Lý thuyết về viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện

Sách kết nối tri thức với cuộc sống

Đổi lựa chọn

I. Khái niệm viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện

Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự việc là viết bài văn trình bày, cung cấp thông tin hay giải thích về sự vật, hiện tượng nào đó trong cuộc sống.

II. Yêu cầu viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện

- Xác định rõ người tường thuật tham gia hay chứng kiến sự kiện và sử dụng ngôi tường thuật phù hợp.

- Giới thiệu được sự kiện cần thuật lại, nêu được bối cảnh (không gian và thời gian).

- Thuật lại được diễn biến chính, sắp xếp các sự việc theo một trình tự hợp lí.

- Tập trung vào một số chi tiết tiêu biểu, hấp dẫn, thu hút được sự chú ý của người đọc.

- Nêu được cảm nghĩ, ý kiến của người viết về sự kiện.

III. Hướng dẫn quy trình viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện

1. Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài

- Hãy nhớ lại một sự kiện (một sinh hoạt văn hóa) mà em trực tiếp tham gia hoặc tìm hiểu, quan sát được qua các phương tiện thông tin.

- Có thể tham khảo một số đề tài sau:

+ Hội chợ sách.

+ Hội chợ hoa xuân ở thành phố, làng quê của em.

+ Lễ hội dân gian (hội Đền Hùng, hội Gióng, hội làng,...).

+ Hội khỏe Phù Đổng ở trường hoặc địa phương em.

b. Tìm ý

Sau khi đã lựa chọn được sự kiện định tường thuật, hãy tìm ý cho bài viết bằng một số hoạt động sau:

- Hồi tưởng và ghi lại vắn tắt những điều có thể giúp em hình dung rõ về sự kiện:

+ Thời gian, địa điểm diễn ra sự kiện.

+ Hoạt động chính (trình tự, kết quả của hoạt động).

+ Ý nghĩa của sự kiện.

- Sưu tầm các đồ vật có thể minh họa, gợi ấn tượng về sự kiện: vật lưu niệm, lô-gô, huy hiệu, tranh ảnh, đoạn phim ngắn,...

c. Lập dàn ý

Sắp xếp các thông tin đã tìm được cho bài viết thành một dàn ý như sau:

- Mở bài: Giới thiệu sự kiện (không gian, thời gian, mục đích tổ chức sự kiện).

- Thân bài: Tóm tắt diễn biến của sự kiện theo trình tự thời gian:

+ Những nhân vật tham gia sự kiện.

+ Các hoạt động chính trong sự kiện: đặc điểm, diễn biến của từng hoạt động.

+ Hoạt động để lại ấn tượng sâu sắc nhất.

- Kết bài: Nêu ý nghĩa của sự kiện và cảm nghĩ của người viết.

2. Viết bài

Khi viết bài, cần bám sát dàn ý đã lập. Ngoài ra, cần chú ý thêm: 

- Chọn ngôi tường thuật phù hợp, thống nhất. Trong bài thuyết minh này, em sẽ dùng ngôi thứ nhất (có thể số ít hoặc số nhiều) để tường thuật.

- Thuyết minh về sự kiện một cách chi tiết và có trình tự. Cần cung cấp cho người đọc các thông tin về bối cảnh, nhân vật tham gia, diễn biến của sự kiện (nên theo trình tự thời gian).

- Cần biểu lộ cảm xúc, đánh giá của em về sự kiện một cách ngắn gọn.

3. Chỉnh sửa bài viết

Rà soát và chỉnh sửa bài viết của em theo gợi ý sau:

Lý thuyết về viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện - ảnh 1

IV. Ví dụ viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện

Người đi chợ nổi trên sông

Sớm mai đọng lại mảnh trăng hạ tuần

Thuyền ghe ngang dọc quây quần

  Trăm quê bẹo dựng cột cần nhấp nhô.

       Không chỉ là biểu tượng văn hóa đặc trưng vùng sông nước phương Nam, chợ nổi còn là một trong những điểm du lịch thú vị ở miền Tây mà du khách nên ghé thăm ít nhất một lần. Trong tất cả những chợ nổi lớn ở Tây Nam Bộ thì chợ nổi Cái Răng được xem là đặc sắc và sầm uất nhất. 

       Cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 180km, chợ nổi Cái Răng nằm trên nhánh sông Cái Răng thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Thuở xưa đường bộ và phương tiện lưu thông đường bộ cũng chưa phát triển như bây giờ, nhu cầu trao đổi hàng hóa thì ngày một tăng cao. Không thuận tiện để họp chợ trên cạn, bà con địa phương bắt đầu tụ tập buôn bán trên sông bằng các phương tiện như xuồng, ghe, tắc ráng và chợ nổi Cái Răng cũng được hình thành từ đó. Dù ngày nay mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rất hiện đại nhưng chợ nổi Cái Răng vẫn tồn tại như một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân Cần Thơ.

       Được biết, phiên chợ độc đáo này khi mới hình thành nằm ở vị trí giao nhau giữa bốn con sông Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé, liền kề với chợ Cái Răng trên cạn hiện tại. Tuy nhiên do trở ngại về giao thông đường thủy, về sau chợ được dời qua khỏi cầu Cái Răng về phía Phong Điền, cách vị trí cũ khoảng 1km. Hiện nay, chợ nổi Cái Răng nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái Răng khoảng 600m với diện tích khá rộng lớn. Nằm trên trục đường thủy sông Hậu - kênh Xáng Xà No, chợ nổi Cái Răng rất thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán giữa các địa phương lân cận và cả vùng sông nước Cửu Long. Giống như nhiều phiên chợ nổi khác ở miền Tây, chợ nổi Cái Răng họp rất sớm. Từ lúc 2 – 3 giờ sáng, chợ đã bắt đầu tấp nập ghe thuyền của các thương lái từ khắp nơi đến lấy hàng phân phối. Nếu có thể dậy sớm thì đây là thời gian khá lí tưởng để du khách thỏa thích tham quan và tìm hiểu. Tuy nhiên, lưu ý nếu đi chợ nổi vào lúc này thì trời còn khá tối không đủ ánh sáng để chúng ta có thể chụp được ảnh đẹp. Trời về sáng tầm 5 – 6 giờ là thời điểm hoàn hảo để chúng ta đến với chợ nổi Cái Răng. Mặt trời vừa ló rạng cũng là lúc các thương lái dần tản ra, nhường chỗ cho ghe đồ ăn, ghe bán trái cây miệt vườn và ghe chở khách du lịch. Tham quan chợ nổi Cái Răng vào lúc bình minh cũng là dịp để du khách ngắm nhìn những hoạt động của chợ được diễn ra một cách huyên náo và nhộn nhịp nhất. Đến khoảng 8h sáng thì chợ vãn, chỉ còn lác đác vài chiếc ghe nhỏ bán cà phê, khung cảnh cũng không còn tấp nập, hồ hởi nữa. Lưu ý với những người không thể thức dậy thật sớm thì 7h sáng là thời điểm cuối cùng mà chúng ta có thể tham quan chợ. Tuy nhiên, thực tế tầm khoảng 7h30 thì hầu như các ghe thuyền cũng không còn hàng, các tiểu thương bắt đầu tản dần ra trả lại không gian yên tĩnh và thanh bình cho khúc sông.

       Những mặt hàng chủ lực được bày bán ở chợ nổi Cái Răng là nông sản, trái cây, thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng. Hằng trăm ghe thuyền lớn nhỏ, chiếc nào chiếc nấy chất đầy hàng hóa xuôi ngược trên dòng sông là hình ảnh đặc trưng mà du khách sẽ được nhìn thấy khi đến đây. Từ dưa hấu, thơm cho đến cam, xoài… tất cả đều là những loại trái cây miệt vườn tươi ngon được người dân tự tay chăm bón thu hoạch rồi đem ra chợ bán. Ngoài ra tại đây còn có nhiều mặt hàng đặc sắc khác như xăng dầu, quần áo, mỹ phẩm, thuốc tây, bánh kẹo… Có thể nói hầu như những mặt hàng nào ở phố chợ trên cạn có thì chợ nổi cũng sẽ có. Ngày nay, chợ nổi Cái Răng không chỉ có các xuồng trái cây hay nông sản phẩm quen thuộc mà còn có thêm nhiều ghe thuyền bán nước uống, đồ ăn sáng nhằm phục vụ nhu cầu tham quan vui chơi của khách du lịch.

       Nét nổi bật nhất trong việc mua bán ở chợ nổi Cái Răng nói riêng và các chợ nổi ở miền Tây nói chung là cách thức quảng cáo chào hàng. Người bán dùng một cây sào dài chống ngay trước mũi ghe của mình rồi treo tượng trưng lên đấy những nông sản mà mình muốn bán chẳng hạn như bán cam thì người bán treo lên vài quả cam, bán xoài thì treo vài trái xoài, bán chuối thì treo nải chuối, bán mía thì dựng lên bó mía. Cây sào này được người dân gọi là cây bẹo. Từ “bẹo” trong dân gian có nghĩa là chưng ra, là đưa ra để khêu gợi, chọc tức. Còn với các tiểu thương chợ nổi thì “bẹo” lại được hiểu là bài lên, bài ra để mời gọi người mua. Rất nhiều du khách đã thắc mắc là tại sao ở chợ nổi không quảng cáo bằng việc treo bảng hiệu. Đa phần các tiểu thương ở đây cho biết nếu treo bảng hiệu mà để quá cao thì sẽ vướng gió, để quá thấp thì khách hàng sẽ không thấy, còn với cây bẹo thì chỉ cần đứng từ xa nhìn vào là đã biết trên ghe bán những mặt hàng nào. Tóm lại cây bẹo là một hình thức quảng cáo vừa thông minh lại vừa độc đáo mà các phiên chợ trên cạn sẽ không bao giờ có được.Tuy nguyên tắc là “treo gì bán nấy” nhưng vẫn có ba trường hợp ngoại lệ mà nghe vào thì cực kì đặc biệt. Thứ nhất là "treo mà không bán", đó là quần áo đang được sử dụng. Đối với những người buôn bán ở chợ nổi thì ghe thuyền chính căn nhà của họ, mọi sinh hoạt đều diễn ra trên sông kể cả giặt giũ. Vì không gian nhỏ hẹp mà còn chứa rất nhiều hàng hóa nên những bộ quần áo sau khi giặt xong đều được treo lên cây bẹo để cho nhanh khô. Thứ hai là "bán mà không treo", đó là mặt hàng ăn uống giải khát. Các ghe thuyền bán hàng ăn uống thường thay đổi cách thức quảng cáo bằng việc bẹo âm thanh. Có người sẽ bấm kèn bằng tay, có người vừa chèo vừa dùng chân đạp kèn. Cách này sẽ thu hút được sự chú ý của khách hàng và người dân ở đây thì cũng mặc định khi nghe tiếng kèn thì biết ngay đây là ghe bán đồ ăn thức uống. Và trường hợp cuối cùng là "treo cái này bán cái khác", là hình thức quảng cáo cho việc bẹo lá bán ghe. Nếu nhìn thấy cây bẹo treo một tấm lá lợp nhà hoặc tàu lá dừa thì người ta sẽ hiểu rằng chính chiếc ghe có cắm cây bẹo là thứ mà chủ nhân của nó muốn bán. Hình ảnh cây bẹo giúp chúng ta phân biệt được ghe mua và ghe bán một cách dễ dàng. Hơn thế nữa, với tiếng sóng vỗ hòa cùng với âm thanh máy nổ của ghe xuồng thì việc treo cây bẹo lại trở thành hình thức quảng cáo hữu ích được các tiểu thương chợ nổi tích cực sử dụng.

       Nếu đã một lần đến với chợ nổi Cái Răng, du khách sẽ không thể quên cái không khí đông vui, tấp nập, ghe xuồng lướt qua lướt lại rộn ràng cả khúc sông rộng. Trải nghiệm ngồi trên chiếc thuyền lắc lư bồng bềnh chao đảo theo những con sóng rồi lắng nghe âm thanh huyên náo người mua kẻ bán sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy thật sự thích thú với văn hóa con người Nam Bộ.