Phát hiện thứ nhất của nhân vật Phùng là:
Phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng đó là phát hiện ra vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa – cảnh đắt trời cho.
Cảnh đẹp lúc bình minh trên biển được tác giả miêu tả qua những chi tiết nào?
Cảnh đẹp lúc bình minh trên biển được tác giả miêu tả qua những chi tiết:
- Một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ
- Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào.
- Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra một hình thù y hệt cánh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích.
Trước “Cảnh đắt trời cho”, người nghệ sĩ Phùng đã có những cảm nhận như thế nào?
Cảm nhận của người nghệ sĩ Phùng khi đứng trước “cảnh đắt trời cho”:
- Bối rối, trong trái tim như có cái gì đó bóp thắt vào. Phát hiện ra bản thân của cái đẹp chính là đạo đức.
- Tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.
=> Đó là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ khi bắt gặp cái đẹp. Phùng là một người nghệ sĩ rất tinh tế, nhạy bén, có khả năng rung động trước cái đẹp.
Phát hiện thứ hai của nhân vật Phùng là:
- Phát hiện thứ hai của người nghệ sĩ Phùng đó chính là phát hiện bức tranh cuộc sống thô bạo, tàn nhẫn, đầy nghịch lí.
- Từ chiếc thuyền nhỏ đẹp đẽ vừa rồi, Phùng nhận thấy: Người đàn bà thô kệch xấu xí, mặt đầy sự mệt mỏi bước ra và một lão chồng với tấm lưng rộng, mái tóc tổ quạ, đôi mắt độc dữ cùng bước ra từ con thuyền. Lão chồng “dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà”, “vừa đánh vừa nguyển rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn”.
Thái độ của người nghệ sĩ Phùng khi chứng kiến bức tranh cuộc sống thô bạo, đầy nghịch lí?
Thái độ: Phùng “kinh ngạc tới mức, trong mấy phút đầu tôi cứ đứng há hốc mồm ra nhìn. Thế rồi chẳng biết từ bao giờ, tôi đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới”. Phùng ngỡ ngàng nhận ra bản chất thực sự của cái đẹp anh vừa bắt được.
Từ câu chuyện về bức tranh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức tranh đó, tác giả Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm điều gì?
Từ câu chuyện về bức tranh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức tranh đó, tác giả Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.
Những chi tiết sau miêu tả về nhân vật nào trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa?
“Trạc ngoài bốn mươi, cao lớn với những đường nét thô kệch, mặt rỗ”
Ngoại hình người đàn bà hàng chài: Người đàn bà chạc ngoài bốn mươi, một thân hình quen thuộc của đàn bà vùng biển, cao lớn với những đường nét thô kệch. Mụ mặt rỗ.
Nguyên nhân người đàn bà hàng chài xuất hiện ở tòa án huyện:
Lí do xuất hiện: chánh án Đẩu mời đến giải quyết việc gia đình.
Vì sao người đàn bà hàng chài không li dị chồng?
Nguyên nhân người đàn bà hàng chài không chịu bỏ chồng:
- Người đàn ông là trụ cột của gia đình. Trên thuyền phải có người đàn ông để chèo chống phong ba.
- Cùng chồng làm ăn để nuôi những đứa con
- Trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái sống vui vẻ, hòa thuận.
Tại sao người chồng lại trong Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) đưa vợ từ dưới thuyền lên bờ rồi mới đánh?
Người vợ xin người chồng vũ phu đưa lên bờ đánh bởi không muốn các con chứng kiến cảnh bạo lực này.
Vì sao người đàn bà trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa lại thường xuyên bị chồng đánh đập?
- Ban đầu, người chồng là một người đàn ông cục tính nhưng hiền lành, không đánh vợ bao giờ. Do quá nghèo khổ, đông con nên người đàn ông trút giận lên người vợ của mình.
=> Người chồng vừa là nạn nhân của sự đói nghèo, vừa là thủ phạm gây nên bao khổ đau cho chính người thân của mình.
Ở tòa án, khi gặp chánh án Đẩu, người đàn bà hàng chài đã van xin điều gì?
- Ở tòa án, người đàn bà hàng chài xin quý tòa không bắt mình phải bỏ chồng: “Qúy tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó,…”, theo chị:
+ Người đàn ông bản chất vốn không phải kẻ vũ phu, độc ác, anh ta chỉ là nạn nhân của cuộc sống đói khổ. Người chồng là chỗ dựa khi có biển động.
+ Chị không thể một mình nuôi nấng trên dưới 10 đứa con, vả lại “trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái vui vẻ, hòa thuận”.
+ Đàn bà trên thuyền phải sống cho con chứ không sống cho mình.
Việc Nguyễn Minh Châu gọi nhân vật là “người đàn bà” một cách phiếm định có ý nghĩa:
Xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, hầu như người đọc không hề được biết đến tên gọi của người đàn bà tội nghiệp ấy, Nguyễn Minh Châu đã gọi một cách phiếm định: khi thì gọi là người đàn bà hàng chài, lúc lại gọi mụ, khi thì gọi chị ta.... Khi người đàn bà này xuất hiện ở tòa án huyện để gặp chánh án Đẩu, ta vẫn không biết tên. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Minh Châu không đặt tên cho người đàn bà hàng chài này, cũng không phải nhà văn "nghèo" ngôn ngữ đến độ không thể đặt cho chị một cái tên mà là vì chị cũng giống như hàng trăm người đàn bà ở vùng biển nhỏ bé này: chị là người vô danh, là hình ảnh tiêu biểu cho cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ như bao người phụ nữ khác không hiếm gặp trên những miền quê Việt Nam.
Thông qua câu chuyện về người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu gửi đến thông điệp về cách nhìn nhận cuộc đời: Đừng nhìn cuộc đời, con người một cách phiếm diện mà phải có cái nhìn đa chiều, trong nhiều mối quan hệ khác nhau. Đúng hay sai?
- Đúng
- Thông qua câu chuyện về người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu gửi đến thông điệp về cách nhìn nhận cuộc đời: Đừng nhìn cuộc đời, con người một cách phiếm diện mà phải có cái nhìn đa chiều, trong nhiều mối quan hệ khác nhau.
Khi đứng trước tấm ảnh đen trắng, Phùng vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai, hình ảnh người đàn bà hàng chài. Qua chi tiết này, tác giả Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm điều gì?
Ý nghĩa biểu tượng:
- Màu hồng của sương mai: vẻ đẹp bay bổng, lãng mạn
- Hình ảnh người đàn bà: hiện thực cuộc đời
=> Nghệ thuật và cuộc đời có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, nghệ thuật phải bắt nguồn từ hiện thực đời sống.