I. Nghe – viết: Ai đã nghĩ ra các chữ số 1, 2, 3, 4,…?
Ai đã nghĩ ra các chữ số 1, 2, 3, 4,…?
Người ta gọi các chữ số 1, 2, 3, 4,…. là chữ số A-rập vì cho rằng chúng do người A-rập nghĩ ra. Sự thực thì không phải như vậy.
Vào năm 750, một nhà thiên văn học Ấn Độ đã đến thăm Bát-đa. Ông mang theo một bảng thiên văn do người Ấn Độ làm ra để dâng tặng quốc vương đang trị vì. Các chữ số Ấn Độ 1, 2, 3, 4,… dùng trong bảng đó đã được người A-rập nhanh chóng tiếp thu và về sau được truyền bá rộng rãi.
II. Phân biệt tr/ch; êt/êch
1. Phân biệt tr/ch
- Một số từ có chứa phụ âm đầu tr: trong trắng, trẻ trung, trí nhớ, trưng bày, trợ giúp, trao tặng, đánh tráo, quả trứng,…
- Một số từ có chứa phụ âm đầu ch: chung thuỷ, chong chóng, ý chí, chưng cất, cái chợ, bát cháo, chứng minh,….
2. Phân biệt êt/êch
- Một số từ có chứa vần êt: lê lết, mệt mỏi, thêu dệt, y hệt, nết na, chết chóc, liên kết, con rết, mê mệt, chấm hết,…
- Một số từ có chứa vần êch: con ếch, chênh lệch, trắng bệch, nhếch nhác, kệch cỡm, ….