I. Các nhân tố tác động tới tổ chức lãnh thổ nông nghiệp
- Sự phân hoá lãnh thổ nông nghiệp chịu tác động của nhiều nhân tố tự nhiên, kinh tế - xã hội, kĩ thuật, lịch sử…
- Chính sự tác động tổng hợp, đồng thời của các nhân tố này lên các hoạt động nông nghiệp trên các vùng lãnh thổ khác nhau của nước ta đã là cơ sở cho tổ chức lãnh thổ nông nghiệp.
- Sự phân hoá các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tạo ra nền chung cho sự phân hoá lãnh thổ nông nghiệp:
+ ở trung du, miền núi có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các mô hình nông - lâm nghiệp, trồng các cây lâu năm, chăn nuôi gia súc lớn.
+ đồng bằng có thế mạnh trong các cây lương thực, thực phẩm, nói chung là các cây ngắn ngày, nuôi gia cầm, gia súc nhỏ (lợn), nuôi trồng thuỷ sản. Trên nền chung ấy, các nhân tố kinh tế - xã hội, kĩ thuật, lịch sử… có tác động khác nhau.
- Trong điều kiện của nền kinh tế tự cấp, tự túc, sản xuất nhỏ thì sự phân hoá lãnh thổ nông nghiệp bị chi phối chủ yếu bởi các điều kiện tự nhiên. Nhưng khi đã trở thành nền nông nghiệp hàng hoá, thì các nhân tố kinh tế - xã hội tác động rất mạnh, làm cho tổ chức lãnh thổ nông nghiệp chuyển biến.
II. Các vùng nông nghiệp ở nước ta
Ở nước ta hiện nay, tổ chức lãnh thổ nông nghiệp được xác định theo 7 vùng nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Chúng ta có thể so sánh những nét khái quát các vùng này về điều kiện sinh thái nông nghiệp, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ thâm canh, sự chuyên môn hoá sản xuất.
III. Những thay đổi trong tổ chức lãnh thổ nông nghiệp ở nước ta
a) Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp của nước ta trong những năm qua thay đổi theo hai hướng chính
- Tăng cường chuyên môn hoá sản xuất, phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu. Điều này xảy ra đặc biệt mạnh ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là những vùng có nhiều tiềm năng để sản xuất nông nghiệp hàng hoá.
- Đẩy mạnh đa dạng hoá nông nghiệp, đa dạng hoá kinh tế nông thôn. Việc đẩy mạnh đa dạng hoá nông nghiệp cho phép khai thác hợp lí hơn các sự đa dạng, phong phú của điều kiện tự nhiên, sử dụng tốt hơn nguồn lao động, tạo thêm việc làm và nông sản hàng hoá, mặt khác cũng giảm thiểu rủi ro nếu thị trường nông sản có biến động bất lợi. Cũng chính quá trình này đã tăng cường thêm sự phân hoá lãnh thổ nông nghiệp.
b) Kinh tế trang trại có bước phát triển mới, thúc đẩy sản xuất nông - lâm nghiệp và thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá
- Kinh tế trang trại ở nước ta phát triển từ kinh tế hộ gia đình, nhưng từng bước đã đưa nông nghiệp thoát khỏi tình trạng tự cấp, tự túc lên sản xuất hàng hoá
- Năm 2006 cả nước có 113.730 trang trại. Tổng số trang trại của các vùng đến năm 2005 : ĐBSCL (56.582), ĐNB (15.864), DH NTB (10.082), ĐBSH (9.637), TN (9.623), BTB (6.706), TDMNBB (5868).
- Có 6 loại trang trại :
+ Nuôi thuỷ sản nhiều : 30,1%
+ Trồng cây hàng năm : 28,7%
+ Trồng cây lâu năm : 20,1%.
+ Chăn nuôi : 14,7%.
+ Lâm nghiệp : 2,3%.
+ SX Kinh doanh tổng hợp : 4,1%.