I. Hiểu bài
1. Từ khó
- Độ trì: (phật, tiên,…) cứu giúp và che chở cho người
- Độ lượng: rộng rãi, dễ tha thứ cho người khác
- Đa tình: giàu tình cảm (nghĩa trong bài)
- Đa mang: lo lắng, quan tâm đến nhiều người, nhiều việc(nghĩa trong bài)
2. Ý nghĩa bài học
Ca ngợi kho tàng truyện cổ của đất nước. Đó là những câu chuyện vừa nhân hậu, vừa thông minh, chứa đựng kinh nghiệm sống quý báu của cha ông.
3. Nội dung bài học
Câu 1: Vì sao tác giả yêu truyện cổ nước nhà?
Trả lời:
Tác giả yêu truyện cổ nước nhà là vì:
- Vì truyện cổ nước mình rất nhân hậu, ý nghĩa rất sâu xa
- Vì truyện cổ giúp ta nhận ra những phẩm chất quý báu của cha ông: công bằng, thông minh, độ lượng, đa tình, đa mang,..
- Vì truyện cổ truyền cho đời sau nhiều lời dăn dạy quý báu của cha ông: nhân hậu, ở hiền gặp lành, chăm làm, sống có chính kiến,…
Câu 2: Bài thơ gợi cho em nhớ đến những truyện cổ nào?
Trả lời:
Bài thơ gợi cho em nhớ đến chuyện cổ tích nào:
- Tấm Cám (Thị thơm thì giấu người thơm/Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà)
- Đẽo cày giữa đường (Đẽo cày theo ý người ta/Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì)
Câu 3: Tìm thêm những truyện cổ khác thể hiện lòng nhân hậu của người Việt Nam ta
Trả lời:
Những truyện cổ thể hiện lòng nhân hậu của người Việt Nam ta đó là:
- Sự tích hồ Ba Bể (tình yêu thương, lòng nhân hậu, giúp đỡ những người khốn khổ, gặp khó khăn xung quanh mình)
- Trầu cau (tình cảm gia đình, tình yêu thương gắn bó của vợ - chồng, anh em trong nhà)
- Nàng tiên Ốc (tấm lòng yêu thương, thương xót vạn vận quanh ta, sống vị tha nhân hậu)
Riêng truyện Dế Mèn bênh vực kẻ yếu không được lựa chọn vào nhóm này vì nó là truyện hiện đại, của tác giả Tô Hoài, không được xếp vào loại truyện cổ
Câu 4: Em hiểu ý hai dòng thơ cuối bài như thế nào?
Trả lời:
Ý nghĩa của hai câu thơ cuối bài:
Tôi nghe truyện cổ thầm thì
Lời ông cha dạy cũng vì đời sau
Truyện cổ chính là những lời răn dạy của cha ông đối với đời sau. Qua những câu chuyện cổ, cha ông dạy con cháu cần sống nhân hậu, độ lượng, công bằng,….
II. Hướng dẫn đọc diễn cảm
Đọc lưu loát toàn bài, ngắt nghỉ hơi đúng, phù hợp với âm điệu, vần nhịp của từng câu thơ lục bát. Đọc bài với giọng tự hào, trầm lắng.