Lý thuyết trình bày ý kiến về một vấn đề

Sách cánh diều

Đổi lựa chọn

I. Định hướng trình bày ý kiến về một vấn đề

1. Định nghĩa: Trình bày ý kiến về một vấn đề là người viết nêu lên những suy nghĩ, nhận xét; đưa ra lí lẽ và bằng chứng cụ thể để làm sáng tỏ cho ý kiến của mình.

Sau đây là một số ví dụ yêu cầu em cần trình bày ý kiến:

- Có người cho rằng: Việc sử dụng các từ tiếng Anh trong giao tiếp của người Việt trẻ đang làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Ý kiến của em như thế nào?

- Em có ý kiến gì về nhận xét: "Đi tham quan, du lịch, chúng ta sẽ được mở rộng tầm mắt và học hỏi được nhiều điều"?

- Ý kiến của em như thế nào về vai trò của gia đình với mỗi người?

- Em có ý kiến gì về tác dụng của việc đọc truyện truyền thuyết, cổ tích?

2. Các bước: Để trình bày ý kiến của mình, các em cần xác định:

- Đó là vấn đề gì? Ý kiến của em về vấn đề này như thế nào?

- Các lí lẽ và bằng chứng mà em định sử dụng để làm sáng tỏ vấn đề, thuyết phục mọi người là những gì?

- Khi trình bày cần có thêm thiết bị gì?

- Cần chú ý như thế nào khi nói (âm lượng, tốc độ, tư thế, thái độ và các yếu tố phi ngôn ngữ,...)?

II. Hướng dẫn quy trình trình bày ý kiến về một vấn đề

1. Chuẩn bị

- Xác định mục đích và nội dung bài nói:

+ Mục đích nói: Nêu ý kiến, quan điểm của mình về nhận xét trên.

+ Nội dung nói: Những ưu điểm của việc đi tham quan, du lịch.

- Tìm tư liệu liên quan đến bài nói sẽ trình bày (tranh, ảnh, sách, báo,... về hoạt động tham quan, du lịch).

- Liên hệ với kinh nghiệm của bản thân và những người xung quanh về việc đó.

2. Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài nói bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi như:

+ Tham quan, du lịch là gì?

+ Mục đích của việc đi tham quan, du lịch là gì?

+ Hoạt động tham quan, du lịch mang lại cho người tham gia những gì (về tình cảm, nhận thức, kinh nghiệm,...)?

+ Nên đi tham quan, du lịch như thế nào cho phù hợp và có hiệu quả?

- Lập dàn ý cho bài nói theo ba phần:

+ Mở đầu: Giới thiệu họ tên và vấn đề cần trình bày.

+ Nội dung chính:

Nêu ý kiến của bản thân về vấn đề đặt ra.

Nêu lợi ích của hoạt động tham quan, du lịch.

Nên đi tham quan, du lịch như thế nào để có hiệu quả?

Kết thúc:

Khẳng định lại ý kiến của mình về lợi ích của việc đi tham quan du lịch.

Nêu nguyện vọng và dự định của mình nếu được đi tham quan, du lịch.

3. Nói và nghe

- Dựa vào dàn ý đã làm để trình bày ý kiến của mình.

- Thảo luận giữa người nói và người nghe về các nội dung chính, các chi tiết trong bài trình bày; đặt câu hỏi và trả lời.

- Lưu ý: trình bày miệng, tránh viết thành văn để đọc; sử dụng điệu bộ, cử chi và các phương tiện hỗ trợ phù hợp.

4. Kiểm tra và chỉnh sửa

Rút kinh nghiệm về nội dung và cách trình bày một vấn đề:

- Người nói: Đã nói đủ các ý có trong dàn bài chưa? Còn thiếu nội dung nào? Có mắc các lỗi về cách trình bày không?

- Người nghe: Có nắm được nội dung trình bày của người nói không? Có mắc các lỗi khi nghe không?

III. Ví dụ trình bày ý kiến về một vấn đề

     Xin kính chào thầy cô và các bạn, tôi tên là......học sinh lớp.....trường....... Sau đây tôi xin đưa ra quan điểm của bản thân về ý kiến "Đi tham quan, du lịch, chúng ta sẽ được mở rộng tầm mắt và học hỏi được nhiều điều".

     Đầu tiên chúng ta cần hiểu thế nào là tham quan, du lịch. Tham quan, du lịch là đi thăm những vùng đất mới, những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử,... Có rất nhiều địa điểm tham quan, du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế như: Vịnh Hạ Long, Văn miếu Quốc Tử Giám, Phong Nha - Kẻ Bàng,...

     Mục đích của những chuyến tham quan là vô cùng đa dạng. Đó có thể là nhu cầu đa dạng các hoạt động giảng dạy, trải nghiệm thực tế; giúp học sinh có thời gian thư giãn, kết hợp vừa học vừa chơi; giúp học sinh nắm được những kiến thức cụ thể trong quá trình tham quan hay đơn giản là tạo hứng thú học tập cho học sinh.

     Từ những mục đich ấy, việc tham gia thăm quan, du lịch mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích khác nhau. Sau đây tôi xin nêu ra một vài lợi ích mà tôi cho là phù hợp với lứa tuổi học sinh. Về tình cảm, nó giúp khơi dậy những tình cảm về nhiều vấn đề cho học sinh như tình cảm với môn học, tình bạn, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình,... (phụ thuộc vào mục đích chuyến tham quan). Về nhận thức: Xây dựng được những tư tưởng, những kiến thức thích hợp cho học sinh sau chuyến tham quan.Về kinh nghiệm: Giúp học sinh có kinh nghiệm tham quan vừa phục vụ việc học tập nhận thức vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí.

     Tuy nhiên không phải buổi tham quan nào cũng đem lại giá trị. Chúng ta cần phải tham quan, du lịch một cách phù hợp và có hiệu quả. Để làm được điều đó, chúng ta cần cân nhắc về mục đích của chuyến tham quan để lựa chọn địa điểm phù hợp; về sở thích và tài chính của từng cá nhân sao cho hợp lí. Cuối cùng thì mỗi học sinh cần được yêu cầu có bản ghi chép, thu hoạch, đánh giá cuối chuyến tham quan để học sinh thực sự tập trung tiếp nhận tri thức chứ không chỉ vui chơi.

     Như vậy, có thể thấy, tham quan du lịch là một hoạt động trải nghiệm vô cùng hữu ích đối với mỗi cá nhân, tập thể cũng như cộng đồng. Nếu như được đi tham quan, tôi xin đề xuất đến thăm Văn miếu Quốc Tử Giám vì những lí do sau đây. Thứ nhất, tôi đánh giá cao những tri thức văn hóa mà chuyến tham quan có thể đem lại cho học sinh. Chúng ta nên thuê một hướng dẫn viên vừa dẫn đi tham quan vừa thuyết minh về những vấn đề về lịch sử, văn hóa của ngôi trường Đại học đầu tiên của Việt Nam này. Thứ hai, tôi đã có cân nhắc về chi phí và sự thuận tiện của chuyến đi. Với một chiếc xe oto và một khoản phí nhỏ, học sinh đã có thể có được những trải nghiệm thích thú với văn hóa Việt Nam. Cuối cùng, kết quả của buổi tham quan này có thể được đánh giá dựa trên một bài trắc nghiệm hoặc bài viết nhỏ. Thầy cô có thể cho chúng vào điểm miệng hoặc điểm 15 phút để nêu cao tinh thần học tập của học sinh. 

     Trên đây là ý kiến của tôi. Rất mong thầy cô và các bạn đóng góp ý kiến hoặc thắc mắc nếu mọi người cần giải đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn!