Giáo án Ngữ văn 11 bài Phong cách ngôn ngữ chính luận (tiếp) mới nhất

Ngày soạn: ...............................................

Ngày giảng: .............................................

Tiết 111. PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CHÍNH LUẬN (Tiếp)

I. Mức độ cần đạt

1. Kiến thức

- Kiến thức chủ yếu một số loại văn bản thường gặp.

          - Khái niệm ngôn ngữ chính luận, mối quan hệ và sự khác biệt giữa chính luận và nghị luận.

- Đặc điểm về phương tiện ngôn ngữ và đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận.

2. Kĩ năng

- Nhận biết và phân tích đặc điểm về phương tiện ngôn ngữ chính luận.

- Nhận biết và phân tích những biểu hiện của đặc trưng cơ bản ngữ chính luận.

- Viết văn nghị luận chính trị xã hội.

3. Thái độ

- Giáo dục hs nâng cao ý thức học tập và rèn luyện văn học.

II. Phương tiện

- GV: SGK, SGV, thiết kế dạy học, tài liệu tham khảo…

- HS: Vở soạn, sgk, vở ghi.

III. Phương pháp: Nêu vấn đề, gợi mở, đàm thoại, thảo luận nhóm, thực hành,GV phối hợp các phương pháp dạy học tích cực trong giờ dạy

IV. Tiến trình dạy học

1.Ổn định lớp

Sĩ số: ………………………….

2. Kiểm tra bài cũ

- Trình bàykhái niệm văn bản chính luận và ngôn ngữ chính luận. Lấy ví dụ minh họa.

3. Bài mới

Hoạt động 1. Hoạt động khởi động

Việc nắm vững kiến thức về ngôn ngữ chính luận, phong cách ngôn ngữ chính luận sẽ giúp nhiều cho các em trong quá trình đọc hiểu, tạo lập văn bản loại này. Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tụctìm hiểu về các phương tiện diễn đạt và đặc trưng củaphong cách ngôn ngữ chính luận.

Hoạt động của giáo viên

Hoạt động của học sinh

Hoạt động 2. Hoạt động hình thành kiến thức mới

- HS đọc mục II SGK và trả lời câu hỏi

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:

“ Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

[…]

Hồ Chí Minh

- Nhận xét về từ ngữ, ngữ pháp và các biện pháp tu từ trong phong cách ngôn ngữ chính luận ?

GV tiếp tục cho HS tìm hiểu ngữ liệu.

CAO TRÀO CHỐNG NHẬT, CỨU NƯỚC

Ngày 9-3-1945, ở Đông Dương, phát xít Nhật quật thực dân Pháp xuống chân đài chính trị. Không đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ, trong các thành phố lớn, thực dân Pháp đều hạ súng xin hàng. Nhiều đội quân của Pháp nhằm biên giới cắm đầu chạy. Riêng ở Cao Bằng và Bắc Cạn, một vài đội quân của Pháp định thống nhất hành động với Quân Giải Phóng Việt Nam chống Nhật. Ở Bắc Cạn, họ đã cùng ta tổ chức “Ủy ban Pháp- Việt chống Nhật”. Nhưng không bao lâu họ cũng bỏ ta chạy sang Trung Quốc. Có thể nói là quân Pháp ở Đông Dương đã không kháng chiến và công cuộc kháng chiến ở Đông Dương là công cuộc duy nhất của nhân dân ta. […]

(Trường Chinh, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, tập I, NXB Sự thật, 1976)

? Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng trong từng ngữ liệu ?

- Phong cách ngôn ngữ chính luận có mấy đặc trưng cơ bản ? Đó là những đặc trưng nào ?

* Ba đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận thể hiện tính chất trung gian giữa ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ khoa học. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến các phong cách ngôn ngữ khác và góp phần vào sự phát triểncủa Tiếng Việt.

Hoạt động 3. Hoạt động thực hành

- GV gọi HS trình bày bài tập đã làm ở nhà.

- Các em còn lại nghe, nhận xét và bổ sung.

Bài tập 1: chỉ ra biện pháp tu từ trong đoạn văn chính luận sau:

Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

(Hồ Chí Minh, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến)

Bài tập 2:

Phân tích đặc điểm về các phương tiện diễn đạt trong đoạn văn thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận sau:

Nay muốn một ngày kia nước Việt Nam được tự do, độc lập thì trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể đã. Mà muốn có đoàn thể thì có chi hay hơn là truyền bá xã hội chủ nghĩa trong dân Việt Nam này.

(Phan Châu Trinh, Về luân lí xã hội ởnước ta)

II. Các phương tiện diễn đạt và đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận.

1. Các phương tiện diễn đạt

a.Về từ ngữ

- Nhận xét:

Ở ngữ liệu trên tác giả sử dụng nhiều từ ngữ chính trị: như Độc lập, đồng bào, bình đẳng, tự do, quyền lợi.

Văn bản chính luận sử dụng ngôn ngữ thông thường nhưng có khá nhiều từ ngữ chính trị: Độc lập, đồng bào, bình đẳng, tự do, quyền lợi, phát xít, thực dân, kháng chiến, thống nhất, công bằng, dân chủ, đa số, thiểu số, …

Nhiều từ ngữ chính trị có nguồn gốc từ văn bản chính luận, nhưng được dùng rộng khắp trong sinh hoạt chính trị nên chúng đã thấm vào lớp từ thông dụng, đến mức người dân dùng quen thuộc, không còn quan niệm đó là từ ngữ lí luận nữa.

Ví dụ: đa số, thiểu số, dân chủ, phát xít, bình đẳng, tự do…

- Vốn từ ngữ thông thường.

- Khá nhiều từ ngữ chínhtrị

b.Về ngữ pháp:

Tìm hiểu ngữ liệu:

Nhận xét:

-Câu văn trong ngữ liệu trên được sắp xếp rất logic, kết cấu chặt chẽ.

+ Tính chặt chẽ trong trật tự câu:

(1) Thời gian: 9-3-1945

(2) Địa điểm: ở Đông Dương

(3) Sự kiện: phát xít Nhật quật thực dân Pháp xuống chân đài chính trị

+ Tính chặt chẽ trong đoạn văn:

(1) Theo thứ tự thời gian khi liệt kê sự kiện

(2) Theo trật tự quy nạp

(3) Theo trật tự logic.

Về ngữ pháp

Câu văn trong văn bản chính luận thường là câu có kết cấu chuẩn mực, gần với những phán đoán logic trong một hệ thống lập luận, câu trước liên kết với câu sau, câu sau nối tiếp câu trước trong một mạch suy luận

Các văn bản chính luận thường dùng những câu phức hợp có những từ ngữ liên kết như: do vậy, bởi thế, cho nên, vì lẽ đó, …;tuy… nhưng; dù…nhưng để phục vụ cho lập luận được chặt chẽ.

Ví dụ: […] đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

- Câu văn có kết cấu chuẩn mực…

- Thường sử dụng những câu có quan hệ từ: do vậy, bởi thế, tuy… nhưng, cho nên…

c. Về biện pháp tu từ:

Tìm hiểu ngữ liệu 1:

Khắp non sông Việt Nam đang bừng dậy một sinh khí mới. Sinh khí ấy đang biểu hiện trên khuôn mặt từng người dân, trong từng thôn bản, ngõ phố, trên trừng cánh đồng, công trường, trong từng viện nghiên cứu, trên các chốt tiền tiêu đầu sóng ngọn gió,…

(Việt Nam đi tới, theo báo Quân Đội nhân dân; số tết 2004)

-Ngôn ngữ chính luận không phải lúc nào cũng mang tính công thức, ước lệ, khô khan. Ngược lại, nó có thể rất sinh động do sử dụng khá nhiều các biện pháp tu từ.

-Tuy vậy việc dùng các biện pháp tu từ chủ giúp cho lí lẽ, lập luận thêm hấp dẫn, vì đích của văn bản chính luận là thuyết phục người đọc, người nghe bằng lí lẽ và lập luận.

Lưu ý: Ở dạng nói (khẩu ngữ), ngôn ngữ chính luận chú trọng đến cách phát âm, người nói phải diễn đạt sao cho khúc chiết, rõ ràng, mạch lạc. Trong trường hợp cần thiết thì ngữ điệu đóng một vai trò quan trọng để thu hút người nghe

Sử dụng khá nhiều biện pháp tu từ, giúp cho việc lập luận thêm hấp dẫn, truyền cảm nhằm tăng sức thuyết phục.

2. Các đặc trưng cơ bản

a. Tính công khai về quan điểm chính trị:

Người nói (viết) thể hiện đường lối, quan điểm, thái độ, chính trị của mình một cách công khai, dứt khoát, không che giấu, úp mở.

b. Tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận:

Phong cách chính luận thể hiện tính chặt chẽ của hệ thống lập luận. Đó là yếu tố làm nên hiệu quả tác động đến lí trí và tình cảm người đọc (nghe).

c. Tính truyền cảm, thuyết phục:

Ngôn ngữ chính luận là công cụ để trình bày, thuyết phục, tạo nên tính hấp dẫn lôi cuốn người đọc (nghe) bằng giọng văn hùng hồn, tha thiết; ngữ điệu truyền cảm.

Ghi nhớ:

Phong cách ngôn ngữ chính luân có 3 đặc trưng cơ bản: tính công khai về quan điểm chính trị; tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận; tính truyền cảm, thuyết phục. Các đặc trưng đó được thể hiện ở những phương tiện diễn đạt nhằm mục đích trình bày ý kiến hoặc bình luận, đánh giá vấn đề theo một quan điểm chính trị nhất định.

III. Luyện tập

Bài tập 1.

Sử dụng các phép tu từ:

- Điệp ngữ kết hợp với điệp cú: Ai có… dùng

- Biện pháp liệt kê: súng, gươm, cuốc, thuổng, gậy, gộc.

- Ngắt đoạn câu kết hợp với các phép tu từ trên để tạo giọng văn dứt khoát, mạnh mẽ.

Bài tập 2

- Về từ ngữ: dùng nhiều thuật ngữ chính trị: đoàn thể, tự do, độc lập, truyền bá xã hội chủ nghĩa.

- Về câu văn: dùng nhiều câu ghép mạch lạc, có quan hệ từ chỉ mục đích, chỉ điều kiện và hệ quả: … muốn… thì… hơn nữa hai câu văn liên kết với nhau.

4. Củng cố

- Các phương tiện diễn đạt và đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận.

5. Dặn dò

-Học bài cũ.

- Soạn : Một số thể loại văn học: Kịch, nghị luận.

******************************