Soạn bài Cô Tô siêu ngắn

Sách kết nối tri thức với cuộc sống

Đổi lựa chọn

Phần I- Trước khi đọc
Trả lời câu 1 (trang 109 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Kể tên những nơi em đã từng đến tham quan. Chia sẻ một điều em quan sát được từ những chuyến đi đó.
Phương pháp giải:
Nhớ lại nơi em đã được tham quan cùng nhà trường hoặc gia đình và chia sẻ cùng thầy cô và các bạn những điều em biết.
Giải chi tiết:
- Những nơi em đã từng đến tham quan là: Bến Nhà Rồng, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Hồ Chí Minh…
- Một trong những nơi ấn tượng nhất với em đó là Viện Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Bảo tàng là một sự diễn đạt lịch sử trực quan về chặng đường đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Em đã tận mắt chứng kiến những tấm hình chụp lại những khoảnh khắc chiến tranh, những văn bản kể về cuộc chiến và cả những hình thức tra tấn dã man đối với các chiến sĩ cách mạng của ta khi xưa. Em đã cảm thấy thật đau xót và từ trong trái tim em thật sự biết ơn rất nhiều Bác Hồ kính yêu cùng các chiến sĩ cách mạng xưa kia đã ngã xuống để chúng em có được bầu trời hòa bình của ngày hôm nay.
Trả lời câu 2 (trang 109 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Tìm quần đảo Cô Tô trên bản đồ Việt Nam và nói về vị trí của quần đảo này. 
Phương pháp giải:
Em xác định trên bản đồ Việt Nam.
Giải chi tiết:
Cô Tô là một quần đảo trong vịnh Bắc Bộ thuộc tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Về hành chính quần đảo thuộc huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, có diện tích 47,3 km², dân số hơn 4.985 người.
 
Phần II - Đọc văn bản
Trả lời câu 1 (trang 110 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Từ “trận địa” khiến em hình dung cơn bão biển như thế nào?
Phương pháp giải:
Em xem lại chú thích “trận địa” và trả lời câu này.
Giải chi tiết:
Từ “trận địa” khiến em hình dung cơn bão biển nguy hiểm, được bố trí giống như một trận chiến thực thụ.
Trả lời câu 2 (trang 110 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Tác giả quan sát và cảm nhận trận bão bằng những giác quan nào?
Phương pháp giải:
Đọc lại hai đoạn đầu của văn bản và làm câu hỏi này.
Giải chi tiết:
Tác giả quan sát và cảm nhận trận bão bằng những giác quan:
- Xúc giác: Mỗi viên cát bắn vào má vào gáy lúc này buốt như một viên đạn mũi kim. ió bắn rát từng chập.
- Thị giác: nhiều khuôn cửa kính bị gió vầy và dồn, bung hết. Kính bị thứ gió cấp 11 ép, vỡ tung.
- Thính giác: Tiếng gió càng ghê rợn mỗi khi nó thốc vào, vuốt qua những gờ kính nhọn còn dắt ở ô cửa vỡ. Nó rít lên rủ lên như cái kiểu người ta vẫn thường gọi là quỷ khốc.
=> Tác giả đã vận dụng nhiều giác quan để cảm nhận trận bão, thể hiện sự tinh tế, nhạy bén, tài hoa của một nhà văn.
 
Phần III - Sau khi đọc
Câu 1 (trang 113 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Qua bài kí Cô Tô, nhà văn đã đưa người đọc đến những nơi nào và gặp gỡ những ai?
Phương pháp:
Nhớ lại nội dung bài kí.
Lời giải chi tiết:
- Qua bài kí Cô Tô, nhà văn đã đưa người đọc đến cảnh biển Cô Tô từ lúc bình minh đến hoàng hôn, vào ngày thứ năm thứ sáu ở đảo: 
+ Vẻ đẹp của đảo Cô Tô sau cơn bão: Bầu trời trong sáng, cây thêm xanh mượt, nước biển lại lam biếc, đậm đà hơn hết cả mọi khi, và cát lại vàng giòn hơn nữa.
+ Cảnh mặt trời mọc trên biển: Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào, thăm thẳm và đứng bệ đặt lên một mâm bạc, đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. 
+ Cảnh sinh hoạt và lao động trên đảo: những người dân chài gánh nước ngọt từ giếng xuống thuyền, nhịp điệu của cuộc sống lao động khẩn trương, tấp nập, đông vuiVui như một cái bến thì nơi nào cũng có, nhưng đậm đà mát nhẹ hơn mọi cái chợ trong đất liền thì chính là cái sắc thái riêng của không khí trong lành và tình người đậm đà trên biển Cô Tô.
Trả lời câu 2 (trang 113 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Tìm những từ ngữ miêu tả sự dữ dội của trận bão. Những từ ngữ nào cho thấy rõ nhất việc tác giả có chủ ý miêu tả trận bão như một trận chiến.
Phương pháp giải:
Đọc lại hai đoạn đầu văn bản và tìm các từ ngữ.
Giải chi tiết:
Những từ ngữ miêu tả sự dữ dội của trận bão: cát bắn vào mắt như một viên đạn mũi kim, gió bắn rát từng chập, chốc chốc gió ngừng trong tích tắc như để thay băng đạn, gió liên thanh quạt lia lịa, sóng thúc lẫn nhau vào bơ. 
Trả lời câu 3 (trang 113 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Biển sau bão hiện lên như thế nào (qua hình ảnh bầu trời, cây, nước, biển,...)
Phương pháp giải:
Chú ý các đoạn văn miêu tả ngày thứ năm và thứ sáu.
Giải chi tiết:
Phong cảnh Cô Tô sau khi cơn bão đi qua hiện lên như một bức tranh tuyệt đẹp:
- Trên cái nền là bầu trời xanh tươi sáng và mặt nước màu lam biếc, nổi bật lên màu xanh mượt của cây, màu vàng giòn của cát và màu trắng của sóng xô dào dạt vào đảo.
- Cảnh mặt trời mọc trên biển Đông là một bức tranh lộng lẫy, huy hoàng hiếm có.
+ Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi.
+ Mặt trời sau khi lên tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn… hồng hào, còn mặt bể là một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng.
+ Xa xa, vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại… một con hải âu bay ngang, là là nhịp cánh báo hiệu bắt đầu một ngày mới tốt lành.
=> Bức tranh với đủ màu sắc: đỏ, hồng, xanh, bạc… lấp lánh đan xen tạo nên vẻ đẹp muôn hồng ngàn tía.
Trả lời câu 4 (trang 113 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Theo em, để nhận ra vẻ đẹp của Cô Tô, nhà văn đã quan sát cảnh thiên nhiên và hoạt động của con người trên đảo ở những thời điểm nào và từ vị trí nào?
Phương pháp giải:
Đọc lại văn bản và hình dung điểm nhìn của nhà văn và thời điểm của cảnh vật.
Giải chi tiết:
- Cảnh Cô Tô được miêu tả từ cao xuống thấp và vào thời điểm sau trận bão. Từ nóc đồn trên đảo, Nguyễn Tuân nhìn ra bao la Thái Bình Dương bốn phương tám hướng, quay gót 180 độ mà ngắm cả toàn cảnh đảo Cô Tô. Cảnh đẹp được thu vào tầm mắt khiến nảy sinh trong lòng nhà văn một cảm xúc mãnh liệt: càng thấy yêu mến hòn đảo như bất cứ người chài nào đã từng đẻ ra và lớn lên theo mùa sóng ở đây.
Trả lời câu 5 (trang 113 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Chỉ ra một câu văn thể hiện sự yêu mến của tác giả đối với Cô Tô trong đoạn văn từ Ngày thứ năm trên đảo Cô Tô đến theo mùa sóng ở đây. 
Phương pháp giải:
Đọc lại văn bản và chọn câu văn thể hiện cảm xúc của tác giả.
Giải chi tiết:
Câu văn thể hiện sự yêu mến của tác giả đối với Cô Tô: Nhìn rõ cả Tô Bắc, Tô Trung, Tô Nam, mà càng thấy yêu hòn đảo như bất cứ người chài nào đã từng đẻ ra và lớn lên theo mùa sóng ở đây. 
Trả lời câu 6 (trang 113 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Em hình dung khung cảnh Cô Tô sẽ như thế nào nếu thiếu chi tiêt miêu tả giếng nước ngọt và hoạt động của con người quanh giếng?
Phương pháp giải:
Thử bỏ đoạn miêu tả này để xem văn bản thế nào và đưa ra nhận xét.
Giải chi tiết:
- Nếu không có khung cảnh giếng nước ngọt và hoạt động của con người quanh giếng thì bài kí sẽ rất thiếu xót.
- Người dân chài gánh nước ngọt từ giếng xuống thuyền, chuẩn bị cho mười tám thuyền lớn nhỏ cùng ra khơi đánh cá hồng. Hình ảnh này gợi lên sự khẩn trương, tấp nập lại vừa vui vẻ, thanh bình của cuộc sống nơi đây, nếu thiếu đi sẽ là một thiếu sót làm cho bức tranh mất đi cái linh hồn và bài kí trở nên đơn điệu.
Trả lời câu 7 (trang 113 SGK Ngữ văn 6 tập 1)
Kết thúc bài ký Cô Tô là suy nghĩ của tác giả về chị Châu Hòa Mãn: "Trông chị Châu Hòa Mãn địu con thấy nó yên tâm như hình ảnh biển cả là mẹ hiền mớm cá cho lũ con lành". Cách kết thúc này cho thấy tình cảm của tác giả với biển và những người dân ở đây như thế nào?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ phần kết thúc văn bản.
Giải chi tiết:
Cách kết thúc mà tác giả nêu thể hiện tình mẫu tử của người mẹ, tô thêm vẻ đẹp cho đảo Cô Tô. Từ cái giếng nước ngọt “đậm đà mát nhẹ” tới hình ảnh của chị Châu Hòa Mẫn địu con, đoạn văn đã giới thiệu cho người đọc nhận ra sự cần mẫn, tình người chan hòa vui vẻ và đậm đà của con người trên đảo.
 
VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC
Trong Cô Tô, mặt trời lúc bình minh được ví như lòng đỏ quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Viết đoạn văn khoảng (5-7 câu) chỉ ra ý nghĩa của hình ảnh so sánh đó (có thể liên hệ với cách miêu tả mặt trời lúc bình minh của các tác phẩm khác mà em biết). 
Phương pháp giải:
Viết đoạn văn đáp ứng hình thức theo yêu cầu và tập trung nói về vẻ đẹp mặt trời mọc trong văn bản.
Giải chi tiết:
       Trong văn bản "Cô Tô", hình ảnh mặt trời thiên nhiên đã được tác giả miêu tả vô cùng chân thực, sinh động và là hình ảnh đặc sắc nhất trong văn bản. Tác giả đã sử dụng hình ảnh so sánh đặc sắc để so sánh mặt trời trên đảo sau cơn bão với lòng đỏ quả trứng thiên nhiên đầy đặn tròn trĩnh, phúc hậu. Hình ảnh mặt trời huy hoàng rực rỡ ấy hiện lên trên làn mây màu bạc và nước biểu màu hồng tựa như một mâm lễ phẩm. Nhờ có hình ảnh so sánh đặc sắc và cách so sánh đặc sắc tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân ấy, hình ảnh mặt trời hiện lên thực sự chân thực, biểu cảm, gây ấn tượng với người đọc. Người đọc có thể hình dung được hình ảnh của một vầng thái dương không chỉ huy hoàng rực rỡ mà còn tượng trưng cho cuộc sống ấm no, bình dị trên đảo Cô Tô thân thương. Trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, hình ảnh mặt trời trên biển "Mặt trời đội biển nhô màu mới" cũng thể hiện được sự huy hoàng của bình minh trên biển. Tóm lại, nhờ có hình ảnh so sánh mà hình ảnh mặt trời lúc bình minh trên đảo Cô Tô hiện lên thực sự sinh động, gấy ấn tượng với bạn đọc.