I. Ngữ pháp
1. Câu cảm
a. Khái niệm
Câu cảm (câu cảm thán) là câu dùng để bộc lộ cảm xúc (vui mừng, thán phục, đau xót, ngạc nhiên,..) của người nói.
Ví dụ:
Hôm nay, trời đẹp quá!
b. Dấu hiệu
- Trong câu cảm, thường có các từ ngữ: ôi, chào, chà, trời; quá lắm, thật,…
- Khi viết, cuối câu cảm thường có dấu chấm than (!)
Ví dụ:
Cậu quá đáng lắm!
2. Thêm trạng ngữ cho câu
- Trạng ngữ là thành phần phụ của câu xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích,… của sự việc nêu trong câu.
ví dụ:
Bằng giọng nói truyền cảm, cô ấy đã khiến toàn hội trường xúc động.
Trạng ngữ trả lời cho các câu hỏi Khi nào? Ở đâu? Vì sao? Để làm gì?
Ví dụ:
Để bố mẹ vui lòng, anh ấy luôn học tập chăm chỉ.
a. Thêm trạng ngữ chỉ nơi chốn cho câu
- Để làm rõ nơi chốn diễn ra sự việc nêu trong câu, ta thêm trạng ngữ chỉ nơi chốn vào câu.
- Trạng ngữ chỉ nơi chốn trả lời cho câu hỏi Ở đâu?
Ví dụ:
Trên bầu trời, vài cánh én đang bay lượn báo hiệu xuân về.
b. Thêm trạng ngữ chỉ thời gian cho câu
- Để xác định thời gian diễn ra sự việc nêu trong câu, ta có thể thêm vào câu những trạng ngữ chỉ thời gian.
- Trạng ngữ chỉ thời gian trả lời cho các câu hỏi: bao giờ?, khi nào?, mấy giờ?,…
ví dụ:
8 giờ tối, cuộc họp chính thức bắt đầu.
c. Thêm trạng ngữ chỉ nguyên nhân cho câu
- Để giải thích nguyên nhân của sự việc hoặc tình trạng nêu trong câu, ta có thể thêm vào câu những trạng ngữ chỉ nguyên nhân.
- Trạng ngữ chỉ nguyên nhân trả lời cho các câu hỏi: Vì sao?, Nhờ đâu?, Tại đâu?...
Ví dụ:
Vì lười học, Long đã đánh mất danh hiệu học sinh giỏi.
d. Thêm trạng ngữ chỉ mục đích
- Để nói lên mục đích tiến hành sự việc nêu trong câu, ta có thể thêm vào câu những trạng ngữ chỉ mục đích.
- Trạng ngữ chỉ mục đích trả lời cho những câu hỏi: Để làm gì?, Nhằm mục đích gì?, Vì cái
Ví dụ:
Để đạt được mục đích, hắn ta đã không từ thủ đoạn nào.
e. Thêm trạng ngữ chỉ phương tiện
- Trạng ngữ chỉ phương tiện thường mở đầu bằng các từ: bằng, với
- Trạng ngữ chỉ phương tiện thường trả lời cho câu hỏi: Bằng cái gì?, Với cái gì?
Ví dụ:
Bằng sự khéo léo của mình, cô ấy đã hoàn thành sản phẩm một cách xuất sắc.
II. Mở rộng vốn từ
1. Mở rộng vốn từ Du lịch – Thám hiểm
a. Mở rộng vốn từ Du lịch
- Đồ dùng cần cho chuyến du lịch: mũ nón, quần áo, lều trại, giầy thể thao, túi xách, đồ ăn, nước uống, la bàn
- Phương tiện giao thông và những sự vật có liên quan đến phương tiện giao thông: tàu hỏa, ô tô, máy bay, xe buýt, xe máy, xe đạp, xích lô, sân bay, nhà ga, vé xe
- Tổ chức, nhâ viên phục vụ du lịch: Nhà nghỉ, phòng nghỉ, công ty du lịch, tua du lịch
- Địa điểm tham quan, du lịch: phố cổ, bãi biển, hang động, hồ, núi, thác nước, di tích lịch sử, bảo tàng, công viên, khu vui chơi
b. Mở rộng vốn từ Thám hiểm
- Một số đồ dùng cần cho cuộc thám hiểm: la bàn, đèn pin, lều trại, đồ ăn thức uống, bật lửa,…
- Những khó khăn, nguy hiểm cần vượt qua: núi cao, vực sâu, rừng rậm, sa mạc, mưa gió, bão tuyết, cái đói, cái khát, sự cô đơn,…
- Những đức tính cần thiết của người tham gia đoàn thám hiểm: can đảm, nhanh nhẹn, dũng cảm, không ngại khó ngại khổ, ưa mạo hiểm, ham hiểu biết,…
2. Mở rộng vốn từ Lạc quan – Yêu đời
a. Một số từ có chứa từ “lạc”
- Lạc có nghĩa là “vui mừng”: lạc quan, lạc thú
- Lạc có nghĩa là “rớt lại, sai”: lạc hậu, lạc điệu,lạc đề
b. Một số từ có chứa từ “quan”
- Quan có nghĩa là “quan lại”: quan quân
- Quan có nghĩa là “nhìn, xem”: Lạc quan
- Quan có nghĩa là “liên hệ, gắn bó”: quan hệ, quan tâm
c. Một số câu tục ngữ có liên quan:
- Sông có khúc, người có lúc
+ Nghĩa đen: Dòng sông có khúc thẳng, khúc quanh, khúc rộng, khúc hẹp,…. Con người cũng như vậy, có lúc sướng, lúc khổ, lúc vui, lúc buồn.
+ Nghĩa bóng (lời khuyên): Cuộc sống gặp phải những khó khăn vất vả là chuyện thường tình. Không nên vì vậy mà buồn phiền hoặc nản chí.
- Kiến tha lâu cũng đầy tổ
+ Nghĩa đen: Con kiến rất nhỏ bé, mỗi lần chỉ tha được một ít mồi, nhưng tha mãi cũng có ngày đầy tổ.
+ Nghĩa bóng (lời khuyên): Nhiều cái nhỏ dồn lại sẽ thành cái lớn, kiên trì và nhẫn nại thì ắt sẽ thành công.