Kể chuyện về người có tài – Kể chuyện về người có khả năng hoặc sức khỏe đặc biệt

I. Kể chuyện đã nghe, đã đọc về người có tài

1. Một số bài học về tài năng của con người

- Các nhà khoa học có tài: Ác-si-mét, Lê Quý Đôn, Ê-đi-xơn, Lương Định Của

- Các văn nghệ sĩ có tài: Cao Bá Quát, Pu-skin, Vương Hi Chi

- Các vận động viên có tài: Nguyễn Thúy Hiền, Lê Công Vinh

2. Dàn bài chung

- Giới thiệu câu chuyện: tên truyện, kể về ai, kể về tài năng gì đặc biệt

- Kể diễn biến câu chuyện: chú ý nhấn mạnh những tình tiết nói lên tài năng, trí tuệ của nhân vật đang được kể đến

- Kết thúc câu chuyện: đánh giá chung về nhân vật và bày tỏ cảm xúc

 

II. Kể chuyện được chứng kiến hoặc được tham gia về người có khả năng hoặc sức khỏe đặc biệt

1. Thế nào là người có khả năng hoặc sức khỏe đặc biệt?

Người có khả năng hoặc sức khỏe đặc biệt là những người:

- Học toán, làm thơ, kể chuyện giỏi

- Hát, múa, chơi đàn, vẽ tranh giỏi

- Chơi thể thao (bóng bàn, cờ vua, võ thuật,…) giỏi

- Làm được những việc mà người có sức khỏe bình thường không làm được (diễn viên xiếc nâng được hai, ba người trên tay; người gánh lúa gánh được 100 ki-lô-gam; lực sĩ dùng tay kéo được cả chiếc xe ô tô,…)

2. Tìm kiếm những đối tượng này ở đâu

Có thể tìm những người có khả năng hoặc sức khỏe đặc biệt ở:

- Tìm  trong bạn bè xung quanh mình. Những bạn học giỏi, múa hát hay hoặc chơi thể thao giỏi

- Tìm quanh nơi em đang sinh sống (làng xóm, phố phường). Có thể là những cô chú khéo tay, nhiều sáng kiến, có sức khỏe đặc biệt, chơi đàn, chơi đá bóng giỏi hoặc đạt nhiều thành tích đáng nể trong học tập hoặc lao động

- Nhớ lại những người có khả năng hoặc có sức khỏe đặc biệt mà em đã gặp khi xem thi đấu thể thao, biểu diễn xiếc hay văn nghệ,…

3. Dàn bài chung

- Câu chuyện bắt đầu như thế nào? (câu chuyện kể về ai, người đó có khả năng hay sức khỏe đặc biệt như thế nào?)

- Diễn biến chính của câu chuyện (kể những sự việc bộc lộ khả năng hoặc sức khỏe đặc biệt của người đó)

- Kết thúc của câu chuyện (nhận xét về nhân vật trong truyện, em học tập được gì ở họ)

Câu hỏi trong bài
Câu 2:

Đọc câu chuyện về một người có khả năng hoặc sức khỏe đặc biệt sau đây và cho biết khả năng đặc biệt của nhân vật trong câu chuyện này là gì?

             Câu chuyện tôi kể cho các bạn nghe là một câu chuyện có thật, chính mắt tôi nhìn thấy. Câu chuyện nói về khả năng đặc biệt của con người. Đó chính là anh Bùi Văn Đông ở xã Hồng Giang, huyện Long Giang, tỉnh Bắc Giang.

           Cũng như bao người dân khác ở trong xã, nhìn bề ngoài của anh trông không có một điểm gì đặc biệt. Thế nhưng anh lại có hàm răng rất khoẻ. Biệt tài của anh là có thể nhai nát bát đĩa, chén cốc bằng sành sứ. Trong khoảng thời gian ngắn, anh có thể nhai liền mấy cái đĩa và chén cốc. Khó tin phải không các bạn, bởi bình thường chúng ta ăn cơm, chẳng may nhai phải hạt sạn, ta cảm thấy đau răng và rợn người. Thế mà anh Đông lại nhai nát vụn sành sứ thì quả là một người tài giỏi.

        Việc ăn sành sứ chỉ là một trong những biệt tài của anh. Anh còn dùng hàm răng chắc khoẻ của mình mở nắp 35 chai bia liền một lúc trong vòng 42, 43 giây trước sự chứng kiến đông đảo của bà con. Hôm đó, dân làng rất vui vì không những được chứng kiến tài năng của anh, mà sau đó họ còn được hả hê uống những chai bia do hàm răng của anh mở nắp. Thế nhưng chưa hết ngạc nhiên này họ lại chứng kiến ngạc nhiên khác. Đó là việc anh Bùi Văn Đông dùng hàm răng chắc khoẻ của mình đế nhấc bổng một chiếc xe đạp nặng 10kg và đi một đoạn đường dài là 67,2 mét.

            Chứng kiến khả năng đặc biệt của anh Đông tôi mới càng thêm thấu hiểu về khả năng và năng lực vô hạn của con người. Cũng thêm phần tự hào vì mình cũng là một người con ở mảnh đất Bắc Giang thân yêu giống như anh.

 

Câu 3:

Đọc câu chuyện kể chuyện về một người có khả năng hoặc sức khỏe đặc biệt mà em biết (người đó là bạn của em) và cho biết khả năng hoặc sức khoẻ đặc biệt của người đó là gì?

            Ở lớp học của em có một bạn nữ nổi tiếng nhỏ nhắn, xinh xắn được rất nhiều bạn yêu quý, đó là Mỹ Uyên. Nhìn vóc người nhỏ nhắn ấy chắc ít người biết Mỹ Uyên là cao thủ Karate, lớp chúng em đều yêu mến và đặt cho bạn biệt danh là “nhỏ mà có võ”.       

            Gia đình Uyên là một gia đình công chức bình thường, bố bạn là cán bộ công tác tại xã, mẹ Uyên là giáo viên. Uyên từng kể hồi nhỏ bạn sinh ra rất nhẹ cân, thân thể lại yếu ớt.Bởi vì muốn rèn luyện cho con gái có một sức khỏe ổn định và cải thiện về thể chất nên đã cho con đi học võ. Cô bé ngày nào chập chững non nớt theo thầy tập từng động tác giờ đây đã có thể vững vàng đại diện cho địa phương tham gia nhiều giải đấu danh tiếng và đạt được những thành tích đáng nể.

            Bình thường tới lớp, Mỹ Uyên cũng như bao bạn nhỏ khác chăm chỉ học tập, nghe lời thầy cô giáo giảng bài. Trở về nhà, chiều nào bạn cũng tới câu lạc bộ võ thuật để luyện tập. Mỹ Uyên kể sáng nào cũng vậy, bất kể ngày nắng hay ngày mưa bạn đều chăm chỉ dậy sớm để luyện tập. Ngày ngày trau dồi các kĩ năng, các thế đánh khiến bạn ngày càng thành thục hơn rất nhiều. Đối với một cô bé với thể chất yếu ớt, từ những ngày đầu Mỹ Uyên luôn bị thầy trách mắng và mặc cảm vì không theo kịp các bạn trong lớp võ. Nhưng Mỹ Uyên chưa bao giờ bỏ cuộc, càng như vậy em càng cố gắng nhiều hơn nữa. Tới nay, dù chỉ mới 9 tuổi nhưng Mỹ Uyên đã có thể phụ thầy hướng dẫn cho các bạn nhỏ mới chập chững tham gia lớp.

            Mỗi lần Mỹ Uyên tham gia thi đấu, lớp em đều tổ chức các đội cổ vũ đi theo để động viên tinh thần của bạn. Nhìn thấy cô gái nhỏ nhắn trên sân đấu thực hiện những động tác thoăn thoắn, dứt khoát, ánh mắt cương quyết và có hồn khiến chúng em ai cũng cảm phục bạn. Giỏi võ là vậy nhưng Mỹ Uyên chưa bao giờ sử dụng lợi thế của mình để bắt nạt các bạn học khác, bạn thường vui vẻ dạy các bạn nữ các tư thế tự vệ cũng như kể rất nhiều câu chuyện thú vị về tinh thần thượng võ.

            Em rất tự hào vì là một người bạn cùng lớp với Uyên.Nhìn gương cô bạn vừa giỏi vừa có tài em tự nhủ cũng phải cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập và cả trong cuộc sống để trau dồi bản thân mình cũng là để ba mẹ, thầy cô luôn tự hào về em.

Câu 5:

Đọc câu chuyện về Bill Gates sau đây và cho biết những yếu tố nào để Bill Gates trở nên thành công?

            Em từng đọc được một bài báo rất thú vị nói về Bill Gates – người sáng lập ra tập toàn Microsoft nổi tiếng thế giới. Tài năng cùng những cống hiến vĩ đại của ông cho nhân loại khiến em đọc xong vẫn còn nhớ như in những câu chuyện trong đó.

            Bill Gates là doanh nhân nổi tiếng người Mỹ, người đi tiên phong trong lĩnh vực phần mềm máy vi tính. Ông đã sáng lập ra tập đoàn Microsoft, công ty phần mềm lớn nhất thế giới với hệ điều hành MS DOS và phần mềm Windows. Nhờ hệ điều hành này, loài người có những bước tiến bộ đột phá về máy tính giúp ích cho nghiên cứu, thám hiểm, y học rất nhiều. Bố mẹ Bill Gates đều là những người trí thức, tài giỏi. Thuở bé, Bill Gates đã nổi tiếng thông minh xuất chúng. Khi mới bảy tuổi, cậu bé Bill Gates đã thích đọc sách về khoa học công nghệ. Cuốn “Bách khoa tri thức thế giới" là một trong những cuốn sách mà lúc nhỏ Bill Gates yêu thích. Một lần, Bill Gates phát hiện máy vi tính ở phòng máy, từ đó, cậu bắt đầu suy nghĩ về vật hình khối ấy. Thay vì gõ phím để máy thực hiện các điều mình muốn tìm biết, Bill Gates ưu tư về nguyên tắc làm việc của máy tính, cậu luôn suy nghĩ: vì sao máy tính có tốc độ làm việc nhanh như vậy. Tự mình suy nghĩ và nghiên cứu, cậu đắm mình trong phòng máy hàng giờ, hàng ngày. Bill Gates tìm kiếm tài liệu có liên quan đến máy tính, phân tích và sáng tạo. Chẳng bao lâu, Bill Gates trở thành một chuyên gia về máy tính. Vừa sáng tạo vừa kinh doanh, Bill Gates là “người khổng lồ” trong lĩnh vực công nghệ phần mềm máy tính trên thế giới.

          Ngày nay chúng em có thể gõ phím máy tính để sử dụng chức năng tìm kiếm của nó trên mọi lĩnh vực. Biết sử dụng máy vi tính một cách tích cực, em có thể tự học, tự rèn rất nhiều. Giải trí bằng các chương trình trò chơi trên máy vi tính có nhiều lợi ích nếu chúng em biết tự chủ học hỏi thay vì say mê quên học. Em hết sức biết ơn ông Bill Gates đã sáng lập ra công ty phần mềm hữu dụng như thế. Em sẽ cố gắng học tin học thật giỏi để có thể trở thành kĩ sư công nghệ phần mềm sau này.

Câu 6:

Đọc câu chuyện về Trạng Lường Lương Thế Vinh dưới đây, sau đó hãy cho biết những sự việc nào cho thấy Lương Thế Vinh là người có tài?

           Một trong những Trạng Nguyên giỏi nhất nước ta thời trước là ông Lương Thế Vinh. Ông nổi danh là một nhà khoa học, nhà toán học tài ba, lỗi lạc của đất nước ta.

             Lương Thế Vinh sinh năm 1442 tại Nam Định. Ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, sắc sảo, được xem là thần đồng, học đâu nhớ đấy. Thuở nhỏ, gia đình Lương Thế Vinh nghèo, nhà ông làm nghề nông, không đủ ăn nên cha mẹ ông phải vay nợ phú ông. Ngày nọ, phú ông đến nhà Lương Thế Vinh đòi nợ. Cha mẹ Vinh đi vắng cả, chỉ có Vinh đang chơi nặn đất với bạn. Phú ông hỏi:

- Bố mẹ mày đi đâu?

Lương Thế Vinh cười trả lời:

- Bố tôi đi giết người sống, mẹ tôi đi cứu người chết.

Phú ông giật mình, gặng hỏi nhưng Lương Thế Vinh không đáp. Tò mò thôi thúc, phú ông hứa:    

- Nếu mày nói thật, ta sẽ xóa hết nợ cho!

Vinh rất khôn ngoan, Vinh nói:

- Nếu vậy phải có bằng cớ. Xin ông hãy ghi dấu vân tay vào cái bát đất này.

Phú ông làm theo, Vinh trả lời:

- Bố tôi đi nhổ mạ, mẹ tôi đi cấy lúa.

          Mấy hôm sau, phú ông lại đến đòi nợ. Vinh đem cái bát đất ra đối chứng, dấu vân tay vẫn còn nguyên vẹn, phú ông đành than thở và khen ngợi:

- Ngươi còn bé thế này mà đã có cơ mưu như vậy, ngày sau tất làm nên bậc danh thần.

              Có lần, một gã khách buôn phương Bắc sang nước ta tìm bắt những đứa trẻ thông minh mang về nước. Trên đường đi, thấy một đám trẻ đang chơi đùa, gã bèn đào một cái hố sâu, bỏ trái bưởi xuống đó rồi thách lũ trẻ vớt lên mà không dùng que. Lương Thế Vinh đứng lẫn trong đám trẻ. Cậu nói nhỏ với người bạn bên cạnh: “Mau lấy nước đổ vào hố, quả bưởi sẽ tự nổi lên!” Lũ trẻ hò nhau làm theo. Nước dềnh lên cao, quả bưởi theo đó nổi lên, lũ trẻ dễ dàng vớt được. Lão khách buôn lấy tiền thưởng cho lũ trẻ và gặng hỏi: “Kế này ai bày cho chúng mày?” Lũ trẻ thực thà kể chuyện là có một đứa bày kế và đã đi lâu rồi. Lão lái buôn chưng hửng, đành bỏ đi.

           Năm hai mươi hai tuổi, ông thi đỗ Trạng Nguyên, nên còn có tên gọi là Trạng Lường. Lương Thế Vinh là quan đại thần của triều đình, rất giỏi về nho học và là người không ngừng học tập trong thực tế. Ông thường về nơi có tranh chấp ruộng đất, đo đạc đất đai, vẽ và tính toán cụ thể, giúp nông dân hòa giải việc mâu thuẫn. Thực nghiệm vất vả, ông đã tìm ra các quy tắc tính toán diện tích các thửa ruộng có hình dạng khác nhau. Ông tìm ra cách tính ẩn số, bình phương khai phương... và viết thành cuốn Đại thành toán pháp.

           Có lần Chu Hy, một tiến sĩ đại khoa của nhà Minh, được cử sang làm sứ thần ở nước ta. Chu Hy nghe tiếng Lương Thế Vinh đã lâu, nay muốn thử tài Trạng nguyên Đại Việt. Hy hỏi quan Trạng Đại Việt rất nhiều điều trong sử sách. Trạng đối đáp đâu ra đấy, nên sứ thần lấy làm nể phụ lắm. Một hôm, sứ thần mời Trạng đi chơi, ra ngoài thành thấy một đám lính đang cho con vui ngự của vua ăn mía. Sứ thần cười nói: “Nghe nói ngài là bậc kì tài nước Việt, vậy xin ngài cho biết con voi này nặng bao nhiêu cân?” Trạng cười và trả lời: “Ngày mai, xin mời ngài ra đây xem tôi cân voi.”

                 Sáng hôm sau, Trạng dẫn sứ nhà Minh ra một cái ao có thả nổi một bè nứa. Voi được dắt xuống bè, nước dâng lên. Quan Trạng sai người đánh dấu mớm nước. Rồi ông cho lính vác đá hộc bỏ xuống bè, khi thấy mớm nước bằng với vạch đã đánh dấu thì dừng không thêm đá nữa. Sau cùng ông cho cân tất thảy số đá đó lên… Vậy là ra trọng lượng của con voi. Sứ thần Chu Hy hết sức thán phục: “Quan Trạng Đại Việt thật là giỏi! Xin bái phục, bái phục!”

               Thời Lương Thế Vinh, các công cụ tính toán còn rất thô sơ. Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, Lương Thế Vinh sáng chế ra một công cụ tính toán lợi hơn. Đó chính là bàn tính gẩy – chiếc bàn tính đầu tiên của Việt Nam. Lúc đầu ông nặn những hòn bi bằng đất có khoan lỗ ở giữa, xâu vào một cái đũi, các xâu buộc cạnh nhau thành một bàn tính. Về sau, ông thay những “viên tính” bằng đất thành những đốt trúc ngắn, rồi bằng những mẩu gỗ sơn màu khác nhau để dễ tính, dễ nhớ.

               Lương Thế Vinh giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, ông không chỉ đóng góp cho Toán học mà đối với văn học – nghệ thuật ông cũng có những công trình nghiên cứu khiến người đời sau phải ngả mũ. Ông không ham công danh phú quý, tính tình cương trực, thẳng thắn, hóm hỉnh, khôi hài. Khi về già, ông sống bình dị ở quê hương. Lịch sử ghi nhận ông là nhà văn, nhà toán học, nhà nghiên cứu Phật học, nhà giáo tận tụy, trang nghiêm của sĩ tử và nhân dân.

            Lương Thế Vinh chẳng những là một Trạng Nguyên tài giỏi mà còn là một nhân tài kiệt xuất, hết lòng vì dân, vì nước. Em rất tự hào được học tập trong ngôi trường mang tên ông.