Kể chuyện về một người có nghị lực – Kể chuyện thể hiện tinh thần kiên trì vượt khó

I. Kể chuyện đã nghe, đã đọc về một người có nghị lực

1. Gợi ý

- Trong cách mạng và chiến đấu: Bác Hồ bất chấp khó khăn nguy hiểm để ra đi tìm đường cứu nước (Hai bàn tay)

- Trong lao động: Bạch Thái Bưởi nỗ lực vươn lên để trở thành “vua tàu thủy” (“vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi)

- Trong học tập: Nguyễn Ngọc Ký (Đôi chân kì diệu); Nguyễn Hiền (Ông Trạng thả diều),...

- Trong lĩnh vực khác: Ngu Công (Ngu Công dời núi),...

2. Dàn bài

- Giới thiệu câu chuyện

+ Nêu tên câu chuyện

+ Giới thiệu các nhân vật trong truyện

- Kể chuyện:

+ Mở đầu câu chuyện

+ Diễn biến câu chuyện(kể chuyện theo một thứ tự hợp lí)

+ Kết thúc câu chuyện

II. Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia thể hiện tinh thần kiên trì vượt khó

1. Gợi ý

- Tìm mọi cách để giải bài toán khó

- Luyện tập để viết chữ đẹp

- Vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học tập hoặc rèn luyện

- Nhà nghèo, phải làm việc giúp đỡ ra đình nhưng vẫn học tốt

- Có bệnh tật nhưng vẫn học tốt hoặc rèn luyện thành vận động viên thể thao, thành thợ giỏi

2. Dàn ý

+ Mở đầu câu chuyện: Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện

+ Diễn biến câu chuyện: Trình bày hoàn cảnh khó khăn mà nhân vật gặp phải và lòng kiên trì vượt khó của nhân vật

+ Kết thúc câu chuyện: Nêu kết quả mà nhân vật đạt được hoặc nêu nhận xét về nhân vật, về ý nghĩa câu chuyện

Câu hỏi trong bài
Câu 3:

Đọc truyện Ông Trạng Nồi và cho biết nghị lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn của Trạng Nồi được thể hiện ở điểm nào?

ÔNG TRẠNG NỒI

          Thuở xưa, có một chàng trai nhà nghèo lắm, hằng ngày phải đi kiếm củi lấy tiền ăn học. Chàng rất thông minh và ham học.

          Năm ấy, nhà vua sắp mở khoa thi kén chọn nhân tài. Chàng học trò nghèo kia ngày đêm miệt mài đèn sách , nhiều bữa quên ăn. Thường đến bữa cơm, chàng đợi nhà bên cạnh vừa ăn xong, là chạy sang muợn nồi ngay. Lần nào chàng cũng cọ sạch bóng nồi trước khi đem trả.

        Ngày thi đến. Chàng ung dung đến trường thi. Ngày yết bản, tên chàng được xếp đầu bản vàng, chàng đỗ Trạng Nguyên. Nhà vua mở tiệc ban thưởng cho quan trạng và các vị đỗ đạt . Tiệc xong, nhà vua vời quan trạng đến phán hỏi:
– Nay nhà ngươi đã đỗ Trạng Nguyên, tiếng tăm lừng lẫy, ta muốn giữ lại đây để phò vua giúp nước . Trước khi nhà ngươi nhận việc, ta cho phép về tạ ơn tổ tiên, thăm làng xóm họ hàng. Ta muốn ban thưởng cho nhà ngươi một số vật báu, cho phép nhà ngươi chọn lấy.
         Nhà vua và các quan rất đổi ngạc nhiên khi quan trạng tâu lên:
– Tâu bệ hạ ! Thần chỉ xin bệ hạ một chiếc nồi nhỏ .
         Hôm sau, quan trạng lên đường về thăm quê mang theo chiếc nồi nhỏ đúc bằng vàng nhà vua ban 

          Tin người học trò nghèo đỗ Trạng Nguyên bay về làng làm nức lòng mọi người. Dân làng treo cờ, kết hoa, nổi chiêng trống đón quan trạng về thăm quê hương và lễ tổ.
         Về đến đầu làng, quan trạng xuống kiệu, chào hỏi, cám ơn dân làng, rồi tay cầm chiếc nồi đi thẳng đến nhà ông hàng xóm trước kia. Dân làng lũ lượt đi theo. Thấy quan trạng đến, chủ nhà vội vàng ra chào đón. Quan trạng nói :
– Thưa ông, tôi xin biếu ông chiếc nồi vàng nhà vua ban cho tôi để tạ ơn ông. Nhờ ông có lòng giúp đỡ, tôi mới được như ngày nay.
        Vợ chồng ông hàng xóm nghe quan trạng nói vừa mừng vừa bối rối, nghĩ thầm: ” Cho mượn nồi thì có gì mà quan trạng phải trả ơn to đến thế !” Dân làng cũng nghĩ như vậy. Như đoán biết ý nghĩ mọi người, quan trạng mĩm cười, thong thả nói:
– Hồi đó vì nghèo, trong thời gian ôn thi, tôi không có thì giờ đi kiếm gạo, nên đã cố tình mượn nồi của ông chủ đây để ăn vét cơm cháy trong mấy tháng trời. Nay đỗ đạt rồi, tôi có chút quà mọn trả ơn ông chủ như thế này đã bõ gì !

          Chủ nhà và dân làng nghe nói, rất xúc động và cảm phục gương hiếu học và lòng biết ơn của quan trạng.

          Ông Trạng Nguyên trẻ tuổi ấy chính là Tô Tịch , một người nổi tiếng thời trước của nước ta.

Câu 4:

Con hãy đọc câu chuyện sau vào cho biết những biểu hiện nào cho thấy Nam là người có tinh thần kiên trì vượt khó?

              Nam là một học sinh trường miền núi. Đầu học kì hai lớp bốn, cậu đạt điểm tuyển vào đội tuyển học sinh giỏi và được triệu tập học tập trung tại lớp bồi dưỡng của huyện để chuẩn bị kì thi học sinh giỏi tỉnh: Khó khăn mà Nam vượt qua không phải là nhỏ.

              Nhà Nam rất nghèo. Mờ sáng, ba mẹ cậu đã vác cuốc lên rẫy, tối mịt mới về. Nam học buổi sáng theo chương trình bình thường ở trường Tiểu học miền núi. Buổi chiều Nam học lớp bồi dưỡng của huyện. Huyện cách nhà Nam hai mươi mốt ki-lô-mét. Không một ai đưa đón cậu vì nhà cậu không có phương tiện, xe cộ gì cả. May thay, có một tuyến xe bus từ xã cậu ở về huyện, mỗi ngày xe chỉ chạy bốn chuyến. Thế là vượt qua tất cả trở ngại vì thiếu thốn mọi phương tiện, Nam học xong chương trình ở trường, cậu về nhà ăn nhanh bữa cơm trưa rồi chạy vội ra bến xe bus. Một giờ trưa, cậu đã có mặt tại lớp học. Cậu phải đến sớm như vậy vì không có chuyến xe nào khác cả. Thời gian chờ đến giờ học, cậu ngồi ôn bài. Buổi học kết thúc, Nam vội vã chạy ra bến xe bus. Cậu trở về nhà bằng chuyến xe lúc mười bảy giờ của phố huyện.                        

              Không chỉ khó khăn về mặt xe cộ. Nam còn thiếu thốn rất nhiều thứ: sách vở, giấy bút... Nam tiết kiệm và tận dụng từng mảnh giấy, dù chỉ bé bằng bàn tay. Lớp học bồi dưỡng của huyện kéo dài hơn hai tháng. Nam đã có kết quả kì thi tỉnh của cậu: Nam đạt giải ba học sinh giỏi tỉnh. Tinh thần vượt khó và thành tích của Nam trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy thật đáng khâm phục.

                Tổng kết năm học, bạn Hồ Kì Nam, học sinh trường Tiểu học miền núi huyện em nhận hai phần thưởng: phần thưởng học sinh giỏi ở lớp và phần thưởng học sinh giỏi tỉnh. Cậu nhận được học bổng một năm do một công ty ở quê em tài trợ. Nam là tấm gương sáng cho tất cả học sinh chúng em noi theo. Buổi phát thưởng được tổ chức long trọng tại hội trường Ban giáo dục huyện. Ra về, em vẫn nhớ mãi khuôn mặt rám nắng, vầng trán cao và đôi mắt sáng của Nam rạng rỡ trong cờ, sao, hoa, bằng khen và đèn màu lễ đài.