I. Các bước làm bài văn miêu tả con vật:
- Bước 1: Đọc kĩ đề bài, xác định yêu cầu của đề bài
- Bước 2: Lựa chọn đối tượng miêu tả
- Bước 3: Quan sát đối tượng, chọn lọc các chi tiết
- Bước 4: Xây dựng dàn bài theo một thứ tự hợp lí
- Bước 5: Viết thành bài văn hoàn chỉnh
- Bước 6: Đọc và chỉnh sửa lại các lỗi sai
II. Luyện tập viết mở bài và kết bài cho bài văn miêu tả con vật
1. Luyện tập viết mở bài
Có hai kiểu mở bài:
- Mở bài trực tiếp: Đi thẳng vào việc giới thiệu đối tượng cần miêu tả
- Mở bài gián tiếp: Nhắc tới những sự vật có liên quan sau đó mới đi vào giới thiệu đối tượng cần miêu tả.
2. Luyện tập viết kết bài
Có hai kiểu kết bài:
Kết bài không mở rộng: Bày tỏ tình cảm đối với đối tượng được miêu tả
Kết bài mở rộng: Mở rộng ra những vấn đề khác xoay quanh đối tượng cần miêu tả
III. Dàn bài cho bài văn miêu tả con vật
1. Mở bài: (trực tiếp hay gián tiếp) (3-4 dòng)
Giới thiệu con vật định tả là con gì, một con hay cả bầy (Con vật đang ở đâu? Em thấy con vật này vào lúc nào?)
2. Thân bài:
a. Tả đặc điểm hình dáng bên ngoài của con vật (6-8 dòng) (mỗi đặc điểm 2-3 câu)
- Tả bao quát: vóc dáng, bộ lông hoặc màu da.
- Tả từng bộ phận: đầu (tai, mắt...), thân hình, chân, đuôi.
b. Tả thói quen sinh hoạt và một vài hoạt động chính của con vật: (6-8 dòng) (mỗi hoạt động 2-3 câu)
- Tả một vài biểu hiện về tính nết, thói quen của con vật.
- Tả một số hoạt động chính của con vật: bắt mồi, ăn, kêu (gáy, sủa...)...
- Chú ý kết hợp tả một vài nét về cảnh hoặc người liên quan đến môi trường sống của con vật.
c. Sự săn sóc hoặc quan tâm của em với con vật nuôi
3. Kết luận:
- Nêu ích lợi của con vật và tình cảm của người tả đối với con vật. (kết bài mở rộng hoặc không mở rộng) (3-4 dòng)
- Tình cảm, suy nghĩ của em về con vật