thấy con lần cuối đã phải rời xa cuộc sống này. Tình yêu con của lão Hạc thật đặc biệt. Nó lặng lẽ trong tâm tưởng nhưng quyết liệt trong hành động. Tình yêu thương ấy quả thực vô cùng cảm động.
Là người cha hết mực yêu thương con, Lão Hạc còn mang trong mình tấm lòng tự trọng cao cả. Lão tự trọng từ với một con chó, với con trai lão, với bà con hàng xóm, với ông giáo và với cả chính bản thân mình. Bán đi một con chó – con vật mà người ta nuôi vốn để bán, để giết thịt mà lão ám ảnh day dứt không nguôi. Lão tự trách mình vì “bằng này tuổi đầu mà còn trót lừa một con chó”, nhớ ánh mắt của cậu Vàng mà dằn vặt không yên. Ngay cả lúc khó khăn tột cùng, lão vẫn từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo. Lão tự chuẩn bị sẵn tiền làm ma cho bản thân, gửi ông giáo, để khi lão có việc thì ông giáo đưa ra, coi như là của lão có chút ít, còn lại thì nhờ bà con hàng xóm cả. Lão làm vậy để không phiền lụy tới ai. Từ đó, lão bòn vườn, mò cua, ốc, trai ăn để sống qua ngày, thà chết chứ không chịu mắc nợ ai. Lão xin Binh Tư ít bả chó để tự tử, để giữ vẹn nguyên tấm lòng trong sáng của lão, từ chối con đường tha hóa, đánh mất nhân cách.
Lão ăn bả chó, vật vã, quằn quại trong đau đớn,… Cái chết của lão đầy xót xa và ám ảnh, nó là biểu hiện quyết liệt nhất cho lòng tự trọng của người nông dân chính trực tuy nghèo nhưng trong sạch. Chết là bi kịch là đớn đau, nhưng đồng thời cũng là con đường giải thoát cho cuộc đời nhiều gò ép, bất hạnh của lão Hạc, tạo nên hình tượng vô cùng đẹp đẽ.
Có thể nói, Nam Cao đã rất thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình, đại diện cho tầng lớp những người nông dân trong xã hội cũ: tuy đói nghèo nhưng có những phẩm chất cao đẹp. Với cốt truyện sâu sắc, phong cách kể chuyện độc đáo, lão Hạc hiện lên là nhân vật vô cùng đẹp đẽ, với tấm lòng và nhân cách đáng trân trọng. Qua cái nhìn của ông giáo – một nhà trí thức, Nam Cao đã gián tiếp thể hiện tấm lòng của mình với người nông dân và đặt ra những vấn đề triết lý nhân sinh sâu sắc. Đặc biệt, tác giả cũng đã sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật khéo léo. Tâm lý lão Hạc được thể hiện qua những hành động, lời nói, nhiều đoạn đối thoại mà như độc thoại. Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng nhiều khẩu ngữ, làm câu chuyện chân thực, sinh động, gần gũi với người nông dân.
Những thành công về nội dung và nghệ thuật, đặc biệt là cuộc đời và vẻ đẹp nhân cách của lão Hạc đã góp phần đưa truyện ngắn cùng tên trở thành một trong số những tác phẩm tiêu biểu của thời đại. Đặc biệt, hình tượng nhân vật lão Hạc đã trở thành hình tượng điển hình, tiêu biểu cho cả một tầng lớp đáng trân trọng của xã hội.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 2
Biểu hiện cao nhất của tình yêu thương con chính là cái chết của lão. Ông lão nông dân nghèo khổ ấy đã tính toán mọi đường: Bây giờ lão chẳng làm gì được nữa… Cái vườn này là của mẹ nó chắt chiu dành dụm cho nó, ta không được ăn vào của nó…
Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc trong giai đoạn văn học 1930 – 1945. Qua nhiều tác phẩm, tác giả đã vẽ nên khung cảnh tiêu điều, xơ xác của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Sự đói khổ ám ảnh nhà văn bởi nó ảnh hưởng không ít tới nhân cách, nhưng trong cảnh nghèo đói thê thảm, phẩm chất tốt đẹp của người nông dân vẫn tồn tại và âm thầm tỏa sáng. Truyện ngắn Lão Hạc thể hiện cái nhìn nhân đạo sâu sắc của Nam Cao. Trong đó, nhân vật chính là một nông dân gặp nhiều nỗi bất hạnh vì nghèo đói nhưng chất phác, đôn hậu, thương con và có lòng tự trọng.
Vợ mất sớm, lão Hạc dồn tất cả tình yêu thương cho đứa con trai duy nhất. Lão sẽ sung sướng biết dường nào nếu con trai lão được hạnh phúc, nhưng con trai lão đã bị phụ tình chỉ vì quá nghèo, không đủ tiền cưới vợ. Thương con, lão thấu hiểu nỗi đau của con khi anh nghe lời cha, không bán mảnh vườn để lấy tiền cưới vợ mà chấp nhận sự tan vỡ của tình yêu. Càng thương con, lão càng xót xa đau đớn vì không giúp được con thỏa nguyện, đến nỗi phẫn chí bỏ nhà đi phu đồn điền đất đỏ mãi tận Nam Kì. Mỗi khi nhắc đến con, lão Hạc lại rơi nước mắt.
Lão Hạc rất quý con chó vì nó là kỉ vật duy nhất của đứa con trai. Lão trìu mến gọi là cậu Vàng và cho nó ăn cơm bằng chiếc bát lành lặn. Suốt ngày, lão thầm thì to nhỏ với con Vàng. Với lão, con Vàng là hình bóng của đứa con trai yêu quý, là người bạn chia sẻ cô đơn với lão. Vì thế nên bao lần định bán con Vàng mà lão vẫn không bán nổi.
Nhưng nếu vì nhớ con mà lão Hạc không muốn bán cậu Vàng thì cũng chính vì thương con mà lão phải dứt khoát chia tay với nó. Lão nghèo túng quá! Lão đã tính chi li mỗi ngày cậu ấy ăn thế bỏ rẻ cũng mất hai hào đấy. Cứ mãi thế này thì tôi lấy tiền đâu mà nuôi được… Thôi bán phắt đi, đỡ đồng nào hay đồng ấy. Bây giờ, tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của con. Tiêu lắm chỉ chết nó! Thế là vì lo tích cóp, giữ gìn cho con trai chút vốn mà lão Hạc đành chia tay với con chó yêu quý. Đã quyết như thế nhưng lão vẫn đau đớn, xót xa. Lão kể cho ông giáo nghe cảnh bán cậu Vàng với nỗi xúc động cực độ. Lão đau khổ dằn vặt vì cảm thấy mình đã đánh lừa một con chó. Nỗi khổ tâm của lão cứ chồng chất mãi lên. Trước đây, lão dằn vặt mãi về chuyện vì nghèo mà không cưới được vợ cho con, thì bây giờ cũng chỉ vì nghèo mà lão thêm day dứt là đã cư xử không đàng hoàng với một con chó. Lão cố chịu đựng những nỗi đau đớn ấy cũng chỉ nhằm một mục đích là giữ gìn chút vốn cho con.
Biểu hiện cao nhất của tình yêu thương con chính là cái chết của lão. Ông lão nông dân nghèo khổ ấy đã tính toán mọi đường: Bây giờ lão chẳng làm gì được nữa… Cái vườn này là của mẹ nó chắt chiu dành dụm cho nó, ta không được ăn vào của nó… Ta không thể bán vườn để ăn… Chính vì thương con, muốn giữ cho con chút vốn giúp nó thoát khỏi cảnh nghèo mà lão Hạc đã chọn cho mình cái chết. Đó là một sự chọn lựa tự nguyện và dữ dội. Nghe những lời tâm sự của lão Hạc với ông giáo, không ai có thể kìm nổi lòng xót thương, thông cảm và khâm phục. Một con người vì nghèo đói mà bất hạnh đến thế là cùng! Một người cha thương con đến thế là cùng!
Không chỉ có vậy, qua từng trang truyện, chúng ta còn thấy lão Hạc là người đôn hậu, chất phác. Suốt đời, lão sống quanh quẩn trong lũy tre làng. Trong làng chỉ có ông giáo là người có học nên lão tìm đến ông giáo để chia sẻ tâm sự. Lời lẽ của lão Hạc đối với ông giáo lúc nào cũng lễ phép và cung kính. Đó là cách bày tỏ thái độ kính trọng người hiểu biết, nhiều chữ của một lão nông. Cảnh ngộ lão Hạc đã đến lúc túng quẫn nhưng lão tự lo liệu, xoay xở, cố giữ nếp sống trong sạch, tránh xa lối đói ăn vụng túng làm càn. Thậm chí, lão kiên quyết từ chối sự giúp đỡ chỉ vì lòng thương hại.
Lão đã chuẩn bị kĩ lưỡng mọi việc. Trước khi chết, lão nhờ ông giáo viết văn tự để giữ hộ con trai mình mảnh vườn và gửi ông giáo 30 đồng để lo chôn cất. Lão không muốn mọi người phải tốn kém vì lão. Rất có thể vì tốn kém mà người ta lại chẳng oán trách lão sao? Không phiền lụy đến mọi người, đó cũng là cách để giữ gìn phẩm giá. Thì ra ông lão có vẻ ngoài gàn dở ấy lại có phẩm chất đáng quý biết nhường nào!
Nhà văn Nam Cao đã giúp chúng ta hiểu được nỗi khổ tâm, bất hạnh vì nghèo đói cùng những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Từ những trang sách của Nam Cao, hình ảnh lão Hạc luôn nhắc chúng ta nhớ đến những con người nghèo khó mà trong sạch với một tình cảm trân trọng và yêu quý.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 3
Lòng tự trọng và đức hi sinh của người cha đã đưa lão đến một quyết định hệ trọng: Chọn cái chết để giữ được mảnh vườn cho con. Tấm lòng ấy của lão đã tác động mạnh mẽ đến nhân vật ông giáo, trở thành một lời hứa thiêng liêng
Nếu ai đã đọc truyện ngắn Lão Hặc của Nam Cao, dù chỉ một lần, cũng không khỏi bị ám ảnh bởi cái chết đầy thương tâm của nhân vật lão Hạc. Hình ảnh lão Hạc vật vã trong cái chết đau đớn, dữ dội cứ xoáy vào tâm trí người đọc, gợi lên trong lòng họ bao nỗi niềm trăn trở, day dứt khôn nguôi.
Sinh rồi tử là quy luật muôn đời của tạo hóa, nào ai tránh được, âu đó cũng là chuyện bình thường. Trong cuộc sống của nhân loại, mỗi ngày có biết bao con người từ giã cõi đời để trở về nơi cát bụi! Phần lớn sự ra đi của họ là phù hợp với quy luật sinh tử của nhân gian. Song cuộc đời đâu chỉ là chuỗi êm đềm và phẳng lặng. Cuộc đời còn đầy đau thương và sóng gió, nên cũng có không ít những cái chết thương tâm.
Đứng trước những cái chết bất bình thường, trái tim nhân hậu của các nhà văn không khỏi bùi ngùi thương xót. Dòng lệ trong tim nhà văn chảy xuống ngòi bút thành những trang văn nấc nở nghẹn ngào. Nam Cao cũng vậy. Trong những sáng tác của ông, ta bắt gặp không ít những cái chết đau thương khiến ta nhức nhối. Từ cái chết của một lão già tự treo cổ mình, lưỡi thè ra ngoài (Lang Rận), đến cái chết lênh láng máu của Chí Phèo (Chí Phèo), từ cái chết bội thực sau một bữa no của một bà lão nhịn ăn đã lâu ngày (Một bữa no), đến cái chết vật vã: "đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc" của Lão Hạc.
Tại sao họ khốn khổ đến như vậy? Sống không yên mà chết cũng chẳng bình thường!
Ta hãy đọc lại đoạn văn Nam Cao mô tả cái chết của lão Hạc: "Lão Hạc đang vật vã trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình đến như vậy. Chỉ có tôi với Binh Tư hiểu".
Đâu phải chỉ có ông giáo và Binh Tư mới hiểu vì sao lão Hạc lại chết đau đớn và bất thình lình như vậy. Chúng ta cũng hiểu. Nhưng tại sao lão Hạc phải tự mình tìm đến cái chết? Phải chăng lão Hạc đã tuyệt vọng với cuộc đời, phải tự mình giải thoát cho mình? Lật giở lại những trang văn của truyện ngắn Lão Hạc, ta càng thấm thía điều đó. Cả đời lão Hạc chưa một lần sung sướng. Cả kiếp người lam lũ, cực nhọc, nghèo khổ, lão cũng chẳng dám kêu ca, phàn nàn, chỉ ngậm ngùi: kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn. Sau cả một chuỗi ngày dài cay đắng và bất hạnh, lão Hạc đã thực sự lâm vào cảnh cùng đường, không còn kế sinh nhai. Cái chết mà lão phải lựa chọn là tất điều tất yếu. Chính cuộc đời và xã hội đã xô đẩy lão tới cái chết. Vì thế cái chết của lão Hạc có ý nghĩa phê phán và phủ nhận xã hội một cách sâu sắc.
Một câu hỏi nữa lại đặt ra trong óc người đọc: nhưng tại sao lão Hạc lại phải chết khi trong tay có tới những 30 đồng bạc và ba sào vườn bán được giá? Phải chăng vì lão gàn dở và ngu ngốc? Không! Lão Hạc không ngu ngốc, càng không gàn dở! Cái chết của lão Hạc xuất phát từ lòng tự trọng của một người cha, của một con người, từ trái tim đầy cao thượng, và đức hi sinh của lão.
Là một con người sớm từng trải, có suy nghĩ nội tâm sâu xa, hơn ai hết, lão Hạc hiểu rất rõ giá trị của 30 đồng bạc mà mình đã chắt chiu dành dụm kia: ăn mãi hết đi thì đến lúc chết thì lấy gì mà lo liệu? Sống, lão đã không muốn phiền lụy đến mọi người, thì chết lão không thể làm phiền lụy đến họ.
Có thể có những suy nghĩ ở người này, người khác: Ôi dào, cần gì phải lo xa, chết hãy hay, hoặc chết là hết, còn biết gì đâu mà cần. Lão Hạc không nghĩ như vậy, lão hiểu rõ cái tình của người Việt Nam: Nghĩa tử là nghĩa tận. Lão biết là dù lão chẳng có đến một xu thì khi lão nằm xuống, bà con chòm xóm vẫn lo liệu cho lão chu đáo. Mà họ nào có giàu có gì, họ cũng nghèo khổ như lão. Lão không thể cho phép mình là gánh nặng cho mọi người. Chao ôi, sự tự trọng và tấm lòng vị tha, cao thượng của một con người, sao mà đẹp thế, xúc động đến thế!
Vậy còn ba sào vườn? Đó là tấm lòng, là tình cảm của người vợ quá cố dành cho con. Đó cũng là ước nguyện và tình yêu của lão đối với con. Lão không thể xâm phạm. Lòng tự trọng và đức hi sinh của người cha đã đưa lão đến một quyết định hệ trọng: Chọn cái chết để giữ được mảnh vườn cho con. Tấm lòng ấy của lão đã tác động mạnh mẽ đến nhân vật ông giáo, trở thành một lời hứa thiêng liêng: Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo: Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn; cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào… Lão Hạc vẫn có thể còn một kế sinh nhai khác là theo gót Binh Tư để kiếm ăn". Liệu một người trong sạch và lương thiện như lão Hạc có thể bán linh hồn của mình cho quỷ dữ để có miếng ăn? Là một người có bản tính trong sạch và lương thiện, lại rất tự trọng, lão Hạc hiểu rõ miếng ăn là miếng nhục. Lão thà chết chứ không chịu sống mà tiếng xấu để đời.
Càng suy ngẫm, ta càng hiểu rõ quả thực lão Hạc không còn giải pháp nào khác ngoài việc phải lựa chọn cái chết. Cái chết ấy làm ngời lên bao phẩm chất của một con người đáng kính. Tưởng như không còn cần bàn thêm gì cái chết của lão Hạc. Nhưng chúng ta cũng nên đặt thêm một câu hỏi nhỏ: Tại sao lão Hạc không chọn cái chết nhẹ nhàng hơn, lặng lẽ hơn? Phải chăng lão muốn chọn một cái chết đau đớn và dữ dội để tự trừng phạt mình vì đã trót lừa một con chó? Rất có thể như vậy. Thêm một lần nữa ta hiểu thêm về tấm lòng nhân hậu của lão Hạc.
Lão Hạc đã chết! Một cuộc đời đã kết thúc, khép lại bao lo buồn, đau khổ! Nhưng trang văn của Nam Cao chẳng bao giờ khép lại, mà cứ mở ra trong tâm hồn bạn đọc bao trăn trở, suy ngẫm về con người, về cuộc đời.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 4
Lão Hạc chính là hình ảnh đại diện của người nông dân trong bối cảnh nghèo khó tũng quẫn đó. Một người nông dân bị dồn tới đường cùng của sự nghèo khó, chèn ép, cô đơn…
Nhà văn Nam Cao là nhà văn của phong trào hiện thực. Những tác phẩm của nhà văn Nam Cao đều có giá trị nhân văn sâu sắc. Mỗi tác phẩm đều là một bản tuyên ngôn nghệ thuật của tác giả Nam Cao.
Qua những tác phẩm của mình tác giả Nam Cao đã thể hiện cái nhìn nhân sinh quan của mình với thời cuộc, với những mảnh đời nông dân bất hạnh chịu nhiều éo le trong cuộc sống.
Tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao lấy bối cảnh trong những năm 1945 khi mà nước ta đang lâm vào nạn đói trầm trọng, người nông dân khốn khổ bởi chế độ một cổ hai tròng.
Truyện ngắn Lão Hạc được tác giả Nam Cao viết lại qua lời kể của thầy giáo Thứ một nhân vật trong truyện. Thể hiện sự tinh tế của tác giả, đồng thời thể hiện sự công bằng khách quan hơn trong cách kể về nhân vật Lão Hạc.
Qua những lời kể mộc mạc, giản dị của tác giả Nam Cao đã khắc họa lên một người nông dân gầy gò khắc khổ, nhưng hiền lành, lương thiện. Ông có tấm lòng yêu thương con bao la vĩ đại, một tình cảm thương con vô bờ bến.
Thông qua những lời văn của mình Nam Cao đã tái hiện lại một xã hội Việt Nam với những mảnh đời bất hạnh vì nghèo khổ, túng quẫn, thể hiện tinh thần nhân văn, nhân hậu của tác giả khi ông đồng cảm với những số phận của người nông dân bần cùng.
Cuộc đời Lão Hạc có nhiều bất hạnh, vợ lão mất sớm lão có chỉ có người con trai là người thân duy nhất, là nguồn sống của lão. Nhưng sau khi con trai lão bị người yêu phụ tình vì quá nghèo. Nên nó sinh chán đời xin đi đồn điền cao su làm phu cao su. Con trai lão trước khi ra đi có lời thề nguyền rằng bao giờ có tiền mới về nhà.
Nhưng, đồn điền cao su là nơi nổi tiếng vất vả, bóc lột sức lao động của con người. Những người đi đồn điền cao su khi đi thì to khỏe, lực lưỡng, lúc về thì ai cũng gầy gò, bủng beo, bệnh tật. Nhiều người đi nhưng không còn mạng để trở về vì những khắc khổ, ở vùng đó.
Trước khi ra đi con trai lão có mang về một con chó. Con trai lão đi rồi lão nuôi con chó và coi nó như là con trai mình. Lão thương nó như tình cảm của người cha dành cho con trai mình lão ăn gì thì nó ăn đó. Lão Hạc thường âu yếm gọi con chó của mình là Cậu Vàng. Lão kể cho nó nghe đủ thứ chuyện vui buồn trong cuộc sống của mình. Nó giống như đứa con nhỏ của lão vậy.
Những ngày tháng cô đơn lẻ loi, lão Hạc chỉ có con chó là niềm vui là nguồn tâm sự, là niềm vui của cuộc đời mình. Nhưng trong thời buổi đói kém, khó khăn, đến nuôi thân còn không nổi, lại nuôi thêm con chó, nên lão không còn cách nào khác phải bán con chó của mình đi.
Lão Hạc chính là hình ảnh đại diện của người nông dân trong bối cảnh nghèo khó tũng quẫn đó. Một người nông dân bị dồn tới đường cùng của sự nghèo khó, chèn ép, cô đơn… Nhưng dù thế nào lão cũng vẫn giữ được phẩm hạnh, đạo đức làm người của mình, lão nhất định không để cái xấu, cái ác thao túng tâm hồn mình.
Lão Hạc có một mảnh vườn là tài sản của vợ lão để lại cho con trai trước khi bà ấy qua đời. Nhưng con trai lão đi mãi không về. Gia đình của Bá Kiến nhiều lần nhăm nhe, tìm cách gạ gẫm lão bán rẻ mảnh vườn cho gia đình lão Bá Kiến nhưng lão Hạc cương quyết không bán. Gạ mua không được gia đình Bá Kiến đang âm mưu cướp không mảnh vườn của lão Hạc.
Chúng định dùng thủ đoạn vu oan giá họa cho lão Hạc tôi ăn cắp chưa chấp đồ quốc cấm rồi tống lão vào tù thế là buộc lòng lão Hạc phải gán nợ mảnh vườn cho gia đình Bá Kiến để không phải chịu cảnh tù đày oan ức. Một xã hội mà người xấu, kẻ ác làm chủ xã hội khiến cho những người nông dân nghèo khổ như lão Hạc đã nghèo khổ càng nghèo khổ hơn.
Lão Hạc biết âm mưu của Bá Kiến nên ông đã nhanh hơn một bước. Ông mang hết giấy tờ nhà đất, rồi tiền bạc dành dụm được sang nhà anh giáo Thứ gửi ở bên đó, nhờ anh khi nào con trai lão về thì đưa cho con trai lão. Còn tiền lão gửi để chẳng may lão có mệnh hệ nào không sống được thì nhờ anh giáo và bà con làng xóm làm ma chay giúp mình.
Lão Hạc là người nông dân lương thiện có tấm lòng thương con vô bờ bến, thà chết chứ nhất định không để mất tài sản danh dụm cho con. Lão chết rồi cũng không muốn làm phiền tới hàng xóm, một người có lòng tự trọng, đến chết vẫn còn tự trọng
Cái chết của lão Hạc là một tình tiết nhiều bi kịch nó lấy đi của người đọc rất nhiều nước mắt. Nó chính là hành động tố cáo tội ác của xã hội cũ một cách sâu sắc. Một xã hội thối nát chà đạp lên quyền sống, quyền làm người của những người nông dân khốn khổ, cơ cực.
Một xã hội nhiều bất công đẩy những người hiền lành lương thiện vào chỗ đường cùng phải tự tìm tới cái chết để giải thoát chính mình.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 5
Suy cho cùng, việc bán chó cũng xuất phát từ tấm lòng của một người cha thương con và luôn lo lắng cho hạnh phúc, tương lai của con. Tấm lòng ấy đáng được trân trọng!
Con chó – cậu Vàng như cách gọi của lão là hình ảnh kỷ niệm duy nhất của đứa con. Hơn thế, cậu Vàng còn là nguồn an ủi của một ông lão cô đơn. Lão cho cậu ăn trong bát, chia xẻ thức ăn, chăm sóc, trò chuyện với cậu như với một con người. Bởi thế, cái ý định “có lẽ tôi bán con chó đấy” của lão bao lần chần chừ không thực hiện được. Nhưng rồi, cuối cùng cậu Vàng cũng đã được bán đi với giá năm đồng bạc.
Cậu Vàng bị bán đi! Có lẽ đó là quyết định khó khăn nhất đời của lão. Năm đồng bạc Đông Dương kể ra là một món tiền to, nhất là giữa buổi đói deo đói dắt. Nhưng lão bán cậu không phải vì tiền, bởi “gạo thì cứ kém mãi đi” mà một ngày lo “ba hào gạo” thì lão không đủ sức. Cậu Vàng trở thành gánh nặng, nhưng bán cậu rồi lão lại đau khổ dày vò chính mình trong tâm trạng nặng trĩu.
Khoảnh khắc “lão cố làm ra vui vẻ” cũng không giấu được khuôn mặt “cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”. Nỗi đau đớn cố kìm nén của lão Hạc như cắt nghĩa cho việc làm bất đắc dĩ, khiến ông giáo là người được báo tin cũng không tránh khỏi cảm giác ái ngại cho lão.
Ông giáo hiểu được tâm trạng của một con người phải bán đi con vật bầu bạn trung thành của mình. Cảm giác ân hận theo đuổi dày vò lão tạo nên đột biến trên gương mặt: “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”.
Những suy nghĩ của một ông lão suốt đời sống lương thiện có thể làm người đọc phải chảy nước mắt theo: “Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó”. Bản chất của một con người lương thiện, tính cách của một người nông dân nghèo khổ mà nhân hậu, tình nghĩa, trung thực và giàu lòng vị tha được bộc lộ đầy đủ trong đoạn văn đầy nước mắt này.
Nhưng không chỉ có vậy, lão Hạc còn trải qua những cảm giác chua chát tủi cực của một kiếp người, ý thức về thân phận của một ông lão nghèo khổ, cô đơn cũng từ liên tưởng giữa kiếp người – kiếp chó: “Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút… kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn”.
Suy cho cùng, việc bán chó cũng xuất phát từ tấm lòng của một người cha thương con và luôn lo lắng cho hạnh phúc, tương lai của con. Tấm lòng ấy đáng được trân trọng! Hiện thực thật nghiệt ngã đã dứt đứa con ra khỏi vòng tay của lão, cái đói cái nghèo lại tiếp tục cướp đi của lão người bạn cậu Vàng. Bản thân lão như bị dứt đi từng mảng sự sống sau những biến cố, dù cho cố “cười gượng” một cách khó khăn nhưng lão dường như đã nhìn thấy trước cái chết của chính mình. Những lời gửi gắm và món tiền trao cho ông giáo giữ hộ sau lúc bán chó có ngờ đâu cũng là những lời trăng trối.
Kết cục số phận của lão Hạc là cái chết được báo trước nhưng vẫn khiến mọi người bất ngờ, thương cảm. Quyết định dữ dội tìm đến cái chết bằng bả chó là giải pháp duy nhất đối với lão Hạc, để lão đứng vững trên bờ lương thiện trước vực sâu tha hoá. Kết thúc bi kịch cũng là thật sự chấm dứt những dằn vặt riêng tư của lão Hạc, nhưng để lại bao suy ngẫm về số phận những con người nghèo khổ lương thiện trong xã hội cũ.
Xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm, nhân vật tôi là người bạn, là chỗ dựa tinh thần của lão Hạc. Những suy nghĩ của nhân vật này giúp người đọc hiểu rõ hơn về con người lão Hạc. Nhân vật lão Hạc đẹp, cao quý thực sự thông qua nhân vật tôi.
Cái hay của tác phẩm này chính là ở chỗ tác giả cố tình đánh lừa để ngay cả một người thân thiết, gần gũi với lão Hạc như ông giáo vẫn có lúc hiểu lầm về lão. Sự thật nhân vật tôi cố hiểu, cố dõi theo mới hiểu hết con người Lão Hạc. Khi nghe Binh Tư cho biết lão Hạc xin bả chó, ông giáo ngỡ ngàng, chột dạ: “Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có cái ăn ư? Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày lại thêm đáng buồn”. Chi tiết này đẩy tình huống truyện lên đến đỉnh điểm. Nó đánh lừa chuyển ý nghĩ tốt đẹp của ông giáo và người đọc sang một hướng khác: Một con người giàu lòng tự trọng, nhân hậu như lão Hạc cuối cùng cũng bị cái ăn làm cho tha hoá, biến chất sao? Nếu Lão Hạc như thế thì niềm tin về cuộc đời về ông giáo sẽ sụp đổ, vỡ tan như chồng ly thủy tinh vụn nát.
Nhưng khi chứng kiến cái chết đau đớn dữ dội vì ăn bả chó của lão Hạc, ông giáo mới vỡ oà ra: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn hay vẫn đáng buồn theo một nghĩa khác”. Đến đây truyện đi đến hồi mở nút, để cho tâm tư chất chứa của ông giáo tuôn trào theo dòng mạch suy nghĩ chân thành, sâu sắc về lão Hạc và người nông dân... “Chao ôi! Đối với những người xung quanh ta, nếu không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dỡ, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa bỉ ổi ... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương”.
Có lẽ đây là triết lý sống xen lẫn cảm xúc xót xa của Nam Cao. Ở đời cần phải có một trái tim biết rung động, chia xẻ, biết yêu thương, bao bọc người khác, cần phải nhìn những người xung quanh mình một cách đầy đủ, phải biết nhìn bằng đôi mắt của tình thương.
Với Nam Cao con người chỉ xứng đáng với danh hiệu con người khi biết đồng cảm với những người xung quanh, biết phát hiện, trân trọng, nâng niu những điều đáng quý, đáng thương. Muốn làm được điều này con người cần biết tự đặt mình vào cảnh ngộ cụ thể của người khác để hiểu đúng, thông cảm thực sự cho họ.
Chuyện được kể ở ngôi thứ nhất, nhân vật tôi trực tiếp kể lại toàn bộ câu chuyện cho nên ta có cảm giác đây là câu chuyện thật ngoài đời đang ùa vào trang sách. Thông qua nhân vật tôi, Nam Cao đã thể hiện hết Con người bên trong của mình.
Đau đớn, xót xa nhưng không bi lụy mà vẫn tin ở con người. Nam Cao chưa bao giờ khóc vì khốn khó, túng quẫn của bản thân nhưng lại khóc cho tình người, tình đời. Ta khó phân biệt được đâu là giọt nước mắt của lão Hạc, đâu là giọt nước mắt của ông giáo: Khi rân rân, khi ầng ực nước, khi khóc thầm, khi vỡ oà nức nỡ. Thậm chí nước mắt còn ẩn chứa trong cả nụ cười: Cười đưa đà, cười nhạt, cười và ho sòng sọc, cười như mếu ...
Việc tác giả hoá thân vào nhân vật tôi làm cho cách kể linh hoạt, lời kể chuyển dịch trong mọi góc không gian, thời gian, kết hợp giữa kể và tả, hồi tưởng với bộc lộ cảm xúc trữ tình và triết lý sâu sắc...
Truyện ngắn Lão Hạc là tác phẩm của mọi thời, bi kịch của đời thường đã trở thành bi kịch vĩnh cửa. Con người với những gì cao cả, thấp hèn đều có trong tác phẩm. Thông qua nhân vật tôi tác giả đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh: Hãy cứu lấy con người, hãy bảo vệ nhân phẩm con người trong con lũ cuộc đời sẵn sàng xoá bỏ mạng sống và đạo đức. Cho nên chúng ta nên đặt nhân vật tôi ở một vị trí tương xứng hơn khi tìm hiểu tác phẩm.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 6
Nam Cao là một nhà văn hiện thực trong giai đoạn 1930 - 1945. Ông đã đi vào lòng độc giả với những tác phẩm viết về số phận của người nông dân, người lao động trong xã hội cũ và một trong số đó không thể không kể tới tác phẩm “Lão Hạc”. Nhân vật Lão Hạc trong truyện là một nhân vật đã để lại trong người đọc ấn tượng dầu sâu sắc. Lão Hạc có một cuộc đời hết sức bi thảm và đau khổ khi vợ lão thì mất sớm, lão gà trống nuôi con một mình. Anh con trai không lấy được vợ do nhà quá nghèo nên phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. Lão ngày ngày mong mỏi con về, sống đơn độc và chỉ có con chó Vàng bầu bạn cùng. Chính vì đói nghèo nên cuối cùng, lão phải dứt ruột bán đi người bạn duy nhất, chỗ dựa cuối cùng của lão – cậu Vàng. Lão Hạc đã ăn bả chó tự tử, để giữ trọn nhân phẩm của mình bằng cái chết đầy đau đớn. Cuộc đời của lão Hạc là bức tranh phản ánh rõ nét nhất số phận cùng đường bi thảm của người nông dân lúc bấy giờ. Thế nhưng, trong những gam màu tưởng chừng như tối tăm ấy, ta lại thấy một cái gì đó sáng ngời lên, hay đó chính là vẻ đẹp nhân cách của lão Hạc. Đó là một người cha yêu thương con hết mực. Với lão, dù cho có chết đói lão cũng không bán đi một sào vườn nào vì lão sợ nếu bán, con trai lão mai này có trở về thì sẽ ở đâu mà sống, mà lập nghiệp? Nếu lão bán đi mảnh vườn thì hiển nhiên, lão sẽ vượt qua được giai đoạn khốn khó, đói kém ấy, nhưng vì sự thương con cao cả, lão đã quyết định không bán. Lão Hạc để dành dụm từng đồng, từng cắc để độ con trai về, đưa cho con để con sau này lấy vợ, lập nghiệp. Không may, lão lại ốm, một cơn ốm khiến lão buộc phải tiêu tới số tiền để dành đó.Chỉ vậy thôi mà lão đã thấy đau lòng, đau lòng vì lão đã ăn vào tiền của con. Rồi lão gửi ông giáo mảnh vườn, nhờ ông giáo giữ hộ cho con trai lão : “của mẹ nó thì nó hưởng”. Có thể thấy, mọi suy nghĩ, việc làm đều hướng về con trai, vì con trai, mong muốn nó có một tương lai tốt đẹp hơn. Thậm chí, có lẽ cái chết của lão cũng là vì con, đó là một cái chết trong sạch , không chỉ giữ gìn phẩm chất, lòng tự trọng của bản thân mà còn để lại một con đường không vẩn đục phía trước dành cho con trai lão. Tình yêu thương của người cha dành cho con thật vĩ đại và cao cả biết bao. Nó không được thể hiện một cách trực tiếp và gián tiếp qua từng hành động, lời nói và suy nghĩ của nhân vật. Có thể nói, Nam Cao đã rất thành công trong việc miêu tả nội tâm đặc sắc của nhân vật, kết hợp với cách xây dựng những chi tiết nghệ thuật độc đáo, thành công khắc họa nên một chân dung nhân vật lão Hạc là điển hình cho hình ảnh người nông dân trong xã hội cũ đầy khổ cực, bị dồn đến bước đường cùng nhưng qua đó cũng làm rạng lên những vẻ đẹp tâm hồn và một trong số đó chính là tình yêu thương con vô bờ bến. Qua nhân vật này, Nam Cao cũng phần nào đã khẳng định được ngòi bút đầy tài hoa của mình.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 7
Người nông dân trước cách mạng tháng 8 sống trong cảnh nghèo đói bị hoàn cảnh xô đẩy đến đến mức đường cùng nhưng họ vẫn giữ phẩm chất tốt đẹp của bản thân mình và sống với một nhân cách cao đẹp. Đại diện cho những người nông dân trước CMT8 là Lão Hạc một nhân vật đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp của con người việt nam. Lão là một nông dân nghèo , nhưng rất trong sáng và thân thiện. Cuộc đời sinh ra lão thật chớ chêu , đẩy lão vào cảnh khó khăn , tũng quẫn. Là một nông dân chăm chỉ cần cù nhưng lõa lại không có đến một sào ruộng để cày cấy. Gia sản trong nhà chỉ có một chú chó nhỏ và một mảnh vườn để lại cho con trai. Cảnh nghèo , đã không nhương tay cho lão ,lão chịu khổ đã đành nhưng con trai lão lại liên lụy theo , vì muốn lấy được "ý trung nhân hoàn hảo " nên con trai lão đem lòng yêu một quý cô của một gia đình gia giáo , do đòi hỏi tiền thách cưới khá cao nên cảnh nghèo không cho lão dựng vợ cho con. Con trai lão vì vậy mà phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. Lão thương con , mong muốn con con được hạnh phúc ... nhưng lão cũng không biết làm cách nào để chu toàn hạnh phúc cho con , chỉ biết khóc mà nhìn con đi. "Đồn điền cao su đi dễ khó về " lão biết chứ nhưng đâu có thể cản được ! Hằng ngày lão chỉ biết quanh quẩn bên con chó Vàng - kỉ niệm cuối cùng còn sót lại của người con trai. Lão yêu thương chăm sóc nó cẩn thận , tỉ mỉ từng miếng ăn , từng sợi lông. Lão yêu thương nó vì nó như là mối ràng buộc còn sót lại của lão và con trai lão. Lão thương con thà rằng chết đói chứ không đời nào đụng vào một sào vườn .Lão chỉ sợ khi con trai lão về không có chỗ ở , sinh sống ,lập nghiệp. Tuổi già , cô đơn và nghèo đói ! cuộc đời đau khổ dồn ép lão đến bờ vực thẳm , không còn cách nào khác lão đành đứt ruột nhìn con chó bị bán , để råi khi bán xong lão lại huhu khóc như một đứa trẻ. Dù nghèo đói là vậy nhưng lão không bị tội lỗi cám dỗ mặc dù luôn đc ông Giáo giúp đỡ nhưng lão lại từ chối một cách hách dịch. cảnh nghèo đến tũng quẫn lão đi tìm cái chết ; lão chết một cách bất ngờ và đột ngột lão chết vì ăn bả chó ! Lão có thể chọn cho mình cái chết nhẹ nhàng hơn nhưng lão vẫn chọn một cái chết như một con chó .. là vì lão đã hận đã lừa chết cậu vàng sao ? Kết thúc bi kịch cũng là thật sự chấm dứt những dằn vặt riêng tư của Lão Hạc nhưng để lại bao suy ngẫm về số phận những con người nghèo khổ lương thiện trong xã hội cũ .
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 8
Có thể nói, Nam Cao đã xây dựng thành công nhân vật lão Hạc trong lòng người đọc, và đã để lại những ấn tượng sâu sắc nhất. chịu thương chịu khó nhưng bị dòng đời và số phận xô đẩy vào hoàn cảnh khó khăn. Vợ lão mất sớm, một mình lão làm lụng nuôi con. Đến khi đứa con trai của lão đến tuổi dựng vợ gả chồng, có yêu một cô ở trong làng , nhưng vì nhà gái thách cưới cao quá nên lão Hạc không thể cưới vợ cho con. Đó là bi kịch của một người cha mà không thể lo cho con một cái đám cưới đàng hoàng. Nhưng dù trong hoàn cảnh khó khăn thế nào đi nữa, lão Hạc vẫn hiện lên là một người cha hết mực yêu thương con. Vợ lão chết, lão không lấy vợ mà ở vậy nuôi con. Có phải chăng lão muốn tránh cho đứa con thân yêu của lão cái cảnh mẹ ghẻ con chồng? Khi con trai lão đòi bán vườn lấy vợ, lão không đồng ý là vì suy nghĩ cho cuộc sống tương lai sau này của vợ chồng con lão. Nếu bán vườn đi thì rồi lấy nhau về lấy gì kiếm sống qua ngày. Khi không lấy được vợ, thằng con lão buồn quá nghĩ quẩn rồi xin đi làm ở đồn điền cao su. Lão biết “ cao su đi dễ khó về” nhưng thấy con như vậy cũng không biết ngăn cản ra sao. Nỗi lòng của người cha nghèo nào có mấy ai hiểu được. Trước khi đi, con lão để lại cho lão một con chó Vàng hàng ngày trò chuyện cùng lão cho qua tháng đoạn ngày tuổi già neo đơn. Lão yêu nó lắm và nâng nịu gọi nó là Cậu Vàng. Lão coi nó như đứa con của con trai mình, như đứa cháu của lão. Mỗi bữa cơm lão đều giành phần cho nó. Chó và chủ suốt ngày quấn quýt lấy nhau. Một năm vào lúc thóc gạo kém, nhà nghèo lại càng thêm nghèo, lão Hạc đã có ý định bán con chó. Lão bàn việc ấy với ông giáo, cứ mỗi lần gặp nhau là lão lại nói về chuyện án con chó Vàng của lão đến nỗi ông giáo tin rằng lão chỉ nói vậy thôi chứ lão sẽ không bao giờ bán chó. Sự băn khoăn của lão Hạc đã cho thấy lão rất yêu con chó Vàng-kỉ vật mà đứa con lão để lại cho lão. Lão không nợ bán chó vì thương con, không biết có bao giờ được trông thấy đứa con của mình một lần nữa? Tình yêu con của lão Hạc còn được thể hiện ở chỗ vào năm mất mùa đói kém, khi đã bòn hết tất cả những gì có thể ăn được trong vườn nhà, lão cũng không đụng đến tiền lão bòn vườn để dành cho con. Lão thà ăn củ rong, củ chuối chứ nhất quyết không phạm đến tiền bòn từ mảnh vườn mà “ ngày còn mồ ma mẹ cháu, mẹ cháu đã thắt lưng buộc bụng mua cho nó”.Không chỉ là một người cha hết mực yêu thương con, lão Hạc còn là đại diện tiêu biểu của một ngườ10i nông dân giàu lòng tự trọng. Lão nhận ra sự khó chịu của bà vợ ông giáo vì lão hay sang nhà ông giáo nói chuyện, từ đấy lão không nhận bất kỳ sự trợ giúp nào của ông giáo mà ocn từ chối như là hách dịch. Đặc biệt, chi tiết lão Hạc ăn bả chó để tự vẫn là biểu hiện cao nhất của lòng tự trọng. Lão đau đớn, dằn vặt và xấu hổ khi mình đã trót lừa một con chó, để nó kêu ư ử nhìn lão như đang oán trách. Lão chọn chính cái cách mà lão đã lừa con chó Vàng để kết liễu cuộc đời mình như một sự tự trừng phạt đích đáng đối với lão.Qua nhân vật lão Hạc, Nam Cao đã tái hiện được số phận bi thảm của người nông dân trong xã hội cũ. Đó là bi kịch của con người bị hoàn cảnh tha hoá. Song bên cạnh đó, nhà văn cũng gửi gắm niềm tin mãnh liệt vào bản chất tốt đẹp của người nông dân. Từ đó làm nên giá trị hiện thực và giá trị nhân văn sâu sắc cho tác phẩm.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 9
Lão Hạc là một lão nông nghèo nhưng có nhiều phẩm chất tốt đẹp, đáng quý. Nhân vật Lão Hạc là nhân vật điển hình, đại diện cho mỗi tầng lớp người nông dân rơi vào hoàn cảnh trớ trêu nhưng toát lên những vẻ đẹp tâm hồn sáng trong.
Lão Hạc có một cuộc đời hết sức bi thảm. Vợ lão mất sớm, một mình lão gà trống nuôi con. Đến tuổi anh con trai lấy vợ thì nhà lão nghèo quá, nhà gái lại thách cao, nên anh con trai không lấy được vợ, phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. Lão ngày ngày, vò võ mong mỏi con về, đơn độc, chỉ có con chó Vàng - kỉ vật của con bầu bạn cùng. Lão sống qua ngày, trong cái đói nghèo và đơn độc. Và chính vì đói, vì nghèo như thế, nên cuối cùng, lão phải bán đi người bạn duy nhất của lão, chỗ dựa cuối cùng của lão – cậu Vàng. Để giữ được tấm lòng thanh sạch của mình, lão phải ăn bả chó tự tử, chết như một con chó. Cuộc đời của lão Hạc là một cuộc đời đơn độc, quay quắt trong cái đói nghèo, bị cái đói nghèo đày đọa. Nam Cao đã thông qua cuộc đời của lão Hạc để tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến, dồn đẩy người nông dân tới bước đường cùng bằng tiếng nói đanh thép, nhưng không kém phần chua xót.
Tuy ở một hoàn cảnh đáng buồn như vậy, nhưng lão Hạc có một tấm lòng vị tha, nhân hậu. Với cậu Vàng – kỉ vật của con trai lão, lão yêu quí nó như “một bà mẹ hiếm hoi yêu quý đứa con cầu tự”. Lão cưng nựng, vỗ về, vuốt ve nó; cho nó ăn cơm như nhà giàu ăn cơm bát; lão ăn gì cũng không quên phần nó, gắp cho nó một miếng, lão ăn bao nhiêu, nó cũng ăn như thế, thậm chí có phần hơn lão… Lão cũng coi nó như một người bạn, ngày ngày lão tâm sự, trò chuyện với nó như thể nó cũng là một con người. Lão đối với một con chó, một loài vật mà ông giáo cho là sinh ra để người ta giết thịt lại nhân hậu, yêu thương đến vậy thì với con người, lão còn đối xử đến như thế nào nữa? Tấm lòng của lão quả thật khiến chúng ta cảm phục.
Đối với cậu Vàng, lão yêu quí như vậy, thì đối với anh con trai của lão, thì tình cảm ấy còn được nhân lên gấp vạn lần. Chỉ vì nhà nghèo, không cưới được vợ cho con, làm con uất chí, bỏ đi đồn điền cao su mà lão tự dằn vặt mình mãi. Để cưới vợ, anh con trai đòi bán mảnh vườn, nhưng lão không cho không phải vì lão muốn giữ mảnh vườn cho lão, mà lão nghĩ nếu cưới vợ về, vườn bán rồi thì ở đâu mà làm ăn sinh sống, và rồi có bán thì cũng làm sao mà đủ tiền. Lão nghĩ thế, nhưng anh con trai có thấu cho lão? Anh bỏ đi đồn điền cao su, để lại lão ở nhà vò võ chờ con. Lão nghĩ tốt, lo cho tương lai con, nhưng khi con trai bỏ đi, lão lại tự dằn vặt mình, đày đọa tinh thần mình. Những câu nói lão nói với cậu Vàng, nhưng lại chất chưa biết bao nhiêu tình cảm nhớ thương cho anh con trai. Lão nói với cậu Vàng đấy, nhưng lại như nói với con mình. Lão làm việc gì, lão suy nghĩ gì cũng là hướng về con trai mình. Tiền bòn vườn lão để dành, không tiêu tới để khi con trai về, lão nhẩm tính sẽ có gần trăm đồng bạc, thêm vào cho con cưới vợ và làm kế sinh nhai. Thế nhưng, lão lại ốm. Một cơn ốm kéo dài buộc lão phải tiêu tới số tiền đó. Chỉ vậy thôi mà lão đã thấy đau lòng. Lão ăn vào tiền của con trai lão – số tiền mà khi con trai về lão định trả con. Điều này làm lão khổ tâm hết sức. Hành động của lão gửi ông giáo mảnh vườn, nhờ ông giáo giữ hộ cũng là để giữ hộ cho con lão: “Của mẹ nó thì nó hưởng”. Mọi suy nghĩ, việc làm của lão đều hướng tới con trai. Thậm chí, cái chết của lão cũng là vì con. Lão chết để mở ra đường sống cho con lão, lão chết một cái chết trong sạch để lại tiếng thơm cho con vì lão sống ngày nào là ăn vào tiền, vào đường sống của con ngày ấy. Xưa nay, không ít người cha, người mẹ hi sinh cơm ăn, áo mặc vì con, hi sinh một phần thân thể vì con nhưng hi sinh cả mạng sống của mình như lão Hạc lại là một trường hợp hiếm thấy. Tình yêu con của lão Hạc thật đặc biệt. Không ồn ào, sôi nổi, không thể hiện qua hành động hay lời nói, lão lặng lẽ yêu con trong tâm tưởng, mọi hành động của con lão đều cho là do lão. Là do lão đẩy con tới những hành động ấy rồi tự dằn vặt mình, tự gánh lấy những suy nghĩ, hành động để chuộc lại lỗi lầm. Quả thật, tình yêu thương con của lão khiến chúng thật vô cùng cảm động.
Lão Hạc mang một tấm lòng tự trọng cao cả. Lão tự trọng từ với một con chó, với con trai lão, với bà con hàng xóm, với ông giáo và với cả chính bản thân mình. Khi bán con chó, lão đau khổ, vì lão “bằng này tuổi đầu mà còn trót lừa một con chó”. Lão nhớ ánh mắt của cậu Vàng, mà theo như lời lão là một ánh mắt đầy trách móc, mắng lão tệ hại: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão thế mà lão đối xử với tôi thế này à?”. Ánh nhìn đó làm lão ám ảnh và day dứt không nguôi. Lão từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo, lão lại chuẩn bị sẵn tiền làm ma cho bản thân, gửi ông giáo, để khi lão có việc thì ông giáo đưa ra, coi như là của lão có chút ít, còn lại thì nhờ bà con hàng xóm cả. Lão làm vậy để không phiền lụy tới ai. Từ đó, lão bòn vườn, mò cua, ốc, trai ăn để sống qua ngày, thà chết chứ không chịu mắc nợ ai. Có lẽ hành động bán cậu Vàng của lão chính là bước chuẩn bị cho cái chết của lão. Lão xin Binh Tư ít bả chó với lý do bắt cho nhà khác – một lý do làm Binh Tư tự nghĩ lão giả bộ hiền lành thế nhưng cũng ghê ra phết, một lý do làm ông giáo hiểu lầm lão, hiểu lầm một con người đã “khóc vì trót lừa một con chó, một con người nhịn ăn để có tiền làm ma”. Vậy nhưng hóa ra, lão ăn bả chó để tử tự, để giữ vẹn nguyên tấm lòng trong sáng của lão. Lão ăn bả chó, lão chết như một con chó, vật vã, quằn quại trong đau đớn, để chuộc tội với cậu Vàng. Lão ăn bả chó cũng là để không bị cuộc sống dồn đẩy, bị tha hóa biến chất như Binh Tư, hay Chí Phèo… Cái chết của lão cũng chính là sự tự trọng của lão với con lão. Lão sống mà phải dựa vào tiền của con thì thà lão chết con hơn. Lão Hạc có một tấm lòng thật đáng. Lão Hạc có một tấm lòng thật đáng trân trọng – lòng tự trọng của lão nông nghèo nhưng trong sạch. Lão chọn “chết trong còn hơn sống đục” khi bị dồn vào đường cùng. Tấm lòng nhân đạo của Nam Cao đã được thể hiện rất rõ. Thông qua cuộc đời bi thảm, nhưng phẩm chất thì sáng trong của lão Hạc, Nam Cao quả đã “khơi được những nguồn chưa ai khơi” và chính điều này đã đưa ông lên một vị trí vững chắc trong dòng văn học 1930-1945.
Nhân vật lão Hạc đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc sâu sắc. Đây là một nhân vật điển hình, đại diện cho tầng lớp những người nông dân trong xã hội cũ: Tuy đói nghèo nhưng có những phẩm chất cao đẹp. Nam Cao đã rất thành công trong cách xây dựng nhân vật. Thông qua cái nhìn ông giáo – một nhà trí thức, Nam Cao đã gián tiếp thể hiện tấm lòng của mình với người nông dân và đặt ra vấn đề “đôi mắt”: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương...”. Tác giả cũng đã sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật rất rõ nét. Tâm lý nhân vật lão Hạc được thể hiện qua những hành động, lời nói của lão, nhiều đoạn đối thoại mà như độc thoại. Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng nhiều khẩu ngữ, làm câu chuyện chân thực, sinh động, gần gũi với người nông dân.
Nhân vật lão Hạc quả thật đã để lại trong lòng người đọc ít nhiều suy nghĩ. Qua đó cũng thể hiện tài năng, tấm lòng của Nam Cao. Phải là một cây bút xuất sắc, một nhà văn thấu hiểu, am tường về người nông dân tới tận cùng, dành cho họ những tình cảm yêu mến, trân trọng cảm thông sâu sắc mới viết nên một truyện ngắn hay như thế. Với một nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên, Nam Cao đã khẳng định được tên tuổi của mình. Ông đã “khơi được những nguồn chưa ai khơi” và ghi lại trong lòng độc giả những tình cảm yêu mến.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 10
Viết về đề tài nông dân trước cách mạng, "Lão Hạc" là một truyện ngắn độc đáo, đặc sắc của nhà văn Nam Cao. Một truyện ngắn chứa chan tình người, lay động bao nỗi xót thương khi tác giả kể về cuộc đời cô đơn bất hạnh và cái chết đau đớn của một lão nông nghèo khổ. Nhân vật lão Hạc đã để lại trong lòng ta bao ám ảnh khi nghĩ về số phận con người, số phận người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ.
Truyện Lão Hạc được miêu tả và kể lại bằng những tâm sự của nhân vật chính và xung quanh nhân vật chính. Đó là tâm sự của Lão Hạc về con chó, về người con trai của lão, về kiếp người, về cái chết, về mảnh vườn. Đó là tâm sự của ông giáo, của vợ ông giáo, của Binh Tư về thân phận lão Hạc. Có đoạn Nam Cao tả ngoại hình nhân vật bằng những từ tượng hình rất ấn tượng, đó cũng là một gương mặt mang nỗi đau của cõi lòng quặn thắt: (cười như mếu, mắt ầng ậng nước, mặt đột nhiên co dúm lại, những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra...). Đây là một tâm sự đau nhất của một tâm hồn trong trẻo, chân thật: "Thì ra tôi già bằng này tuổi rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”. Sự xuất hiện của các nhân vật khác trong truyện đều không được miêu tả ngoại hình, mỗi người chỉ hiện diện bằng một tâm sự về lão Hạc và bằng một tâm sự của nhà văn về thân phận họ. Có tâm sự hoài nghi, miệt thị của Binh Tư “làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão hạc bởi vì lão lương thiện quá”. Có tâm sự của người con trai lão Hạc, rất thương cha nhưng phải bỏ làng ra đi và mang trong lòng một niềm u uất.
Nhân vật ông giáo trong truyện là một mạch tâm sự có biến động, từ “dửng dưng” đến “ái ngại” “muốn ôm choàng lấy lão mà oà lên khóc” đến kính trọng.
Bàng hoàng: “Hỡi ôi lão Hạc... con người đáng kính ấy”. Sau cùng là thái độ vững tin thầm lặng, bền bỉ, sáng ngời vào nhân cách của lão Hạc. Lão Hạc kết thúc đời mình trong khung cảnh “nhốn nháo”, “chẳng ai hiểu” của dư luận, nhưng câu chuyện lại truyền đi một thông điệp cuối cùng, thông thiết, son sắt như một lời thề: “Lão Hạc ơi! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt... Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: “Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn”.
Cốt truyện lão Hạc thể hiện trực tiếp tấm lòng của nhà văn về con người, một quan niệm nghệ thuật đựơc thể hiện thành một mạch tâm sự rung động của các mạch tâm sự, để hiện ra một tâm thế của người nông dân.
Lão Hạc là chân dung của một tâm hồn lão nông Việt Nam “đáng kính”, nói theo ngôn ngữ của nhân vật ông giáo trong truyện. Phần đáng kính ấy là cõi lòng của lão, một khối tâm sự nhức nhối bởi sự vò xé, xô đẩy không nguôi giữa một bên là cảnh đời túng quẩn, với một bên là cõi lòng lão Hạc đôn hậu, trong sáng.
Cảm hứng nổi bật của Nam Cao trong truyện ngắn lão Hạc là khẳng định mãnh liệt về tình thương, niềm tin đối với con người. Lão Hạc tin vào đứa con của mình, lão tin vào con trai lão sẽ trở về.
Có lần lão nói một cách rất ấn tượng làm người nghe phải run lên: “Nếu kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người... kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn!...” Lão hồn nhiên và trung thực, tự trọng, đến mức trong trẻo: “tôi già bằng này tuổi đầu rồi mà còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”. Và ngay cả khi chết lão cũng tính toán kĩ bằng ý thức trung thực và tự trọng.
Đặc sắc của Nam Cao trong việc diễn đạt về người nông dân lao khổ là ở chỗ đó. Đây là một “dụng công” nghệ thuật của nhà văn. Con chó gắn với kỉ niệm đau buồn và dục vọng hạnh phúc của lão Hạc về đứa con, gắn với nỗi ân hận cao thượng về đức tính trung thực, về triết lý chua chát quanh kiếp người. Truyện ngắn Lão Hạc, cao vút một niềm tin sâu sắc của Nam Cao vào con người.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 11
Từ xưa đến nay nói đến tình người, ta nói ngay đến "Lão Hạc". Tác phẩm này được coi là truyện ngắn xuất sắc của văn học hiện thực phê phán thời kỳ 1930 - 1945. Đó là một truyện ngắn chứa chan tình người, lay động bao nỗi xót thương khi tác giả kể về cuộc đời cô đơn, bất hạnh và cái chết đau đớn của một lão nông dân nghèo khổ. Nhân vật Lão Hạc đã khắc họa vào lòng người đọc một cách sâu đậm về hình ảnh một lão nông dân đáng kính với phẩm chất của con người đôn hậu, giàu lòng tự trọng và rất mực thương con.
Cuộc đời Lão Hạc là một chuỗi những đau khổ bất hạnh, một kiếp người chua chát và cay đắng từ khi sinh ra cho đến khi ra đi về cõi vĩnh hằng. Góa vợ từ khi còn trẻ, một mình lão gà trống nuôi con trong cảnh đói nghèo, lam lũ những mong con khôn lớn, trưởng thành làm chỗ nương tựa lúc ốm đau, khi tuổi già. Nhưng niềm hạnh phúc ấy đã không đến với lão. Vì không đủ tiền cưới vợ, anh con trai phẫn chí đăng tên đi phu làm đồn điền cao su. Cảnh chia lìa của cha con Lão Hạc không hẹn ngày sum họp. Lão Hạc mất vợ nay lại thêm nỗi đau mất con
Cảnh khốn khó về vật chất hòa trong nỗi đau về tinh thần thành dòng lệ chảy trong trái tim chờ đợi khắc khoải của người cha. Nhưng cuộc đời dường như vẫn chưa buông tha lão. Bất hạnh rồi bất hạnh cứ liên tiếp giáng xuống đầu người cha khốn khổ ấy. Kiệt sức vì lam lũ lầm than, vì mòn mỏi chờ đợi. Lão ốm nặng. Sau trận ốm đó lão ốm đi rất nhiều, không thể làm được những việc nặng. Làng mất nghề sợi, đàn bà rỗi rãi nhiều, có việc gì nhẹ họ đều tranh hết. Lão Hạc rơi vào cảnh bần cùng hóa hoàn toàn. Lão sống vật vờ với con ốc, con trai, củ khoai, củ ráy, sung luộc .... Những thứ cũng chẳng dễ gì kiếm được với một lão già đã cạn kiệt sức lực.
Cùng đường sống, Lão Hạc tìm đường đến cái chết, lấy cái chết để tự giải thoát cho mình. Lão đã ăn bả chó để tự tử. Lão chết đau đớn thê thảm "đầu tóc rũ rượi, mắt long sòng sọc, mồm tru tréo bọt mép sùi ra. Vật vã đến 2 giờ đồng hồ rồi mới chết". Cái chết thật dữ dội! Số phận một con người, một kiếp người như Lão Hạc thật đau thương.
Với ngòi bút nhân đạo tha thiết, Nam Cao đã nói lên bao tình thương nỗi xót xa con người đau khổ, bế tắc phải tìm đến cái chết như lão. Chí Phèo tự sát bằng lưỡi dao, Lang Rận thắt cổ chết và Lão Hạc cũng quyên sinh bằng bả chó! Lão Hạc từng hỏi ông giáo: "nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho sướng?". Câu hỏi ấy thể hiện nỗi đau khổ tột cùng của một con người sống nghèo khổ về vật chất nhưng rất giàu tình cảm. Tình yêu thương con nồng nàn sâu sắc của lão là câu chuyện cảm động về tình cha con. Nhìn con đau khổ vì không có tiền cưới vợ, Lão Hạc khổ tâm vô cùng. Lão thấy mình như có lỗi với con và day dứt mãi. Khi con phẫn chí đành trốn đi làm đồn điền cao su; trái tim người cha thật sự tan nát. Nỗi thương nhớ con thường trực trong người cha đã biến thành sự khắc khoải ngóng trông: "Thằng cháu nhà tôi dễ đến hơn một năm nay chẳng có giấy má gì ông giáo ạ". Ta đọc được trong câu nói tình cảm ấm áp của người cha.
Thương nhớ con lão dồn tình cảm âu yếm cậu vàng – kỷ vật của người con để lại. Cái tên cậu vàng đã chứa đựng tất cả tình cảm quý mến và thân thiết đối với một con vật – một kỉ vật. Không phải bất cứ người nào cũng có thể yêu thương con vật như vậy. Những cơn mưa bão liên miên, hoa màu trong vườn đều bị phá sạch, việc làm chẳng còn, nếu cứ tiếp tục như vậy thì sẽ ăn vào số tiền chắt chiu dành dụm cho con. Đặt lên bàn cân mà tính, suất ăn của con chó cũng bằng lão, vậy thì tốn quá. Giữa số tiền dành dụm cho con và con chó – người bạn tâm tình, lão sẽ chọn ai đây? Để đi đến quyết định, lão đã phải dằn vặt đau khổ, lão suy nghĩ nhiều, nhiều lắm mới dũng cảm bán con chó. Cuộc lựa chọn khó khăn tàn khốc diễn ra trong nước mắt. Nhưng nếu không bán con chó, lão sẽ chết và số tiền dành dụm cho con cũng chẳng còn. Lão bán chó đâu phải để ăn mà để lo tương lai cho đứa con. Hình ảnh Lão Hạc "miệng méo xệch, khóc hu hu" khi nghĩ rằng mình đã lừa một con chó là hiện thân của tấm lòng cao cả''.
Bao nhiêu tình yêu thương con lão dồn cả vào việc quyết giữ bằng được mảnh vườn cho con. Khi đã hết đường sinh nhai, lão có thể bán vườn đi, nhưng lão không làm thế, lão thà chết chứ nhất định không chịu bán đi một sào. Thậm chí trước lúc chết lão còn tìm nơi nhờ cậy gửi gắm mảnh vườn ấy ... Cuộc đời Lão Hạc thật bi thương. Nhưng giữa cuộc đời khốn khó, Lão Hạc vẫn ý thức được nhân phẩm của mình. Lòng tự trọng của một người không cho phép lão nhận sự giúp đỡ của ông giáo mà lão biết chẳng sung sướng gì hơn lão, càng không cho phép lão phiền lụy đến bà con lối xóm. Ý thức được điều đó một cách sâu sắc, Lão Hạc đã nhịn ăn để dành tiền làm ma chay cho mình. Ta nhận thấy ở lão một triết lí sống cao đẹp biết dường nào.
Dưới một xã hội đen tối ngột ngạt, không ít người đã đánh mất nhân phẩm, hoặc tha hóa biến chất. Ta cũng dễ dàng tìm thấy họ qua một loạt sáng tác của Nam Cao. Nhưng khác với họ, dù nghèo đến đâu, Lão Hạc vẫn sống trong sạch và lương thiện. Chính nhân vật ông giáo đã nhận xét về lão: "Binh Tư là một người láng giềng khác của tôi. Hắn là nghề ăn trộm nên vốn không ưa gì Lão Hạc bởi vì lão lương thiện quá". Hết kế sinh nhai lão có thể chọn con đường theo Binh Tư nhưng lão không làm như thế. Lão thà chết chứ nhất định không bán linh hồn cho quỷ sứ. Một cách sống và xử thế thật đáng trân trọng, phù hợp với đạo lý "thác trong hơn sống đục" của nhân dân ta.
Cuộc đời của Lão Hạc đầy nước mắt, nhiều đau khổ và bất lực; sống thì âm thầm nghèo đói cô đơn; chết thì quằn quại đau đớn. Tuy thế, Lão Hạc lại có phẩm chất tốt đẹp như hiền lành chất phác, vị tha, nhân hậu, trong sạch và tự trọng .... Lão Hạc là một điển hình và người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ, được Nam Cao miêu tả chân thực với biết bao trân trọng, xót thương, thấm đượm một tinh thần nhân đạo thống thiết.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 12
Cùng với Nguyễn Công Hoan và Ngô Tất Tố, Nam Cao là tác giả tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán, luôn hướng về người nông dân, phản ánh hiện thực đời sống của người nông dân trước Cách mạng. Truyện ngắn Lão Hạc là tác phẩm đặc sắc của Nam Cao, nó như một điểm son trong sự nghiệp sáng tác của ông.
Nam Cao luôn trăn trở về số phận của người nông dân lương thiện trong xã hội phong kiến. Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên là chân dung của một lão nông Việt Nam đáng thương và đáng kính. Số phận của Lão Hạc thật đáng thương bởi cái nghèo nàn, túng thiếu. Vợ mất sớm, lão dồn tình thương nuôi con khôn lớn. Khi đứa con trai đến tuổi lấy vợ, lão tính chuyện cưới vợ cho con, nhưng vì nghèo túng mà người ta lại thách cưới nặng quá nên con trai không cưới được vợ. Thất vọng, đứa con bỏ nhà ra đi làm phu đồn điền ở Nam Kì. Khi con đi rồi, lão cô đơn, sống trong hiu quạnh. Bấy giờ, chỉ có con Vàng là nguồn vui của lão. Cậu Vàng được lão chăm sóc chu đáo. Lão xem cậu Vàng như một đứa trẻ cần sự chăm sóc, yêu thương. Lão nhân hậu ngay cả với con chó của mình. Tội nghiệp cho số phận ông lão. Cuộc đời túng quẫn, nghèo khó cứ đeo đẳng bên ông. Vợ chết để lại mảnh vườn ba sào, nhưng lão nhất quyết không bán dù cho nghèo khó. Lão tự bảo: Cái vườn là của con ta ... của mẹ nó tậu thì nó được hưởng. Lão nghĩ vậy và làm đúng như vậy. Tất cả hoa lợi thu được lão bán để dành dụm riêng chờ ngày con về cưới vợ. Cảm thương cho ông lão đã vò võ trông con về làng, lão chắc mẩm thế nào đến lúc con lão về cũng có được trăm đồng bạc. Nhưng hy vọng chẳng có, thất vọng lại về, lão bị một trận ốm đúng hai tháng mười tám ngày, bao nhiêu vốn liếng dành dụm được đều sạch nhẵn. Sau trận ốm, người lão yếu quá, không làm được việc nặng, việc nhẹ thì người ta tranh hết, lão phải cầm hơi qua ngày bằng củ chuối, củ ráy, con ốc, con trai...
Vì không kiếm được tiền để sống, lại sợ tiêu lạm vào tiền của con nên lão quyết định tìm đến cái chết. Lão chết để con lão khỏi trắng tay. Thật cảm động biết bao về tấm lòng yêu thương bao la và đức hi sinh cao cả của một người cha khốn khổ! Số phận của lão thật bi thương. Nghèo đến nỗi phải bán đi con Vàng mà lão yêu thương, gắn bó. Kể lại việc bán chó với ông giáo, lão đau đớn xót xa: mặt lão đột nhiên rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau ép cho nước mắt chảy ra, cái đầu ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít, lão hu hu khóc... lão khóc vì thương chó, và cảm thấy mình là kẻ lừa dối khi bán cậu Vàng. Số phận của lão thật bi thương nhưng lão không đánh mất phẩm giá của mình. Đến bước đường cùng lão luôn nghĩ đến con mà chẳng nghĩ đến mình. Lão đủ can đảm để nghĩ đến chuyện kết thúc cuộc đời để không làm phiền đến ai. Lão từ chối mọi sự thương hại của người khác, cho dù đó là sự cưu mang chân tình. Ngay cả ông giáo, người hàng xóm gần gũi nhất và tin tưởng nhất, ông cũng từ chối sự giúp đỡ. Lão Hạc còn nghĩ đến cái chết không làm phiền lòng người khác. Lão nhịn ăn, tích góp được hai lăm đồng cộng với năm đồng bán chó, lão gửi ông giáo nhờ làm đám ma cho lão. Trước khi chết, lão còn nghĩ đến hạnh phúc của con. Lão viết văn tự nhượng mảnh vườn cho ông giáo để không ai còn mơ tưởng, dòm ngó đến, khi nào con lão về thì sẽ nhận vườn làm. Tuy lão nghèo khó, lại bị xã hội bỏ rơi nhưng lão vẫn giàu đức hi sinh, giàu tình thương và giữ vững phẩm chất cao đẹp của mình.
Hình ảnh Lão Hạc chết thật thê thảm. Lão mượn miếng bả chó để tự kết liễu đời mình. Tội nghiệp cho lão quá! Lão vật vã trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra... Cái chết đau đớn của lão đã làm sáng tỏ thêm phẩm chất cao đẹp của người nông dân hướng thiện. Tuy sống trong cái xã hội đầy bóng tối, nhưng tâm trí lão vẫn sáng ngời, tính cách của lão thật cao quí. Cả đời lão nghèo đói nhưng không làm mất đi tấm lòng đôn hậu, trong sáng của mình.
Với bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật, xen kẽ tự sự, Nam Cao đã gợi cho ta niềm cảm thương vô hạn đối với những người nông dân nghèo khổ. Ngòi viết của Nam Cao là tiếng nói cảnh tỉnh về một xã hội thiếu công bằng, không quan tâm đến người nghèo, chà đạp lên số phận của con người lương thiện.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 13
Viết về số phận của người nông dân trước cách mạng tháng 8, Lão Hạc là một truyện ngắn đặc sắc của Nam Cao. Truyện ngắn chứa chan tình người, lay động bao nỗi xót thương trước cuộc đời bất hạnh và cái chết đau đớn của một lão nông dân nghèo khổ. Nhân vật Lão Hạc đã để lại cho chúng ta bao ám ảnh về số phận của con người, đặc biệt là người nông dân trong xã hội cũ.
Lão Hạc cũng như hàng triệu người nông dân xưa đều chịu chung hoàn cảnh bất hạnh, nhưng trong đó nổi bật lên một phẩm chất tốt đẹp, đáng quý, đáng trân trọng. Lão Hạc - một con người nghèo khổ, bất hạnh. Ba sào vườn, một túp lều tranh vách nát, một con chó vàng là tài sản, vốn liếng duy nhất của lão. Vợ Lão Hạc mất sớm, sống trong cảnh gà trống nuôi con. Con trai lão không đủ tiền cưới vợ nên buồn phiền, phẫn chí đi làm phu đồn điền cao su, đã 5, 6 năm biền biệt chưa về. Vậy nên dân ta thường có câu "Cao su đi dễ, khó về" là vậy. Tuổi già cô quạnh, bất hạnh ngày càng chồng chất. Lão Hạc bị ốm một trận thập tử nhất sinh mà không một người thân bên cạnh đỡ đần, chăm sóc một bát cháo một chén thuốc khi ốm đau bệnh tật. Hoàn cảnh của Lão Hạc thật đáng thương. Sau trận bão, vườn tược, hoa màu bị phá sạch. Làng bị thất nghiệp nhiều, trong đó có Lão Hạc vì lão trở nên yếu hẳn sau khi ốm dậy, không ai còn muốn thuê lão làm nữa. Lão với cậu Vàng - con chó mà người con trai trước khi đi đã để lại cho lão, ăn uống mà vẫn đói deo, đói dắt, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. "Nhưng đời người ta không chỉ đau khổ một lần". Ông giáo đã nói với Lão Hạc như vậy trước ý định bán chó của lão. Vì cậu vàng ăn nhiều mà Lão Hạc không đủ khả năng nuôi dưỡng nó nữa. Bán cậu vàng, lão như bị đẩy sâu xuống bờ vực thẳm, cảm thấy mình ích kỉ, tệ bạc, già rồi mà còn đánh lừa một con chó. Đói khổ, túng bấn, cô đơn thêm nặng nề. Lão Hạc chỉ ăn khoai, củ chuối, củ ráy, sung luộc, vài bữa trai ốc cho qua ngày. Để rồi cuối cùng lão phải quyên sinh bằng bả chó, một cái chết đau đớn, thê thảm: đầu tóc rũ rượi, mắt long sòng sọc tru tréo, bọt mép sùi ra, vật vã hai giờ đồng hồ mới chết. Một cái chết thật dữ dội. Số phận một con người, một kiếp người như Lão Hạc thật đáng thương. Ôi! Bao niềm xót xa, thương cảm đối với những con người nghèo khổ, bế tắc phải tìm đến cái chết như Chí Phèo tự sát bằng mũi dao, Lang Rận thắt cổ tự tử và Lão Hạc đã kết thúc cuộc đời mình bằng bả chó. "Nếu kiếp người đau khổ nốt thì ta nên làm gì cho thật sướng". Câu nói đó đã thể hiện cái đau khổ tột cùng của Lão Hạc.
Nhưng Lão Hạc có bao phẩm chất tốt đẹp, là một con người hiền lành, chất phác, nhân hậu, là một người cha có trách nhiệm. Lão đau đớn khi đứa con trai độc nhất đi phu đồn điền cao su và lão khóc "Hình của nó người ta giữ, ảnh của nó người ta chụp, nó là con người ta rồi chứ đâu phải con tôi". Ba sào vườn là của vợ lão đã thắt lưng buộc bụng để lại trước khi mất. Lão thà chết chứ không chịu bán đi một sào, nhất quyết để lại cho đứa con, một sự hi sinh thầm lặng to lớn, tất cả vì con, mãi dành cho con những gì tốt nhất của cuộc đời. Lòng nhân hậu của lão được thể hiện sâu sắc đối với con chó vàng. Chính nó là chỗ dựa tinh thần, là niềm an ủi, nguồn động viên, khích lệ lão trong những tháng ngày cô đơn, tuyệt vọng nhất. Lão coi nó như đứa con, đứa cháu, như một thành viên trong gia đình. Lão cho nó ăn cơm trong bát sứ như nhà giàu, lão bắt rận, tắm rửa cho nó. Lão trò chuyện với nó "Cậu vàng của ông ngoan lắm, ông để ông nuôi...", lão ăn gì cũng cho cậu vàng ăn. Và cậu vàng đã góp phần toả sáng tâm hồn và làm sáng lên bản tính tốt đẹp của lão, nó là một phần của cuộc đời lão. Vậy nên sau khi bán chó, lão đã tự tử cũng chính bằng bả chó như để tự trừng phạt mình.
Và Lão Hạc là một nông dân nghèo khổ nhưng trong sạch, giàu lòng tự trọng. Dù có đói khổ, túng bấn, dù phải ăn củ chuối hay sung luộc nhưng khi ông giáo mời ăn khoai, uống trà thì lão cười hiền hậu bảo để khi khác. Dù ông giáo có ngấm ngầm giúp đỡ nhưng lão đã từ chối gần như là hách dịch. Sau khi bán chó, lão đau khổ, dằn vặt và vẫn luôn giữ nguyên mảnh vườn cho con trai. Lão gửi ông giáo 3 sào vườn và 30 đồng bạc phòng khi chết để không làm phiền tới láng giềng. Lão luôn sống theo quy tắc "Đói cho sạch, rách cho thơm". Nhà văn Nam Cao đã khéo léo đưa Binh Tư - một kẻ chuyên đánh bả chó ở cuối truyện để làm nổi bật lòng tự trọng, trong sạch của lão nông dân nghèo khổ. Ông giáo đã nói "Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không hiểu họ thì ta cho rằng họ gàn dở, ngu ngốc và bần tiện".
Tóm lại cuộc đời Lão Hạc đầy nước mắt, đau thương. Sống thì cô đơn, bất hạnh, nghèo đói, chết thì quằn quại đau đớn. Lão Hạc cũng đại diện cho số phận của bao người nông dân khác. Trong khổ đau, gian truân, nổi bật lên một phẩm chất hiền lành, nhân hậu, chất phác và giàu lòng tự trọng. Nam Cao đã thể hiện niềm cảm thông sâu sắc đối với số phận bất hạnh của những người nông dân trước cách mạng tháng 8.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 14
Hình tượng người nông dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 được khai thác một cách sâu sắc và triệt để trong văn học. Qua những trang văn của các tác giả, những con người với số phận bất hạnh nhưng ngời sáng những phẩm chất cao quý được thể hiện một cách rõ nét. Nếu Ngô Tất Tố thành công với việc khắc họa hình tượng nhân vật chị Dậu, một người phụ nữ yêu chồng thương con, giàu đức hi sinh nhưng cũng có những phút giây vùng lên để chống lại cái xấu, cái ác trong "Tắt đèn" thì Nguyễn Công Hoan lại xây dựng hình ảnh một anh Pha dám vùng lên đánh trả lại bọn cường hào ác bá trong "Bước đường cùng". Và Nam Cao với hình tượng nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên đã khắc họa thành công hình tượng người nông dân với số phận nghèo khổ, bần cùng nhưng lương thiện, chất phác và rất giàu lòng tự trọng.
Lão Hạc có số phận bất hạnh vô cùng.Sự khổ đau, bất hạnh của lão thể hiện ngay từ hình dáng đến cuộc sống của lão. Một ông lão già nua, bất hạnh vì phải chịu cảnh cô đơn, bệnh tật lại nghèo đói. Hoàn cảnh của lão Hạc vô cùng cực khổ.Vợ lão chết sớm, lão phải lâm vào tình cảnh gà trống nuôi con. Vậy nhưng con trai lão cũng bỏ lão mà đi làm tại đồn điền cao su. Lão Hạc cô đơn, buồn tủi với tuổi tác đã già chỉ biết bầu bạn với con chó Vàng. Chính hoàn cảnh khốn cùng ấy với hoàn cảnh neo đơn của lão đã khiến người đọc vô cùng xót xa, thương cảm. Lão coi Vàng như một đứa con, đứa cháu, một người ruột thịt của mình. Lão chia sẻ từng đồ ăn, thức uống, trò chuyện, tâm sự với nó như một con người. Lão Hạc vì bất đắc dĩ phải đành lòng bán đi cậu Vàng, cái tên thân thương mà lão dành cho con chó của mình. Lão vì thương con trai, không muốn tiêu phạm vào số tiền dành dụm cho con. Lão đã tính kĩ mỗi ngày cậu ấy ăn thế cũng mất hai hào. Mà cứ thế này thì lão không lấy tiền đâu mà nuôi được.Đối với lão, giờ đây, tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của con trai. Cảnh tượng lão Hạc chia tay với con chó Vàng vô cùng xúc động. Đọc đoạn văn ấy, người đọc rưng rưng xúc động, đồng cảm sâu sắc với lão Hạc. Nam Cao cũng đã vô cùng thành công khi miêu tả cảnh tượng ấy chỉ bằng những nét chấm phá trên gương mặt đau khổ của lão. Sau khi bán con chó đi, lão Hạc sang nhà ông giáo để chia sẻ. Dù lão cố làm ra vẻ bình thường nhưng không thể nào giấu đi được khuôn mặt biến dạng của con người già nua đầy đau khổ đó. Nam Cao đã vô cùng tinh tế khi miêu tả lại khuôn mặt ấy: "Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...".Bán đi cậu Vàng, lão đau như cắt từng khúc ruột.Nhưng bởi hoàn cảnh sống, bởi tình thương yêu con vô bờ bến mà lão phải đưa ra quyết định ấy. Chính nỗi khổ tâm của người cha già luôn dằn vặt, đau đáu chuyện vì nghèo, vì khổ mà không cưới được vợ cho con, thêm nữa giờ đây cũng vì hoàn cảnh mà lão đối xử không đàng hoàng đối với một con chó. Lão nhờ ông giáo giữ lại hộ mảnh vườn để mai sau người con trai lão trở về sẽ có nhà để ở, có vườn ruộng làm ăn. Lão tự lo cho hậu sự của mình sau này, lão không muốn nhờ vả hay vay mượn bất cứ ai.
Cảnh sống nghèo khốn khó về vật chất và sự suy sụp về tinh thần khiến cho lão Hạc kiệt sức.Lão rơi vào cảnh bần cùng hóa. Không kiếm được việc làm, lại không có đủ sức khỏe, cô đơn lạc lõng, lão sống vật vờ qua ngày với con ốc, con trai, củ khoai, củ ráy, sung luộc...Cái kết của câu chuyện là một cái kết đầy đau xót đối với độc giả. Lão Hạc đã tìm đến cái chết.Sau cùng, con người khốn khổ ấy cũng tìm cho mình một lối giải thoát.Hầu hết khi nghĩ đến việc tự tử, người ta thường nghĩ đến những việc làm sai trái, tiêu cực nhưng với lão Hạc, lão không nào có tội tình gì. Lão chết với lí do muốn giữ lại tiền cho con trai mình, không muốn nhờ vả liên lụy mọi người xung quanh. Cái chết của lão cũng thật đau đớn, xót xa: "Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên".Lão đã tự tử bằng thuốc chuột.Cho đến cuối đời, lão nông khốn khổ ấy vẫn đau đớn và bất hạnh vô cùng. Một con người, một số phận đầy đau thương.
Lão Hạc là một trong những nhân vật điển hình trong các sáng tác của Nam Cao. Chúng ta tự đặt ra câu hỏi: Phải chăng Nam Cao đã quá lạnh lùng với ngòi bút của chính mình? Phải chăng số phận của những nhân vật trong những tác phẩm của Nam Cao lại đều đau thương đến vậy?Thế nhưng ngẫm nghĩ lại, ta lại thấy đằng sau ngòi bút ấy là một tấm lòng chan chứa yêu thương. Càng viết, tác giả như càng muốn phơi bày sự thật của chế độ phong kiến tàn ác, chế độ đã đàn áp và đưa con người ta đến bước đường cùng. Vậy nhưng trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt ấy, những nhân vật của ông luôn ngời sáng lên vẻ đẹp tinh thần. Nhắc đến đây, ta lại nhớ đến nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao. Anh Chí ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao với sự thay đổi về cả nhân hình lẫn nhân tính nhưng có một khát khao lớn là muốn "làm người". Thế nhưng chính xã hội bất công ấy đày đọa con người ta đến bước đường cùng. Để rồi cuối cùng phải tìm đến cái chết như một sự giải thoát.
Có nhiều người cho rằng cách kết thúc tác phẩm của Nam Cao thường là ngõ cụt, mang tính tiêu cực.Thế nhưng điều đó làm cho hiện thực cuộc sống được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Lão Hạc, một cuộc đời đầy nước mắt, khổ đau, bất lực cho đến lúc mất đi nhưng luôn giữ trong mình bản chất lương thiện, hiền lành, nhân hậu. Đó cũng chính là thông điệp mà Nam Cao muốn truyền đến độc giả về bản chất của văn chương trong những sáng tác của ông: "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có".
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 15
Các tác phẩm về đề tài người nông dân trước Cách mạng tháng Tám đã lên án gay gắt xã hội thối nát thời xưa, một xã hội điêu tàn, bất lương, luôn luôn dồn ép những người dân vô tội vào cảnh bần cùng khốn khổ. Đồng thời, các câu chuyện cũng ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp, đáng quý của họ. Truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao là một trong những tác phẩm thành công nhất của đề tài này.
Ngay từ nhan đề của truyện đã giúp ta biết rằng nhân vật chính của câu chuyện là một ông cụ. Sự thực đã là như vậy, câu chuyện là cuộc đời của một cụ già vô cùng khắc khổ. Lão khắc khổ từ hình dáng đến số phận của mình. Đó là một ông lão già nua, bất hạnh vì cô đơn, bệnh tật lại luôn bị sự đói nghèo dằn vặt. Vợ chết sớm, lão phải lâm vào cảnh gà trống nuôi con một thân một mình nhưng khốn thay, con trai lão do không chịu nổi sự khổ cực bần hàn, sự lạnh lùng, đen bạc đã xin đi phu đồn điền cao su.
Vậy là vợ con đã đều rời xa lão, lão chỉ còn biết bầu bạn với con chó vàng. Lão coi nó như là một đứa con, đứa cháu, một người thân của mình để chia sẻ từng miếng cơm, manh áo của mình cho nó, ngày ngày bầu bạn, tâm sự với nó. Nhưng, cuộc sống dồn đẩy đến tận cùng, lão ốm nằm liệt giường, không làm được việc gì, phải ăn bòn vào tiền vườn vẫn để dành cho con. Tiếp sau, làng bị “mất nghề vé sợi” công ăn việc làm cũng hiếm hoi hơn. Lựa chọn duy nhất giờ đây là phải bán con chó đi vì một miệng ăn cũng đã không lo đủ rồi huống chi còn nuôi thêm một con chó – “ốc còn không mang nổi mình ốc thì làm sao vác cọc cho rêu” được ! Cái chi tiết lão bán con chó đi làm người đọc như chúng ta không thể không đau lòng. Hôm bán xong con vàng, lão sang nhà ông giáo để bộc lộ. Lão cố làm ra vẻ bình thường nhưng không thể giấu được nỗi đau trong lòng : “trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước…”. Nỗi đau làm biến dạng khuôn mặt của con người già nua đầy đau khổ đó : “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”. Hình ảnh đó càng làm nổi bật lên phẩm chất đáng quý của lão Hạc, đó là tính lương thiện và lòng thương con vô bờ bến. Lão bán con chó để không dùng vào tiền vườn, tiền để dành cho con về cưới vợ. Tình cha con sâu sắc của người nông dân già cả, nghèo khó khiến người đọc không khỏi cảm động và yêu mến.
Lão còn nhờ ông giáo giữ hộ mảnh vườn để mai sau người con trở về có nhà để ở, có vườn và ruộng để mà làm ăn bằng một văn tự mua bán hẳn hoi. Thậm chí để lo hậu sự mai sau cho mình lão cũng rất chu tất, chả phiền lụy, nhờ vả, vay mượn ai cả. Hình như theo lão có để lại cho con thì chỉ để tài sản chứ không để lại nợ nần. Tin tưởng trao gửi cả một “tài sản” lớn đối với lão cũng như đối với đời sống kinh tế lúc bấy giờ, mà không chút nghi ngờ, băn khoăn phải chăng bắt nguồn từ tấm lòng đầy nhân hậu, vị tha của nhân vật. Từ đó, ta thấy được ẩn sâu trong những con người đầy nghèo khổ và buồn đau này một tấm chân tình cảm động xiết bao.
Cái kết của câu chuyện mới là cái đáng nói nhất trong tác phẩm Lão Hạc này. Cuối cùng thì lão Hạc cũng chết. Đây không phải là một cái chết bình thường mà là cái chết đau đớn của một con chó : “Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên.”. Đọc đến đây tôi thấy rất sợ, không sợ vì cảnh vật vã rồi chết, mà vì tính chất thâm độc của chế độ thực dân phong kiến xưa kia. Tôi thường nghĩ, phải chăng Nam Cao quá lạnh lùng, vì tác phẩm nào của ông cũng toàn chết chóc, đau thương, các nhân vật đều kết thúc bằng cái chết. Sự thực ngòi bút của ông dù có thương nhân vật đến đâu cũng không thoát khỏi cái quy luật mà xã hội cũ quá ư tàn nhẫn gây ra cho những người dân vô tội. Nó chỉ cho lão Hạc có hai cách sống : Thứ nhất là lão sẽ phải tiêu lẹm vào tiền vườn của con, điều đó đời nào lão chịu. Thứ hai là lão sẽ phải làm những việc bất lương như Binh Tư thì lão lại càng không làm nổi. Con người mà đau khổ không giảm được nhân cách, đã khóc một cách cay đắng vì trót lừa một con chó thì làm sao có thể làm hại ai được ! Nam Cao đã linh hoạt và khéo léo lồng ghép các chi tiết để cuối cùng sự lựa chọn duy nhất của lão Hạc là cái chết. Chính vì chi tiết này mà truyện ngắn Lão Hạc đã lên án gay gắt xã hội cũ loạn lạc, mục ruỗng. Nó sẵn sàng xô đẩy ông lão nghèo khổ đó chọn cái chết như là giải pháp duy nhất để lão Hạc thoát khỏi cuộc sống đoạ đày đau khổ mà vẫn giữ nguyên được tấm lòng lương thiện của mình.
Qua truyện ngắn của Nam Cao, chúng ta đã biết thêm được về số phận, cảnh đời của những người nông dân trong xã hội xưa nói chung và lão Hạc nói riêng. Lão Hạc chính là hiện thân cho một nhân cách cao đẹp trong cái bóng đêm bao trùm lên những người dân vô tội khốn khổ khi xưa.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 15
Văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945 là nơi hội tụ của nhiều cây bút văn xuôi xuất sắc. Mỗi người một đề tài, một phong cách sáng tác riêng song đều tập trung phản ánh tính cách và số phận của nhiều tầng lớp người dân thời kì đó. Khi nhân dân ta rơi vào cảnh nước mất, nhà tan, bản thân là kiếp nô lệ thì cuộc sống không thể khác là sự đọa đày và khổ đau. Điều đó đã được thể hiện sâu sắc qua truyện ngắn Lão Hạc của nhà văn Nam Cao.
Trước hết ông là một người nông dân gặp nhiều nỗi khổ tâm và bất hạnh, vì nghèo đói nhưng rất chất phác đôn hậu và giàu lòng yêu thương con. Trong cảnh làng mất nghề, người nghèo khắp nơi thì những người già nghèo như lão Hạc là khổ hơn cả. Lão sức yếu mà không có người đỡ đần, chăm sóc khi tuổi già. Đau khổ hơn cho lão Hạc là người con trai đi bặt vô âm tín mấy năm liền. Bản thân lão ốm yếu luôn mà không có tiền chữa bệnh, lão Hạc sống nốt những năm cuối đời trong cảnh cô đơn. Mòn mỏi về bệnh tật và chờ đợi đứa con ngày cũng như đêm, đó là nỗi bất hạnh và khổ tâm rất lớn của lão Hạc. Cô đơn về tinh thần, về vật chất lão Hạc cũng chẳng sung sướng gì. Đói khổ, bàn đầu lão Hạc còn ăn củ khoai, củ sắn, sau thì ăn thức ăn tự tạo lấy : “hôm thì ăn củ chuối, hôm thì ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, củ khoai hay bữa trai, bữa ốc”. Lão đã quỵ ngã vì bệnh tật, vì nhớ mong khắc khoải. Tuổi lão đã cao, lại thêm sự lo toan cho cuộc sống, thời gian cứ đánh gục dần lão. Chính cái chế độ thực dân phong kiến ấy đã bần cùng hoá lão, dồn lão đến trước con đường của Binh Tự : con đường bất lương, trộm cắp, đánh bả chó. Mặc dù đã bị dồn đến bức tường cuối cùng ấy nhưng lão Hạc vẫn không chịu cúi đầu chui qua cái lỗ nhỏ mà số phận chỉ cho, lão không chịu bán đi hai chữ “lương thiện” mà chấp nhận kết thúc cuộc đời, kết thúc một kiếp người như kiếp chó của mình. Cái chết của lão Hạc thảm thương quá : Lão “vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc.”. Như vậy đấy, cuộc đời người nông dân trước Cách mạng khổ từ khi sinh ra cho đến tận lúc chết, mà hình ảnh điển hình là lão Hạc đã được đưa vào văn học.
Mặc dù đời sống bị bần cùng hoá đến cùng cực như vậy nhưng lão Hạc vẫn không mất đi những phẩm chất vốn có của người nông dân Việt Nam. Từ lời nói đến việc làm, suy nghĩ của lão Hạc đều toát lên vẻ thật thà, chất phác. Lão nói với ông giáo : “Tôi cắn rơm, cắn cỏ lạy ông giáo! Ông giáo có nghĩ cái tình tôi già nua tuổi tác mà thương thì cho tôi gửi.”. Nghe lão nói thật hiền từ mà chất phát quá ! Nhỡ sang tên cho ông giáo rồi, ông ta nghèo quá mà bán đì thì sao? Ấy là cái tính của người nông dân “chọn mặt gửi vàng”, tin tưởng vào những người có học. Cao hơn cả chất phác, lão Hạc là người có tấm lòng đôn hậu. Ông lão rất thương con, nhất định không dùng đến tiền bán vườn của con. Yêu con nên thấy con không cưới được vợ, lão Hạc rất đau khổ. Sống cô đơn, nghèo khổ, nhưng ngày cũng như đêm, lão đều nghĩ, đều thương đến con. Vì thương con và bất lực trước cuộc sống, lão mới kết thúc cuộc đời để khỏi xâm phạm đến mảnh vườn của con. Tình yêu con của lão cũng thể hiện ở sự thương yêu, trân trọng kỉ vật của con để lại : một con chó “lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự”.
Những lúc rỗi rãi, lão tắm cho nó, bắt rận cho nó đầy yêu thương. Lão còn cho nó, ăn trong một cái bát, lúc nào cũng tâm sự với nó. Khi bán nó, lão không thể nén được dòng nước mắt như cái lần lão tạm biệt con trai. Có thể hiểu rằng bán coin chó vàng là lão vĩnh viễn không thấy được hình ảnh người con trai.
Qua hình ảnh của lão Hạc, ta có thể nhận thấy rằng, dưới chế độ thực dân phong kiến, thân phận người nông dân tuy đầy đau khổ nhưng tâm hồn họ vô cùng chất phác và đôn hậu.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 16
Lão Hạc là nhân vật trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Lão Hạc là đại diện cho những người nông dân nghèo khổ có số phận hẩm hiu, đáng thương trong xã hội thực dân phong kiến Việt Nam những năm 1930 – 1945. Và cũng là đại diện cho tấm lòng của một người cha đáng thương, một con người có nhân cách đáng quý trong xã hội.
Lão Hạc là một người cha luôn yêu thương con và mong muốn con được hạnh phúc. Nhưng sự đời bất hạnh, con trai lão vì không có tiền lấy người mà cậu ta thương yêu nên phẫn chí bỏ xứ đi làm đồn điền cao su và chỉ để lại cho lão một con chó cùng ba đồng bạc. Lão buồn, lão tủi nhưng lão cũng chỉ biết sống cho qua ngày cùng với con chó Vàng. Lão thương yêu, chăm sóc nó cẩn thận như một “đứa con cầu tự” vì nó là mối ràng buộc duy nhất còn sót lại giữa lão và con trai lão. Mỗi khi nhìn nó, lão lại nhớ đến con trai mình…
Nhưng đời nào yên bình như ta mong muốn, sóng gió lại ập đến và kéo theo cho lão thêm nhiều bất hạnh. Lão phải một trận ốm hơn cả tháng rồi khi hết bệnh thì trời lại bão. Cuộc sống đói nghèo dồn ép lão đến bên bờ vực thẳm, không còn cách nào khác, lão đành phải đứt ruột mà bán đi con chó Vàng lão hằng yêu thương. Rồi lão sang nhà ông Giáo, gửi cho ông hai nhăm đồng bạc còn lại từ hoa màu của sào vườn trước đó với năm đồng bạc bán chó nữa là ba mươi đồng bạc để phòng khi lão có ra đi thì đỡ phiền hàng xóm và nhờ ông trong coi hộ mảnh vườn. Từ sau ngày hôm đó, lão chỉ ăn khoai. Khi khoai hết thì lão chế được món gì, ăn món ấy: hôm thì củ chuối, hôm thì sung luộc,..
Dù nghèo đói, khốn khổ là vậy, lão cũng tuyệt đối không bị tội lỗi cám dỗ. Lão không nghe theo Binh Tư ăn trộm hay sống nhờ vào sự giúp đỡ của ông Giáo mà ngược lại còn tỏ vẻ gần như là “hách dịch” để từ chối ông Giáo. Lão thà rằng chết đi chứ không muốn mất đi cái tự tôn, danh dự của một con người. Và quả thật lão đã lựa chọn cái chết để bảo toàn danh dự, lòng tự tôn của bản thân lão. Nhưng đây là một cái chết không hề nhẹ nhàng. Lão chết vì ăn bả chó! Lão chết một cách đau đớn, quằn quại như một con chó! Vì sao ư!? Là vì chuộc lỗi với cậu Vàng và cũng vì chính sự tự trọng của lão với con trai lão – sự tự trọng của một người cha với con mình.
Chao ôi! Lão Hạc thật là một con người đáng trân trọng! Lão thà chọn con đường nghiệt ngã là tự đầu độc mình để giữ trọn danh dự của một người cha, nhân phẩm của một con người hơn là sống nhục nhã và mang nợ của người ta. Một lựa chọn ôi thật bi thảm nhưng chính nó đã thay lời tố cáo xã hội thực dân phong kiến tàn ác. Nếu cái xã hội ấy mà không vùi dập con người đến tận cùng của sự bất hạnh thì con người có nhân cách đáng quý như lão Hạc đâu phải kết thúc cuộc đời một cách bi thảm như thế!
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 17
Nam Cao là một nhà văn hiện thực Việt Nam, một nhà báo kháng chiến, một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỉ 20. Nam Cao có rất nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỉ 20. “ Lão Hạc” là truyện ngắn của nhà văn Nam Cao được viết năm 1943. Tác phẩm nói về nhân vật Lão Hạc đại diện số phận đau thương của người nông dân trong xã hội cũ và phẩm chất cao quý tiềm tàng của họ.
Lão Hạc là người thương con, ông thay vợ nuôi dạy con trưởng thành, muốn xây cho con một tổ ấm. Nhưng lão nghèo, không có đủ tiền thách cưới, con trai lão vì đau lòng mà bỏ đi đồn điền cao su làm. Lão đau lòng lắm, nhưng lão không biết cách nào để lấy con về lại được, đi đồn điền cao su đồng nghĩa với việc không bao giờ trở về. Lão ân hận vì mình đã mất con rồi. Lão chất chiu, cất giữ từng thứ một của con, lão nuôi một hi vọng con sẽ trở về. Lão gượng sống để trông coi mảnh vườn cho con trai, cóp đủ trăm đồng bạc, khi nào con lão trở về lão sẽ đưa để con trai cưới vợ. Lão thương con, lão mong một cuộc sống hạnh phúc sẽ trở về.
Lão có một con chó tên là Vàng, con chó do con trai lão trước khi đi đồn điền cao su để lại. Lão coi con chó như người thân trong gia đình. Lão nuôi con chó vàng, lão yêu thương, cưng nựng nó như một đứa con. Con chó không chỉ bình thường mà nó là kỉ vật mà con lão để lại, là thứ để lão chia sẻ buồn vui mỗi khi buồn hay khó khăn, nó đã trở thành người bạn của lão. Vì gia cảnh nghèo khó, không nuôi nổi nó nên lão đã cắn răng bán con chó đi. Lão đã rằn vặt bản thân mình khi mang một “ tội lỗi” đã nhẫn tâm lừa “ một con chó”. Bán con chó là một việc rất bình thường với mọi người, nhưng với lão thì không. Bán con chó vàng không chỉ mất đi một người bạn, một kỉ vật của con mà đau đớn hơn là lão đã buộc lòng phải giết chết nguồn sống của mình. Bán con chó có thể được coi là lần tự sát đầu tiên của lão. Khi lão báo tin với ông giáo, lão cố làm ra vẻ vui nhưng lão cười như mếu và đôi mắt ừng ực nước. Lão khóc cho con chó, nhưng cũng khóc cho chính mình, cho sự nhẫn tâm của mình. Lão khóc như một đứa trẻ, bản chất của một con người lương thiện, tính cách của một nhân dân nghèo khổ mà nhân hậu, tình nghĩa, giàu lòng vị tha được bộc lộ đầy đủ. Lão chua chát tủi cực cho một kiếp người, ý thức về thân phận của một lão nghèo khổ, cô đơn với kiếp chó.
Lão hiểu cảnh ngộ của ông giáo và bà con trong xóm đều nghèo khổ. Không muốn phiền làng xóm, lão mang số tiền dành dụm được nhờ ông giáo cầm hộ để lo ma chay. Lão từ chối tất cả sự giúp đỡ của ông giáo, lão trao cả cơ nghiệp nhờ ông giáo trông coi. Lão ăn khoai, ăn củ chuối, ăn sung luộc, rau má, một vài củ ráy hay bữa ốc mà mình kiếm được … Lão tự mình ăn bả chó, lão muốn chuộc tội với cậu Vàng. Lão nằm trên giường, bọt mép sùi ra, quần áo sộc sệch, hai mắt long sòng sọc. Cái chết của lão đầy chua sót, cay đắng nhưng đó là cái chết lạc quan, nhân hậu vì nó mang lại cho người đọc niềm tin vào nhân cách phẩm giá của con người, giữa xã hội mà nhân cách con người ngày càng bị xói mòn nghiêm trọng. Lão Hạc là một trong những nhân vật Nam Cao không đánh mất mình, vẫm giữ được phẩm giá của mình đến trọn cuộc đời. Qua nhân vật Lão Hạc, tác giả muốn thể hiện tình cảm đặc biệt trân trọng của mình đối với người nông dân lam lũ, nghèo đói.
Nhân vật Lão Hạc để lại trong lòng con người nhiều suy ngẫm, qua đó thể hiện được tài năng, tấm lòng của Nam Cao. Phải là một cây bút xuất sắc, một nhà văn thấu hiểu, am tường về người nông dân tới tận cùng, dành cho họ những tình yêu mến, trân trọng, cảm thông sâu sắc mới có thể viết được truyện ngắn hay như vậy.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 18
Nam Cao là một nhà văn lớn của người nông dân Việt Nam, đặc biệt là người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945. Ông vẫn cảm nhận được những vẻ đẹp cao quý trong tâm hồn của họ trước bờ vực của cái đói, cái nghèo. Truyện ngắn “Lão Hạc” của nhà văn là một tác phẩm như thế. Nhân vật chính của tác phẩm – nhân vật lão Hạc – dù có một hoàn cảnh bất hạnh, đau đớn nhưng lão vẫn giữ được tình yêu thương đối với những người thân yêu và đặc biệt là một lòng tự trọng cao cả. Qua nhân vật này, nhà văn đã thể hiện tư tưởng nhân đạo tiến bộ và sâu sắc.
Lão Hạc cũng như bao người nông dân Việt Nam khác phải đối mặt với cái nghèo, cái đói của cuộc sống cơ cực, tăm tối trước Cách mạng. Nhưng lão còn có những hoàn cảnh riêng vô cùng bất hạnh. Vợ lão chết sớm. Con trai lão phẫn chí vì nghèo không lấy được người mình yêu nên bỏ đi đồn điền cao su. Lão chỉ có con Vàng là kỷ vật của con để làm bạn. Vậy là cùng một lúc lão phải đối mặt với bao đau khổ: cái đói, sự cô đơn và tuổi già với ôm đau, bệnh tật. Rồi cuộc đời cực khổ, dồn lão đến mức hết đường sinh sống. Lão phải dứt ruột bán đi con chó Vàng mà lão yêu thương nhất. Lão bán con chó trong niềm khổ đau tột cùng: “Mặt co rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra, cái đầu ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít”, “lão hu hu khóc”,…
Ban đầu là “luôn mấy hôm lão chỉ ăn khoai”, “khoai cũng hết, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy hay bữa trai, bữa ốc”. Rồi đến mức chẳng còn gì để ăn, để sống. Rồi điều gì đến sẽ phải đến. Không còn đường sinh sống, lão Hạc chỉ còn đường chết. Và đó là một cái chết thật đau đớn, thật tủi nhục: chết “nhờ” ăn bả chó tự tử…! Cái chết của
lão dữ dội vô cùng: lão sùi bọt mép, lão co giật phải hai người đàn ông lực lưỡng đè lên… Cái chết ấy khiến người đọc liên tưởng đến cái chết của con chó Vàng để rồi rùng mình nhận ra rằng cái chết của lão đâu khác gì cái chết của một con chó.
Đói nghèo như thế, khổ đau như thế nhưng lão không vì vậy mà tha hóa về nhân phẩm. Binh Tư đã tưởng lão xin bả chó để ăn trộm. Ông giáo cũng nghi ngờ lão. Nhưng không, Lão Hạc vẫn giữ được vẹn nguyên tâm hồn dào dạt yêu thương đáng quý, đáng trọng của người nông dân và cả sự tự trọng cao đẹp của mình.
Lão yêu thương con rất mực. Văn học Việt Nam đã có những “Cha con nghĩa nặng” của Hồ Biểu Chánh, “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng,… ngợi ca tình phụ tử. Và trong đó cũng cần nhắc đến “Lão Hạc” của Nam Cao. Vì thương con, lão chấp nhận đối mặt với cô đơn, với tuổi già để con ra đi cho thỏa chí. Con đi rồi, lão dồn cả yêu thương vào con chó Vàng. Đừng nghĩ đơn giản rằng lão cưng chiều “cậu” Vàng vì đó là con chó khôn, chó đẹp. Điều quan trọng nhất khiến lão yêu quý con Vàng đến mức chia với nó từng cái ăn, cho nó ăn vào bát như người, rồi đến lúc nó chết lão quằn quại, đau đớn,… là bởi con chó là kỉ vật duy nhất mà con trai lão để lại. Nhìn con chó, lão tưởng như được thấy con mình.
Không chỉ vậy, lão thương con đến độ chấp nhận cái đói, rồi cả cái chết chứ không chịu bán đi mảnh vườn của con. Nếu lão bán mảnh vườn, ắt lão sẽ đủ ăn tiêu để vượt qua thời khốn khó. Nhưng lão lại lo khi con trai về không có đất sinh sống làm ăn. Vậy là lão đã nhận lấy cái chết rồi nhờ ông giáo giữ đất cho con. Chao ôi! Tình yêu thương con của lão thật cảm động biết mấy!
Yêu thương những người thân yêu ruột thịt, lão Hạc còn là một người sống đầy tự trọng trước cuộc đời nhiều cám dỗ và tội lỗi. Vào hoàn cảnh như lão, người ta đã có thể ăn trộm, ăn cắp hay thậm chí ăn bám vào người khác (như Binh Tư chẳng hạn, hay người đàn bà trong “Một bữa no” của Nam Caor..) nhưng lão Hạc thì không. Với sự giúp đỡ của ông giáo (mà cũng có gì đâu, đó chỉ là củ khoai, củ sắn) lão “từ chối gần như hách dịch" khiến ông giáo nhiều khi cũng chạnh lòng. Binh Tư ngỡ rằng lão xin bả để ăn trộm chó “lão cũng ra phết đấy chứ chẳng vừa đâu”. Đến lượt ông giáo cũng nghi ngờ: “"con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư? cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn”. Nhưng cuối cùng tất cả đều ngỡ ngàng, sửng sốt trước cái chết đột ngột của lão. Hay còn cách khác: lão có thể bán quách mảnh vườn di. Nhưng lão lại nghĩ rằng đó là mảnh vườn của con lão. Và lão đã thà chết chứ không ăn của con!
Lòng tự trọng của lão Hạc rực sáng nhất ngay khi thân xác lão đau đớn nhất. Lão đã chọn cái chết, một cái chết khốc liệt để tâm hồn mình được trong sạch, được trọn vẹn tình nghĩa với tất thảy mọi người – kể cả với con chó Vàng tội nghiệp. Nhưng còn một chi tiết khác cũng cảm động vô cùng. Lão đã tính toán để ngay cả khi chết đi rồi cũng không làm phiền đến mọi người: lão đã gửi ông giáo mấy chục đồng bạc, định khi mình nằm xuống thì nhờ ông giáo lo liệu ma chay khỏi làm phiền hàng xóm! Hỡi ôi lão Hạc!
Xây dựng nhân vật lão Hạc, Nam Cao đã sử dụng nghệ thuật khắc họa nhân vật tài tình. Điều đó được thể hiện trong đoạn văn miêu tả bộ dạng, cử chỉ của lão Hạc khi kể cho ông giáo chuyện lừa bán cậu Vàng, trong đoạn miêu tả sự vật vã đau đớn dữ dội của lão Hạc trước lúc chết. Ngôn ngữ nhà văn sử dụng trong tác phẩm sinh động, ấn tượng, giàu tính tạo hình và hết sức gợi cảm.
Qua nhân vật lão Hạc, nhà văn đã thể hiện tinh thần nhân đạo tiến bộ sâu sắc.
Nam Cao đã đồng cảm đến tận cùng với cái nghèo, cái đói của người nông dân Việt Nam trong nạn đói 1945. Thời cuộc đã dồn họ đến đường cùng và lối thoát nhanh chóng nhất là cái chết nghiệt ngã.
Nhưng trên hết, nhà văn đã biết nâng niu trân trọng vẻ đẹp tâm hồn cao khiết của người nông dân ngay cả khi họ bước vào đường cùng. Không chỉ giàu tình yêu thương, người nông dân còn sống đầy tự trọng. Trong cái đói, tự trọng là thứ gì đó xa xỉ vô cùng. Vì miếng ăn, người ta có thể tàn nhẫn, dã man, thậm chí mất hết nhân tính. Nhưng đáng trọng thay lão Hạc, lão không chỉ giữ được tình thương tươi mát mà còn giữ được lòng tự trọng vàng đá của mình.
Và chính nhờ vẻ đẹp tươi sáng ấy của lão Hạc mà Nam Cao đã chiệm nghiệm: “Cuộc đời chưa hẳn đáng buồn”. Chưa đáng buồn bởi còn có những con người cao quý như Lão Hạc. Viết câu văn ấy, nhà văn đã bày tỏ thái độ tin tưởng đối phẩm cách tốt đẹp của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Điều ấy đáng quý vô cùng bởi trước Cách mạng, người nông dân bị coi rẻ như cỏ rác, thậm chí có nhà văn còn nhận định người nông dân “như những con lợn không tư tưởng”. Và bởi thế, tư tưởng của Nam Cao đáng ca ngợi biết bao!
Nhân vật lão Hạc của nhà văn Nam Cao là một nhân vật có nhiều đặc điểm đáng quý, đáng trân trọng. Từ lão Hạc, người nông dân Việt Nam có quyền tự hào về tâm hồn và phẩm cách của mình. Dựng lên nhân vật này, nhà văn Nam cao đã khẳng định một quan điểm giàu tính nhân đạo sâu sắc.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 19
Nông dân Việt Nam muôn đời nay luôn lam lũ, vất vả. Họ sống có khi sung túc, có khi cơ cực. Nhưng ở họ luôn sáng ngời phẩm chất tốt đẹp. Việt Nam những năm 1930-1945 đói khổ, nghèo nàn, lạc hậu phải chịu ách áp bức vừa của thực dân vừa của phong kiến. Cái đói cái nghèo tròng lên cổ nhân dân đặc biệt người nông dân áo vải lấm lem. Trước hình tượng ấy, rất nhiều nhà văn đương thời chọn lựa làm hình mẫu cho đề tài viết văn của mình. Trong đó có Nam Cao. Ông đã khắc họa bức chân dung Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên sinh động, chân thực.
Cảnh ngộ của Lão Hạc thật bi thảm. Nhà nghèo, vợ chết, hai cha con lão phải sống lay lắt, rau cháo qua ngày. Một ngày nọ, người con trai của lão phẫn chí vì không có tiền cưới vợ, bỏ đi làm đồn điền cao su biền biệt, một năm chẳng có tin tức gì. Lão Hạc sống thui thủi một mình với con chó Vàng, kỉ vật người con trai để lại. Lão tôn con chó là “cậu Vàng”, coi con vật như người thân trong nhà. Vắng nhà đi kiếm ăn thì thôi, hễ tới nhà là ông lão lại kể chuyện tâm tư, là nguồn hạnh phúc đơn sơ mà thiết thực giúp lão sống trong đói nghèo, để đợi người con trai trở về xây dựng hạnh phúc lứa đôi và hạnh phúc gia đình, cho lão được sống bên con, bên cháu như bao con người bình thường khác. Nhưng sự túng quẫn ngày càng đe dọa lão. Sau trận ốm nặng kéo dài, lão yếu người đi ghê lắm. Đồng tiền bấy lâu nay dành dụm cạn dần. Lão không có việc làm. Rồi một cơn bão ập đến, phá sạch sành sanh hoa trái trong vườn. Giá gạo thì cứ cao mãi lên. Vì thế lão Hạc lấy tiền đâu nuôi “cậu Vàng”. Kể ra trong nhà cũng còn ít tiền dành dụm cho đứa con trai, nhưng lão không tiêu lẹm vào đấy. Mà cho “cậu Vàng” ăn ít, thì cậu gầy đi, tội nghiệp. Ông lão nông nghèo khổ ấy cứ băn khoăn, day dứt mãi, cuối cùng dằn lòng quyết định bán “cậu Vàng” rồi đến nhờ ông giáo cậy nhờ một việc quan trọng.
Bán con chó Vàng vì thương con, điều đó thể hiện tấm lòng yêu thương con sâu sắc của một người cha nhân hậu và giàu lòng tự trọng. Nhưng rồi lão Hạc lại vô cùng ăn năn, day dứt. Lão sang nhà ông giáo để giãi bày nỗi đau thống thiết của mình. “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…”. Phải chăng lão Hạc cảm thấy có lỗi với cậu Vàng, con vật rất đỗi thân thương của lão. Những lời lão kể với ông giáo mà như kể với chính mình: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à! Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu mà còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”. Đây là lời nói, hay chính là lời sám hối, lời tự than, tự trách mình quá phũ phàng, nhẫn tâm của một tấm lòng nhân hậu.
Có thể nói, lão là một người nghĩa tình, thủy chung, vô cùng trung thực. Lão từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo, lão lại chuẩn bị sẵn tiền làm ma cho bản thân, gửi ông giáo, để khi lão có việc thì ông giáo đưa ra, coi như là của lão có chút ít, còn lại thì nhờ bà con hàng xóm cả. Lão làm vậy để không phiền lụy tới ai. Từ đó, lão bòn vườn, mò cua,ốc, trai ăn để sống qua ngày, thà chết chứ không chịu mắc nợ ai. Có lẽ hành động bán cậu Vàng của lão chính là bước chuẩn bị cho cái chết của lão. Lão xin Binh Tư ít bả chó với lý do bắt chó nhà khác – một lý do làm Binh Tư tự nghĩ lão giả bộ hiền lành thế nhưng cũng ghê ra phết, một lý do làm ông giáo hiểu lầm lão, hiểu lầm một con người đã “khóc vì trót lừa một con chó, một con người nhịn ăn để có tiền làm ma”. Vậy nhưng hóa ra, lão ăn bả chó để tử tự, để giữ vẹn nguyên tấm lòng trong sáng của lão. Lão ăn bả chó, lão chết như một con chó, vật vã, quằn quại trong đau đớn, để chuộc tội với cậu Vàng. "Lão đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết...". Lão ăn bả chó cũng là để không bị cuộc sống dồn đẩy, bị tha hóa biến chất như Binh Tư, hay Chí Phèo…
Cái chết của lão cũng chính là sự tự trọng của lão với con lão. Lão sống mà phải dựa vào tiền của con thì thà lão chết còn hơn. Lão Hạc có một tấm lòng thật đáng trân trọng – lòng tự trọng của lão nông nghèo nhưng trong sạch. Lão chọn “chết trong còn hơn sống đục” khi bị dồn vào đường cùng. Tấm lòng nhân đạo của Nam Cao đã được thể hiện rất rõ. Thông qua cuộc đời bi thảm, những phẩm chất thì sáng trong của lão Hạc, Nam Cao quả đã “khơi được những nguồn chưa ai khơi” và chính điều này đã đưa ông lên một vị trí vững chắc trong dòng văn học 1930-1945.
Truyện ngắn “Lão Hạc” đã thể hiện một cách chân thực, cảm động số phận đau thương và phẩm chất cao quý của người nông dân cùng khổ trong xã hội cũ, cái xã hội mà “hạnh phúc là một cái chăn quá hẹp. Người này co mà người kia bị hở”. Lão Hạc vì tình thương con sâu nặng đã chấp nhận những giá lạnh của cuộc đời để nhường tấm chăn hạnh phúc cho người con xa nhà. Cũng qua câu chuyện về lão Hạc, nhà văn thể hiện lòng thương yêu, thái độ trân trọng đối với những con người bất hạnh mà biết sống cao thượng.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 20
Truyện ngắn Lão Hạc là một tác phẩm tiêu biểu trong dòng văn học hiện thực, phản ánh rõ xã hội Việt Nam trong giai đoạn lịch sử năm 1945. Nếu như có tìm hiểu qua có lẽ ai cũng biết rằng Nam Cao không chỉ là một nhà văn mà còn là một người chiến sĩ của Việt Nam. Ông đã viết không ít những tác phẩm phản ánh hiện thực, đi sâu vào cuộc sống khổ cực của người dân trong xã hội lúc bấy giờ mà điển hình là truyện ngắn Lão Hạc.
Nam Cao là một nhà văn rất thành công trong việc xây dựng nhân vật từ ngoại hình tính cách đến tâm trạng và cả ảnh hưởng xã hôi lúc bấy giờ đến nhân vật. Có lẽ nhân vật Lão Hạc được dựng trên tính cách, con người Việt Nam. Một nông dân hiền lành, chân chất sống trong áp bức bốc lột của xã hội phong kiến.
Đầu tiên trong truyện ngắn ta có thể thấy được Lão Hạc sống chung với con trai của mình, vợ mất sớm. Có lẽ vì vậy mà Lão rất thương con mình, để ý từng chút tâm trạng, biểu cảm và ngay cả khi con trai đã cố cười dấu đi cảm xúc thật ông vẫn có thể nhận ra. Ai cũng biết rằng người cha nào mà chẳng thương con, chẳng mong con được hạnh phúc nhưng cái cảm giác không cho con được điều mà con mong muốn nó khó tả đến nhường nào. Con trai Lão yêu và muốn lấy vợ nhưng tiền thách cưới lại quá cao, Lão từng nghĩ đến việc bán vườn nhưng có bán cũng không đủ Lão đành cố gắng khuyên con trai nhưng có ai biết được con trai Lão đi đăng kí làm đồn điền cao su khi cô gái lấy người khác có điều kiện hơn. Con trai Lão đưa Lão 3 đồng bạc rồi ra đi. Tâm trạng của Lão người đọc đều có thể cảm nhận được là sự buồn bã, dằn vặt mà trong đó còn mang một sự bất lực khi con trai Lão đi mà Lão thì không có cách gì níu giữ. Từ đó Lão sống chung với cậu Vàng, là con chó mà con trai Lão mua để dành khi lấy vợ. Lão quý nó như người bầu bạn của mình ,cuộc sống sẽ vẫn bình lặng qua ngày nếu như Lão không bị bệnh. Đúng vậy, Lão bị ốm suốt 2 tháng liền không làm được gì, còn tốn tiền thuốc, Lão sống khó khăn lại đi đến quyết định bán cậu Vàng. Chắc rằng lão đã suy nghĩ rất nhiều vì việc này được Lão nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần với ông Giáo một người hay tâm sự cùng Lão. Có lẽ lão sẽ không đắn đo suy nghĩ quá nhiều khi bán cậu Vàng nếu đó không phải là do con trai Lão mua, cứ nhìn thấy nó là lão lại nhớ con trai mình chắc hẳn Lão xem nó là vật kỉ niệm duy nhất con trai để lại trước khi đi.
Như vậy Lão là một người sống rất tình cảm và có lẽ không chỉ vậy mà Lão còn là một người có tấm lòng nhân hậu. Lúc lão bán con chó, Lão đã chạy đến khóc trước mặt ông Giáo như một đứa trẻ. Lão buồn không chỉ vì mất đi con chó mà lão còn dằn vặt lương tâm mình vì đã lừa nó. Lão gọi nó về cho nó ăn và rồi nó bị bắt đi, với sự miêu tả trong truyện có vẻ như nó không kêu lên hay dẫy dụa mà chỉ đơn giản là một ánh mắt với tiếng ưng ửng phát ra cũng có thể vì thế mà Lão xót, không chỉ xót cho nó mà còn xót cho chính bản thân mình.
Sau khi bán chó Lão gửi lại tiền và vườn cho ông Giáo nhờ ông Giáo trông vườn giùm và tiền thì để lo ma chay cho Lão nếu lỡ có chuyện gì xảy ra. Mấy ngày sau chỉ thấy lão suốt ngày ăn khoai, hết khoai rồi thì chế được gì Lão ăn cái đó. Tuy khó khăn là vậy nhưng lão lại không nhận sự giúp đỡ từ ông Giáo, có thể thấy Lão còn là một người giàu lòng tự trọng. Vài ngày sau đó Lão chết, lão đã tự tử nhưng lại dùng một cái chết dằn vặt và đau đớn suốt hai giờ liền. Phải chăng lão chọn cách đó để tự dằn vặt bản thân mình đã lừa cậu Vàng và cũng là để lên án xã hội phong kiến lúc bấy giờ.
Lão Hạc tuy là một nông dân nghèo nhưng lại giàu lòng nhân hậu sống chân chất, tự trọng và yêu thương con. Đối với một con người như vậy có phải nên có một cuộc sống hạnh phúc? Thế nhưng cuộc đời lão lại quá bế tắt đến cuối cùng Lão phải chọn một kết thúc đau khổ. Có hay chăng số phận của lão cũng là số phận của bao người nông dân khác trong xã hội phong kiến mà tác giả đã khắc họa để phản ánh hiện thực tàn khốc.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 21
Trong nhiều tác phẩm của Nam Cao, những con người lương thiện thường bị cái nghèo, cái đói và những định kiến của xã hội phong kiến đày đọa, chà đạp rồi dần trở thành tha hóa bất lương. Nhưng cái xã hội ấy đã không thể lôi kéo được một con người có tấm lòng vô cùng lương thiện, giàu lòng tự trọng và có một trái tim luôn tràn ngập tình yêu thương dành cho đứa con trai. Đó chính là Lão Hạc, nhân vật chính trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao.
Lão Hạc là một lão nông dân nghèo khổ và bất hạnh, lão sống trong cảnh đói nghèo và cô đơn. Vợ lão thì mất sớm, con trai thì bỏ đi đồn điền cao su ở tận Nam kỳ. Khiến lão phải mỏi mòn, chờ đợi đến suy sụp cả tinh thần và sức khỏe. Lúc con trai lão đi anh để lại cho lão Hạc một con chó vàng- làm bầu bạn với lão trong ngôi nhà lạnh vắng. Thế mà rồi sau đó kẻ bầu bạn ấy cũng chẳng còn. Cuộc sống đã cực khổ, đơn độc vậy thế mà lúc chết lão cũng không tìm một cái chết thanh thản mà lão đã chọn một cái chết dữ dội hơn cả cuộc sống của lão.
Tuy nghèo khổ nhưng kì diệu biết bao khi Lão Hạc lại có một trái tim vô cùng đôn hậu và lương thiện. Con chó Vàng với Lão Hạc là một người bạn trò chuyện sớm hôm, và cũng chính là kỷ vật duy nhất mà con trai để lại. Vì thế nên lão cưng nó lắm! Lão gọi nó là cậu Vàng một cách âu yếm, cho nó ăn bằng một cái bát sạch như nhà giàu, gắp thức ăn cho nó như một đứa trẻ, bắt rận rồi tắm cho nó. Con Vàng đối với Lão Hạc không chỉ là vật nuôi mà còn là tài sản, nguồn động viên quý giá trong cảnh già cô đơn. Nhưng cuộc sống của Lão càng ngày càng khó khăn, bế tắc, không còn có thể nuôi được con Vàng nữa thì Lão phải bán nó đi và đành tự dối mình rằng: nó chỉ là một con vật để giữ nhà hoặc giết thịt cần thì nuôi, không thì bán. Và bán chó là một việc quá bình thường. Nhưng tâm can lão đâu có nghĩ như vậy. Lão bán chó với những giọt nước mắt, sự hối hận, dằn vặt. “Lão cố làm ra vui vẻ. Nhưng trông Lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”- “Mặt lão co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…” Lão day dứt, đau đớn vì Lão cho rằng mình: “già vậy mà đánh lừa một con chó”. Lão Hạc là vậy dấy! Lão có một trái tim nhân hậu biết chừng nào!
Nhưng có lẽ tình cảm cao đẹp và sâu nặng nhất trong con người Lão Hạc chính là tình phụ tử. Lão sống tất cả vì con – Lão buồn và thương con lắm! Lão day dứt vì trách nhiệm làm cha chưa trọn vẹn. Lúc con lão phẫn chí bỏ đi phu cao su, ba đồng bạc của con trai trước lúc ra đi nằm nhẹ tâng trong lòng bàn tay xương xẩu và già nua của lão nhưng nó lại đè nặng lên trái tim lão một niềm đau dớn. Và hình như hình ảnh người con trai luôn thường trực trong tâm trí lão: “Ta bòn vườn của nó, cũng nên để ra cho nó, đến lúc nó về, nếu nó không đủ tiền cưới vợ, thì ta cho vợ chồng nó để có chút vốn mà làm ăn…”. Lão lay lắt sống vì con, sống với một niềm hy vọng chờ đợi con trở về. Lão nhịn đói, nhịn khát để quyết giữ lại nguyên vẹn mảnh vườn cho con, lão không thể bán nó đi để lão có cái ăn mà sống tiếp. Suy tính như vậy Lão Hạc đã sang gửi văn tự bán mảnh vườn cho ông giáo, một người hàng xóm đáng tin cậy nhất để khi nào con trai lão về còn có chỗ mà sinh sống và làm ăn. Khi đã yên tâm về điều ấy, lão đã quyết định ra đi. Không phải Lão Hạc không biết quý sinh mệnh của mình – tuy nhiên, có một thứ còn quý hơn là đạo làm người, làm cha. Đây là đỉnh cao của tình phụ tử thiêng liêng.
Không chỉ vậy Lão Hạc còn là người rất giàu lòng tự trọng. Khi Lão Hạc chết vì Binh Tư và Ông Giáo mới nhận ra rằng Lão Hạc quả là một con người đáng kính trọng vô cùng. Trước kia, Binh Tư là một tên chuyên trộm cắp đã có lúc hắn tưởng lầm Lão Hạc là đồng bọn với hắn. Còn ông giáo thì vô cùng thất vọng với người bạn của mình. Ông giáo nghĩ: “Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày thêm đáng buồn”. Mà nghĩ cho cùng con người cũng có thể làm như vậy chứ! Họ cũng biết đói, biết khổ. Nhưng ai có thể ngờ rằng Lão Hạc xin bả chó của Binh Tư để dành cho chính mình. Phải chăng Lão Hạc đã chọn cái chết bởi lão khó có thể sống tiếp mà vẫn giữ mình trong sạch. Trước đó Lõa Hạc đã từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo. Dù cho cuộc sống có khốn khổ đến đâu. Và khi chết rồi, lão cũng không muốn phiền lụy đến hàng xóm. Lão Hạc đã nhị ăn đề dành tiền nhờ ông giáo lo cho đám tang dù là rất đỗi sơ sài. Lão Hạc là người tiêu biểu cho triết lý sống cao đẹp, coi trọng nhân phẩm hơn mạng sống. Nói tóm lại: Lão Hạc tiêu biểu cho hình ảnh người nông dân trước cách mạng, dù cho cuộc sống có bế tắc nhưng vẫn giữ được nhân cách vô cùng đáng kính.
Trong truyện ngắn này Nam Cao đã rất thành công trong việc khắc họa nội tâm của nhân vật. Lão Hạc đã được đặt vào tình huống lựa chọn, để làm nổi bật phẩm chất tốt đẹp của nhân vật.
Tác phẩm này xứng đáng là một truyện ngắn xuất sắc. Nhân vật Lão Hạc được khắc họa chân thực, sinh động. Qua nhân vật tác giả thể hiện niềm tin và thái độ trân trọng vào phẩm chất tốt đẹp của người lao động.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 22
Nam Cao được cho là một nhà văn có ngòi bút sắc lạnh, cái chân thực ông vẽ qua mỗi câu chuyện lúc nào cũng mang hơi hướng của sự tàn khốc, tha hóa, bần cùng và khổ đau. Những năm tháng khi mà cách mạng chưa tới, cái đau đớn của người nông dân chìm trong bế tắc và u ám. Và truyện ngắn “Lão Hạc” được Nam Cao viết năm 1943 là cái đau chân thực của người nông dân bị xã hội thối nát đọa đầy, dẫn đến những bi kịch oan trái khiến người đọc không khỏi xót thương.
Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên được xây dựng như một nhân vật điển hình và bất hủ của Nam Cao. Cuộc đời lão là những chuỗi bi kịch chìm trong thế giới tồi tàn và đói khổ. Nó là sự cay đắng và đau đớn hiếm thấy trong thời kỳ mà văn học tìm lấy sự thoát ly hoàn cảnh trong sự quên. “Vợ lão mất sớm, lão gà trống nuôi con.” Cái tình cảnh ấy hiếm khi thấy trong văn học Việt Nam, nỗi đau của một người đàn ông mất vợ. Số phận của một người cô đơn như đã định sẵn trong bản án mà xã hội đem lại cho lão. Vì không có đủ tiền cho con trai lấy vợ, anh con trai đã bỏ lão mà đi làm ở đồn điền cao su, ngày về không biết. Lão bơ vơ, khổ đau và đói nghèo. Nhưng trong cái xã hội tình người thì ít, cái thân lo cho mình chưa xong, dường như tình cảm giữa người và vật xuất hiện đầy đặc biệt.
Lão Hạc đã yêu thương và nuôi một con chó đặt tên là Cậu Vàng. Lão yêu nó như con, để trò chuyện, bầu bạn vơi đi cái trống vắng và buồn tủi trong cái đời đau khổ của lão. Nhưng rồi cái đói ở xã hội ấy đã làm kiệt quệ đi cái tình thương và lòng nhân ái của lão già cô đơn. Lão thương Cậu Vàng nhưng thân lão còn lo chưa xong, sợ rằng tiêu lẹm vào tiền của con mình nên phải kìm lòng bán nó cho người ta. Một con người tử tế nhân hậu nhưng bị dồn vào đường bất nghĩa. Hình ảnh khi mà con chó nhìn lão bằng ánh mắt ai oán đã được Nam Cao miêu tả rất hay, thông qua đó đẩy lên cái nỗi đau của người dân vì miếng cơm manh áo mà phải đánh mất niềm vui duy nhất của mình. Đó còn là cái tinh tế của Nam Cao khi để lão Hạc sang thú tội với ông giáo, lão trách móc bản thân, dằn vặt chính mình. Rõ ràng là một người lương thiện nhưng lại phải rơi vào hoàn cảnh như vậy.
Nam Cao đặt trong lão Hạc những tính cách điển hình của người nông dân, tử tế, đôn hậu, tấm lòng người cha người mẹ, biết tự trọng và cả cái sự khổ đau cũng chẳng vơi đi phần nào. Lão thương con, vì thương con nên phải bán chó, tằn tiện thức ăn đến khổ sở, nhờ người ta giữ đất giữ bạc cho con mình. Và cũng vì quá yêu con nên chết đi để không ăn vào phần của cải của con sau này. Nỗi đau ấy nó là sự đau đớn tột cùng, nhưng cũng là cái chết thiêng liêng của tình phụ tử không kém gì tình mẹ con. Trong cái thời đói khổ ấy, tình yêu thương của cha mẹ vẫn luôn tiêu biểu nhất. Lão Hạc cũng tự trọng lắm, lão dằn vặt mình vì lừa một con chó, rồi chẳng dám phiền lụy đến ai, tiền của con lão chẳng đụng vào, lão còn lo cả tiền làm ma cho mình nữa. Chi tiết lão xin Binh Tư ít bả chó, người ta cứ tưởng lão lại sa vào cái nghề bất nhân khiến người đời chê trách. Mà không, bởi vì không muốn biến chất như những kẻ bần cùng của đáy xã hội, lão chọn cái chết cho mình. Ôi cái khổ đau sao mà nó nghiệt ngã. Lão chết quằn quại như một con chó, vật vã và khổ sở mãi mới chết. Đó là cái chết thức tỉnh những kẻ đã tha hóa, cái chết sám hối với cậu Vàng, cái chết tự trọng cho cuộc đời mình. Dù sống trong khổ đau và đói rách, Lão Hạc vẫn tử tế và đặ biệt đến vậy. Phải chăng đó chính là hình ảnh của những người nông dân cần cù và tự trọng của xã hội Việt Nam xưa, dù cuộc sống đẩy họ đến đâu vẫn giữ được cái tâm sáng mà họ vốn có.
Bên cạnh nhân vật điển hình cho người nông dân là Lão Hạc, Nam Cao tuy chỉ nhắc qua vài câu nhưng những người như cậu con trai, ông giáo và vợ ông giáo cũng đã tô thêm cái khổ đau của con người thời bấy giờ. Vì nghèo nên cậu con trai lão Hạc không lấy được vợ, sống trong đau khổ và bất lực, anh ta quẫn chí bỏ đi làm ở đồn điền cao su. Bấy giờ, xã hội thực dân loáng thoáng rập rình, là con quỷ man rợ đầy đọa cuộc đời kẻ đói khổ. Nơi đồn điền ấy là địa ngục, chắc gì có ngày về. Cái nghèo và nhục nhã đã đẩy con người ta vào bi kịch không lối thoát. Không những thế, tầng lớp tri thức trong truyện ngắn “Lão Hạc” cũng xuất hiện đầy những chật vật. Ông giáo có học, yêu sách như lão Hạc yêu cậu Vàng, nhưng vì cái nghèo cứ bám riết lấy cuộc đời đau khổ nên ông cũng phải bán những quyển sách ấy để có cái ăn. Cả những quyển sách cuối cùng, dù không nỡ nhưng cảnh nghèo mà con bị bệnh nên đành nhắm mắt bán đi đã lột tả chân thực cái bất hạnh mà đói nghèo đem lại cho con người. Vài câu nói về vợ ông giáo thôi nhưng cũng đủ để hiểu cái khổ đã làm con người ta bó hẹp tình thương thế nào. Một người bị đau chân thì người ta chỉ nghĩ về cái chân bị đau của người ta thôi, làm sao mà lo cho chuyện người khác được.
Cả truyện ngắn “Lão Hạc”, khung cảnh u tối và đói nghèo trở thành nỗi ám ảnh và đeo bám con người. Nam Cao dựng lên những nhân vật, lột trần cái bất hạnh trong xã hội bấy giờ, không chừa lại một chút nhen nhóm nào cho lối thoát của người nông dân. Nhưng cũng vì thế mà nỗi thương cảm, xót xa được đẩy lên đến tột cùng. Vậy mà trong cái tối tăm và bất hạnh ấy, con người bừng sáng dưới lớp than đen đúa là nhân cách tử tế, tấm lòng nhân hậu, thương con và biết tự trọng. Một tác phẩm truyện thôi mà đã để lại cái đau của cả một thời kỳ tăm tối, trở thành kiệt tác bất hủ khó có thể quên được.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 23
Mỗi lần đọc truyện Nam Cao là một lần tôi rưng rưng xúc động và ám ảnh. Ẩn sâu trong những câu chuyện hết sức dung dị, đời thường là niềm đau thương chan chứa. Khắc họa hình tượng người nông dân trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao là một trong những nhà văn thành công hơn cả. Trong số đó, nhân vật Lão Hac thuộc truyện ngắn cùng tên của Nam Cao tiêu biểu cho hình tượng người nông dân tuy bị đẩy vào bước đường cùng quẫn nhưng vẫn lấp lánh bản chất cao quý.
Nam Cao (1917-1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Trước Cách mạng tháng Tám Nam Cao đứng vào hàng ngũ những nhà văn hiện thực lớn bên cạnh các cái tên như Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố… Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông đi theo ánh sáng của Đảng, trở thành một nhà báo kháng chiến, tiêu biểu cho thế hệ mẫu nhà văn – chiến sĩ thế kỷ XX.
Nam Cao từng làm nhiều nghề, chật vật kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh. Trong sự nghiệp của mình, Nam Cao có nhiều đóng góp quan trọng cho truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20. Những tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao gồm: “Chí Phèo” (1941) “Giăng sáng” (1942), “Đời thừa” (1943), Tư cách mõ (1943), Đôi mắt (1948)… Truyện ngắn “Lão Hạc” sáng tác năm 1943 được đánh giá là một trong những truyện ngắn khá tiêu biểu của dòng văn học hiện thực, nội dung truyện đã phần nào phản ánh được hiện trạng xã hội Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám.
Truyện xoay quanh nhân vật Lão Hạc – người nông dân nghèo khổ, tưởng chừng như bị cái đói cái khổ làm cho tha hóa về nhân cách nhưng vẫn lấp lánh bản chất thanh cao. Qua đó, Nam Cao phê phán xã hội nửa thực dân phong kiến áp bức, bóc lột người nông dân tới cùng cực.
Trước hết Lão Hạc hiện lên là một người nông dân chất phác, hiền lành. Lão góa vợ, sống cùng một người con trái. Lão có một mảnh vườn nhỏ và sinh sống bằng nghề làm vườn. Lão còn nuôi một chú chó được lão gọi là Vàng. Lão quý con Vàng lắm, nó giống như con trai lão, cùng lão trải qua những tháng ngày đằng đẵng.
Cùng chung số phận với những người nông dân thời kì trước Cách mạng, lão Hạc sống lay lắt, chật vật giữa mối lo “cơm áo gạo tiền”. Con trai lão vì quá nghèo nên không thể lấy vợ, vì thế đã rời bỏ quê hương để đến đồn điền cao su làm ăn kiếm tiền. Trăn trở suy nghĩ về tương lai của đứa con, lão ngày đêm làm việc, nhịn ăn, nhịn tiêu mong tích cóp đủ cho con trai lấy vợ khi trở về. Nhưng lão nào biết khi nào con trai lão về. Những người đi làm đồn điền cao su thời đấy gần như không hi vọng ngày về. Họ bị bóc lột tới mức có thể gục xuống gốc cây cao su bất cứ lúc nào. Sau trận ốm hơn hai tháng thập tử nhất sinh, số tiền dành dụm bao lâu nay “không cánh mà bay”. Trận bão ập tới bất ngờ, cuốn phăng đi vườn rau của lão. Thế là lão không còn nguồn mưu sinh.
Những tai ương liên tục ập tới khiến lão Hạc rơi vào bước đường cùng. Mảnh vườn vợ lão để lại lão đem đi bán. Lão còn mua bả chó từ thằng Binh Tư – tên chuyên đầu trộm đuôi cướp trong làng để lừa con Vàng. Cái đói, cái khổ khiến lão Hạc từ một lão nông hiền lành cũng phải “lừa” một con chó. Đó là dấu hiệu đầu tiên của sự tha hóa nhân cách con người.
Thế nhưng dưới con mắt Nam Cao, lão Hạc đáng thương hơn đáng trách. Lão đã dằn vặt biết bao khi mình lại đi "lừa một con chó". “Mặt lão đột nhiên co rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau”. Lão “hu hu khóc”. Tiếng khóc như tức tưởi lắm, oan trái lắm! Ông giáo – có lẽ là người hiểu lão Hạc nhất làng Vũ Đại, cũng là hiện thân của tác giả thốt lên: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn là những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương…”. Vậy ra tâm hồn lão Hạc không tha hóa, lão chỉ là kẻ đáng thương mà Nam Cao đang “cố tìm mà hiểu”.
Sự dằn vặt khiến lão Hạc phải tìm con đường giải thoát tiêu cực nhất – cái chết. Lão quyết định tìm đến cái chết để được giải thoát sau bao tháng ngày cùng cực, đau khổ. Điều xót xa hơn nữa là lão kết thúc cuộc đời bằng một liều bả chó. Số phận con người có khác gì loài vật đâu? Cái chết của lão đau đớn và dữ dội, khiến người đọc không khỏi xúc động, xót xa. Lão chết để bảo toàn lòng tự trọng của mình, không để cho cái đói, cái nghèo dồn vào con đường tha hóa như Binh Tư.
Truyện ngắn rất thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật lão Hạc điển hình cho số phận người nông dân trước Cách mạng tháng Tám nghèo khổ, bị chèn ép, đẩy vào bước đường cùng nhưng nhân ái, giàu lòng tự trọng. Qua đó, Nam Cao phê phán mạnh mẽ hiện thực xã hội nửa thực dân phong kiến đầy rẫy áp bức, bất công đồng thời ngợi ca vẻ đẹp lấp lánh thanh cao của người nông dân Việt Nam. Tác phẩm đã thể hiện phong cách văn chương tài hoa cùng tấm lòng nhân đạo sâu sắc thầm kín của nhà văn.
Tôi tự hỏi, Nam Cao đã nhỏ biết bao giọt nước mắt xót thương cho nhân vật của mình? Nào ai mà biết được! Chỉ biết rằng đằng sau những trang văn lạnh lùng là một trái tim ấm áp tình đời và tình người.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 24
Đề tài người nông dân - những con người nhỏ bé và thường xuyên bị áp bức là một đề tàu quen thuộc trong văn học tùe những câu ca dao than thân đến những tiểu thuyết, truyện ngắn trước cách mạng. Trong đó, Nam Cao được coi là một cây bút của người nông dân. Qua những trang văn của tác giả, ta không chỉ thấy nỗi thống khổ của người nông dân mà còn sáng lên những phẩm chất tốt đẹp. Và nhân vật lão Hạc đã để lại trong em nhiều ấn tượng khó phai.
Truyện ngắn "Lão Hạc" xoay quanh cuộc đời, số phận của nhân vật chính là lão Hạc- một người nông dân điển hình cho những người nông dân Việt Nam trước cách mạng. Nhà lão nghèo tới mức không có tiền để cưới vợ cho con. Con trai lão vì không lấy được người mình yêu đã phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. Như vậy, 200 đồng bạc thách cưới vô tri, vô giác kia chính là thủ phạm chia rẽ bố con lão Hạc. Bố con lão là nạn nhân của những hủ tục.
Con đi rồi, lão rơi vào tình cảnh cô đơn, không nơi nương tựa. Lão cày thuê cuốc mướn để nuôi thân còn tiền bòn vườn dành dụm cho con trai. Những tưởng phần đời còn lại của lão sẽ bình yên như thế đến khi con về. Nhưng nỗi đau này chưa qua thì nỗi khổ khác lại ập đến . Bao nhiêu dự đính, tính toán, sắp đặt của lão đã tiêu tan sau một trận ốm kéo dài và một trận bão lớn phá sạch hoa màu. Không còm khả năng nuôi thân, lão đành tính đến việc bán con Vàng- một kỉ vật của con trai và cũng là một thành viên trong gia đình. Mặc dù vô cùng đau khổ và day dứt nhưng lão vẫn phải nhắm mắt bán con Vàng để rồi ân hận giằng xé trong lòng. Khổ đau, bất hạnh thi nhau chất chồng lên tấm thân già yếu đuối, cô đơn. Những ngày cuối cùng, lão sống vất vưởng, tạm bợ rồi cuối cùng đã tự giải thoát khỏi cuộc đời khốn khổ bằng một liều bả chó.
Cuộc đời, số phận dù có đau khổ, bất hạnh nhưng ở lão Hạc vẫn sáng lên những phẩm chất rất người. Trước hết, lão là người cha rất mực thương con. Con lão ra đi, lão day dứt vì không làm tròn bổn phận của người cha là lo cho hạnh phúc tương lai của con. Con đi xa lão nghĩ mình càng phải có trách nhiệm với con nên chắt chiu, dành dụm cho con, không cho phép mình sở hữu bất kì thứ tài sản nào nhất là mảnh vườn. Đối với đứa con, lão vừa có tình yêu thương lớn của người cha vừa có sự lo lắng, chắt chiu của người mẹ. Những lúc nhớ con, lão gửi niềm thương nỗi nhớ trong lời tâm sự với con vật:" Cậu có nhớ bố cậu không hả cậu Vàng... không biết cuối năm nay bố cậu có về không". Bao nhiêu tình cảm dành cho người con nơi xa lão gửi vào con Vàng và đến lúc phải bán chó cũng là vì con. Lão thà nhận sự cô đơn và để cho lương tâm cắn rứt còn hơn là tiêu lạm vào tài sản của con. Những ngày cuối cùng lão ăn những thứ tự chế và vẫn nuôi hi vọng con trai sẽ trở về. Nhưng càng chờ tin con càng mờ mịt, lão đã tìm đến cái chết như là sự hi sinh vì hạnh phúc tương lai của con.
Lão Hạc còn là người nhân hậu, lương thiện, thủy chung. Lão gọi kỉ vật của đứa con để lại là "cậu Vàng" như môtk bà hiếm con gọi đứa con cầu tự. Tuổi gùa trơ trọi, lạnh lẽo có biết bao tình cảm chất chứa trong lòng, lão dốc bầu tâm sự với con chó. Thế nhưng một trận ốm hai tháng 18 ngày khiến cho lão kiệt quệ về sức lực lẫn tiền bạc nên buộc lão phải nghĩ đến chuyện bán con Vàng sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ. Phải lừa con Vàng để bán cho những kẻ khác giết thịt, lão đau đớn, ân hận đến tột cùng. Người ta nuôi con vật rồi bán hay giết thịt là lẽ thường tình nhưng với lão thì đó là một tội lỗi. Lão đã tự trì triết, trách móc mình. Lão tìm đến cái chết bằng liều bả chó cũng là một cách để tự trừng phạt vì đối xử tệ bạc với con Vàng. Lão đúng là một người lương thiện, hiếm có trong cuộc đời đầy xấu xa và bất công này. Bên cạnh đó lão còn là một người giàu lòng tự trọng. Lẽ thường khi người ta khổ quá sẽ trở nên hèn hạ nhưng lão Hạc thì không. Càng nghèo lão càng có ý thức bảo vệ dạnh dự của bản thân. Mỗi khi sang nhà ông giáo để tâm sự hoặc nhờ việc gì, lão đều tìm mọi cách từ chối những lời mời mọc chân thành của ông giáo từ củ khoai lang đến bát nước chè. Cái nghèo, cái khổ không khuất phục được lão, lão thà đói khát còn để người khác coi thường mình. Lão đã chuẩn bị sẵn sàng và sắp xếp chu đáo về cuộc ra đi vĩnh viễn của mình về thế giới bên kia bằng cách gửi ông giáo 30 đồng làm ma cho lão. Lão nói với ông giái những lời chí lí chí tình khiến ông không thể từ chối . Giọng văn tỉnh nhưng tấm lòng đau đáu nỗi niềm vừa có trách nhiệm với bản thân vừa ưu ái, khiêm nhường với hàng xóm. Ý thức về nhân phẩm về lòng tự trọng của lão thật đáng trọng.
Như vậy, cuộc đời lão Hạc là một tấn bi kịch nghèo đói, cô đơn, chết thảm nhưng trong tột cùng đen tối phẩm chất của lão càng ngời sáng. Lão chết để vĩnh viễn hóa thành biểu tượng của tình thương và lòng tự trọng.
Để có một lão Hạc sống mãi trong lòng bạn đọc, Nam Cao đã phải dày công xây dựng. Ông đã đặt nhân vật vào từng tình huống cụ thể theo dòng mạch phát triển tự nhiên của truyện để nhân vật tự bộc lộ tâm lí, tính cách. Ngôn ngữ của nhân vật cũng bắt sát vào từng biến thái tinh tế của tâm lí nhân vật góp phần đắc lực tạo sức cuốn hút và hấp dẫn.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 25
Nhắc đến Nam Cao là nhắc đến một trong những nhà văn nổi tiếng trong bầu trời văn học giai đoạn 1930 -1945. Truyện của ông đa phần là những tiếng lòng thương cảm cho những số phận những con người bất hạnh bị xã hội vùi dập. Trong đó có thể kể đến như Chí Phèo, Đời thừa, Lão Hạc và Trăng sáng…. Lão Hạc chính là một trong những tác phẩm lấy đi nhiều cảm xúc của độc giả nhất, nó như xoáy sâu vào trong tâm trí người đọc ám ảnh về một người nông dân chất phác, thật thà lương thiện mà bị dồn dẩy đến bước đường cùng.
Điểm qua vài dòng về câu chuyện đầy ngặt nghèo này ta mới thấy thấm thía nỗi đâu mà lão Hạc đang phải gánh chịu. Nhà lão nghèo lắm, vợ mất sớm có duy nhất một đứa con trai. Thế nhưng chỉ vì mất niềm tin vào xã hội coi trọng vật chất này mà anh ta bỏ đi biệt xứ, nghe nói là xin vào làm ở đồn điền cao su. Nguyện vọng duy nhất của cậu ta là kiếm đủ tiền để cưới vợ. Thế nhưng có ai biết được rằng:
“Cao su đi dễ khó về
Khi đi trai tráng khi về bủng beo”.
Chính vì thế cuộc đời của lão Hạc là cuộc đời của những bất hạnh nối tiếp nhau. Khi mà vợ mất chẳng bao lâu con trai đã bỏ đi biệt xứ. Để lại mình lão thui thủi quanh mấy góc nhà cùng với một con chó tên Vàng. Quanh quẩn trong cái suy nghĩ của lão chỉ là sau khi chết muốn để lại mảnh vườn để cho con trai làm vốn mà thôi.
Thế nhưng hình như cuộc đời với ngần ấy bất hạnh không muốn buông tha cho lão. Lão vừa trải qua một cơn ốm nặng bao nhiêu thứ trong nhà cũng đội nón ra đi, chẳng những không thể đi làm thuê được mà hoa màu vườn tược cũng bị sự càn quét của thiên nhiên. Giá gạo trở nên vô cùng đắt đỏ. Và cứ thế hoàn cảnh đã đẩy lão rơi vào bế tắc. Cực chẳng đã lão đành bán đi con chó Vàng – người bạn duy nhất ở bên lão hàng ngày. Đây là điều ngoài ý muốn và cũng là nỗi day dứt suốt cuộc đời của lão. Đến đây nhà văn Nam Cao đã dùng những dòng chan chứa cảm xúc để nói về lão : “Mặt lão tự nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão nghẻo về một bên và cái miệng móm mém của lão mêu như con nít, Lão hu hu khóc...” Đọc đến đây ta bỗng dưng liên tưởng đến một nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng của đại thi hào Balzac là Gorio. Cả hai nhân vật đều gặp phải cảnh khốn cùng lúc cuối đời thế nhưng nguồn gốc của bi kịch lại khác nhau. Lão Hạc là bởi con trai hiếu thảo đi xa, đói khổ và hoàn cảnh xã hội đã đẩy lão đến đường cùng. Còn nhân vật Gorio là bởi bị ba cô con gái ruồng rẫy khi già yếu. Lão Hạc vẫn còn may mắn bởi xung quanh còn có hàng xóm láng giềng mà tiêu biểu là ông giáo chia sẻ.
Việc phải bán đi cậu Vàng là điều khiến lão Hạc ray rứt mãi không thôi. Lão cảm thấy hổ thẹn vì mình đã lừa một con chó. Tình yêu thương sự gắn bó với nó khiến lão thấy mình trở thành một kẻ bạc bẽo, xấu xa và lão thấy hổ thẹn lương tâm vì những điều lão đã làm. Đau đớn giằng xé như nhảy nhót trong tâm trí lão đến mức lão rơi vào đỉnh điểm của sự khốn khổ : "Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hóa kiếp cho nó để nó làm kiếp người may ra có sung sướng hơn một chút... Kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn!..."
Thế nhưng dù có bất cứ hoàn cảnh nào dù ngặt nghẽo nào đi chăng nữa lão vẫn không thôi nhớ đến con của mình. Lão đã gửi gắm hoàn toàn tài sản cho ông giáo. Lão giữ lại ba sào vườn và 30 đồng bạc đưa ông giáo để mong sao sau này con lão sống sót trở về sẽ có chút vốn mà làm ăn. Chao ôi đọc đến đây mà không cầm nổi nước mắt, con lão có biết rằng để có số tiền đó bố hắn đã phải nhịn ăn nhịn mặc bữa củ ráy, củ khoai, thậm chí sung luộc và cả bả chó không? Ông giáo cũng có lúc phải hối hận khi đã nghĩ sai về nhân cách của lão Hạc. Nhất là khi nghe Binh Tư nói lão Hạc xin bỏ chó của y. Trong suy nghĩ tối tăm của Binh Tư thì ai cũng như gã cả thôi “đói ăn vụng túng làm liều”. Thế nhưng lần này hắn đã sai. Lão Hạc chính là một đóa hoa sen khi mà gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Lão đã dùng chính bả chó lão xin của Binh Tư để kết liễu cuộc đời mình. Đây là cách để lão bảo toàn nhân cách và nhân phẩm của mình.
Hầu hét những tác phẩm của mình Nam Cao đều đưa nhân vật đến bước đường cùng. Đó là chí Phèo chết trên ngưỡng cửa của lương thiện, Lão Hạc chết vì bả chó. Tuy nhiên cái chết của lão Hạc khiến nhiều người thương xót ám ảnh, lão cết vì con vì danh dự của bản thân mình. Còn Chí Phèo thì sự ra đi của hắn chính là sự giải thoát cho một kiếp người đầy điều tiếng và dè bỉu khinh miệt.
Nhìn chung nhân vật lão Hạc chính là một nỗi trăn trở của người đọc. Đồng thời cũng chính là nỗi trăn trở của người nông dân trước cách mạng đang loay hoay tìm cho mình một con đường giải thoát mới. Ngoài giá trị hiện thực phê phán Nam Cao còn thể hiện tình yêu thương, đồng cảm với những số phận nông dân bất hạnh trong xã hội cũ.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 26
Truyện ngắn Lão Hạc là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Nam Cao và của nền văn học hiện thực phê phán trước cách mạng. Truyện xoay quanh cuộc đời và số phận đau thương, khốn cùng của nhân vật lão Hạc, một lão nông hiền lành, chất phác, nghèo khổ, bất hạnh nhưng có tâm hồn đẹp, nhân cách cao thượng đáng trân quý.
Nam Cao đã rất thành công khi khắc họa đậm nét tính cuộc sống và tính cách nhân vật lão Hạc. Lão Hạc là một người nông dân bất hạnh, nghèo khổ, cùng quẫn nhưng không bị tha hóa, mà trái lại có một tâm hồn đẹp, một nhân cách cao thượng.
Vợ lão mất sớm, lão sống một thân một mình trong tuổi già cô đơn, vất vả. Lão chỉ có đứa con trai duy nhất để nương tựa. Con trai lão vì không có đủ tiền cưới vợ đã quẫn chí bỏ đi làm phu đồn điền. Thế là, lão sống thui thủi một mình, ngày ngày bầu bạn với cậu Vàng, con chó của lão. Tuổi già còm cõi vẫn phải lùi thủi làm thuê làm mướn kiếm ăn lần hồi. Nhưng rồi cuộc sống càng lúc càng khó khăn đảy lão rơi vàc hoàn cảnh bế tắc.
Thực ra, hoàn cảnh lão Hạc đã làm gì bế tác đến thế. Lão còn mảnh vườn đó, con Vàng đó, có thể bán đi mà tiêu. Nhưng lão sống vì con chứ đâu phải vì mình. Hiếm có người cha nào thương yêu con như lão Hạc.
Lão Hạc là một điển hình về người cha hết lòng sống vì con. Nghèo khó nhưng lúc nào lão cũng nghĩ đến bổn phận làm cha trước. Lão lo làm tròn bổn phận ấy, dẫu có phải chịu đói, chịu rét và phải chết bi thảm lão cũng phải làm tròn trách nhiệm đối với con.
Với con, lão mong muốn nó có một cuộc sống đàng hoàng, nghèo nhưng không phải chịu điều tai tiếng hay nhục nhã. Đối với lão, nhân cách và danh dự còn mạnh hơn cả cái chết. Và lão cũng mong con trai lão được sống và sống được như thế.
Hình ảnh đứa con trai, nỗi lo chu tất cho con luôn luôn ám ảnh, dằn vặt trong tâm trí lão. Hồi anh ta còn ở nhà, lão không cho anh bán mảnh vườn để cưới vợ cũng là xuất phát từ nỗi lo cuộc sống lâu dài cho con trai. Lão đau lòng vì chưa lo cho con một người vợ, một căn nhà, một tổ ấm gia đình.
Cuộc sống đảy lão vào thế khốn cùng. Dù vậy, lão thà ăn củ chuối, củ ráy chứ không ăn vào tiền của con, không bán mảnh vườn của con. Bao nhiêu tiền nhặt nhạnh được từ mảnh vườn, cùng văn tự mảnh vườn lão gửi tất cả nhờ ông giáo giữ hộ cho con trai. Rồi lão chọn cái chết để không bao giờ phải đụng đến.
Lão Hạc, bên ngoài thì có vẻ tiều tụy và gàn dở như vậy mà thật giàu tình nặng nghĩa. Không chỉ dối với con, tấm lòng nhân hậu ở lão còn thể hiện ở cái tình rất nặng đối với con Vàng của lão mà -lão gọi là “cậu Vàng”. Lão ăn gì thì cậu vàng ăn nấy. Có cái gì, lão cũng chia cả, không bao giờ ăn hết. Lão nói chuyện với cậu vàng như nói chuyện với con người, cũng trêu đùa âu yếm thân thiết lắm.
Chân thật, chất phác, đôn hậu, tràn đầy tình thương và trách nhiệm, lão Hạc cũng là người thật giàu lòng tự trọng. Đối với ông giáo, người lão tin tưởng và quý trọng đến thế, lão cũng vẫn giữ ý để người ta nhìn vào không thể coi thường. Lão đói, không còn gì ăn, nhưng vẫn dứt khoát “từ chối tất cả” . Thậm chí từ chối “một cách gần như hách dịch” những gì ông giáo giấu vợ thỉnh thoảng ngấm ngầm giúp lão.
Trong làng, trong xóm, lão chưa từng làm phiền lòng một ai. Lão luôn giữ cho mình thật lương thiện. Lão tự trọng đến mức gửi tiền cho ông giáo để: “lỡ có chết đem ra nói với hàng xóm” lo ma chay cho mình. Khi sống thì “đói cho sạch, rách cho thơm”. Sau khi chết cũng không muôn có mảy may một tiếng xì xào.
Cuối cùng thì lão Hạc chết. Lão chủ động tìm đến cái chết. Đó là một cái chết bi thảm, khốc liệt, nhưng là cái chết của một con người cao quý. Bởi qua cái chết này, tất cả những phẩm giá cao đẹp của lão ánh lên, chiếu sáng lòng người.
Lão Hạc chết chỉ vì một thứ duy nhất đó là lão muốn để lại mảnh vườn cho con trai lão mà thôi. Nghe ra có vẻ vô lí nhưng lại có lí theo tấm lòng của người cha hết lòng yêu thương con. Lão biết rõ “cao su đi dễ khó về”. Con trai lão đi rồi khó mà có ngày trở về với lão lắm. Nhưng dù không nhiều cơ hộ nhưng lão vẫn tin tưởng nó sẽ về với lão. Vì thế, lão quyết định giữ mảnh vườn và dành dụm tiền từng ngày.
Lão giữ mảnh vườn để khi con trai lão về nó có nơi ở, có vườn để làm ăn, không xin xỏ ai. Làm dành tiền để con trai có cái mà xoay sở. Tiếp đến, lão cũng liệu cho cuộc đời mình. Tuổi già, bệnh đau, làm ăn khốn khó là ba kẻ thù của lão lúc này. Lão không hề sợ hãi nhưng một trận ốm đã quật đổ lão hoàn toàn. Lão vội vàng tính đến nước cuối cùng: tìm đến cái chết để bảo toàn mọi giá trị.
Dĩ nhiên là lão sẽ chết. nhưng chết như thế nào là một việc nan giải. Trong chuyện này, ta thấy lão hạc đã tính toán vô cùng kĩ lưỡng. Thật đáng sợ khi phải tính toán cho cái chết của mình. Thứ nhất: lão chét nhưng không ai biết vì sao lão chết. Thứ hai: lão sẽ chết trong chính ngôi nhà của mình. Thứ ba: cái chết của lão không làm phiền đến một ai.
Thế rồi lão âm thầm chuẩn bị cho hậu sự của mình. Đầu tiên, lão dem toàn bộ tiền bán chó và văn tự đất đai gửi cho ông giáo. Văn tự thì để ông giáo gửi lại cho con trai khi nó trở về. Còn tiền thì để lo mai táng cho lão khi lão qua đời. Kế đến, lão xin Binh tư, một tay chuyên ăn trộm trong làng, một ít bã chó. Lão nói dối, lão thấy có một con chó hay lỡn quỡn trong vườn nhà lão, lão muốn đánh bã nó rồi ăn chia với Binh Tư. Đó là lần nói dối đầu tiên, duy nhất và cuối cùng của lão hạc trong cuộc đời khốn khổ của mình.
Lão đã một mình ăn bã chó trong thầm lặng và khổ đau. Lão đã chết như một con chó, quằn quại và đau đớn. Lão chết một cách khốc liệt. Khi lão sống, cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng đối với lão. Lúc lão chết, cái chết cũng chẳng dễ dàng gì hơn.
Nhà văn Kim Lân từng nói: “Lão Hạc không chỉ là một người nghèo, đó còn là một con người có nhân cách, tự trọng và bất khuất”. Chúng ta hoàn toàn đồng ý với Kim Lân. Nhất là cái chết của lão Hạc dể lại cho chúng ta, cùng với nỗi xót thương vô hạn nhiều bài học quý.
Bài học sâu sắc nhất là giữa người với người phải có trách nhiệm với nhau hơn, phải tìm hiểu để đánh giá đúng và cảm thông với người khác hơn, phải tin tưởng ở con người và cuộc đời, và phải biết căm ghét xã hội bất công, những thế lực độc ác đã vùi dập, đầy đọa những người như lão Hạc.
Với truyện ngắn Lão Hạc, nhà văn Nam Cao đã dể lại cho đời một nhân vật bất hủ và cũng để lại cho đời một cách ứng xử mang tính nhân đạo sâu sắc. Lão Hạc vừa là điển hình cho lớp người cùng khổ trong xã hội thực dân phong kiến vừa là ánh sao sáng ngời về tấm lòng yêu thương và đức hi sinh cao cả. Cuộc đời và nhân cách lão Hạc chứng minh một điều rằng dù trong hoàn cảnh khốn cùng như thế nào, dù phải nhận láy cái chết, con người Việt Nam cũng luôn luôn gìn giữ thiện lương.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 27
– Được đánh giá là một trong những nhà văn lớn của văn học hiện thực Việt Nam. Với tài năng cũng như tình cảm nồng hậu của mình ông cũng đã để cho đời rất nhiều các tác phẩm có giá trị thật lớn lao đặc biệt mảng đề tài về người nông dân trong xã hội cũ họ như bị bần cùng hóa. Viết về người nông dân thì người ta không thể không nhắc đến truyện ngắn đặc sắc “Lão Hạc”. Truyện ngắn như kể về cuộc đời cũng như số phận của nhân vật lão Hạc – đại diện cho số phận người nông dân. Thông qua đó cũng đã bộ lộ tư tưởng nhân đạo tiến bộ và sâu sắc của nhà văn Nam Cao.
Lão Hạc được xây dựng lên cũng như bao người nông dân Việt Nam khác phải đối mặt với cái nghèo, lão cũng lại phải đối mặt với chính cái đói của cuộc sống cơ cực, tăm tối trước Cách mạng. Nhưng, người đọc cũng lại có dễ dàng nhận thấy được lão Hạc như cũng hiện ra với hoàn cảnh vô cùng bất hạnh. Đó là vợ lão mất sớm để cho lão phải chịu cảnh gà trống nuôi con, thế những khi đứa con trưởng thành cũng vì nghèo khó mà không có tiền lấy vợ nên phải bỏ nhà đi đồn điền cao su. Thế rồi lão Hạc lúc đó cũng chỉ có con Vàng là kỷ vật của con để làm bạn tâm sự buồn vui qua ngày mà thôi. Trong cơn đau ốm, cái đói, sự khổ cũng như sự cô đơn cứ bủa vây, giăng lắp như đã đẩy lão vào đường cùng không lối thoát. Lão đã đứt ruột bán cậu Vàng đi và mang tiền mình tích cop bấy lâu nay sang nhà ông giáo để gửi gắm cả mảnh vườn để lo lắng cho lão.
Thông qua chi tiết lão Hạc bán chó nhà văn Nam Cao cũng đã hết sức tinh tế miêu tả được chiều sâu tâm lý của lão thông qua các câu văn “Mặt lão đột nhiên co rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau, như cũng lại ép cho nước mắt chảy ra, cái đầu lúc này như ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít” thế rồi lúc đó “lão hu hu khóc”,…
Có thể nhận thấy được chính ban đầu là “luôn mấy hôm lão chỉ ăn khoai”, “khoai cũng hết thì lão đi kiếm được món gì ăn món đó, lão đã ghì chặt để có thể bám víu cuộc đời nghèo khó, túng thiếu này nhưng cuộc đời như đã đẩy lão vào bức đường cùng, tất cả như tuyệt đường sinh sống của lão và lão đã phải chọn cái chết để kết thúc sự nghèo khó trớ trêu này. Lão đã chọn cho mình một cái chết thật đau đớn là ăn bả chó. Những câu văn miêu tả cảnh lão Hạc chết người đọc như không thể không chạnh lòng đó là những câu “lão sùi bọt mép”, “lão co giật phải hai người đàn ông lực lưỡng đè lên”,… Thực sự cái chết của lão Hạc như đã khiến cho người ta cảm thấy chua chát, xót thương đến tái tê.
Chịu cảnh đói nghèo như thế, khổ đau như thế nhưng lão không vì vậy mà tha hóa về nhân phẩm của chính mình. Binh Tư cũng như ông giáo cũng đã chắc tin tưởng lão xin bả chó để ăn trộm vì không chịu được cảnh nghèo khó. Ông giáo như cũng chạnh lòng buồn cho cuộc đời đến một người hiền lành như lão Hạc mà cũng phải đến mức theo chân Binh Tư để có miếng ăn. Và khi chứng kiến cảnh lão Hạc chết ông giáo mới cảm nhận thấy được cuộc sống này cũng thật vẫn còn những điều tốt đẹp biết bao nhiêu. Lão hạc vẫn giữ được nhân phẩm đáng quý của mình cho đến cuối đời. Thế nhưng hiện thực lại rất đau khổ biết bao nhiêu khi người nông dân đã bị đẩy đến đỉnh điểm khiến họ chỉ còn cách chọn cái chết để bảo vệ cho nhân phẩm của mình.
Trong tác phẩm “Lão Hạc” người ta không thể tìm đâu ra được những tên cai lệ, thống lý hay những nhân vật đại diện cho tầng lớp thống trị nhưng ta vẫn thấy được rằng người nông dân cũng đã bị các thế lực đó dù như vô hình cũng đã bóp nghẹn sự sống của chính họ.
Nhân vật lão Hạc của nhà văn Nam Cao thực sự là một nhân vật có nhiều đặc điểm đáng quý, đáng trân trọng của những người nông dân trong xã hội cũ. Cũng chính từ lão Hạc, người nông dân Việt Nam luôn luôn có quyền tự hào về tâm hồn và phẩm cách của mình. Nam Cao như cũng đã xây dựng lên nhân vật này, nhà văn Nam cao đã khẳng định một quan điểm giàu tính nhân đạo sâu sắc gửi đến bạn đọc.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 28
Nông dân Việt Nam muôn đời nay luôn lam lũ, vất vả. Họ sống có khi sung túc, có khi cơ cực. Nhưng ở họ luôn sáng ngời phẩm chất tốt đẹp. Việt Nam những năm 1930-1945 đói khổ, nghèo nàn, lạc hậu phải chịu ách áp bức vừa của thực dân vừa của phong kiến. Cái đòi cái nghèo tròng lên cổ nhân dân đặc biệt người nông dân áo vải lấm lem. Trước hình tượng ấy, rất nhiều nhà văn đương thời chọn lựa làm hình cho đề tài viết văn của mình. Trong đó có Nam Cao. Ông đã khắc hoạ bức chân dung Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên sinh động, chân thực.
Lão Hạc dưới ngòi bút Nam Cao là lão nông nghèo. Ba sào vườn, một túp lều, một con chó vàng… đó là tài sản, vốn liếng của lão. Vợ chết đã lâu, cảnh gà trống nuôi con, lão lần hồi làm thuê kiếm sống. Lão có đứa con trai nhưng vì nghèo mà không cưới được vợ cho con khiến con bỏ đi đồn điền không biết ngày về. Lão sống với con chó Vàng, chăm sóc, nuôi nấng nó như đứa con. Ngoài con chó làm bạn, Lão Hạc thường kể chuyện và tin tưởng duy nhất chỉ mình ông giáo cạnh nhà.
Trước hết hiện lên ở lão Hạc là phẩm chất sáng ngời của một tâm hồn thuần nông chất phác. Lão Hạc là một người giàu tình yêu thương. Lão yêu con, hi sinh tất cả vì con. Không cưới được vợ cho con lão day dứt, luôn trăn trở vì điều đó. Lão đau đớn khi con sắp đi làm phu đồn điền cao su. Lão chỉ biết khóc: "Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta dã chụp rồi (…). Nó là người của người ta rồi, chứ đâu còn là con tôi?". Những gì trong vườn, bán được bao nhiêu lão dành dụm cho con, hi vọng khi con trở về "có chút vốn mà làm ăn". Lão không chỉ yêu thương đứa con của mình mà còn yêu cả con chó Vàng, chăm nó như người con cho nó ăn cơm trong bát sứ như nhà giàu. Bắt rận hoặc đem nó ra cầu ao tắm. Lão ăn gì cũng chia cho cậu Vàng cùng ăn. Lão ngồi uống rượu, cậu Vàng ngồi dưới chân, lão nhắm một miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. Lão tâm sự với cậu Vàng như tâm sự với một người thân yêu ruột rà.
Lão còn giàu lòng tự trọng, lương thiện. Bán con chó mà lão thấy ân hận, day dứt không nguôi. Lão chọn cái chết đau đớn. Chết vì ăn bả chó khiến người đọc đau lòng thay cho lão. Cái chết ấy là sự minh chứng cho lòng tự trọng của lão. Lão thà chết cũng không bao giờ chịu làm vẩn đục tâm hồn, lương tâm của mình. Đến khi chết lão vẫn nghĩ về đứa con, nghĩ về con Vàng. Quả thực thật đáng trân trọng.
Nhưng lão Hạc cũng như bao người nông dân khác. Lão nghèo đói, cơ cực. Mất mùa thêm trận ốm khiến lão đã nghèo lại càng nghèo và chính vì thế dẫn đến nhiều chuyện về sau. Lão nghèo nên chẳng thể cưới vợ cho đứa con duy nhất. Lão nghèo nên con Vàng không nuôi nổi phải bán đi. Lão không dám ăn, chỉ ăn dè ăn dặt, ăn củ khoai, củ chuối vớ được cái gì lão ăn cái nấy vì sợ động vào tiền của con. Lão nghèo đến mức phải tìm đến cái chết vì nghĩ sẽ không chịu được mà động vào tiền cho con. Cái nghèo khiến lão đáng thương. Nhưng đó là cái nghèo chung của toàn người nông dân thời bấy giờ. Luôn thiếu ăn, thiếu mặc, đời sống khó khăn, cơ cực.
Và Lão Hạc sống cuộc đời không lúc nào yên ổn. Khi còn sống luôn day dứt vì không lấy vợ được cho con khiến con bỏ đi đồn điền. Lão đau khổ, khóc trong đau đớn vì bán con Vàng. Đến khi chết lão chọn cái chết đau đớn. Cái chết biết trước, cái chết chủ ý đầy đau lòng. Sống hay chết lão đều khổ tâm.
Dưới ngòi bút của Nam Cao, Lão Hạc hiện lên chân thực vẻ đẹp của một lão nông nghèo khổ, đáng thương nhưng thiên lương luôn trong sạch. Để tư đó ta trân trọng mến yêu người nông dân thời xưa và cả thời nay.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 29
Nhà văn Nam Cao là một nhà văn hiện thực nổi tiếng của nền văn họcViệt Nam. Ông có nhiều tác phẩm vô cùng nổi tiếng gây được tiếng vang, có sức lay động lớn tới nền văn học nước nhà. Trong đó truyện ngắn “Lão Hạc” thể hiện nỗi thống khổ của người nông dân trong cảnh nghèo khổ, túng quẫn, bị chà đạp bức bách tới đường cùng, không có lối thoát.
Thông qua tác phẩm “Lão Hạc” nhà văn Nam Cao muốn tố cáo tội ác của chế độ cũ. Một xã hội đã xô đẩy con người tới đường cùng.
Nhân vật lão Hạc là một người nông dân nghèo khổ suốt đời sống trong cảnh nghèo đói. Lão Hạc góa vợ từ sớm, chỉ có một người con trai duy nhất làm nguồn vui, niềm an ủi của đời mình. Lão thương con vô bờ bến, nhưng hoàn cảnh nghèo quá khiến con lão phải bỏ làng đi vào đồn điền cao su lập nghiệp.
Con trai lão bỏ xứ ra đi ôm giấc mộng làm giàu giữa một vùng đất nổi tiếng là khắc nghiệt, bóc lột sức người tới tận xương tủy. Trước khi đi con trai lão có mua về một con chó. Nó chính là người bạn thân thiết duy nhất của lão Hạc trong cuộc sống cô đơn buồn tủi của mình.
Cuộc sống ngày càng khó khăn, lão ăn gì con chó ăn đó. Lão sắp sửa không nuôi nổi nó nữa rồi. Lão thì có thể ăn củ khoai, của chuối, sung luộc. Nhưng, chú chó thì không thể, nó không thể sống lay lắt, qua ngày như ông lão được.
Lão Hạc thương con chó như chính con trai của mình, mọi tâm tư tình cảm của mình lão đều tâm sự với nó. Nên khi lão quyết định bán con chó đi lòng lão đau như có ai cắt thịt mình vậy.
Chính vì vậy lão nghĩ tốt nhất lão không nên sống nữa, nên để lại số tiền mà lão dành dụm được cho đứa con trai duy nhất của mình.Một lý do nữa khiến lão phải tự tử đó chính là vì lão muốn giữ lại mảnh vườn của mình cho con trai lão. Mảnh vườn này chính là tài sản duy nhất của lão có thể cho con trai của mình, chờ khi nó lấy vợ thì còn có chỗ mà ở.
Còn có mảnh đất cắm rùi nhưng, mảnh đất ấy cũng đang có nguy cơ bị chiếm mất khi mà gia đình lão Bá Kiến đang nhăm nhe chiếm mảnh vườn của lão. Nhiều lần lão Bá Kiến cho người làm sang muốn mua lại mảnh vườn. Nhưng lão Hạc không bá, nên lão Bá Kiến đang âm mưu cướp không mảnh vườn của lão Hạc.
Nghĩ vậy, nên lão Hạc đã tự sắp xếp cho mình một cái chết, một cuộc ra đi gặp ông bà tổ tiên, tự giải thoát cho cuộc đời mình. Cuộc sống của những người nông dân nước ta trong giai đoạn trước cách mạng tháng Tám thật là đau xót biết bao, người nông dân phải chịu một cổ hai ba tầng lớp bóc lột.
Lão Hạc chính là hình ảnh đại diện cho người nông dân ấy, lão bị bóc lột bì chà đạp tới mức cùng quẫn. Nhưng dù thế nào lão vẫn giữ được nhân phẩm, đạo đức của mình, không để cho than danh một đời của lão bị cái nghèo đói làm vẩn đục.
Lão Hạc chết. Nhưng cái chết của lão lại làm cho tác phẩm của Nam Cao trở nên bừng sáng, bởi tinh thần nhân văn cao cả của con người. Nó khiến cho người ta vừa cảm thương vừa nể phục lòng tự trọng của một ông lão nông dân nghèo khổ.
Lão chết nhưng vẫn quyết giữ được mảnh vườn cho con trai mình, bởi tình thương con vô bờ bến. Lão chất nhưng không muốn làm phiền lụy tới mọi người, tới bà con làng xóm. Một người đàn ông có lòng tự trọng, tự tôn. Cái chết của lão Hạc muốn tố cáo tội ác của chế độ phong kiến thực dân.
Đọc tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao khiến người đọc vô cùng nghẹn ngào xúc động, người ta không chỉ cảm nhận được sự đau khổ của một mình lão Hạc, mà còn cảm nhận được cả sự bần cùng của cả một xã hội, những con người như Binh Tư vì nghèo khó quá mà trở nên hèn người, biến chất, chứ thực chất những người này đều đáng thương cả.
Đó là hình ảnh ông giáo có học thức, có đức độ hiểu biết nhưng lại loay hoay không tìm ra giải pháp cứu thoát cuộc đời mình khỏi áp bức bóc lột, khỏi nỗi lo cơm áo gạo tiền, tất cả những nhân vật trong tác phẩm “Lão Hạc” đều vô cùng đáng thương. Tất cả những số phận, những kiếp người đều đang phải ngụp lặn trong bể khổ, chịu cảnh lầm than nô lệ, chịu cảnh áp bức bóc lột vô cùng tàn nhẫn.
Chính cái nghèo khiến cho ông giáo phải bán đi những quyển sách mà mình vô cùng yêu quý, trân trọng hơn cả mạng sống của mình để đổi lấy được bữa cơm no cho con cái. Tất cả đều xoay vần trong nỗi thống khổ của nhân loại, không tìm ra lối thoát của mình.
Thông qua sự tinh tế, lòng nhân văn sâu sắc của mình tác giả Nam Cao đã viết lên một câu chuyện vô cùng cảm động về số phận người nông dân nghèo khổ. Thông qua tác phẩm của mình nhà văn Nam Cao muốn nói lên cái nhìn nhân sinh quan vô sâu sắc của tác giả.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 30
Nông dân - đó là đề tài quen thuộc của nhiều cây bút văn chương. Trong đó không thể không kể đến Nam Cao. Viết về đề tài nông dân nghèo trong xã hội cũ với tấm lòng nhân hậu, tự trọng phải kể đến "Lão Hạc" một truyện ngắn tiêu biểu của tác giả. Trong đó nổi bật hình ảnh nhân vật Lão Hạc.
Truyện được viết vào năm 1943. Đó là thời kì xã hội Việt Nam chịu áp bức của thực dân nửa phong kiến. Nam Cao đã lấy chất liệu của cuộc sống hiện thực của người nông dân trong xã hội đương thời để viết lên truyện ngắn "Lão Hạc" Truyện kể về Lão Hạc người nông dân nghèo khổ, thương con, chịu mọi hi sinh để vì con mà nhận cái chết đau đớn. Lão sống cô đơn, vợ mất, con vì không lấy được vợ, phẫn uất bỏ đi đồn điền. Lão sống cô đơn cùng chú chó tên Vàng và tâm sự cùng ông giáo hàng xóm.
Ở lão toát lên một vẻ đẹp chất phác của một lão nông điền nghèo khổ. Lão Hạc dưới ngòi bút của Nam Cao hiện lên trong một cuộc sống nghèo khổ,cơ cực. Lão nghèo nên chẳng thể cưới vợ cho đứa con duy nhất. Nghèo đến mức ăn dè ăn dặt, ăn củ khoai, củ chuối vì sợ động vài tiền của con. Lão nghèo nên con Vàng không nuôi nổi phải bán đi. Lão nghèo đến mức phải tìm đến cái chết vì nghĩ sẽ không chịu được mà động vào tiền cho con. Cái nghèo khiến lão đáng thương. Nhưng đó là cái nghèo chung của toàn người nông dân thời bấy giờ. Thiếu ăn thiếu mặc, thiếu đủ đường.
Giống như bao người nông dân phải chịu nhiều nỗi đau khổ về tinh thần, lão Hạc cũng sống với nỗi đau tâm hồn. Lão Hạc phần lớn sống cuộc đời trong cô đơn hiu quạnh vì vợ mất sớm, con bỏ nhà đi. Lão đau đớn day dút vù phải bán đi con Vàng. Bán đi con chó duy nhất làm bạn, lão buồn bã đau đớn và ân hận. Lão sống cuộc đời không một phút giây thanh thản. Lão luôn day dứt vì không lo được hạnh phúc cho đứa con duy nhất khiến nó phải bỏ nhà ra đi. Lão luôn sống trong thiếu thốn về vật chất, đau đáu nhớ thương con mà tâm sự với con Vàng như tìm điểm tựa. Tiêu vài tiền dành dụm lão cũng dằn vặt đau khổ vì nghĩ đến con sau này. Lão luôn sống trong nỗi suy nghĩ không nguôi về con, việc lão làm một mực hướng về con trai. Nỗi đau đớn nhất của lão là phải tìm đến cái chết, một cái chết đau đớn tột cùng. Trước khi từ giã cõi đời lão còn bị hiểu lầm. Bị vợ ông giáo cho gàn dở, bị ông giáo nghĩ đánh mất nhân cách trong sạch.
Nhưng quan trọng hơn cả, ở lão Hạc hiện lên vẻ đẹp sáng ngời của phẩm chất và nhân phẩm. Quả thực lão Hạc là người giàu yêu thương. Lão yêu con, hi sinh tất cả vì con. Lão yêu con chó, chăm nó như người con. Lão còn giàu lòng tự trọng, lương thiện. Bán con chó mà lão thấy ân hận, day dứt không nguôi. Lão chọn cái chết đau đớn. Chết vì ăn bả chó khiến người đọc đau đớn thay cho lão. Cái chết ấy là sự minh chứng cho lòng tự trọng của lão. Lão thà chết cũng không bao giờ chịu làm vẩn đục tâm hồn, lương tâm của mình.
Truyện ngắn "Lão Hạc" với ngôi kể thứ nhất dưới lời kể của ông giáo đã kể lại sinh đông câu chuyện về người nông dân dù bần cùng, rơi vào bế tắc nhưng vẫn sáng lên thiên lương cao đẹp. Qua đó hiện lên hình ảnh Lão Hạc với đầy đủ phẩm giá, nhân cách cao đẹp. Từ đó thấy được tấm lòng nhân đạo của Nam Cao đối với nhân vật.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 31
Đời sống của nhân dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám luôn là đề tài nóng bỏng hấp dẫn các nhà văn. Sự đói khổ và cuộc sống tăm tối của người nông dân đã tạo cảm hứng cho nhà văn Nam Cao viết truyện ngắn Lão Hạc. Nhân vật được nhắc đến trong truyện là một ông lão nông dân nghèo khổ và bất hạnh. Nhưng tuy nghèo đói nhưng Lão Hạc vẫn là một con người chất phác đôn hậu, thương con và có lòng tự trọng. Truyện ngắn là một trong những tác phẩm đã tái hiện thành công số phận của người nông dân Việt Nam trước năm 1945.
Lão Hạc là một người cha rất mẫu mực hết lòng thương yêu người con trai duy nhất của mình. Vợ ông mất sớm nên có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất của ông là được nhìn con trai mình hạnh phúc. Nhưng cuộc đời đâu có dễ dàng như vậy con trai ông đã hơn 20 mà vẫn chưa lấy được vợ chỉ vì gia đình quá nghèo không thể trả được việc cưới xin. Lão khổ tâm vì không có tiền cưới vợ cho con lão cũng thấu hiểu được nỗi đau của con khi biết nghe lời cha không bán mảng vườn để lấy tiền cưới vợ. Nhưng chính vì thế mà ông còn thương con càng xót xa đau đớn vì không giúp được con trai mình khiến nó phải bỏ làng để tin đồn điền đất đỏ ở tận Nam Kỳ.
Thương con nhưng Lão cũng bế tắc vì chẳng thể giúp được. Bên cạnh Lão Hạc chỉ còn lại một kỷ vật duy nhất của đứa con trai là con chó mà ông yêu quý thường gọi là cậu Vàng. Với ông cậu Vàng chẳng khác gì người bạn tri kỷ mỗi ngày chỉ biết quanh quẩn với con chó. Ông thương yêu chăm sóc nó cẩn thận đến mức chia cho nó từng miếng ăn và trò chuyện với nó như người bạn. Lão Hạc yêu thương cậu Vàng không phải vì nó là một con chó đẹp khôn mà vì nó là mối ràng buộc duy nhất còn sót lại của lão với con trai. Vì sao Lão Hạc thờ chịu đói chứ không muốn bán đi mảnh vườn để con trai lão phải đi làm xa? Vì lão sợ con trai mình sẽ không có nơi để trở về nơi để lập nghiệp nơi để dựa vào khi về già. Chính cuộc đời đau khổ đang dồn ép ông đến bờ vực thẳm. Lão Hạc phải bán đi cậu Vàng lão bán không phải vì tiền mà vì cậu vào phía trở thành gánh nặng cho lão và con trai lão. Nhưng nếu vì nhớ con mà Lão Hạc không muốn bán cậu vàng thì cũng chính vì thương con mà lão phải dứt khoát chia tay với nó. Khoảnh khắc "Lão cố làm ra vui vẻ" cũng không thể nào giấu được ôm mặt" cười như mếu" của lão. nỗi đau đớn cố kìm nén của ông như cắt nghĩa cho việc làm bất đắc dĩ phải bán đi con vật bầu bạn trung thành của mình khiến" lão hu hu khóc". lão kể cho ông giáo – người hàng xóm của mình nghe cảnh bán Cậu Vàng với nỗi xúc động cực độ. Lão Hạc cảm thấy đau khổ dằn vặt vì mình" đã đánh lừa một con chó" nếu trước đây nó dằn vặt về chuyện vì nghèo mà không cưới được vợ cho con thì bây giờ cũng chính vì nghèo mà lão day dứt vì đã cư xử không đàng hoàng với một con chó. Nhưng suy cho cùng việc bán chó đốm xuất phát từ tấm lòng của một người cha thương con và luôn lo lắng cho hạnh phúc tương lai của con trai. Những nỗi đau ấy cũng chỉ nhằm một mục đích là giữ gìn chút vốn cho con trai lão.
Biểu hiện cao nhất của tình yêu thương con của lão chính là cái chết của ông. Lão Hạc và tính toán mọi đường ông gửi gắm những lời và món tiền gửi cho con nhờ ông giáo giữ hộ, sau lúc bán Cậu Vàng. Kết cục số phận của Lão Hạc là một cái chết được báo trước nhưng vẫn khiến mọi người bất ngờ thương cảm. Đoạn văn đã khiến cho người đọc không thể kìm được nỗi lòng xót thương thông cảm không phục trước Một Người Cha Bất Hạnh một người cha thương con. không chỉ bệnh cái chết của Lão Hạc tôi đau đớn vì ăn bả chó nhưng cái chết đó lại là sự giải thoát cho lão. Lão Hạc suốt đời xung quanh quẩn trong lũy tre làng chỉ có ông giáo làng người để chia sẻ giãi bày những tâm sự. Đến cảnh ngộ túng quẫn láo lại tự mình xoay sở vì cố giữ nếp sống trong sạch tránh xa lối "đói ăn vụng túng làm liều" thậm chí ông còn từ chối sự giúp đỡ chỉ vì thương hại của ông giáo. Điều này chứng tỏ Lão Hạc không chỉ là một người nông dân đôn hậu chất phác mà còn biết cách để giữ gìn phẩm giá.
Dưới ngòi bút của Nam Cao là người nông dân hiện lên với tất cả sự khổ nhục nhưng cũng thật đẹp trong nhân phẩm và ý thức làm người Lão Hạc xứng đáng là một truyện ngắn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng tám 1945 là tác phẩm của mọi thời đại là bi kịch đời thường để trở thành bi kịch vĩnh cửu. Qua tác phẩm ta thấy được tinh thần nhân đạo sâu của Nam cao khi miêu tả tâm lí nhân vật Lão Hạc và ông giáo: gần gũi, chia sẻ, thương cảm và thật sự trân trọng đối với người nông dân nghèo khổ. Hình ảnh Lão Hạc luôn nhắc nhở chúng ta nhớ đến những con người nghèo khổ mà trong sạch với tình cảm trân trọng quý mến đồng thời ta cũng thấy Lão Hạc là một người cha mẫu mực yêu thương con.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 32
Với một vẻ ngoài lẩm cẩm, gàn dở và cô độc, thực chất lão Hạc là một nhân cách cao đẹp. Lão nhân hậu ngay cả với con chó. vắng con, “cậu Vàng” đã giúp lão bớt cô đơn. Vui buồn của “cậu Vàng” cũng là vui buồn của lão. Lão yêu con. Vợ mất sớm, lão dồn tình thương nuôi con khôn lớn. Lão giữ mảnh vườn cũng vì con.
Nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám và những người nông dân tội nghiệp mà mảng đề tài nhiều tác giả đã đặt ngòi bút và phác họa lại. Trong đó, Nam Cao là một nhà văn xuất sắc viết về đề tài này. Lão Hạc là một trong những truyện ngắn thành công của ông đã diễn tả sâu sắc nỗi thống khổ của người nông dân trước cách mạng. Trong đó, nhân vật Lão Hạc là một nhân vật tiêu biểu.
Với một vẻ ngoài lẩm cẩm, gàn dở và cô độc, thực chất lão Hạc là một nhân cách cao đẹp. Lão nhân hậu ngay cả với con chó. vắng con, “cậu Vàng” đã giúp lão bớt cô đơn. Vui buồn của “cậu Vàng” cũng là vui buồn của lão. Lão yêu con. Vợ mất sớm, lão dồn tình thương nuôi con khôn lớn. Lão giữ mảnh vườn cũng vì con. Lão tìm đến cái chết cũng vì con (khi chết lão vẫn còn tiền). Đây thực sự là một sự hi sinh vô cùng to lớn. Là một người tự trọng, lão chuẩn bị tiền cho cái chết của mình. Lão không muốn phiền lụy đến ai
Nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật già dặn. Nam Cao tập trung khai thác thế giới bên trong của lão Hạc, chỉ ra đựơc những giằng xé, những day dứt, những chua xót, hối hận... của một nông dân chất phác, nhân hậu.
Bút pháp linh hoạt, xen kẽ được cách kể chuyện tỉnh táo, chân thực và màu sắc trữ tình, đồng thời, tăng hàm lượng triết lí về nhân tình, thế thái qua những suy nghĩ của “tôi” - ông giáo.
Đối với “cậu Vàng”: Lão Hạc chăm sóc chó hết sức chu đáo (cho ăn cơm trong bát như một nhà giàu). Lão coi cậu Vàng như một đứa trẻ, đứa trẻ ấy trung thành với lão, làm lão bớt cô đơn. Gắn bó với cậu Vàng, khi buộc phải bán “cậu”, mắt lăo đã “ầng ậng nước”. Đặc biệt, lão cảm thấy mình là kẻ lừa dối bán “cậu Vàng”.
Cái chết của lão Hạc có hai lí do:
Vì lão không còn kiếm được tiền (sau trận ốm, lại bão lụt).
Điều cơ bản nhất là lão sợ tiêu lạm vào tiền của con. Lão thà chết chứ không thể để con trắng tay.
Việc lão Hạc tìm đến cái chết cho thấy lão là người giàu tính thương yêu, giàu đức hi sinh (kể cả tính mạng mình). Lão là người “đói cho sạch, rách cho thơm).
Khi hiểu rõ ngọn ngành cái chết của lão Hạc, ông giáo khẳng định: “Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn”, vì trước mắt “tôi” là một con người cao quý đã chết vì một mục đích cao quý.
Nhưng cuộc đời vẫn buồn theo nghĩa khác. Bởi lẽ tại sao những con người tốt như lão Hạc lại phải chết? mà chết một cách quá thê thảm. Cuộc đời có là mảnh đất sống cho người tốt nữa hay không? Ý nghĩa này của ông giáo là một tiếng kêu cảnh lính về một xã hội không quan tâm đến con người, chà đạp lên số phận của con người.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 33
Một trong những cây bút viết về hiện thực trong làng văn học Việt Nam để lại nhiều ấn tượng nhất có lẽ không thể không nhắc đến Nam Cao. Ông để lại rất nhiều những áng văn chương viết về hiện thực xã hội rất có giá trị: đời thừa, chí phèo…Trong đó tiêu biểu có “Lão Hạc”. Đặc biệt nhân vật Lão Hạc để lại nhiều những nét ấn tượng khó phai trong lòng độc giả đến giờ.
Lão Hạc được tác giả Nam Cao khắc họa một cách rất sinh động, chi tiết đến chân thực. Thậm chí còn được coi là một hình tượng của người nông dân Việt Nam tiêu biểu trước Cách mạng Tháng Tám.
Tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao lấy bối cảnh nông thôn Việt Nam trong những năm 1945 khi nước ta lâm vào nạn đói trầm trọng, người nông dân khốn khổ bởi chế độ một cổ hai tròng. Truyện ngắn được viết lại qua lời kể của thầy giáo Tứ một nhân vật trong truyện. Qua đó thể hiện sự tinh tế của tác giả, đồng thời thể hiện sự công bằng khách quan hơn trong cách kể về nhân vật Lão Hạc. Thông qua những lời kể mộc mạc, giản dị của Nam Cao đã khắc họa lên một bức chân dung về người nông dân gầy gò khắc khổ, nhưng hiền lành, lương thiện. Ông có một tấm lòng yêu thương con bao la vĩ đại của một người cha, tình cảm thương con vô bờ bến.
Lão Hạc có một cuộc đời bi thảm. vợ lão mất sớm, một mình lão gà trống nuôi con. Đến tuổi anh trai lấy vợ thì nhà lão nghèo quá, nhà gái thách cao nên anh con trai không lấy được vợ mà chán nản bỏ đi lên đồn điền cao su. Lão ngày ngày vò võ mong con về, chỉ biết thui thủi tâm sự với con chó Vàng- kỉ vật duy nhất cậu con trai để lại. nhưng vì hoàn cảnh quá nghèo đói mà lão phải bán đi người bạn duy nhất của lão, bán đi chỗ dựa tinh thần của lão. Cuối cùng để giữ tấm lòng trong sạch của mình, lão phải ăn bả chó tự tử, chết như một con chó. Cuộc đời lão là một cuộc đời đơn độc, quay quắt trong cái đói nghèo, bị cái đói nghèo đày dạo. Nam Cao thông qua cuộc đời nhân vật truyện mình để tố cái xã hội thực dân nửa phong kiến, dồn đẩy người nông dân tới bước đường cùng bằng tiếng nói đanh thép, nhưng không kém phần chua xót.
Sống trong cảnh đáng bồn vậy nhưng lão vẫn có tấm lòng vị tha, nhân hậu. Với cậu vàng lão yêu quý nó như “một bà mẹ hiếm hoi yêu quý đứa con cầu tự”. Lão cưng nựng vỗ về nó thậm chí chó nó ăn cơm như nhà giàu ăn cơm bát và hơn phần não. Lão coi nó như người bạn, ngày ngày tâm sự, trò chuyện. Còn đối với cậu con trai thì lão yêu quý gấp vạn lần. chỉ vì nghèo, không cưới được vợ cho con, làm con quẫn trí bỏ đi đồn điền cao su. Chính vì vậy mà lão dằn vặt chính bản thân, quyết chí giữ lại mảnh vườn để lúc con về mà còn có cái mà cưới vợ. Lão nói với cậu Vàng nhưng lại như nói với chính con mình. Mỗi lần lão ốm nhưng không dám động đến tiền dành dụm vì lão sợ ăn đụng vào tiền của con trai mình. Điều này làm lão khổ tâm hết sức. hành động lão gửi ông giáo mảnh vườn thể hiện mọi suy nghĩ đều hướng đến con trai, thậm chí cái chết của lão cũng vì con. Tình yêu lão dành cho con thật đặc biệt. không ồn ào, sôi nổi, không thể hiện qua hành động lời nói mà chỉ lặng lẽ yêu con trong tâm tưởng. tình yêu thương của lão con khiến chúng thật vô cùng cảm động.
Lão Hạc còn mang tấm lòng tự trọng cao quý. Lòng tự trọng với mọi người xung quanh, với con trai lão, với chính cậu Vàng, và cả chính bản thân lão. Lão nhớ ánh mắt đầy uất hận của cậu Vàng khi bị bắt trói. Lão đã rơi lệ và khổ tâm, “mếu máo như một đứa trẻ”, dằn vặt vì dám lừa một con chó vốn rất tin tưởng lão. Còn với con trai lão còn khổ tâm hơn. Đến cả trận ốm kéo dài đằng đẵng, lão cũng không dám đụng đến số tiền dành dụm, không dám bán đi mảnh vườn mà vợ chồng lão cố công kiếm để dành cho cậu con trai. Và cuối cùng, chỉ vì đói kém, ốm đau, vì sự mạt hạng của cái xã hội thối nát đã đẩy lão đến con đường tìm đến cái chết. Thế nhưng đến chết lão cũng chết đầy đau khổ, phải tự ăn bả chó, chết như một con chó không ai hay không ai rõ. Thế nhưng cái chết đó lại là minh chứng rõ nhất cho tấm lòng tự trọng cao quý của tâm hồn đó. Lão chấp nhận chọn cái chết để khỏi phải để cái đói ăn mòn lương tâm, chọn cái chết để bắt đầu một kiếp mới, chọn cái chết để bảo tròn cho tâm hồn trong sáng không vấy bẩn của lão. Thật đáng khâm phục.
Bằng ngòi bút miêu tả tâm lí, tự sự tác giả Nam Cao đã rất thành công khi xây dựng nên một nhân vật Lão Hạc điển hình cho người nông dân. Đó chính là người có tấm lòng tự trọng, có lối sống trong sạch tinh khiết, tấm lòng yêu thương con tha thiết dù cuộc sống khốn khổ, bị đày đọa khổ ải.
Từ đó khái quát lên hình tượng chung cho hình tượng người nông dân Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám tiêu biểu. Hơn hết ta còn thấy ở đó một tấm lòng yêu thương tài năng nghệ thuật của Nam Cao.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 34
Cái chết của lão Hạc không phải là sự manh động, tiêu cực. Lão đã rất bền bỉ, đã gắng để sống
Cái chết của lão Hạc không phải là sự manh động, tiêu cực. Lão đã rất bền bỉ, đã gắng để sống: "Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi thì khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì, ăn món ấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy hay bữa trai, bữa ốc" mà không được. Bi kịch là thế đấy. Nếu không muốn sống thì lão đã không phải cố duy trì sự sống bằng mọi cách như thế. Lão có thể tự sát ngay sau khi ủy thác cho ông giáo mảnh vườn và tiền làm tang. Dường như, trong mòn mỏi, lão vẫn cố chờ điều gì... Chờ con trai trở về. Biết đâu trong những ngày gắng sống ấy nó trở về! Không thể chờ thêm được nữa, cuối cùng (tận đến cuối cùng) thì lão Hạc phải chấp nhận một sự thật của chính mình, để lão không vi phạm lẽ sống của lão: muốn sống mà vẫn tự chết. Tại sao lão tự trọng đến "hách dịch" như thế cơ chứ? Lão có thể cậy nhờ để sống qua ngày cơ mà, dân gian chẳng đã từng nói "hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau" là gì! Đến ngay tiền làm ma cho mình lão còn không động đến nữa là cậy nhờ! Thế mới là lão Hạc. Cậu Vàng chết để có thêm năm đồng vào hai lăm đồng thành ba mươi đồng lão gửi ông giáo làm tang nếu lão có mệnh hệ nào. "Đâu vào đấy" là cay đắng thế ư? Khi con chó phải chết, lão Hạc mong hóa kiếp cho nó; đến khi lão chết, con chó còn là 5 đồng để tiễn đưa hương hồn lão. Cơ cực đến thế là cùng. Chẳng gì khác, xã hội thực dân nửa phong kiến đen tối đã đẩy cuộc sống người nông dân đến đường cùng; cái nghèo khó, cùng cực đã đẩy lão Hạc đến một lựa chọn đau đớn, nghiệt ngã.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 35
Lão Hạc sống cô đơn từ cái ngày cậu con trai phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su.Vợ lão đã chết từ lâu,giờ thằng con lão lại sinh ra thế,lão đành ngậm ngùi trầm lặng sống cùng con chó Vàng,kỷ vật duy nhất mà đứa con để lại trước khi đi.Ấy vậy mà cái niềm an ủi duy nhất ấy,lão cũng không có quyền giữ.Mất con chó,lão nông khốn khổ này đã đau noun day dứt không khác gì mất đi một người thân. Lão Hạc quý con Vàng lắm.Chẳng gì nó cũng là một kỷ vật.Vợ lão mất đi,tất cả những yêu thương lão dồn cả cho cậu con trai.Nhưng nhà lão nghèo quá,không đủ tiền cưới vợ,con lão bỏ đi.Cậu Vàng lúc này có khác gì cậu con trai quý tử của lão.Lão chăm chút nó chu đáo lắm.Lão ăn gì cũng cho nó ăn theo.Cậu Vàng lớn nhanh và cũng rất trung thành với chủ.Nhưng rồi những trận ốm dai dẳng khiến lão tiêu heat cả chỗ tiền boon.Lão đành bán chó.Chuyện tưởng chỉ đơn giản như người ta bán đi một con vật nào đó trong nhà.Nhưng với lão Hạc,chuyện bán con chó to tát lắm. Hôm bán chó xong lão Hạc sang nhà ông giáo báo tin.Lão “cố làm ra vui vẻ nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước”.Lão đau xót that.Nỗi đau của lão khiến ông giáo còn cảm thấy “không xót xa năm quyển sách như trước kia
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 36
Lão Hạc là truyện ngắn phản ánh chân thực nhất cảnh đời cơ cực, nhiều cay đắng nhất của người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Có thể nói là xã hội này đầy rẫy những bất công, đẩy người nông dân vào bế tắc, tuyệt vọng, không lối thoát. Nam Cao đã xây dựng thành công hình ảnh Lão hạc với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân nhưng cuối cùng số phận bi thảm. Cái chết của Lão Hạc cuối truyện luôn ám ảnh người đọc, bởi giá trị mà nó muốn nhắn gửi sâu xa như thế nào.
Không phải bỗng nhiên lão Hạc muốn tìm đến cái chết, bởi chẳng ai muốn chết cả. Chỉ khi túng quá, quẫn quá, và không còn con đường nào khác để đi thì cái chết là sự giải thoát nhẹ nhàng nhất. Lão Hạc sau khi bán cậu Vàng được 5 đồng, thấy day dứt, thấy mình thật tệ bạc với nó quá. Lão tính đi tính lại, cuối cùng cũng tích được 30 đồng gửi ông Giáo, bao giờ con trai ông về thì nhờ ông Giáo gửi lại con trai.
Ngay từ đầu câu chuyện, Nam Cao đã giới thiệu hoàn cảnh vô cùng khó khăn, cùng cực và cô độc của Lão Hạc. Con trai thì đi cao su biền biệt chưa thấy về, lão già yếu, chỉ sống với cậu Vàng và mảnh vườn nhỏ. Lão thương con trai và mong muốn nó quay trở về đây. Tấm lòng đó của Lão thực sự đáng trân trọng và cảm phục.
Tuy nhiên cuộc sống càng ngày càng thiếu thốn, bệnh tật triền miên, lão không muốn cậy nhờ ông giáo và không muốn làm phiền đến hàng xóm nên đã xin Binh Tư ít bả chó. Lão bảo lão xin bả chó để bẫy con chó đi lạc nhưng thực ra để giải thoát bản thân mình, cũng là để tiền lại cho con, không làm gánh nặng cho bất kì ai.
Cái chết của lão Hạc để lại trong lòng người đọc nhiều ám ảnh. Lão chết, cái chết đó giàu giá trị nhân văn, cũng như phản ánh chân thực hiện trạng xã hội Việt Nam lúc bấy giờ đang rơi vào bế tắc như thế nào. Vì bế tắc, vì nghèo đói, vì lòng tự trọng nên cái chết là sự lựa chọn cuối cùng, dù là bất đắc dĩ thì nó cũng có thể kết thúc trong êm đẹp. Xã hội Việt Nam bấy giờ cái nghèo đói tràn lan, thực dân phong kiến đã đẩy những người nông dân đến bước đường cùng như thế này.
Vốn dĩ lão Hạc là người có lòng tự trọng rất cao, nên dù khó khăn thế nào, lão cũng không muốn cậy nhờ bất cứ ai. Chính lòng tự trọng "hác dịch" đó đã buộc lão phải nghĩ đến cái chết, dù thực tâm lão vẫn muốn sống và khát sống một cách mãnh liệt. Một sự đối lập đến chua xót như vậy. Lão chết, cái chết bộc lộ cao nhất tình yêu thương con vô bờ bến. Ông không muốn làm gánh nặng cho con sau này, ông muốn giành dụm hết tiền cho con, mình không dùng đến đồng nào. Tình cảm ấy thật vĩ đại và vượt khỏi sức tưởng tượng của con người.
Cái chết của Lão Hạc vừa phản ánh sự bế tắc của thời đại, của con người; đồng thời giải phóng chính lão hạc khi muốn mang đến những điều tốt đẹp cho đứa con của mình. Thật vậy, truyện ngắn "Lão Hạc" kết thúc với cái chết đầy bi kịch và bế tắc của lão đã khiến người đọc suy nghĩ rất nhiều về con người, tình người, về cái đói, cái nghèo và về lòng tự trọng.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 37
Đọc xong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao, hẳn không ít người còn day dứt, dằn vặt và suy nghĩ về cái chết của lão. Chưa bao giờ ta lại thấy được rõ nét như lúc này về ranh giới giữa trắng và đen, giữa thị phi và đạo đức lại mỏng manh và nhập nhằng như lúc này. Cái chết của Lão Hạc là cái chết để nói lên tính cách, nhân cách của chính lão.
Lão Hạc là một nông dân nghèo, vợ lão chết để lại cho hai cha con lão một mảnh vườn, thằng con trai đã đến tuổi lấy vợ, nhưng vì nghèo quá không đủ tiền thách cưới. Con trai lão cũng vì thế mà bỏ đi làm đồn điền cao su năm hay sáu năm nay chưa thấy về. Lão Hạc đã tìm đến cái chết. Lão chết để lại cho mọi người sự bàng hoàng, xót xa. Có thể nói, lão chết vì đã nỡ lừa một con chó không? "Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó". Con chó đó được anh con trai lão mua về, khi anh đi làm thì để lại cho lão nuôi.
Lão coi nó như một người bạn tri kỷ, một đứa con, đứa cháu tinh thần mà anh con trai để lại, khi ông nói chuyện với nó, ông gọi anh con trai là "bố cậu", thế nên ông đặt tên cho nó là "cậu Vàng". Có chuyện gì lão cũng kể cho cậu nghe, lão ăn gì, nó ăn nấy, có khi nó còn ăn nhiều hơn lão nữa. Vậy mà, lão quyết định bán nó. Nhưng quyết định bán cậu Vàng của lão đưa ra thật không dễ dàng chút nào. Lão đã nhắc đến chuyện này nhiều lần rồi, đến nỗi ông giáo "nghe câu ấy đã nhàm". Thế nhưng, lần này lão làm thật.
Sau khi bán cậu Vàng không bao lâu, lão gửi mảnh vườn và tiền để lo ma chay của mình cho ông giáo. Lão tìm đến cái chết. Cái chết của lão thật đau đớn và kinh hoàng. "Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra. Khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, giật nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết." Lão chết như để trả nợ với cậu Vàng, vì lão đã nỡ nhẫn tâm lừa nó. Lão không chọn cho mình một cái chết nhẹ nhàng hay không đau đớn, vật vã mà ngược lại. Dường như lão muốn được cậu Vàng tha thứ.
Bởi với lão, cậu Vàng như một đứa con, một người bạn tri kỷ, một kỷ niệm mà anh con trai để lại. Khi vừa bán chó xong, lão sang ngay nhà ông giáo và nói "Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!". Câu nói rất tỉnh táo, không hề có ý gì thương xót hay hối hận mà ngược lại, nó như có ý khoe khoang một việc gì đó. Vậy mà, chỉ sau đó một khoảnh khắc, Nam Cao đã tả ngay cho ta thấy "Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt ầng ậng nước".
Và chỉ chờ một giọt nước, một tác động nhỏ là mọi cảm xúc, mọi kìm nén sẽ vỡ òa ra. "Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc ..." , chỉ sau một câu hỏi của ông giáo. Và sau khi bán chó đi, tâm hồn lão dường như trống rỗng. Lão chết như để trả lời cho câu trách móc của con chó mà lão tưởng tượng ra.
Nhưng tất cả không chỉ có vậy, lão chết vì tình thương mà lão dành cho con trai quá lớn lao, không gì có thể thay thể được. Và lão chết cũng là để cho xã hội đương thời lúc đó thấy được cách họ đã dồn ép những người nông dân lao động nghèo đến đói cùng đói cực như thế nào. Anh con trai lão yêu một cô gái và muốn cưới làm vợ, nhưng nhà gái lại thách cao quá, lão không đủ tiền để trả. Vậy là anh đòi bán mảnh vườn mà mẹ anh đã "thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi" mới mua được, nhưng lão không đồng ý. Lão hết lời khuyên ngăn, cuối cùng thì anh con trai cũng ưng thuận nghe theo.
Bởi quá nghèo khổ, anh con trai quyết tâm đi làm ở đồn điền cao su mong thoát khỏi cuộc sống cùng cực, tủi nhục lúc bấy giờ. Lão ở nhà cùng với cậu Vàng. Với tình yêu bao la dành cho con trai, lão tự làm thuê để kiếm ăn qua ngày, còn tiền hoa lợi của mảnh vườn thì để ra, gom góp cho anh con trai để anh có tiền cưới vợ, hoặc có vốn làm ăn. Nhưng thật là, người tính không bằng trời tính. "Ấy thế mà bây giờ hết nhẵn, ông giáo ạ! Tôi chỉ ốm có một trận đấy thôi. Một trận đúng hai tháng, mười tám ngày, ông giáo ạ!"
Bao nhiêu tiền của tích góp bấy lâu của ông đội nón ra đi theo tiền thuốc men, tiền ăn uống. Lão đau lòng, xót ruột lắm. Lão lại lo cho anh con trai của lão, lão sợ làm gánh nặng cho con mình. "Tôi bòn vườn của nó bao nhiêu, tiêu hết cả. Nó vợ con chưa có. Ngộ nó không lấy gì lo được, lại bán vườn thì sao? ..." Lão luôn đặt con trai ở vị trí trên cùng, quan trọng nhất, luôn tìm mọi cách để tốt cho con mà không quan tâm, không suy nghĩ gì cho mình hết. Lão trăn trở, suy nghĩ và lão quyết định.
Lão gửi nhờ ông giáo trông hộ mảnh vườn, bao giờ con trai lão về thì giao lại cho nó, lão còn hai mươi lăm đồng bạc với năm đồng bán chó nữa là tròn ba mươi đồng, lão vét sạch, gửi ông giáo để phòng lo ma chay cho mình không lại phiền đến bà con hàng xóm. Từ đó "Luôn mấy hôm, tôi thấy lão Hạc chỉ ăn khoai. Rồi khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì, ăn món nấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai, bữa ốc." Lão sống như thế nào cũng được, chỉ cần lão không làm phiền đến ai, không làm gánh nặng cho con trai mình là lão vui rồi.
Tấm lòng của người cha là vậy đó, tất cả những gì tốt đẹp nhất đều dành hết cho con cái của mình. Tới cùng cực, lão không cầm cự nổi nữa, lão tìm đến cái chết như để giải thoát cho mình, giải thoát cho anh con trai và cũng là giải thoát cho cái xã hội nghèo nàn đương thời mà lão đang sống. Lão tính toán tất cả, làm tất cả mọi việc chỉ để cho con trai lão có cuộc sống tốt hơn.
Gấp trang sách lại ta thấy Lão Hạc là một người nông dân lao động nghèo khổ gần bùn nhưng lại chẳng hôi tanh mùi bùn, mà ngược lại, lão lại là một người cha hết mực, hết lòng vì con cái. Là một người nhân hậu, thương yêu loài vật, đó là cậu Vàng. Cái chết của lão chính là tiếng chuông cảnh tỉnh, đánh thức những ai đang lầm đường, lạc lối, không được vì cái ăn, cái hư danh trước mắt mà bán đi linh hồn, nhân cách, phẩm giá của mình.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 38
Nam Cao là nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam trước và sau cách mạng tháng 8 năm 1945. Tác phẩm của ông đều gắn liền với số phận, hình ảnh của người nông dân khốn khổ. Tác phẩm "Lão Hạc" là một tác phẩm hay thể hiện cái nhìn nhân văn nhân đạo của tác giả Nam Cao dành cho nhân vật của mình, những người nông dân nghèo khổ, bần cùng của xã hội phong kiến.
Khi đọc xong truyện ngắn này nhiều người không khỏi bị ám ảnh bởi cái chết đau đớn, nhiều ám ảnh của nhân vật chính. Những suy nghĩ của ông lão đã khiến nhiều người đọc phải bật khóc cảm thương cho một người cha yêu con, sống đạo đức chuẩn mực không bị cái xấu, cái ác làm hoen ố đi danh dự và nhân phẩm của mình. Lão Hạc là người nông dân nghèo, dưới đáy xã hội lão "góa" vợ sớm có người con trai thì bị bắt đi làm tại đồn điền cao su của giặc. Một nơi nổi tiếng tàn ác "Cao su đi dễ khó về. Khi đi trai tráng khi về bủng beo"
Lão có một mảnh vườn là của nả, hương hỏa bao năm cha ông để lại là tài sản duy nhất mà lão có thể để dành cho con trai mình khi tới tuổi lập gia đình có chỗ nương thân. Lão không có gì nữa ngoài con chó, người bạn thân tri kỷ chia sẻ mọi vui buồn với lão. Lão coi con chó như con trai mình vậy đặt tên cho nó là cậu "Vàng".
Lão sống hiền lành không làm hại ai nhưng những kẻ có tiền có quyền trong cái xã hội ấy không cho lão được sống yên phận nghèo của mình. Khi gia đình Bá Kiến suốt ngày nhăn nhe muốn chiếm mảnh vườn của lão. Một tài sản lão quý hơn cả tính mạng mình. Năm lần bảy lượt chúng tìm cách gạ gẫm không được chúng bèn bày mưu hãm hại lão để có thể chiếm được mảnh vườn.
Không còn cách nào khác lão nghĩ tới cái chết. Chỉ có cái chết mới giải thoát lão khỏi cuộc sống cô độc, nghèo đói, khốn khổ này. Chỉ có cái chết mới giúp hắn giữ được mảnh đất tổ tiên hương hỏa này cho con trai lão. Nghĩ thế hắn bèn tìm cách hành động. Trước tiên lão phải bán con Vàng người bạn thân thiết của mình đi, bởi khi lão chết rồi thì ai chăm sóc nó, rồi nó cũng sẽ chết đói hoặc bị bọn bắt trộm chó làm thịt mà thôi.
Lão bán con Vàng như bán đi một phần linh hồn của mình vậy, lão đau đớn vô cùng.Rồi lão đi sang Binh Tư xin bả chó. Binh Tư là một tay chuyên trộm cắp vặt trong làng, và thường xuyên bắt trộm chó nhà khác bán lấy tiền nên trong nhà hắn lúc nào cũng sẵn thứ này. Khi thấy Lão Hạc sang xin bả cho Binh Tư tưởng mình có thêm đồng nghiệp làm nghề thất đức như mình nên cười ha hả còn chọc lão có vụ gì ngon thì chia cho hắn với. Nhưng hắn đâu ngờ rằng Lão Hạc sang xin bả chó cho chính mình.
Trước khi chết lão cũng lo lắng rất chu toàn. Lão sang nhà thầy giáo Thứ rồi nhờ thầy giữ hộ giấy tờ nhà, gửi tiền để nếu chẳng may lão có mệnh hệ nào thì lấy tiền đó lo ma chay, mua quan tài, bởi lão biết trong cảnh cả nước nghèo khổ, đói kém làm phiền hàng xóm cũng là cái tội. Lão cũng không muốn sau khi mình chết đi rồi không được chôn cất tử tế.
Một người nông dân ít học hành nhưng lại vô cùng nhiều văn hóa, lão ứng xử chuẩn mực, lương thiện, đạo đức hơn rất nhiều kẻ tưởng có học có chức có quyền trong xã hội mà vô đạo đức, bất lương. Rồi lão về nhà tự mình ăn bả chó để tìm tới cái chết. Một cái chết đau đớn, khiến cho người đọc cảm thấy nghẹn ngào theo từng trang viết.
Nam Cao đã vô cùng thành công khi khắc họa nhân vật Lão Hạc vô cùng thánh thiện, thanh bạch, một người nông dân nghèo nhưng lương thiện tử tế, một người cha thương con vô bờ bến.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 39
Văn học hiện thực phê phán là một dòng văn học với những cảnh đời trớ trêu, cay đắng, bất hạnh. Văn học về những con người bị áo cơm ghì sát đất, phải sống tha hoá, sống kiếp sống mòn, của những cảnh đời bị đẩy vào bước đường cùng không lối thoát,… Nước mắt và cái chết có thể coi là những mô típ quen thuộc của văn học hiện thực phê phán 1930 – 1945.
Mô típ ấy ám ảnh nhiều trong sáng tác của nhà văn Nam Cao: Chí Phèo chết trên vũng máu của chính mình ngay trong khi khát vọng trở về với cuộc đời bị dập tắt; Lang Rận, Mụ Lợi tự tử trong sự ghẻ lạnh, đàm tiếu của người làng ; và cái Tí chết vì một bữa no duy nhất của cuộc đời,… Có lẽ trong những cái chết ấy thì khó quên nhất chính là cái chết của Lão Hạc – một lão nông nghèo khổ, bất hạnh trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao.
Ta hãy đọc lại những dòng văn Nam Cao tả lại cái chết của Lão Hạc : “Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy”.
Những dòng văn này trước hết làm tôi giật mình về một cái chết thật dữ dội và kinh hoàng. Đây không phải là một cái chết bình thường. Đó là cái chết của người do bị trúng độc bả chó. Bất giác tồi có cảm tưởng như không phải cách chết của một con người bình thường mà là cách chết như của một con chó. Lão Hạc trong cái chết của mình vô cùng đau đớn, vô cùng vật vã, cùng cực về thể xác. cả đời đã khổ, đến khi nhắm mắt xuôi tay, lão đâu có hề được bình yên về với đất mẹ.
Cái chết của Lão Hạc thật bất ngờ – bất ngờ với tất cả, cả Binh Tư và người láng giềng thân thiết là ông Giáo ; cả mọi người trong làng. Sự bất ngờ của cái chết càng làm cho câu chuyện thêm căng thẳng, thêm xúc động. Mâu thuẫn bế tắc được đẩy lên đến đỉnh điểm và kết thúc một cách bi đát và tất yếu. Lão Hạc không thể tìm con đường nào khác để tiếp tục sống mà không ăn vào tiền của con, hoặc bán mảnh vườn. Lão đành chọn cái chết, dành tự chấp nhận đau khổ để nuôi hi vọng cho người con trai. Với một tính cách như Lão Hạc thì cái chết là một tất yếu, cách chết mà lão chọn cũng là một tất yếu.
Người đọc bao thế hệ trước cái chết của Lão Hạc đều xúc động nghẹn ngào khi phát hiện ra những ý nghĩa sâu sắc ẩn sau cái chết đầy đau đớn về thể xác kia của lão. Lão không chọn cách chết nào khác mà chết như cách chết của một con chó ăn phải bả, bởi với lão đến tận lúc chết, ám ảnh về cậu Vàng, về việc mình đã trót lừa một con chó vẫn day dứt lương tâm lão. Lão đã chọn một cách giải thoát đáng sợ nhưng lại như một cách để tạ lỗi cùng cậu Vàng.
Lão Hạc yêu thương con chó như con trai nhưng lại nỡ lừa bán nó đổ cho thằng Mục giết thịt, thì lão cũng phải tự trừng phạt mình, tự chịu hình phạt như một con chó chết vì ăn phải bả. Lão Hạc chết trong đau đớn, vật vã ghê gớm về thể xác nhưng chắc chắn lão lại thanh thản về tâm hồn vì đã hoàn thành nốt công việc cuối cùng với đứa con trai vẫn “bặt vô âm tín” với hàng xóm láng giềng về tang ma của mình. Lão chết để giữ phần ấm cho con, để giữ lại hi vọng cho người con duy nhất đang ở nơi xa của mình. Cái chết của lão là biểu hiện cao nhất của tình phụ tử thiêng liêng, của đức hi sinh cao cả.
Cái chết của Lão Hạc một mặt góp phần bộc lộ tính cách và số phận của Lão Hạc, cũng là một điển hình sắc nét của số phận và tính cách của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám : nghèo khổ, bế tắc, nhưng giàu lòng yêu thương và đức hi sinh cao cả, mặt khác, cái chết của Lão Hạc cũng có ý nghĩa tố cáo hiện thực xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẩy những con người lương thiện vào bước đường cùng, phải chấp nhận cái chết như cách duy nhất kết thúc cuộc đời nhiều đau khổ. Cái chết của lão cũng giúp những người xung quanh lão hiểu con người lão hơn, quý trọng và thương tiếc lão hơn.
Kết thúc câu chuyện bằng cái chết của nhân vật chính, Nam Cao đã tôn trọng cái lô gích của sự thật cuộc đời, đồng thời làm tăng sức ám ảnh, hấp dẫn và khiến người đọc cảm động hơn. Cái chết của Lão Hạc tuy mang đậm màu sắc bi thảm nhưng nó cũng khiến người đọc ấm lòng hơn bởi nó mang lại cho họ niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người trước hoàn cảnh nghiệt ngã của cuộc đời. Đó cũng chính là giá trị nhân văn sâu sắc mà nhà văn gửi gắm trong thiên truyện ngắn này.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 40
Sau khi đọc xong những tác phẩm của Nam Cao, người đọc dường như vẫn cảm thấy xót xa và day dứt khôn nguôi trước số phận của những con người khốn khổ như bà cái Tý trong Một bữa no, anh Đĩ Chuột trong Nghèo, anh Phúc trong Điếu văn...Song có lẽ ám ảnh hơn cả là cái chết dữ dội của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.
Mặc dù gần 7 thập kỷ đã trôi qua, nhưng cái chết ấy vẫn đủ sức làm quặn thắt bao tấm lòng người đọc. Vì sao vậy? Phải chăng vì Nam Cao tuy chưa dắt Lão Hạc vượt qua thảm cảnh bi đát của đời mình nhưng ông đã để ở đấy trọn vẹn một tấm lòng. Chính vì vậy mà ông để cho nhân vật của mình chọn một cái chết khác thường khi xét cả ba phương diện: nguyên nhân sâu xa của cái chết, phương cách chết và ý nghĩa của cái chết.
Thứ nhất là nguyên nhân cái chết. Một câu chuyện cười kể rằng: Có lão phu nọ vào rừng kiếm củi, trời nắng to, lão mệt mỏi và kiệt sức chẳng đủ sức để đỡ bó củi lên vai lão, lão buồn bã nói:
- Khổ thế này thì thà chết còn hơn.
Vừa dứt lời thì thần chết hiện lên hỏi:
- Ông lão! Ông vừa nói gì?
Ông lão hốt hoảng và ấp úng trả lời:
- Không! tôi chẳng nói gì cả. Tôi chỉ nói: giá như có ai đỡ bó củi lên vai thì hay biết mấy.
Câu chuyện thật đơn giản, ngắn ngủi và kết thúc bằng một tiếng cười bật lên từ phía người đọc. Nhưng có lẽ cái thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc thì chẳng giản đơn chút nào, đó là vấn đề tình yêu cuộc sống. Con người dường như càng già thì càng quý sự sống, hay nói cách khác là khi cận kề bên cái chết thì bản năng sinh tồn của con người sẽ trỗi dậy mãnh liệt và yêu sự sống hơn bao giờ hết.
Vậy thì tại sao Lão Hạc lại tìm đến cái chết? “Sau trận ốm, lão yếu người đi ghê lắm. Những công việc nặng không làm được nữa. Làng mất vè sợi, nghề vải đành phải bỏ. Đàn bà rỗi rãi nhiều. Còn tí việc nhẹ nào họ tranh nhau làm mất cả. Lão Hạc không có việc. Rồi lại bão, hoa màu bị phá sạch sành sanh. Từ ngày bão đến nay, vườn lão chưa có một tý gì để bán. Gạo thì cứ kém mãi đi. Một lão với một con chó, mỗi ngày 3 hào gạo, mà gia sự vẫn còn đói deo đói dắt...”
Lão quyết định bán “Cậu Vàng”. Bán đi người bạn thân thiết nhất, bán đi kỷ vật cuối cùng của con trai lão- lão đau đớn, dằn vặt và lương tâm lão dày vò khôn nguôi. Rồi lão mang 25 đồng bạc lão dành dụm được cộng với 5 đồng bán chó, với mảnh vườn 3 sào sang gửi ông Giáo. Thế rồi từ hôm đó: “Tôi thấy Lão Hạc chỉ toàn ăn khoai. Rồi thì khoai cũng hết. Bắt đầu từ đấy, lão chế tạo được món gì ăn món nấy. Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì lão ăn rau má với thỉnh thoảng một vài củ ráy hay bữa trai bữa ốc. Tôi nói chuyện lão với vợ tôi. Thị gạt phắt đi.
- Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ, lão làm lão khổ, chứ ai làm lão khổ”.
Vâng! Có lẽ lão làm lão khổ thật. Bởi vì nếu lão là người cha tầm thường, à không! phải nói là người cha bình thường chứ, thì lão sẽ chưa chết, thậm chí sẽ còn sống lâu hơn nữa là đằng khác. 30 đồng bạc cộng với mảnh vườn 3 sào, sẽ là một khoản kha khá lão có thể sống được. Nhưng lão đã không làm như thế. Mảnh vườn là tài sản duy nhất vợ lão hồi còn sống phải thắt lưng buộc bụng mới tậu được. Nó là tài sản duy nhất vợ chồng lão dành cho con. Bởi vậy mảnh vườn ấy gắn với danh dự, bổn phận của kẻ làm chồng, làm cha. Còn món tiền 30 đồng bạc ấy sẽ được dùng phòng khi lão chết có tiền ma chay. Lòng tự trọng không cho phép lão làm phiền đến mọi người. Cho nên món tiền ấy mang ý nghĩa danh dự của kẻ làm người, lão không thể tiêu vào đó. Cuối cùng lão chọn cái chết để tự giải thoát.
Vậy, từ diễn biến trên ta thấy nguyên nhân cái chết của Lão Hạc là do tình cảnh đói khổ, túng quẫn đã đẩy lão đến bước đường cùng: Lão phải chết, đó cũng là số phận cơ cực đáng thương của những người nông dân nghèo sống trong thời kỳ đen tối trước cách mạng tháng Tám. Song nguyên nhân sâu xa của cái chết, không chỉ là do tình cảnh đói khổ, túng quẫn mà là do xuất phát từ lòng thương con âm thầm, sâu nặng xuất phát từ đức hy sinh cao cả của người cha. Một người cha dám đánh đổi cả sự sống của mình để dành dụm số tiền ít ỏi cho tương lai của con.
Thì ra, ẩn đằng sau vẻ già nua, khắc khổ tội nghiệp ấy là cả một trái tim lớn lao nồng hậu, âm thầm nhưng tha thiết, bền bỉ luôn cháy lên ngọn lửa của tình phụ tử thiêng liêng. Thì ra đức hy sinh không chỉ là “độc quyền” của người phụ nữ mà nhiều khi, sự hy sinh ấy ở nam giới, sâu sắc hơn rất nhiều. Thì ra, đôi khi ở những con người bình thường lại chứa đựng những phẩm chất phi thường. Chao ôi! Nếu có “Hậu Lão Hạc” thì anh con trai lão sẽ trở về, sẽ lấy vợ, sinh con, lão sẽ được sống những ngày cuối đời thật thanh thản hạnh phúc. Lão sẽ được phụng dưỡng chăm sóc, lòng hiếu thảo của con cháu sẽ sưởi ấm đời lão, sẽ xoá nhoà tất cả những vết thương đau.
Nhưng! Ước mơ vẫn chỉ là ước mơ. Hễ ai đọc Lão Hạc thì chẳng dễ gì quên được cái chết kinh hoàng của Lão: “Lão vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nẩy lên. Hai người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến 2 tiếng đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy. Chỉ có tôi và Binh Tư hiểu”.
Không! Không chỉ có ông Giáo và Binh Tư hiểu mà tất cả mọi người đều hiểu, đều đau đớn trước cái chết kinh hoàng ấy. Phương cách chết của lão là chết bằng bả chó, chết do trúng độc bả chó. Chúng ta vẫn tự hỏi ngàn lần rằng vì sao Lão Hạc không chọn một cái chết êm dịu hơn, nhẹ nhàng hơn, lặng lẽ hơn. Lý giải điều này, sách giáo viên Ngữ văn 8(Tập 1- trang 39, xuất bản tháng 5/2004) viết rằng: “Ông lão nhân hậu, trung thực này chưa từng lừa một ai, lần đầu tiên trong đời lão phải lừa là lừa “cậu vàng” “người bạn thân thiết của mình. Lão đã lừa để “cậu vàng” phải chết thì giờ đây lão cũng phải chết theo kiểu một con chó bị lừa”.
Nếu hiểu như vậy, thì chỉ là lớp nghĩa đầu. Bởi vì lão chết bằng bả chó là xuất phát từ dụng ý nghệ thuật của tác giả, khẳng định một điều rằng: Ông không muốn trốn tránh sự thật của cuộc sống, cũng không muốn tìm lối giải thoát có tính chất chủ quan, dễ dãi. Thời bấy giờ nhà văn Nguyễn Công Hoan nói rằng: “Tự lực văn đoàn nhìn khói mái nhà của người nông dân, còn tôi, tôi nhìn vào dạ dày của họ”. Vũ Trọng Phụng thì gọi việc lảng tránh những vấn đề cuộc sống là chạy xa sự thực bằng những từ điêu trá của văn chương “... như vậy là giả dối là tự lừa mình và di họa cho đời”.
Còn Nam Cao lặng lẽ khẳng định “nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối nghệ thuật là những tiếng đau khổ toát ra từ những kiếp lầm than”. Và bằng cái chết của Lão Hạc, ta thấy Nam Cao đã chứng minh được điều đó. Nam Cao để cho Lão Hạc chết bằng bả chó tức là ông đã tôn trọng cái logic của sự thật cuộc đời. Vì chỉ có cái chết dữ dội ấy mới đủ sức tố cáo xã hội đương thời lúc ấy đã đẩy con người bất hạnh đến cùng đường tuyệt lộ, khiến họ phải chết một cách thê thảm đớn đau.
Ngoài ra Nam Cao muốn đề cập vấn đề nhân phẩm: dù phải trả giá đắt đến mấy, con người cũng phải giữ cho được phẩm chất của mình. Và Lão Hạc đã làm được điều đó. Dù túng quẫn nhưng lão không theo gót Binh Tư... Nhân tính đã chiến thắng bản năng, lòng tự trọng vẫn đủ sức giữ chân con người trước bờ vực của sự tha hoá. Lão thà chết chứ không làm điều sằng bậy. Đó là nét đẹp trong quan điểm đạo đức của nhân dân ta “chết vinh còn hơn sống nhục”.
Lão quằn quại nằm xuống nhưng nhân cách của lão còn mãi trong lòng độc giả. Đó cũng chính là ý nghĩa của cái chết Lão Hạc. Cái chết ấy khép lại câu chuyện và có rất nhiều người cho rằng, cái chết này ẩn chứa đâu đó hình bóng bi kịch: Đó là bi kịch của sự đói nghèo, bi kịch của tình phụ tử, bi kịch của phẩm giá làm người. Chính cái chết này góp phần làm rõ hơn quan điểm có phần cực đoan của Nam Cao: “Hạnh phúc là một tấm chăn hẹp người này kéo thì người kia hở”.
Nhưng xét một cách toàn diện thì cái chết ấy chưa hẳn là bi quan vì nó nói lên được niềm tin sâu sắc vào phẩm chất tốt đẹp ở người nông dân của tác giả. “Không! cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn. Mà nếu đáng buồn thì đáng buồn theo một nghĩa khác”.
Lão Hạc là một người nông dân chân lấm tay bùn chưa từng đọc sách thánh hiền, chưa từng được tham dự một lớp học nào về cách làm người, về tình phụ tử song cả cuộc đời lam lũ, lương thiện và trong sáng thanh cao của lão, cả cái chết kinh hoàng của lão- là minh chứng đầy đủ cảm động về nhân cách làm người, về tình cha con thiêng liêng sâu nặng.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 41
Lão Hạc là truyện ngắn phản ánh chân thực nhất cảnh đời cơ cực, nhiều cay đắng nhất của người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Có thể nói là xã hội này đầy rẫy những bất công, đẩy người nông dân vào bế tắc, tuyệt vọng, không lối thoát. Nam Cao đã xây dựng thành công hình ảnh Lão Hạc với đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân nhưng cuối cùng số phận bi thảm. Cái chết của Lão Hạc cuối truyện luôn ám ảnh người đọc, bởi giá trị mà nó muốn nhắn gửi thực sự có ý nghĩa sâu xa.
Không phải bỗng nhiên lão Hạc muốn tìm đến cái chết, bởi chẳng ai muốn chết cả. Chỉ khi túng quá, quẫn quá, và không còn con đường nào khác để đi thì cái chết là sự giải thoát nhẹ nhàng nhất. Lão Hạc sau khi bán cậu Vàng được 5 đồng, thấy day dứt, thấy mình thật tệ bạc với nó quá. Lão tính đi tính lại, cuối cùng cũng tích được 30 đồng gửi ông Giáo, bao giờ con trai ông về thì nhờ ông Giáo gửi lại con trai.
Cuộc sống luôn vận động và con người trong cuộc sống luôn phải nương theo dòng chảy của nó. Sống trong chính cuộc đời, con người luôn phải có nhiều nỗi lo toan trăm bề mà trong truyện “Lão Hạc” của Nam Cao lại là một bực tranh hiện thực, trong bức tranh ấy người nông dân chân chất hiện lên, với những suy nghĩ, lo toan, tính toán cho tương lai và dưới cái nhìn của ông giáo. Và cũng cần xem xét lại tình cảm sâu sắc giữa lão Hạc và con chó vàng, phải chăng vì sự tồn tại hay vì bản thân mà con người chối bỏ đi tình cảm của mình…
Nhưng khi câu chuyện kết thúc với cái chết thương tâm của lão Hạc “thì cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn” vì những tình cảm của con người vẫn tồn tại trọn vẹn, vẫn viên mãn, vẫn còn nhiều cái tốt để đáng sống, “nhưng lại đáng buồn theo nghĩa khác” rằng trong cuộc đời tồn tại một con người nhân nghĩa, biết lo xa, bất chấp bản thân mình để hi sinh, để thanh thản thì đó là một điều tốt, nhưng cũng vì hoàn cảnh, cũng vì cuộc sống không như ý muốn nên trên đời mất đi một con người tốt, đẹp đẽ, vậy có công bằng? Triết lý trong truyện đã khiến ta thêm suy nghĩ, phân tích cũng như có khả năng nhìn nhận được nhiều khía cạnh rất khác nhau, dưới những hình ảnh cũng không giống nhau của một sự vật, sự việc mà bản chất là những gì gần gũi với cuộc sống
Qua nhiều làn Lão Hạc nói đi nói lai về ý định bán cậu Vàng vì con chó và cũng là người bạn thân của Lão, có thể thấy lão đã suy tính, đắn đo nhiều lắm. Lão coi việc này rất hệ trọng bởi con chó Vàng này là người bạn tri kỉ của lão, cũng là kỉ vật để lão nhớ về người con đang đi đồn cao su vì trước đây nó rất thương yêu con Vàng. Có thể thấy tình cảm của lạo với cậu Vàng là vô cùng to lớn, lão đã vô cùng khó khăn và đắn đo khi có quyết định bán nó. Sau khi bán cậu Vàng, lão cứ day dứt ân hận mãi vì già bằng này tuổi đầu rồi còn đi lừa một con chó. Cả đời ông già nhân hậu này đã nỡ lừa dối một ai bao giờ.
Xét về cử chỉ, bộ dạng lão Hạc khi nói với ông giáo chuyện bán chó: “Lão cố vui lên nhưng lại “cười như mếu” và đôi mắt lại ngân ngấn nước. Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những nếp nhăn ép lại với nhau xô cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lạo nghẹo về một bên và miệng lão móm mém như con nít, Lão hu hu khóc”. Các chi tiết ngoại hình thể hiện cho ta thấy một cõi lòng đang vô cùng đau đớn, xót xa ân hận…
Lão Hạc chết vì muốn giữ mình vẫn là 1 người nông dân lương thiện, chết để bảo toàn mảnh vườn cho đứa con trai mà ông luôn tin rằng nó sẽ trở về, chết để ko làm phiền đến hàng xóm láng giềng, chết vì sợ ông sống sẽ phí phạm đến số tiền mà mình đã giành dụm cực khổ bao năm nay, chết vì để thoát khỏi cái xã hội phong kiến bức bách và đầy rẫy những thứ xấu xa và cũng có thể chết vì ân hận khi đã bán cho Vàng. Nhân cách cao quý của người nông dân Việt Nam chất phác, họ chết nhưng vẫn giữ được cái gọi là tự trọng, lòng thương con và sự lương thiện.
Cái chết của Lão Hạc dù kết thảm bi thảm như thế nào, lão vẫn giữ lại cho chúng ta bức thông điệp về nổi trăn trở của một con người trong niềm đau nhân cách. Ta không đưa Lão Hạc đên tận huyệt mồ quên lãng, nhưng vẫn thấy sâu thẳm huyệt lòng một niềm rưng rưng không nguôi. Người cha “Thà chết chứ không chịu bán đi một sào…” cái mãnh vườn thân yêu dành cho đứa con khốn khổ. Nam Cao lạnh lùng đẩy nấc thang đạo đức đến ranh giới của thị phi, khiến chúng ta dầu không bắng lòng vẫn không giám vội vàng phê phán.
Cái chết của lão Hạc để lại trong lòng người đọc nhiều ám ảnh. Lão chết, cái chết đó giàu giá trị nhân văn, cũng như phản ánh chân thực hiện trạng xã hội Việt Nam lúc bấy giờ đang rơi vào bế tắc như thế nào. Vì bế tắc, vì nghèo đói, vì lòng tự trọng nên cái chết là sự lựa chọn cuối cùng, dù là bất đắc dĩ thì nó cũng có thể kết thúc trong êm đẹp. Xã hội Việt Nam bất giờ cái nghèo đói tràn lan, thực dân phong kiến đã đẩy những người nông dân đến bước đường cùng như thế này.
Cái chết của Lão Hạc vừa phản ánh sự bế tắc của thời đại, của con người, đồng thời giải phóng chính lão hạc khi muốn mang đến những điều tốt đẹp cho đứa con của mình.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 42
Nam Cao là một nhà thơ nổi tiếng của nền văn học hiện thực của nước ta những năm trước và sau cách mạng tháng Tám. Trong mỗi tác phẩm của mình Nam Cao đều thể hiện sự trăn trở của mình với những số phận con người nghèo khổ, bị xã hội bần cùng, bức bách tới chân tường không lối thoát.
Tác phẩm “Lão Hạc” thể hiện sự bần cùng, không lối thoát phải tìm tới cái chết cay đắng tủi nhục của một người nông dân chân chất, hiền lành thật thà. Nhưng lại có những phẩm chất vô cùng tốt đẹp , đáng quý. Thông qua tác phẩm “Lão Hạc” Nam Cao muốn tố cáo tội ác của chế độ phong kiến đã tàn ác bóc lột người nông dân tới tận cùng, khiến họ không còn lối thoát phải tìm tới cái chết.
Trong tác phẩm này Nam Cao đã xây dựng thành công hình ảnh lão Hạc với những phẩm chất cao quý, thương yêu con trai của mình ,hiền lành, phúc hậu, có lòng tự trọng hơn người. Hình ảnh cái chết của lão Hạc ở cuối truyện ngắn khiến người đọc vừa đau xót, xúc động vừa trào dâng sự căm phẫn bởi chế độ xưa quá tàn ác, đã khiến cho một ông lão nghèo khó, hiền lành phải tự mình tìm tới cái chết trong tức tưởi để bảo toàn được những gì mình đang có.
Chính chế độ phong kiến, những tên địa chủ cường hào ác bá đã đẩy lão Hạc tới cái chết. Chỉ có cái chết mới khiến lão thanh thản, chỉ có cái chết lão mới có thể giữ được mảnh đất hương hỏa là tài sản duy nhất lão có, để trao tới tay con trai lão. Hình ảnh lão Hạc một người đàn ông già nua khắc khổ, bị góa vợ từ khi còn trẻ, cuộc sống nghèo khó chung. Cả làng nghèo khổ không riêng gì lão, nhưng hoàn cảnh lão có chút đặc biệt hơn đôi chút.
Lão không có người thân bên cạnh, lão mất vợ đã lâu có một người con trai nhưng xin đi đồn điền cao su từ lâu. Nên lão chỉ sống có một mình cùng với con chó mà con trai lão đã mua và để lại nhà trước khi đi xa. Con chó là người bạn, người tâm giao tri kỷ duy nhất của lão. Ngày ngày lão ăn gì nó ăn nấy, lão thương nó như con trai mình vậy.
Ngày ngày lão chăm sóc con chó nói chuyện, tâm sự với nó như lão đang nói chuyện tâm sự với con trai mình vậy. Lão vẫn thầm mong con trai mình sẽ về, và lão sẽ để lại mảnh vườn này để sau này con trai lão về có lấy vợ còn có chỗ mà sinh sống. Tuy nhiên trong bối cảnh đất nước lâm nguy, nạn đói hoành hành, nhiều lúc lão phải ăn củ mài, củ chuối cho qua bữa. Sống cơ cực lay lắt như ngọn đèn trước gió, không biết sẽ tắt lúc nào.
Nhưng điều đó cũng không làm cho lão nghĩ tới cái chết, lão vẫn cố gắng cầm cự, chống chọi lại với những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng chỉ tới khi lão Bá Kiến nhăm nhe muốn cướp mảnh vườn của nhà lão, thì lão thật sự hoang mang. Lão luôn muốn để dành mảnh vườn cho con trai mình, nhưng lão Bá Kiến suốt ngày gạ mua rồi không được. Lão Bá Kiến mưu toan cài bẫy để cướp lấy mảnh vườn của lão. Chúng đang âm mưu để cho lão vào tù, nếu lão không muốn vào tù thì phải gán nợ mảnh vườn làm cứu cánh.
Lão Hạc là người thông minh, nên đã linh cảm thấy điều chẳng lành đang chờ đợi mình phía trước, để bảo toàn mảnh vườn tài sản duy nhất của con lão thì lão buộc lòng đi trước một bước. Chỉ có khi lão chết thì bọn Bá Kiến mới buông tha cho cuộc sống của lão được yên ổn, thanh thản. Nghĩ vậy lão quyết định bán con chó đi, người bạn duy nhất, người tâm giao tri kỷ đi. Rồi sau đó lão đi sang nhà Binh Tư xin bả chó. Thấy lão xin bả chó Binh Tư ngạc nhiên lắm tưởng lão bần cùng sinh đạo tặc, không còn giữ được phẩm chất cao quý của mình nữa.
Nên hắn còn đùa nếu ông kiếm được gì nhớ chia cho hắn với nhé. Lão Hạc chỉ cười buồn bảo hắn trưa mai qua nhà lão uống rượu, ăn thịt chó. Rồi lão qua nhà thầy giáo, người hàng xóm thân thiết cũng là người lão vô cùng kính trọng bởi nhân cách sống đúng mực của thầy giáo . Lão qua nhờ anh giáo giữ hộ giấy tờ mảnh đất khi nào con trai lão về thì đưa lại cho nó. Và lão còn gửi anh giáo một ít tiền phòng khi lão ốm đau qua đời thì làm ma chay giúp lão.
Một người đàn ông lo lắng chu toàn, và có lòng tự trọng cao độ. Lão biết trong thời buổi này không nên làm phiền hàng xóm về tiền bạc bởi ai cũng nghèo khổ cả. Chính vì vậy, lão chết đi rồi còn gửi tiền trước nhờ người làm ma chay cho mình. Trưa hôm sau, Binh Tư sang nhà thầy giáo gọi thầy giáo sang nhà lão Hạc uống rượu thịt chó, tới nơi thì thấy lão Hạc đang quằn quại trong cơn đau. Lão đã ăn bả chó tự tử, một cái chết đau đớn.
Chính cái chết của lão Hạc là sự minh chứng cho những bế tắc của thời đại. Đồng thời giải phóng chính bản thân lão ra khỏi những khó khăn. Lão chết đi vì mong ước muốn để dành những gì tốt đẹp nhất cho người con trai duy nhất của mình. Một tình cảm của người cha thương con vô bờ bến, bao la bát ngát.
Truyện ngắn “Lão Hạc” kết thúc với bi kịch là cái chết của nhân vật chính, nhưng lại gợi mở trong lòng người vô cùng nhiều cảm xúc, nghẹn ngào, cho số phận của một người nông dân chân chất, hiền lành, có lòng tự trọng cao quý.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 43
Ngoài những tác giả hiện thực nổi tiếng như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trong Phụng…thì ta còn biết đến một nhà văn nổi tiếng đó chính là nhà văn Nam Cao. Nhà văn ấy đã góp cho nền văn học Việt Nam biết bao nhiêu tác phẩm hiện thực như Chí Phèo, Đời Thừa, tư cách mõ…Bên cảnh những tác phẩm ấy chúng ta không thể nào không nhắc đến tên tác phẩm Lão Hạc. Trong tác phẩm ấy nổi bật lên những hình ảnh con người làng quê. Đó chính là nhân vật Lão Hạc và Ông Giao. Tuy rằng có những địa vị khác nhau trong xã hội nhưng cả hai người đều mang một nỗi bi kịch của thời đại.
Trước hết là nhân vật Lão Hạc, ở nhân vật này ta thấy được những phẩm chất rất đáng quý của người nông dân trước cách mạng tháng Tám.
Thứ nhất, ông là một người cha rất mực yêu thương con, hi sinh tất cả vì con, bất chấp cả tính mạng. Cuộc sống khi bị bọn cường hào ác bá làm cho khó thở thì người con trai của ông vì không lấy được người mình yêu nên quyết định bỏ vào Nam để làm đồn điền cao su. Thế nhưng chi biết là thế những không biết rằng có phải như vậy không. Nhà nghèo những Lão Hạc vẫn sống rất chân thật không lấy của ai cái gì. Đến khi mảnh vườn kia bị bọn ác quan nhòm ngó. Ông nhất định muốn giữ để cho con trai mình. Cuộc sống nghèo khổ nhưng ông vẫn bù chi bù chít để dành dụm tiền cho con trai trở về lấy vợ sinh con. Đến cái mức mà ông phải ăn cả khoai ngứa, củ dáy… Và đến khi quá khổ ông nhất định để bỏ tính mạng của mình để giữ lại mảnh vườn cho con trai.
Thứ hai, ông là người rất có lòng tự trọng và biết xấu hổ. Khi ông nghèo khó ông không nhận sự giúp đỡ của ai hết. Con trai ra đi ông chỉ có mỗi con chó vàng mà ông gọi nó là cậu làm bạn. Ông thương yêu nó nhưng vì quá nghèo nên ông đã bán nó đi. Ông đau lòng vô hạn và những giọt nước mắt như thể hiện sự day dứt xâu hổ với con chó ấy. Khi ông giáo ngỏ ý muốn giúp đỡ thì ông nhất định không nghe. Từ đó cho thấy Lão Hạc là một người rất biết tự trọng, nghèo nhưng vãn thật thà, biết xấu hổ.
Bên cạnh Lão Hạc thì chúng ta còn thấy hiện lên nhân vật Ông Giao. Ông giáo là một nhà tri thức thế nhưng cũng không tránh khỏi những gánh nặng của cơm áo gạo tiền. Trong ông hiện lên những phẩm chất của một nhà tri thức đương thời.
Thứ nhất, ông là một người yêu thương gia đình vợ con. Ông yêu thương những đứa con và mẹ già, vợ hiền của mình. Ông thấy bản thân mình vô dụng khi nhìn thấy những đứa con không có cơm ăn, người vợ hiền thì vất vả còn bản thân mình thì chỉ viết lách mà cũng không thể kiếm ra tiền nuôi gia đình. Ông rơi vào bi kịch của gánh nặng cơm áo.
Thứ hai, ông giáo còn là một người tri thức có lòng tự trọng của mình, ghét những cái ác, bảo vệ cái thiện, khinh thường những bọn tham ô lý cường.
Thứ ba, ông là người rất trọng sự nghiệp viết văn, thật sự mà nói thì không kém gì nhân vật Hộ trong tác phẩm đời thừa. Anh được đi đây đi đó lên kinh thành viết sách, viết bài kiếm tiền.
Không những thể ông còn là một người yêu thương ngươi khác, như Lão Hạc chẳng hạn. ông giáo thấy thương cho số phận của Lão nhà không có gì nhưng lại sẵn sàng giúp đỡ nhân vật Lão Hạc. Có một ít tiền cũng sẵn sàng cho Lão Hạc vay.
Cả hai nhân vật ấy có số phận địa vị khác nhau thế nhưng lại cùng chung một hoàn cảnh khổ cực trước cách mạng tháng Tám. Những con người có tấm lòng như thế, tự trọng, yêu thương thì lại không có cuộc sống hạnh phúc. Chính bởi vì cái xã hội kia đã làm cho cuộc sống của họ trở nên khổ cực như thế.
Qua đây ta thấy được số phận của người nông dân và người tri thức trong xã hội cũ. Họ là những con người bị xã hội rơi vào bi kịch của những gánh nặng cơm áo gạo tiền. Đồng thời qua đây ta thấy được phẩm chất cao quý của người nông dân và người tri thức nước ta trong những năm tháng ấy. Dù nghèo đói nhưng phẩm chất của họ thì không bao giờ bị tàn lụi.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 44
Trở đi trở lại trong sáng tác của nhà văn là hình ảnh người nông dân và trí thức họ là nơi để nhà văn kí thác những quan niệm về nghệ thuật và cuộc đời,nơi nhà văn bộ lộ tâm sự của chính mình.Người tri thức trong sáng của ông là những nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh sống đầy nghiệt ngã. Những kiếp đời mỏi mòn sống thừa bị áo cơm ghì sát đất.Đau khổ hơn họ lại là người có tri thức người luôn ý thức được nỗi khổ đau của mình trước cuộc đời.Nhân vật Ông giáo và Lão Hạc là một con người như vậy.
Nam Cao là một nhà văn hiện thực lớn một nhà báo kháng chiến một nhà văn tiêu biểu nhất thế kỉ XX.Ông là người có tấm lòng nhân hậu có tấm lòng yêu thương đối với những người nghèo khổ bị áp bức.Mỗi tác phẩm của ông là một sự đồng cảm sâu sắc là sự chia sẻ đầy ân tình đối với những số phận đầy bất hạnh và khẳng định phẩm chất tốt đẹp của nhân dân lao động.Ông đã để lại cho sự nghiệp văn học Việt Nam với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng một trong những số đó là tác phẩm cùng tên Lão Hạc.
Hoàn cảnh gia đình nghèo túng khó khăn vợ lại mất sớm Lão dồn hết tình cảm yêu thương của mình cho cậu con trai duy nhất,Lão sẽ sung sướng biết bao nhiêu khi được thấy con trai của mình hạnh phúc,cho nó một cuộc sống ấm lo nhưng không con trai của Lão đã bị phụ tình vì không đủ tiền cưới vợ.Thương con Lão cũng trách bản thân Lão không cho con được cuộc sống ấm no hạnh phúc,Lão càng xót xa hơn khi cậu con trai lại nghe lời Lão không bán mảnh vườn để lấy tiền cưới vợ mà chấp nhận từ bỏ tình yêu mỗi khi nhắc đến con Lã lại rơi nước mắt.
Nhưng nếu vì nhớ con mà Lão Hạc không muốn bán Cậu Vàng nhưng cũng chính vì thương nên ông đã dứt khoát chia tay với nó.Lão nghèo túng quá,lão đã tính chi li từng tí mỗi ngày Cậu Vàng ăn ít cũng mất hai hào ấy chứ,cứ mãi thế này tôi lấy tiền đâu ra mà nuôi được…Thôi bán phắt đi,đỡ đồng nào hay đồng đó,bây giờ tiêu một xu cũng vào tiền của con.Tiêu lắm chỉ chết nó.Vi lo tích góp giữ gìn cho con trai chút vốn mà Lão Hạc đành phải bán chú chó yêu quý.Đã quyết như thế mà vẫn đau xót,Lão kể cho Ông Giáo nghe chuyện bán cậu vàng trong nỗi ngậm ngùi,Lão đau khổ và dằn vặt bản thân vì chuyện Cậu Vàng vì chuyện lão nghèo không lo được cho cậu con trai duy nhất của mình.Lão đã cố chịu đựng những nỗi đau ấy cũng chỉ nhằm một mục đích là giữ được chút vốn cho con sau này.
Cuối cùng lão chọn cái chết là để thể hiện tình yêu thương nhất của lão: Bây giờ lão chẳng làm được gì…Cái vườn này là của mẹ nó chắt chiu dành dụm cho nó,ta không thể bán vườn để ăn…vì thương con muốn giữ cho con chút vốn làm ăn thoát khỏi cái nghèo mà hắn đã chọn cái chết đó là một sự tự nguyện và dữ dội.Không chỉ có vậy qua từng dòng chữ chúng ta còn nhìn thấy Lão Hạc là một người đôn hậu chất phác suốt cả cuộc đời lão chỉ sống bên lũy tre làng.Trong làng chỉ có duy ông Giáo là người có ăn học nên ông đã tìm đến để tâm sự.
Ông giáo trong truyện ngắn Lão Hạc cũng là một người có hoàn cảnh sống đầy những khó khăn.Tuổi trẻ ông đã từng đi nhiều nơi và tận Sài Gòn với niềm tin và bao khát khao đẹp.Một người như thế cuối cùng bị đẩy vào một vùng nông thôn nghèo khó nơi hi vọng bị diệt trừ và lí tưởng chỉ là một giấc mộng mãi không thành.Ông cũng là một người giữa lòng yêu thương có lẽ chính điều đó làm cho Ông Giáo và Lão Hạc gần nhau hơn,ông Giáo thương xót và cảm thông cho Lão Hạc người láng giềng già,tốt bụng tìm cách an ủi giúp đỡ lão.Nhất là từ khi thằng con lão đi xa và khi là bán Cậu Vàng thì Ông Giáo là chỗ dựa tinh thần nơi duy nhất lão bộc bạch tâm sự của mình.Cũng giống như biết bao nhân vật trí thức khác trong sáng tác của Nam Cao họ đều là những con người đáng thương nếu là một người nông dân bình thường thì cái đói cái nghèo có lẽ là nỗi khổ duy nhất và lớn nhất.Xây dựng nhân vật Ông Giáo Nam Cao như muốn tặng cho Lão Hạc một người bạn để rãi bày tâm sự nhà văn muốn bày tỏ quan điểm suy ngẫm về kiếp người.Ta bắt gặp hình bóng Nam Cao trong Ông Giáo.Những nét tương đồng của nhân vật này và nhà văn như một lời tâm sự chân thành mà tác giả gửi vào trang viết,văn là người,một trái tim ấm nóng tình nhân đạo lòng yêu thương với con người cứ bùng lên mãnh liệt nhất trong trang viết của Nam Cao. Có thể là không thay đổi được cuộc đời của những người tri thức trong sáng của mình nhưng người ta vẫn giữ được nét nhân cách đáng trọng của mình.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 45
Lão Hạc của Nam Cao là người nông dân bần hàn và nghèo khổ với tài sản chỉ vỏn vẹn là một túp lều, ba sào vườn và một con chó vàng. Vốn liếng của lão nông đó chỉ có bấy nhiêu thôi, ấy vậy mà, lão phải sống cô đơn và số nhọ. Vợ của lão Hạc mất đã lâu, cảnh gà trống nuôi con bao năm. Lão Hạc lần hồi đi làm việc thuê kiếm sống qua ngày để nuôi người con trai của mình.
Người con trai duy nhất của lão chỉ vì không có trăm bạc để lấy vợ, cảm thấy tủi nhục phẫn chí quyết định đi đồn điền cao su đặc biền biệt đã mấy năm trời. Phân tích nhân vật lão Hạc, ta thấy tuổi già của lão sống thật cô quạnh, nỗi buồn ngày một chồng chất thêm. Chỉ có con chó vàng là người bạn tri kỉ duy nhất với lão, giúp lão vơi sầu mà sống tiếp những ngày cơ cực buồn tủi.
Cuộc sống cứ thế ngày qua ngày, cho tới một hôm lão Hạc bị ốm một trận nặng kéo dãn dài những 2 tháng 18 ngày. Trong quãng thời gian ốm yếu mệt mỏi ấy, lão Hạc cô độc, không có bàn tay chăm sóc của người thân. Sự săn sóc, quan tâm, một bát cháo, một chén thuốc… những thứ ấy với lão trong hoàn cảnh ốm yếu cũng thật là xa xỉ. Phân tích nhân vật lão Hạc, người đọc không khỏi ngậm ngùi cho số kiếp đáng thương ấy.
Không những thế, một trận bão khủng khiếp lại kéo đến, cây trái hoa màu bị phá sạch, làng nghệ, đàn bà con gái hết việc tranh đi làm việc thuê và giành hết mọi việc. Sau trận ốm kéo dãn dài, lão Hạc yếu hẳn đi, không có bất kì ai thuê lão nữa. Hoa màu mất vì trận bão, giá gạo tăng mà lão lại thất nghiệp. Phân tích nhân vật lão Hạc, một nỗi nghẹn ngào trào dâng trong tâm hồn mỗi tất cả chúng ta.
Túp lều nghèo có lão và cậu Vàng, mỗi ngày ăn hết ba hào gạo mà vẫn đói quay quắt “đói deo đói dắt”. Chỉ vì trận ốm ấy mà lão đã tiêu hết số tiền bán tốt từ hoa lợi trong vườn đã thu thập được xưa nay. Cuộc sống vốn đã nghèo khổ lại ngày một thêm túng quẫn. Cái đói rình rập ám ảnh lão Hạc, cái ăn qua ngày khiến lão khổ sở, và cuộc sống của lão cũng day dứt trong tâm mỗi người khi phân tích nhân vật lão Hạc. Lão nông bần hàn số nhọ ấy biết phải làm gì?.
Lão Hạc chỉ với biết bán cậu Vàng, lão đã nghĩ đến điều này mà đau lòng quặn thắt. Cậu Vàng đó là tri kỷ với lão trong cuộc sống cô quạnh này. Ấy vậy mà, miếng cơm manh áo khiến lão phải đứt ruột với suy nghĩ bán đi cậu Vàng. “Bỏ rẻ cũng mất hào rưỡi hai hào” đó là số tiền mà cậu Vàng ăn mỗi ngày. Cậu Vàng ăn khỏe lại khiến lão thêm áp lực với cuộc sống túng quẫn này. Phân tích nhân vật lão Hạc, đến chi tiết cụ thể này, người đọc cũng không khỏi nghĩ suy với câu nói của ông giáo khi nghe tới lão nói về ý định bán con chó: “Nhưng đời người ta không chỉ khổ một lần. Lão Hạc ơi, ta có quyền giữ cho ta một tí gì đâu?…”
Yêu cậu Vàng đến vậy, nhưng lão Hạc biết lấy tiền đâu mà nuôi được? Lão nông ấy đành bán cậu Vàng cho thằng Xiên, thằng Mục. Để rồi khi bán đi cậu Vàng, cuộc sống với lão như không còn chút gì ý nghĩa, lão bị đẩy xuống địa ngục, tâm hồn cằn cỗi, trái tim đau đớn uất nghẹn bởi lão thấy mình là người “tệ lắm”, đã già mà còn “đánh lừa một con chó”. Cuộc sống sau khoản thời gian mất đi cậu Vàng với lão cũng vẫn như vậy khi mà túng thiếu, nghèo đói, cô đơn bủa vây mỗi ngày. Phân tích nhân vật lão Hạc, ta thấy đau đớn thay hoàn cảnh nghiệt ngã đã dìm người cố nông tới đường cùng.
Lão nông ấy tiếp tục cuộc sống lay lắt với củ khoai, củ chuối rồi củ ráy, lão ăn sung luộc rau má hay bữa trai ốc cầm cự. Cuộc sống khốn khó đến vậy, thế nhưng người nông dân ấy lại từ chối mọi sự giúp đỡ của mọi người, lão chối từ khi ông giáo muốn giúp đỡ một cách “gần như thể hách dịch”. Lão mất đi cậu Vàng, rồi cùng xa dần với ông giáo – điểm tựa tinh thần xưa nay.
Cuộc sống giờ đây với những người nông dân ấy chỉ là một màu xám xịt vô nghĩa. Lúc này, lão không còn bất kì “nơi dựa tinh thần” nào, lão quạnh hiu trong cuộc sống, lão đơn độc trong chính tâm hồn của mình. Để rồi, người cố nông ấy đã kết thúc cuộc đời bằng chính bả chó bằng phương pháp tự tử. Khi sống đã khốn khổ, mà khi chết lão cũng thê thảm đau đớn. Nhà văn Nam Cao đã đặc tả cái chết của lão Hạc như một sự ám ảnh day dứt với “đầu tóc rũ rượi, mắt long sòng sọc, tru tréo, rồi bọt mép sùi ra…” Vật vã đến hơn hai giờ đồng hồ thời trang, cái chết mới buông bỏ sự dằn vặt với lão. Người nông dân ấy ra đi với việc dữ dội cả về tinh thần lẫn thể xác. Phân tích nhân vật lão Hạc, ta đau đớn và thương xót biết bao nhiêu cho thân phận những người dân nông dân cùng cực trong xã hội xưa.
Số kiếp một con người, số phận của lão nông nghèo ấy thật đáng thương cảm biết bao. Hiện thực hóa đến từng chi tiết cụ thể, nhưng ẩn sâu trong từng câu chữ ấy đó là chủ nghĩa nhân đạo thống thiết mà nhà văn Nam Cao đã gửi đến bạn đọc. Lão Hạc thì bần cùng bế tắc phải ăn bả chó để kết liễu cuộc đời trong sự đau đớn, chí Phèo tự sát bằng mũi dao, Lang Rận thì thắt cổ chết… Đó là những sự quyên sinh tột cùng của nước mắt và sự chua xót. Phân tích nhân vật lão Hạc, ta không thể nào quên được câu nói mà người nông dân ấy đã hỏi ông giáo: “nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng?” Vướng mắc ấy cho thấy nỗi khổ đau tột cùng của một kiếp người, đồng thời cũng gieo rắc vào người
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 46
Phân tích nhân vật lão Hạc ta thấy người nông ấy vô cùng yêu người con của mình. “Lão thương con lắm…” lúc biết người con trai không đủ tiền để cưới vợ. Rồi khi người con quyết định đi đồn điền cao su đặc thì lão đau đớn chỉ biết khóc.Lão nông ấy ngần ngật nước khi thổ lộ “Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta đã chụp rồi. Nó là người của người ta rồi, chứ đâu còn là một con tôi?”.
Năm sáu năm bằn bặt con trai lão đi chưa trở về, để mình lão cô độc trong túp lều nghèo khó. Cuộc sống một mình vốn đã túng quẫn, ấy vậy mà, bao nhiêu hoa lợi cây trái trong vườn, bán tốt bao nhiêu lão đều dành riêng cho cậu con trai nơi xa, chỉ với mong mỏi “khi con trở về có chút vốn mà làm ăn”. Đói khổ, nghèo túng đến như nào thì lão Hạc vẫn quyết giữ lại 3 sào vườn cho con. Lão tự nói “Mảnh vườn là của con ta… Của mẹ nó tậu thì nó hưởng.” Lão Hạc thà chết chứ nhất định không chịu bán đi một sào. Tất cả đều vì con, đó là việc hi sinh thầm lặng của một người cha luôn nghĩ cho con của mình. Phẩm chất nhân hậu, tình phụ tử cao quý thiêng liêng ở lão Hạc thật đáng ngưỡng mộ biết bao.
Phân tích nhân vật lão Hạc, ta thấy sự hiền lành và nhân hậu ấy còn được thể hiện qua tình cảm thâm thúy với cậu Vàng. Lão Hạc yêu mến chú cho của mình và đặt tên là “cậu Vàng”. Lão nông nhân hậu ấy còn cho ăn cơm trong bát sứ như nhà giàu, rồi bắt rận đứa nó ra cầu ao tắm… Lão Hạc ăn gì rồi cũng không quên chia cho cậu Vàng thưởng thức. Khi phân tích nhân vật lão Hạc, những chi tiết cụ thể mà nhà văn Nam Cao đã miêu tả đã chứng minh một cách rõ ràng và cụ thể về tấm lòng đôn hậu của lão.
Có thể thấy, lão Hạc đã chăm sóc, nuôi nấng cậu Vàng như con cháu của mình, đồng thời coi nó như thú vui, như điểm tựa tinh thần… Lão nông ấy ăn gì rồi cũng chia cho cậu Vàng ăn. Lão ngồi uống rượu còn cậu Vàng thì ngồi dưới chân, lão nhắm một miếng lại gắp cho cậu Vàng một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. “Cậu Vàng ngoan lắm! Ông không cho giết! Ông để cậu Vàng ông nuôi” – Lão tâm sự với cậu Vàng một cách thân tình trìu mến như với một người thân yêu.
Phân tích nhân vật lão Hạc qua đoạn trích này, ta thấy cậu Vàng như một phần cuộc đời của lão vậy. Chính vì vậy, sau khoản thời gian bị hoàn cảnh túng quẫn xô đẩy phải bán cậu Vàng thì người nông dân ấy như rơi vào tấn thảm kịch của cuộc đời, lão như rơi xuống đáy của thảm kịch để cuối cùng phải kết thúc bằng cái chết đau đớn thương tâm.
Nêu suy nghĩ của em về nhân vật Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao 47
Phân tích nhân vật lão Hạc, ta thấy, dù trong hoàn cảnh phải ăn củ chuối củ ráy nhưng vẫn giàu lòng tự trọng mà chối từ ông giáo khi được mời uống trà ăn khoai. “Ông giáo để cho khi khác” – lão cười đôn hậu. Biết cuộc sống khốn khó của lão Hạc, ông giáo ngấm ngầm muốn giúp đỡ nhưng đều nhận lại sự chối từ một cách đầy hách dịch. Cuộc sống xô đẩy khiến lão cùng bất đắc dĩ phải bán đi cậu Vàng. Để rồi bán xong rồi, lương tâm dằn vặt đau đớn, lão khóc ngần ngật nước.
Lão nông ấy dù nghèo khổ nhưng vẫn giữ phẩm chất trong sạch, không sở hữu và nhận bất kì sự ban ơn giúp đỡ từ người khác. Lão cùng giàu lòng tự trọng, để đến phút cuối cùng, trước lúc quyết định rời khỏi cuộc đời này, lão đã gửi tiền cho ông giáo để lo liệu… Lão Hạc giữ nguyên vẹn ba sào vườn cho con trai như một lời nguyền đinh ninh không thể thay đổi. Không những thế, trước lúc chết, lão Hạc đã gửi lại ông giáo mảnh vườn và 30 đồng bạc lẻ để mà “lỡ có chết… gọi là của lão có tí chút”. Lão Hạc thật giàu lòng tự trọng, lão không muốn vì mình mà làm phiền đến hàng xóm. Đọc đến đọc này, khi phân tích nhân vật lão Hạc, ta không khỏi nghẹn ngào…
Nhà văn Nam Cao đã vô cùng thâm thúy và tinh tế khi đã đưa nhân vật Binh Tư vào phần cuối của mẩu chuyện để tạo nên một sự đối sánh tương quan độc đáo, thông qua đó nhấn mạnh vấn đề lên sự trong sạch và tự trọng của lão Hạc. Đó là một người nông dân đáng trân trọng và yêu mến biết bao.
Có thể thấy, cuộc đời của lão Hạc là ví dụ điển hình cho thân phận của biết bao người nông dân trong xã hội cũ trước Cách mệnh. Một cuộc đời đầy đau khổ và số nhọ, cô đơn và đau đớn. Sống thì lặng lẽ, một mình trong âm thầm và nghèo đói. chết thì quằn quại. Dù cuộc sống có vùi dập đẩy lão Hạc đến hàng phố cùng thì ở lão cố nông ấy vẫn ánh lên biết bao nét đẹp đáng trân trọng. Đó là con người nhân hậu, hiền lành và chất phác, một lão nông trong sạch và giàu lòng tự trọng… Nhà văn Nam Cao như tạc lên hình tượng về một người nông dân điển hình trong trong khoảng thời gian tháng tăm tối ở xã hội xưa. Đồng thời, nhà văn cũng bộc bạch sự thương cảm cũng như khéo léo viết lên những trang văn giàu giá trị nhân đạo.
Ra đời năm 1943, hơn 70 năm đã qua đi, nhưng hình tượng về lão Hạc vẫn vĩnh cửu theo thời gian, bỏ qua những bụi mờ của năm tháng để mãi ngời sáng về một người nông dân cao đẹp.